Đại học Hoa Sen – HSU

GS Văn Như Cương: Tôi liều nhưng gặp thời

Xuất hiện tại những cuộc tranh luận liên quan đến quyết sách giáo dục, chủ trương đào tạo, đời sống học đường hay chuyện học hành… ông luôn đưa ra những ý kiến hợp lý, thuận tình, đầy tâm huyết nhưng cũng thẳng thắn, thậm chí những quan điểm được cho là “bạo phổi”.

Và nhà giáo năm nay đã gần 80 niên, hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội), với ngoại hình cũng như những phát ngôn khó lẫn với đám đông, vẫn luôn đau đáu khi chuyện trò về dạy và học mà ở đây là câu chuyện trường tư. Ông bày tỏ:  “Ước mơ cuối cùng, nếu đủ nguồn lực đầu tư, tôi sẽ thành lập trường trung học phổ thông (THPT) nội trú… Đúng là tôi muốn xây dựng một “ốc đảo” nhô lên trên bãi biển giáo dục, xã hội. Nhưng nếu có nhiều người cùng xây “ốc đảo”, mặt bằng giáo dục chắc chắn sẽ cao lên nhiều”.

Tự thoát khỏi cơ chế

Thưa, là người đầu tiên thành lập trường THPT dân lập ở Hà Nội, nếu được chọn lại đường đi của mình, GS sẽ bắt đầu như thế nào?

 Ngày 1.6.1989, tôi mở trường Lương Thế Vinh, khi ấy tôi 52 tuổi, vừa rời trường đại học sư phạm Hà Nội. Sau hơn 25 năm, bây giờ nếu được bắt đầu từ chỗ… bắt đầu, tôi sẽ đi lại con đường này.

Vì sao thưa ông?

– Vào thời điểm đó giáo dục Việt Nam (VN) tuột dốc không phanh, các trường nợ lương giáo viên, thầy bỏ dạy chạy xe ôm, cô bỏ dạy bán xôi; trò bỏ học lêu lổng. Trong khi Hà Nội có đội ngũ giáo viên tuyệt vời, phần lớn có thâm niên sư phạm cao từ các tỉnh rồi mới được về thủ đô dạy. Tôi tự hỏi, với lực lượng trí thức đó, tại sao giáo dục VN ra nông nỗi ấy? Rồi tự trả lời là vì cơ chế. Vậy chỉ có thể tự mở một ngôi trường của mình mới thoat khỏi nó.

Nhưng ông có thể chọn cách khác tác động vào cơ chế, như cải tiến nội dung sách giáo khoa, cải tiến chế độ thi cử, tăng lương giáo viên…?

– Vô phương. Những chuyện ấy người ta nói ta nói cả hơn nửa thế kỷ. Bây giờ vẫn tiếp tục nói, có lay chuyển được đâu. Tác động vào cơ chế tốt nhất là tìm một cơ chế khác. Khi tôi lập trường, chưa có tiền lệ, chưa có qui định. Tôi tự đề nghị dự thảo qui định rồi lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo  ký duyệt. Một vị lãnh đạo còn nói “Chúng ta đã thanh toán được dân lập từ lâu, giờ có người muốn quay lại”. Mở trường, tôi làm hiệu trưởng, vợ làm kế toán trưởng, cũng trái qui định, dù không phải tiền nhà nước. Tôi bảo, vậy chúng tôi sẽ ly dị để không trái với qui định? 

GS Văn Như Cương tại một hội nghị bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam . Ảnh: Việt Dũng/Tuổi Trẻ

Kẻ liều gặp thời

Có vẻ GS hơi bị… “liều”?

– Quá liều, trong hoàn cảnh Nhà nước không mặn mà, gia đình tôi nghèo, phụ huynh học sinh chưa tin. Trông râu tóc đạo mạo, nhưng biết bụng dạ tôi thế nào, người ta ngại chứ? Anh có thể vào hàng phở mới mở ăn thử, nhưng có dám kéo con ra khỏi trường công vào học thử trường tư một năm?

Vậy mà khi đăng báo chiêu sinh tôi bất ngờ, có tới hơn 1.600 đơn xin nhập học. Năm đó tôi nhận 800 em cho cả ba lớp 10,11,12. Tức là không phải chỉ tôi hay một số người làm giáo dục, mà cả xã hội mong muốn có một cái gì đổi mới trong giáo dục.  Tóm lại tôi là “kẻ liều gặp thời”, nói văn vẻ thì trường tư là xu thế tất yếu, là đòi hỏi khách quan của xã hội.

Nếu GS không thành công?

– Nếu tôi thất bại, mô hình này không ra đời. Không ít người chờ đợi kết cục đó. Họ chờ tôi làm, tốt thì đó là “thành tích xã hội hoá giáo dục” của họ, xấu, càng khẳng định trường công là mô hình giáo dục duy nhất đúng. Đến nay Hà Nội đã có gần trăm trường dân lập, mỗi năm thu hút mấy chục ngàn  học sinh lớp 10. So với số học sinh quốc lập, tỷ lệ này là gần ngang bằng. Sự phát triển rất nhanh hệ thống trường dân lập càng chứng tỏ nhu cầu thực sự của người dân.

Theo GS, đâu là mặt mạnh của trường dân lập?

– Đa dạng. Nếu cơ chế các trường công lập giống nhau, tạo ra “sản phẩm” giống nhau, thì trường tư không thế. Trường Nguyễn Siêu, Lomonoxop… chẳng hạn, tuyển chọn đầu vào rất kỹ, học phí cao. Định hướng tuyển chọn, đào tạo nhân tài rất rõ, đó là thế mạnh của họ mà trường công lập không làm được (không có cơ chế để làm). Hay trường Đinh Tiên Hoàng trước đây chấp nhận các em bị loại khỏi trường công lập, học sinh “cá biệt”. Họ có phương pháp riêng, để đào luyện chúng trở thành người tốt.

Góp phần nâng cao dân trí (tạo ra mấy chục ngàn chỗ học mỗi năm) là đóng góp vô cùng lớn của hệ thống trường tư. Ta tưởng tượng nếu không có trường tư,  mấy chục ngàn  em đó sẽ học ở đâu khi công lập không cáng nổi? Hệ thống trường tư Hà Nội đã giúp 70%- 80% các em tốt nghiệp THPT. Nếu chỉ đạt 50% thôi, tôi đã bái phục, vì họ đã “vét” tất cả các em không được trường công nhận học. Thành tích ấy là vĩ đại. 
 

…………………

>> Xem thêm chi tiết bài viết

Theo Trần Trung Chính
(Nguồn: Người Đô Thị, ngày30/01/2015)

Facebook Youtube Tiktok Zalo