Không có đại học công nằm trong doanh nghiệp
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đang có nguy cơ “bị bê” nguyên trạng sang Tập đoàn Viettel để xây dựng thành Trung tâm nghiên cứu công nghệ cao, viễn thông, CNTT và vũ khí quân sự. Đề xuất này đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ các chuyên gia giáo dục ĐH và nội tại nhà trường.
Ngày 25/4, Bộ Quốc phòng đã có tờ trình số 3346 gửi Văn phòng Chính phủ về việc chuyển nguyên trạng Học viện Bưu chính – Viễn thông về Tập đoàn Viettel.
Căn cứ cho đề xuất này, theo Bộ Quốc phòng là “thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại buổi làm việc với Tập đoàn hôm 27/3 về việc lựa chọn trường ĐH, Học viện, viện nghiên cứu phù hợp, báo cáo Thủ tướng để điều chuyển về Viettel để xâydựng trung tâm nghiên cứu công nghệ cao, viễn thông, công nghệ thông tin và vũ khí quân sự.”
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính
Đến ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn số 2999 xin ý kiến các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc chuyển nguyên trạng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về Tập đoàn Viettel.
Trong công văn xin ý kiến của Văn phòng Chính phủ có đính kèm dự thảo Quyết định, nêu rõ, nếu được phê duyệt, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ bắt đầu chuyển giao về Tập đoàn Viettel từ ngày 1/6 tới đây.
Tuy nhiên, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, nên nhiều ý kiến cho rằng: việc điều chuyển một mô hình trường công sang trực thuộc tập đoàn kinh tế là không phù hợp với điều kiện giáo dục đại học ở Việt Nam.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT): Không nên quyết “bán” trường bằng mọi cách
Thực tế, không có một trường nào được gọi là công lập khi nằm trong doanh nghiệp hoặc một tập đoàn kinh tế.
Khi một trường đại học về với một tập đoàn, doanh nghiệp, các hoạt động của trường sẽ gắn với hoạt động sản xuất, nghiên cứu khoa học của tập đoàn, doanh nghiệp. Đó không phải là điều dở. Nhưng nếu như tập thể cán bộ giảng viên của trường đại học đó không thoải mái với việc chuyển giao thì sẽ rất không hay.
Vì vậy, khi muốn chuyển một trường học về tập đoàn, doanh nghiệp phải lấy ý kiến của tập thể nhà trường, không nên quyết “bán” trường mà không có ý kiến của người lao động ở đó.
Khi chuyển một trường công lập về một tập đoàn, tức là chuyển từ trường công thành trường tư. Người lao động phải có quyền tham gia quyết định lựa chọn người chủ thực sự của họ, không thể bị động ở việc chuyển giao từ chủ này sang chủ khác.
Gần đây, hiệu trưởng một số trường công lập cho biết họ nhận được thông báo của cơ quan chủ quản yêu cầu phải đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá để triển khai vào năm 2016.
Khi cổ phần hoá là đã bán trường cho tư nhân, chuyển trường công thành trường tư. Nhưng sẽ có hai loại: trường tư vì lợi nhuận và trường tư không vì lợi nhuận.
Người lao động chỉ còn cách chọn: Muốn có cho tương lai nhà trường phát triển lâu dài nên chọn ông chủ theo hướng không vì lợi nhuận. Còn đối với trường vì lợi nhuận cũng có nhiều tình huống: Trên cơ sở người chủ vẫn tôn trọng người lao động thì khác, còn nếu người chủ coi người lao động là người làm thuê sẽ khác.
Sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông tiếp sức mùa thi ĐH
TS Vũ Văn San, phó hiệu trưởng phụ trách Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông: “Nhà trường chưa từng được hỏi ý kiến về việc chuyển về Viettel”
Khi nhận thông tin học viện chuyển nguyên trạng sang Tập đoàn Viettel để xây dựng thành Trung tâm nghiên cứu công nghệ cao, viễn thông, CNTT và vũ khí quân sự các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên và người lao động đều rất sốc. Họ đề nghị, kiến nghị học viện được tiếp tục là đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và truyền thông.
Học viện hiện là một đơn vị chủ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (trong đó có cả các doanh nghiệp như Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Mobifone…).
Do vậy, khi trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông – học viện sẽ có điều kiện đóng góp công sức, khả năng của học viện được nhiều hơn cho đất nước và xã hội thay vì nằm trong một doanh nghiệp.
Mặt khác, sẽ có điều kiện mở rộng các ngành đào tạo, đa dạng hoá các loại hình đào tạo, mở rộng hơn lĩnh vực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, tổ chức triển khai kinh doanh các dịch vụ… trong mọi lĩnh vực mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang quản lý Nhà nước.
Học viện có điều kiện xây dựng và phát triển thành cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, cùng kết hợp với các tổ chức đào tạo, nghiên cứu khác trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông để hình thành hệ thống các tổ chức đào tạo – nghiên cứu khoa học đủ khả năng đáp ứng nhanh nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và hội nhập với các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín trong khu vực và trên thế giới.
TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông: “Không có doanh nghiệp trực tiếp quản trị, điều hành trường đại học”
Trên thực tế, khi mới được thành lập, vai trò, vị thế của một trường đại học nằm trong doanh nghiệp có thể rất phù hợp với giai đoạn hình thành và phát triển (được đầu tư, hỗ trợ theo các cơ chế thông thoáng hơn của doanh nghiệp). Tuy nhiên, về lâu dài, mô hình này đã bộc lộ những hạn chế nếu để trường đại học tiếp tục phát triển lên tầm cao hơn trong hoạt động nghiên cứu, giáo dục đại học của quốc gia.
Đó là việc nhà trường bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quan điểm và các thay đổi chính sách của doanh nghiệp nên dễ bị tác động làm xa rời tôn chỉ mục đích của trường đại học.
Cơ hội, khả năng thu hút các nguồn lực từ bên ngoài rất hạn chế so với các trường công lập khác.
Trên thực tiễn của quá trình hoạt động của một trường công lập đòi hỏi phải có thêm các nguồn lực mang tính xã hội để tiếp tục đầu tư vào tiềm lực cơ sở vật chất và nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó mới cung cấp được các sản phẩm nghiên cứu, đào tạo có chất lượng cho xã hội.
Là đơn vị thành viên của một doanh nghiệp, cơ hội để nhà trường được tiếp cận sự quan tâm của các quan hệ hợp tác quốc tế, để tiếp cận các dự án của chính phủ, các bộ ngành, các địa phương, các quỹ…. trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo như các trường đại học công lập khác là rất hiếm hoi.
Sẽ có hạn chế trong cơ chế tài chính so với quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP (trước đây) và Nghị định 16/2015 ngày 14/2/1015 của Chính phủ quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cũng như Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017 mới được ban hành.
Một khó khăn nữa là mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của nhà trường sẽ bị quản trị bởi doanh nghiệp, sẽ khó phù hợp với mô hình quản trị và các quy chế, quy định có liên quan của Bộ GD-ĐT như các trường đại học nói chung.
Trên thế giới, thực tế Việt Nam và các mô hình nghiên cứu, giáo dục đại học đã chứng minh không có doanh nghiệp lớn nào trực tiếp quản trị để chi phối, điều hành trường đại học. Doanh nghiệp thường chỉ tham gia đóng góp, tài trợ và hỗ trợ các trường đại học và cơ sở nghiên cứu.
Ở Việt Nam, cho đến nay Trường ĐH Điện lực đã chuyển về Bộ Công thương, Trường ĐH Dầu khí đang chuyển đổi mô hình và tạm dừng tuyển sinh. Do đó, mô hình trường đại học trực thuộc doanh nghiệp đã không còn phù hợp với điều kiện giáo dục đại học ở Việt Nam.
Theo Nguyễn Hiền – Ngân Anh
(Nguồn: Vietnamnet, ngày 08/05/2015)