Đại học Hoa Sen

Quan niệm sống và cách xử thế của giới nho sĩ thời nhà Nguyễn (1820-1884)

ThS Bùi Nguyên Hãn

Bộ môn Triết học, Khoa KHXH

Trong thời đại Nguyễn, Nho giáo được xem là trụ cột về hệ tư tưởng. Do đó, Nho giáo có sự chi phối mạnh mẽ đối với sinh hoạt chính trị, tư tưởng, tôn giáo, các quan niệm về giá trị luân lý và ở phần nào đó nó có sự chi phối cũng như tác động đến đời sống tinh thần – nhân sinh quan của giới nho sĩ, quan lại và dân chúng.

Chịu ảnh hưởng của Nho giáo, giới khoa bảng và quan lại Trung Hoa với các giá trị văn hóa Nho giáo của các triều đại phong kiến trước ở Việt Nam trước đây, giới quan lại, nho sĩ thời nhà Nguyễn sống ở vùng đất Thuận Hóa hay được triều đình biệt phái đi nơi khác thực thi quyền hành, nhiệm vụ; phần nhiều trong số này quan niệm Nho giáo gần như một học thuyết về luân lý để khai triển trong đời sống nhân sinh, cũng là để phục vụ cho con đường công danh, sự nghiệp sau này chứ không mấy ai trong số này xiển dương thành một học thuyết chủ đạo về phương diện học thuật như ở Trung Hoa. 

Lễ tế trời đất vào mùa xuân của các vua triều Nguyễn (07/02/2017)

Các vị vua như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều trọng dụng quan văn hơn quan võ bởi họ thừa hiểu muốn cai trị, duy trì trật tự và ổn định vì một xã hội thái bình thịnh trị thì chỉ có thể dùng giới quan lại xuất thân từ nho học, võ quan chỉ dùng khi chiến tranh, hay trong các cuộc tranh giành quyền lực – trong một số trường hợp phải sử dụng vũ lực.

Trong thời kỳ hưng thịnh của Nho giáo thời nhà Nguyễn (1802-1858), văn hóa triều Nguyễn nói chung và văn hóa Nho giáo thời nhà Nguyễn nói riêng đã hội tụ được nhiều nhân tố thuận lợi cho sự tồn tại, phát triển của mình. Đặc biệt là văn hóa Nho giáo đã góp phần hình thành nên một thể chế vững mạnh, sinh hoạt văn hóa – tư tưởng, các hoạt động kinh tế- giao thương, chế độ trường học – thi cử đều dựa trên nền tảng văn hóa Nho giáo theo khuôn mẫu Trình – Chu.

Nhưng kể từ năm 1858, khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Việt Nam. Từ đây, xã hội Việt Nam rung chuyển trên mọi phương diện. Về phương diện nhận thức, nhiều người quy kết cho văn hóa Nho giáo đã kìm hãm sự phát triển, làm cho quốc gia ngày một suy yếu không đủ sức đương đầu với thực dân Pháp. Tầng lớp quan lại, giới nho sĩ có sự xao động và phân hóa sâu sắc đã dẫn đến phân hóa hàng ngũ theo xu hướng bảo thủ, cấp tiến, ôn hòa thậm chí mang khuynh hướng cải lương.

Soạn bài Hàn nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ

Chính hiện thực cuộc sống, bối cảnh biến chuyển nhanh chóng của xã hội đã làm cho giới  nho sĩ hình thành quan niệm sống và cách xử thế của mình theo nhiều phương cách khác nhau, mặc dù đều xuất thân từ “ cửa khổng, sân trình”. Gs Trịnh Văn Thảo nhận xét “ Nguyên tắc “ tu thân” để thực hiện tính “hiếu hòa” trong quan hệ xã hội có nghĩa là tự tĩnh, điềm đạm, xa lánh và khắc phục mọi tham vọng phi lý.”1

Nhân vật tiêu biểu cho thời kỳ này là có thể kể đến Nguyễn Công trứ (1778-1858), ông quê ở làng Uy viễn nay là xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông quan niệm “ làm trai đứng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”. Nguyễn Công Trứ xuất thân từ khoa bảng, dấn thân vào chốn quan trường, tuy là quan văn nhưng lại có biệt tài về lĩnh vực quân sự, kinh tế và văn chương. Cuộc đời ông là những trang sách oai hùng với những thăng trầm trong sự nghiệp. Trong mọi lĩnh vực mà ông đảm nhận thì ông chính là mẫu người hành động, dấn thân mọi lúc mọi nơi khác với một số quan lại- xuất thân từ nho học với quan niệm “dấn thân tùy thời”. Trải qua nhiều thăng trầm, Nguyễn Công Trứ hiểu sâu sắc nhân tình thế thái đương thời : “ra trường danh lợi vinh liền nhục, vào cuộc trần ai khóc trước cười”. Nhiều lúc chua chát nhìn lại cuộc đời mình, ông là người đầy khí phách : “ kiếp sau xin chớ làm người- làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.

Nguyễn Tri Phương (1800-1873), năm 1858 liên quân Pháp- Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Việt Nam, ông được Vua Tự Đức cử làm tổng chỉ huy quân đội, trực tiếp chỉ huy quân đội chống lại. Năm 1859, Pháp chuyển hướng đánh vào Gia Định, năm 1860 ông được sung chức Gia Định quân thứ, thống đốc quân vụ cùng tham tán đại thần Phạm Thế Hiển trông coi việc quân sự ở miền Nam, năm 1862 khi triều đình Huế kí Hòa ước năm nhâm tuất, nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ. Ông được cử ra Bắc làm tổng thống Hải An quân vụ2.

Sau khi Pháp có chiếc lược thôn tính Hà Nội, Nguyễn Tri Phương được cử giữ thành Hà Nội. Năm 1873, soái phủ Nam Kỳ  Francis Garnier đem quân ra Hà Nội lấy cớ giúp thương nghị tranh cãi giữa lái buôn Jean Depuis và chính quyền nhà Nguyễn ở Bắc Kỳ. Đêm 19 rạng 20 tháng 11- 1873, Garnier xua quân đánh úp thành Hà Nội. Quân Pháp với hỏa lực mạnh đã nhanh chóng giành thế chủ động, Nguyễn Tri Phương bị trọng thương, ông được chính lính pháp cứu chữa để hòng mua chuộc sau này, nhưng ông khảng khái từ chối và nói rằng “bây giờ nếu ta chỉ gắng mà lay lắt mà sống, sao bằng thung dung chết vì việc nghĩa”3, sau đó ông tuyệt thực gần một tháng và mất ngày 20-12-1873.

Hoàng Diệu (1829-1882) xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho giáo tại làng Xuân Đài huyện Diên Phước tỉnh Quảng Nam (nay là huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam).

Năm 1882 lấy cớ Việt Nam không tôn trọng hiệp ước năm 1873 mà lại đi giao thiệp với Trung Hoa, dung túng quân cờ đen  (một nhánh của Thái Bình Thiên Quốc) ngăn trở việc giao thông trên sông Hồng của người Pháp, Đại tá Henri Rivière của Hải quân Pháp cho tàu chiến cùng 400 quân đóng tại Đồn thủy (trên bờ Bắc sông Hồng, cách thành Hà Nội 5 km) nhằm uy hiếp Hà Nội. Hoàng Diệu đã hạ lệnh giới nghiêm tại Hà Nội và bố cáo các tỉnh xung quanh sẵn sàng tác chiến, đồng thời yêu cầu viện binh từ triều đình Huế.

Tuy nhiên phái chủ bại của triều đình Huế đã thuyết phục vua Tự Đức chấp nhận mất Bắc Kỳ để giữ an toàn cho ngai vàng, điều đó đã làm cho vua Tự Đức đi đến quyết định hạ chiếu quở trách Hoàng Diệu đã đem binh dọa giặc và chế ngự sai đường, nhưng Hoàng Diệu đã quyết tâm sống chết với thành Hà Nội.

Rạng ngày 25 tháng 4 năm 1882 Henri Rivière cho tàu chiến áp sát thành Hà Nội và đưa ra tối hậu thư, Hoàng Diệu đã tiếp tối hậu thư, nhưng không cần chờ đến thời hạn trả lời. 8 giờ 15 Rivière với 4 tàu chiến bắn vào thành yểm trợ cho số quân 450 người và it thân binh đổ bộ hòng chiếm thành Hà Nội. Trong tình thế tuyệt vọng, Hoàng Diệu vẫn tiếp tục bình tĩnh dẫn đầu quân sĩ chiến đấu chống lại quân Pháp dù lực lượng ngày càng yếu đi, không giữ được thành nữa. Cuối cùng Hoàng Diệu đã ra lệnh cho tướng sĩ giải tán  để tránh thương vong. Một mình Hoàng Diệu đi vào Hoàng cung, thảo tờ di biểu, rồi ra trước võ miếu, dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự tử, hưởng dương 54 tuổi. Tờ di biểu ông cắn ngón tay lấy máu viết di biểu tạ tội cho vua Tự Đức “ Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thần chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng”4

Phan Thanh Giản (1796-1867) xuất thân trong một gia đình nghèo khổ. Tổ phụ của ông là Phan Thanh Tập , hiệu Ngẫu Cừ sống thời nhà Minh. Sau khi nhà Minh bị nhà Mãn Thanh tiêu diệt, Phan Thanh Tập di cư sang phủ Hoài Nhơn tỉnh Bình Định- Việt Nam. 

Năm 1858 khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha đổ bộ rồi tấn công tại cửa biển Đà Nẵng rồi lần lượt đánh chiếm cách tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Phan Thanh Giản với vai trò là chánh sứ và Lâm Duy Hiệp là phó sứ được cử đi điều đình với Pháp. Sau đó đại diện cho triều đình vua Tự Đức ký kết hiệp ước hòa bình và hữu nghị, hòa ước Nhâm tuất ngày 5 tháng 6 năm 1862 tại Sài Gòn. Ngày 20 tháng 6 năm 1867 Pháp đánh chiếm Vĩnh Long, trước sức mạnh áp đảo của Pháp về mặt quân sự, biết không thể giữ nổi nên để tránh đổ máu vô ích, Phan Thanh Giản đã quyết định trao thành, không kháng cự, với yêu cầu người Pháp phải đảm bảo an toàn cho dân chúng. Sau khi thành mất, ông tuyệt thực suốt 17 ngày rồi uống thuốc độc tự tử vào ngày 4 tháng 8 năm 1867 hưởng thọ 72 tuổi.

Qua việc phác thảo chân dung cuộc đời một vài vị nho sĩ  thời nhà Nguyễn chúng ta có thể nhận thấy họ luôn sống và hành động, ứng xử trong cuộc đời và phương cách xử thế theo quan niệm “ trung quân, ái quốc”, dấn thân mọi lúc, mọi nơi, khác với quan niệm “dấn thân tùy lúc, tự tại tùy thời’ của giới nho sĩ cộng tác với người Pháp sau này. Nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào họ cũng đặt vấn đề “ái quốc” lên trên, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Có những khi triều đình đi đến sự thỏa hiệp với người Pháp để chấp nhận chế độ bảo hộ mà người Pháp áp đặt, giới quan lại- nho sĩ đã đứng lên chống lại để đứng về phía nhân dân nổi dậy

Nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp xâm lược - Lịch sử 11 Bài 19

Nho giáo truyền từ Trung Hoa sang Việt Nam đã có độ “khúc xạ” nhất định chính là ở đây. Ở Trung Hoa, “trung là trung với vua”, “ trung quân” , ở Việt Nam “ ngoài trung quân, còn hiểu theo nghĩa rộng hơn là trung với giang sơn, xã tắc” bởi đất nước Trung Hoa rộng lớn Vua phải cai quản qua nhiều cấp trung gian và những người trung thành với dòng tộc nhà mình mà ta có thể thấy trong sử sách, đặc biệt là bộ sử kí Tư Mã Thiên.

Việc “trung quân, ái quốc,” gần gũi với đời sống của đại bộ phận nông dân, vốn dĩ phần đông xuất thân từ nông thôn – trong xã hội nông nghiệp đã là cho giới nho sĩ mặc dù đã bước chân vào chốn quan trường nhưng vẫn giữ mối dây liên hệ, ràng buộc về nhiều phương diện chứ không tách biệt như giới quý tộc ở phương Tây.

Bởi thế nên khi bàn về vấn đề này, Gs Trịnh Văn Thảo đã tổng kết “không gian xã hội hay “không gian văn hóa” ( espace social) tại Việt Nam đã giam hãm hàng ngũ nho sinh trong một màn “độc thoại” giữa thiểu số khoa hoạn, quan lại và đa số nho giáo “ thất vọng” vì hỏng thi theo nguyên tắc “ tiến vi quan, thoái vi sư”. Ảo ảnh di động xã hội, hy vọng thăng tiến nhờ thi cử, trạng thái bấp bênh của quan trường, định mệnh thăng trầm của triều đại giải thích tính hai chiều (ambivalent) của nho sĩ ta: vừa làm công cụ thống trị của nhà nước quân chủ, vừa đóng vai trò phát ngôn dư luận nông dân, gạch nối giữa triều đình và làng xã”5

Chú thích

[1 ] Trịnh Văn Thảo (2014) Xã hội Nho giáo Việt Nam-Dưới nhãn quan của xã hội học lịch sử, Nxb Tri thức tr 71

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Tri_Ph%C6%B0%C6%A1ng

[3] https://baoninhthuan.com.vn/news/22017p0c72/nguyen-tri-phuongvi-tong-doc-tuan-tiet-vi-ha-noi.htm

[4] Pham Văn Sơn (1960) Việt sử toàn thư, Nxb Tử sách Sử học, tr 658

[5] Trịnh Văn Thảo (2014) sđd, tr 100

Facebook Youtube Tiktok Zalo