Đại học Hoa Sen

[RECAP]  ƯƠM ÔM ẤM – DỰ ÁN BỀN VỮNG VÌ CỘNG ĐỒNG

Vào ngày 05/11/2023, Dự án “Ươm Ôm Ấm #1: Mái ấm Thiện Duyên” đã diễn ra tốt đẹp với sự tham gia từ các bạn sinh viên thuộc Khoa Khoa học Xã hội – Luật, trường đại học Hoa Sen.

Dự án Ươm Ôm Ấm được thực hiện nhằm nâng đỡ cộng đồng yếu thế một cách bền vững

“Ươm Ôm Ấm #1: Mái ấm Thiện Duyên” thuộc dự án Ươm Ôm Ấm – nhằm nâng đỡ cộng đồng yếu thế một cách bền vững thông qua việc hỗ trợ về mặt pháp lý và tâm lý cho các đối tượng cũng như các tổ chức. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội cho sinh viên cọ xát, trải nghiệm và áp dụng các kiến thức đã học vào môi trường thực tế. Được đóng góp một phần của bản thân cho xã hội. 

Chuyến đi đầu tiên Ban Tổ chức dừng chân tại Mái ấm Thiện Duyên – nơi tình thương sự ấm áp được lan tỏa. Ở đây, Nhà Sen đã có cơ hội được biết đến hành trình phát triển Mái ấm. Xuất phát từ tình đồng đội, má Mười (tên thật là Trần Thị Cẩm Giang, sinh năm 1938) – nữ quân nhân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Vốn là đứa con của vùng đất thép Củ Chi, ngay từ năm 14 tuổi má đã sớm theo cách mạng. Sau giải phóng, má được bầu làm chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 23, quận Tân Bình (giờ là phường 10, quận Tân Bình) trong 2 nhiệm kỳ. Má Mười đã nhận nuôi những đứa con của chiến sĩ không may tử nạn. Từ một gia đình nho nhỏ cho đến một gia đình lớn, với tình yêu thương, Má Mười đã nhận nuôi gần 160 trẻ em và người già (chủ yếu là trẻ em khuyết tật và người già neo đơn, không nơi nương tựa…).

Dự án được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu và Tư vấn Giải pháp Tâm lý và các giảng viên thuộc Khoa Khoa học Xã hội – Luật

Một ngôi nhà rất đông thành viên nhưng luôn sạch sẽ và thoáng đãng. Hiện mái ấm được chia thành các khu vực riêng biệt phù hợp với từng nhóm như: Trẻ bại não, trẻ mắc bệnh nhẹ, trẻ bình thường, người già… Những đứa trẻ đến với mái ấm mà chưa có tên sẽ theo họ Trần của má, lấy tên đệm là Thiện (đối với con trai) hoặc Duyên (con gái). Tại đây, việc chăm sóc các em bị bại não không đơn giản, đòi hỏi phải có tấm lòng từ bi rất lớn mới vượt qua được những trở ngại. Đối với các em cô nhi, mỗi người đều có những hoàn cảnh riêng: Em thì được nhặt ở gò mả, em bị bỏ rơi ngoài cổng của mái ấm, có em lại bị chính cha mẹ ruột ruồng bỏ vì biết con mình bị bệnh… Sự cố gắng của má Mười và những tình nguyện viên tại mái ấm là điều chúng ta không thể phủ nhận. Má Mười luôn mong muốn mang đến một điều kiện sống tốt nhất cho các “con” của mình từ không gian sống, điều kiện học tập, làm việc. 

Ban tổ chức và các bạn sinh viên thăm và trò chuyện cùng các em ở Mái Ấm

Lần đầu đến Mái ấm Thiện Duyên, Ban Tổ chức Dự án “Ươm Ôm Ấm” đã phối hợp với Khối kinh doanh (Phòng vé Hãng hàng không Vietjet) đem đến các nguồn lực về vật chất và tinh thần hỗ trợ cho mái ấm. Về lĩnh vực pháp lý, dưới sự hỗ trợ từ thầy TS Nguyễn Hoài Nam – Giám đốc chương trình Chương trình Luật Kinh tế, Khoa Khoa học Xã hội – Luật và các bạn sinh viên Ngành Luật Kinh tế Khóa K21, K22 và K23 – Đại học Hoa Sen đã tư vấn pháp lý về những khó khăn mà má Mười và mái ấm đang gặp phải (thủ tục làm giấy khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi; khai báo tạm trú, tạm vắng cho các thành viên mái ấm; tổ chức tiếp nhận nguồn từ thiện…). Về lĩnh vực tâm lý, Phó Viện Nghiên cứu và Tư vấn Giải pháp Tâm lý, Khoa Khoa học Xã hội – Luật, Nguyễn Tấn Phượng Hồng cùng các bạn sinh viên ngành Tâm lý – Đại học Hoa Sen đã tham vấn, chia sẻ dưới góc độ tâm lý với má Mười và những thành viên nơi đây, khỏa lấp đi những lo lắng, trăn trở khôn nguôi trong cuộc sống đầy lo toan, vất vả. Năm nay đã 85 tuổi, nói chuyện có mong ước gì cho ngày mai, má Mười thẳng thắn chia sẻ: “Má chẳng cầu mong gì cho bản thân, chỉ ước mong tìm được người nào đó có đủ tâm đức để tiếp tục công việc của mình. Má cũng mong mỏi đến cháy bỏng, rằng những người được gọi là đấng sinh thành đừng bao giờ đoạn đành mang con đi vứt bỏ. Bởi làm như vậy, các bà mẹ có biết đâu tự mình đã gieo vào lòng đứa trẻ nỗi đớn đau, oán hờn chẳng thể nào gột rửa. Nhiều đứa con của mái ấm Thiện Duyên lớn lên trong nỗi mặc cảm, có em tự sống cô lập, tự hành hạ cuộc đời mình. Những nỗi đau chẳng biết đến khi nào mới chấm dứt”.

Ban tổ chức không chỉ đem đến các nguồn lực về tinh thần mà còn về vật chất

Dự án “Ươm Ôm Ấm” sẽ không chỉ dừng lại tại đây, nó là một dự án bền vũng. Và vì thế, Ban Tổ chức rất mong sự đồng hành của các bạn trong các chuyến đi tiếp theo của dự án. 

“Để tiếp tục Ươm mầm, chúng ta sẽ cần có kế hoạch phát triển bền vững để nuôi dưỡng thế hệ nối tiếp. Để lan tỏa được sự cảm thông, yêu thương, chính bản thân mỗi người chúng ta sẽ cần Ôm lấy mình, Ôm lấy những người đồng đội. Và rồi, hơi Ấm sẽ tiếp tục lan tỏa, đưa thông điệp này đến cộng đồng một cách rộng rãi hơn”.

Facebook Youtube Tiktok Zalo