Đại học Hoa Sen

Văn hoá và Phát Triển

Ths Bùi Nguyên Hãn

                 Bộ môn Triết học, Khoa KHXH, Đại học Hoa Sen

  1. Văn hoá là nền tảng cho sự phát triển

      Văn hoá và phát triển là một vấn đề phức tạp vô cùng rộng trên bình diện tư tưởng, trong các hoạt động thực tiễn không dành riêng cho chủ thể nào mà là để chỉ sự tồn tại và phát triển chung. Trong sự phát triển luôn nằm lòng các giá trị văn hóa.

      Phát triển kinh tế mãi luôn là động lực thúc đẩy các nhân tố khác của xã hội như văn hoá, giáo dục, y tế có những tiến bộ. Ở đây kinh tế được xem là nhân tố quan trọng cho sự tăng trưởng. Sự tăng trưởng này không từ trên trời rơi xuống. Nó là thành quả lao động của rất nhiều các thế hệ, cội nguồn này nhất định phải bắt đầu từ những cuộc cách mạng trong khoa học. Trong khi đó khoa học lại được xem là một trong ba thành tố cơ bản của văn hoá (triết học, khoa học, tôn giáo). Như vậy cho thấy văn hoá và kinh tế có mối quan hệ khá mật thiết trong tiến trình phát triển.

    Trong sự phát triển nhanh chóng trên tất cả các mặt của đời sống xã hội ở các khía cạnh khác nhau đã nảy ra sự đối lập giữa văn hoá và phát triển đã gây ra cản trở để đưa đến sự xung đột giữa các cộng đồng, xung đột sắc tộc- tôn giáo khi ở một số quốc gia phát triển với tham vọng bá quyền trên cơ sở của chủ nghĩa toàn trị lẫn chủ nghĩa tự do đã đưa ra mô hình của sự áp đặt cho các quốc gia khác mà không hề phù hợp với các điều kiện thực tiễn lẫn thuần phong mỹ tục của đất nước đó.

Chiếc Lexus Và Cây Ô Liu - Thomas L. Friedman

    Thomas L. Friedman – một nhà báo Mỹ, làm việc cho tờ thời báo New York Times khi viết về toàn cầu hoá đã sử dụng một hình ảnh rất hay đó là chiếc Lexus và Cây Ôliu để chỉ sự bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống và sự phát triển như một quy luật tất yếu. Toàn cầu hoá là một xu thế tiến lên của thị trường tự do trong thế giới tự do mậu dịch liệu có san bằng cái cây Ôliu biểu trưng cho giá trị văn hoá truyền thống hay không. Các giá trị truyền thống vốn có sự thích ứng chậm chạp sẽ tồn tại như thế nào là một câu hỏi lớn không dễ gì có ngay những giải pháp. Nếu chậm trễ thì ngày càng ở lại phía sau, mà gấp rút hội nhập trong khi chưa hội đủ điều kiện thì sẽ trở thành sân sau. Bản sắc của dân tộc, con người xứ sở mình sẽ như thế nào trên bản đồ thế giới khi người ta nhìn vào.

Globalisation - Development & globalisation

   Làn sóng của toàn cầu hoá lan toả nhanh đến nỗi người ta còn bàng hoàng khi nó đã tiến đến khắp nơi, với những ưu điểm và hạn chế thì các học giả, các nhà hoạch định chính sách lẫn các giới chức cầm quyền sẽ đưa ra các biện pháp và chương trình hành động. Nhưng điều mà chúng ta quan tâm là văn hoá và toàn cầu hoá- đại diện tiêu biểu cho sự phát triển sẽ chung sống như thế nào trong cùng một ngôi nhà lớn- thế giới hiện đại. Một số học giả dùng khái niệm hậu hiện đại- ở đây chúng tôi chỉ xét đến khái niệm hiện đại mà thôi, vì thực sự rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nơi các cộng đồng dân cư sinh sống vẫn chưa thực sự đạt đến khái niệm hiện đại- một khái niệm để chỉ sự phát triển của xã hội.

   Văn hoá được xem là một đại diện tiêu biểu cho những giá trị truyền thống với những đặc trưng trong sinh hoạt cộng đồng không phải tự nó đủ sức để chuyển tải cho chúng ta sự tự do, sáng tạo bởi nhu cầu của con người là vô tận. Nhưng nếu không có văn hoá thì chúng ta vẫn chưa thực sự là một con người theo đúng nghĩa của nó. Ở đâu đó văn hoá nếu được cổ xuý một cách cực đoan thái quá, chỉ chú trọng đến giá trị của mình mà bài trừ sự tiếp nhận các loại hình văn hoá khác cũng sẽ tự cô lập và khuôn vào hình mẫu cứng nhắc. Thói cực đoan tạo nên cách nhìn nhận kỳ thị xem dân tộc khác là chậm tiến, là man di cần được khai hoá như thời kỳ thực dân đi xâm lược để biến nơi đó thành thuộc địa điều này không chỉ diễn ra trong quá khứ mà ngay cả ở thời điểm của thế kỷ XX và sang đến thế kỷ XXI vẫn cứ diễn ra cách thức áp đặt để đưa đến sự thôn tính, tạo ảnh hưởng rất khốc liệt như diễn ra trong thế chiến thứ II đã minh chứng điều đó, hay thảm hoạ diệt chủng đang diễn ra ở Phi châu, xung đột ở Trung Đông; dẫu vẫn biết rằng đằng sau đó vẫn cứ là các lợi ích kinh tế nhưng ngọn nguồn văn hoá vẫn cứ phải được tính đến.

   Cũng không thể hoàn toàn quy chụp vào kinh tế và các lợi ích kinh tế, bởi chúng ta sẽ giải thích và hiểu như thế nào về sự xung đột sắc tộc, tôn giáo ở ngay trong một cộng đồng, một đất nước vẫn diễn ra thường nhật.

   Nhưng cũng có một vấn nạn đặt ra nữa là tại sao toàn cầu hoá mang lại lợi ích rất to lớn không chỉ cho riêng một quốc gia, cộng đồng nào mà ở đây là toàn cầu nếu biết tận dụng và phát huy cũng như nắm lấy thời cơ. Giá trị, lợi ích là biểu tượng cho sự phát triển của xu thế này nhưng sự chống đối cũng không ít.

The Interfacing of Religion, Science, and Philosophy - Defending the  Christian Faith (Writings of John G Leslie and Others)

   Khoa học, triết học, tôn giáo là thành tố cơ bản của văn hoá nên có thể xem đây là nền tảng, là định hướng cho sự phát triển và nên nhìn nhận trong sự tương quan chứ không nên xem là tôi tớ mà đề cao cái này hạ thấp cái kia như đã từng diễn ra trong lịch sử.

  Thế cho nên rất nhiều học giả cho rằng chính văn hoá giữ vai trò lực lượng nòng cốt cho sự phát triển. Việc không nghiên cứu kỹ văn hoá hay xem thường văn hoá đã đưa đến những thất bại nặng nề trong công việc tiến hành các hoạt động kinh tế. Các nhà tư bản lão luyện trên thương trường thường nghiên cứu thấu đáo những nơi mà họ quyết định đầu tư, và trước tiên, đương nhiên là văn hoá được tính đến đầu tiên. Tất nhiên cũng không nên xem văn hoá như một thứ quyết định luận bởi kinh tế giữ vai trò trụ cột của sự phát triển vẫn biết tăng trưởng trong kinh tế không đồng nhất với sự phát triển vì phát triển mang một ý nghĩa giá trị và rộng hơn nhiều.

   Văn hoá vẫn thường được đề cập là những hệ giá trị được lưu giữ trong truyền thống có sức sống mãnh liệt chi phối, ảnh hưởng đến hiện tại và những gì mang tính hiện đại thường xem đó là đại diện cho sự phát triển. Thực tế chứng minh rằng ở đâu văn hoá đi liền với phát triển thì xã hội đó về phương diện kinh tế thường bền vững, về phương diện tinh thần ít gặp phải sự gập gềnh, bất ổn trong tâm thức, các chuẩn mực đạo lý được tôn trọng nên đưa đến một xã hội hài hoà. Tất nhiên không nên hiểu phiến diện cần phải tiễn cái cũ đi thì cái mới mới có được chỗ đứng. Sự đồng thuận bao giờ cũng tạo nên sức mạnh.

2. Văn hoá hiện diện trong phát triển

   Văn hoá góp phần to lớn trong việc duy trì tính liên tục của phát triển, là cầu nối để tương thích cái truyền thống và hiện đại. Hiện thực thực tiễn minh chứng rằng không dễ gì tính hiện đại có thể thâm nhập vào đời sống như là các sản phẩm của kinh tế được. Phải có sự thích nghi rồi mới nói đến chuyện biến đổi cho phù hợp để rồi còn tính đến việc tiếp thu hạt nhân hợp lý để sáng tạo nên những giá trị độc đáo. Tỉ dụ như thơ ca Việt Nam thời tiền chiến đã hấp thu tính hiện đại để đưa vào truyền thống đã tạo nên những đặc tính, giá trị điển hình, là hiện thân cho khuynh hướng sáng tạo như hai tác giả của cuốn “Thi nhân việt nam” khẳng định: “đừng lấy một người sánh với một người. Hãy sánh thời đại cùng thời đại. Tôi quyết rằng trong thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này”1.

   Về phương diện xã hội, văn hoá và phát triển đảm bảo cho việc duy trì một xã hội ổn định, không phân hoá sâu sắc giàu nghèo. Xét về học thuật thì đây là hai khái niệm biểu đạt cho hai sự tồn tại khác nhau nhưng trọng tâm là phục vụ cho cuộc sống con người nên chúng song hành cùng nhau.

    Nền khoa học hiện đại được xem là sự tiêu biểu cho xu hướng phát triển cũng thoát thai từ những giá trị truyền thống cổ điển nhưng đã sớm vươn vượt để đưa những ý tưởng sáng tạo vào thực tiễn. Lịch sử khoa học cũng đã đi qua nhiều con đường với muôn vàn trắc trở. Hệ chuẩn Descartes- Newton đã không cứu vãn được sự thoái trào của chủ nghĩa duy lý, người ta hoài nghi vai trò đó. Nền khoa học hiện đại đã phơi bày những khiếm khuyết đó. Sự nhiễu loạn đó bao trùm mọi mặt. Sự phản ứng nảy nở để lấp dần chỗ trống. Những ý tưởng, chuẩn mực mới hình thành để dẫn đường chỉ lối.

   Văn hoá không đi liền với phát triển thì các mối liên hệ và định hướng giá trị không thể đảm bảo tính liên tục trong phát triển. Văn hoá biến thiên nhưng khoa học thì khủng hoảng. Sự khủng hoảng đó cần tìm một lối thoát. Và khi đó người ta vẫn cứ phải đặt lại các vấn đề về mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại để khắc phục những hệ quả không mong muốn.

   Tính phát triển cho phép chúng ta xem văn hoá là nền tảng cho phát triển nhưng lại cho phép chúng ta có một sự nhìn nhận thấu đáo rằng văn hoá dù xét ở bất cứ khía cạnh nào cũng gắn liền với những giá trị truyền thống nên mặc dù tồn tại sự tiếp biến chứ khả năng ứng biến chậm nên thường tạo ra sự trì trệ. Sự phát triển đã góp phần thúc đẩy, định hướng đảm bảo cho sự nhận thức và loại hình đó có những thay đổi để phuf hợp với quy luật của sự tồn tại. Chúng ta thấy rõ trong sự phát triển đã loại ra rất nhiều hay bỏ lại đằng sau cái lạc hậu, chậm tiến, bảo thủ, trì trệ vốn là nhân tố chính cản trở, kìm hãm sự phát triển.

   Khi có một nền tảng vững chắc, ổn định cho phép chúng ta tính đến việc thay đổi hay nắm bắt nhanh chóng để theo kịp với sự tiến bộ. Để có được tính hệ thống và sự mới mẻ thì chúng ta phải tôn trọng sự vận động của thực tại để xây dựng cho phù hợp các mô hình lý thuyết vốn không đi quá xa thực tại hay lạc hậu so với thực tại.

   Văn hoá và phát triển là một chỉnh thể hoàn chỉnh, có sự tác động qua lại. Sự tách biệt sẽ đưa đến sự xa rồi cội nguồn, là nguyên nhân xâu xa đưa đến sự bất ổn và làm mất dần bản tính người hay nói cách khác là làm gia tăng sự tha hoá như đã đề cập ở phần trên.

   Sự cuốn hút của khoa học hiện đại trong những thập niên gần đây đã có rất nhiều sự đánh giá khác nhau về sự phát triển nói chung. Chủ yếu vẫn là mâu thuẫn nội tại trong sự phát triển kinh tế. Sự khủng hoảng kinh tế có ảnh hưởng rất lớn nhưng không phải nó phá huỷ tất cả. Trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế nổ ra một số nước vẫn thoát ra được và sau đó có những sự hồi phục, tăng trưởng một cách ấn tượng. Sự vận dụng tốt chính sách và các biện pháp, công cụ kịp thời đã là một đòn bẩy tạo đà.

   Các nhà nghiên cứu không phải là không tính đến vấn đề này, nhưng trong sự đan xen của các mối quan hệ như mạng lưới của con nhện  khó cho phép tính hết được. Vì thế người ta đưa ra nhiều giải pháp chứ không cô đúc hay khu biệt như hội nhập và phát triển, giao thao và tiếp biến; liên kết, liên minh giữa các tổ chức, khu vực.

   Sức mạnh của sự phát triển được tính đến như là một sự phát triển toàn diện với một sự lan toả ở quy mô lớn là động lực thúc đẩy, duy trì nhưng sự tiếp nhận lại phụ thuộc chủ yếu vào chủ thể tiếp nhận như trình độ và khả năng tiếp nhận. Không phải ở nơi đâu có sự phát triển lan toả đến là lĩnh hội ngay được. Hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể sẽ quy định sự phù hợp hay không. Việc không tuân theo quy luật đã và sẽ để lại những hậu quả, bài học nặng nề.

   Văn hoá và phát triển là năng lực- sức sáng tạo được thể hiện ở một tầm phổ quát trong sự phức hợp của một chỉnh thể phức tạp được xét đến ở mọi chiều kích trong đời sống xã hội. Kết quả là nó đưa lại sự thống nhất trong một hệ thống hoàn bị. Trong xu thế của toàn cầu hoá, sự chung sống giữa các loại hình ở các xã hội có trình độ phát triển khác nhau đòi hỏi phải tính đến các giá trị riêng – chung trong sự thống nhất, hài hoà. Mặt đối lập tạo đà cho sự phát triển nhưng rõ ràng đối địch là sự thụt lùi.

    Trong sự tồn tại của mình, sự đa dạng văn hoá đã dựng nên một bức tranh đa sắc màu, sinh động nhưng không phải sự thâm nhập nào cũng mang lại hiệu quả. Vấn đề nan giải trong sự phức tạp và sự định hình khi phát triển là lực cản cho sự thâm nhập này. Sự phát triển có biển đổi rất nhanh chóng nhiều khi đi quá xa trong khi đó việc chuyển tải các giá trị văn hoá không dễ gì theo kịp để hướng những giá trị đó theo chiều hướng tích cực của đời sống.

    Việc xét lại các giá trị truyền thống góp phần tạo đà thì đã rõ, nhưng liệu có- và sẽ là lực cản như thế nào đòi hỏi phải có sự suy tính thấu đáo. George F. Mclean trăn trở “đôi khi truyền thống được giải thích là mối đe doạ đối với cá tính và tự do xã hội vô thiết yếu, với nền dân chủ, cho nên điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là một truyền thống văn hoá được sinh ra bởi cuộc sống tự do và có trách nhiệm của các thành viên của một cộng đồng hay một xã hội công dân nhất định và có khả năng nối tiếp nhiều thế hệ để thực hiện cuộc sống của họ với tự do và sáng tạo”2.

Chú thích

1. Hoài Thanh, Hoài Chân (2000), Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, tr29

2. George F. Mclean, Pham Minh Hạc (2007), Con người, dân tộc và các nền văn hoá: chung sống trong thời đại toàn cầu hoá, Nxb CTQG, tr 260.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Lộc Diệp (2003), Mỹ-Âu-Nhật: Văn hóa và phát triển, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  2. Thomas L. Friedman (2020), Chiếc Lexus và Cây Oliu, Nxb Thế giới.
  3. Alvin Toffler (2019), Làn sóng thứ ba, Nxb Thế giới.
Facebook Youtube Tiktok Zalo