Đại học Hoa Sen – HSU

GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC (*): Chỉ “thổi còi” chứ không “đá bóng”

Vấn đề cốt lõi để tạo ra sự thay đổi về bản chất của nền giáo dục đại học là tăng cường tính tự chủ cho các trường đại học. Đơn cử nền giáo dục đại học của Phần Lan – một trong các quốc gia có nền giáo dục đại học tốt nhất – để hiểu thêm về tính tự chủ đại học.

Thông báo của Bộ Giáo dục và Văn hóa (GD-VH) Phần Lan chỉ rõ: “Bộ GD-VH và Hội đồng Giáo dục quốc gia chịu trách nhiệm thực hiện chính sách giáo dục và quản lý hệ thống giáo dục ở cấp trung ương” . Đối với các ĐH Phần Lan thì Bộ GD-VH chỉ làm nhiệm vụ “trọng tài” chứ không trực tiếp “đá bóng”. Nhiệm vụ của họ là cùng với Hội đồng Giáo dục quốc gia xây dựng Luật Giáo dục ĐH thật tốt và giám sát hoạt động của các ĐH theo đúng luật.

Yếu tố mang tính quyết định từ sự tự chủ

Ở Phần Lan và các nước, sự tự chủ đem lại cho các ĐH một thuận lợi mang tính quyết định là họ xây dựng được đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu đáp ứng được yêu cầu.

Khi có nhu cầu tuyển dụng, họ thông báo công khai, ứng viên không phân biệt thành phần xã hội có thể nộp hồ sơ dự tuyển. Xin làm giảng viên mà chỉ có bằng tiến sĩ, ngoài ra, không có công trình nào trên các tập san khoa học quốc tế thì tốt nhất không nên nộp hồ sơ.

Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM trên giảng đường. Ảnh: TẤN THẠNH

Ở Phần Lan và các nước, các ĐH tự tuyển chọn giáo sư và tự quyết định chất lượng giáo sư dựa theo sự tư vấn của các chuyên gia quốc tế. Khái niệm giáo sư là khái niệm công việc; ở các ĐH thì đó là những người có khả năng nghiên cứu, đào tạo sau ĐH và giảng dạy.

Quá trình tuyển chọn giáo sư của họ là quá trình làm việc khoa học, theo đúng chuẩn mực quốc tế. Họ không xem giáo sư là một phẩm hàm hay danh xưng mà phải làm việc rất cật lực để tồn tại với vị trí đó (chứ không phải được “phong hàm” như ở Việt Nam) và khi về hưu thì coi như là rời chức giáo sư.

Một ĐH được tự chủ thì phải có quyền tự xây dựng đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy cho mình. Không có quyền đó thì còn có thể làm được gì hơn là “dạy chay, học chay”. Điều này khác hoàn toàn với chế độ “biên chế” đã và đang giết chết ĐH ở một số nước, vì nó không khuyến khích giảng viên phấn đấu trong nghiên cứu (yếu tố liên quan trực tiếp đến chất lượng ĐH).

Tự chủ sẽ dẫn đến tình trạng “cá mè một lứa”?

Ở Phần Lan, các ĐH sẽ “cá mè một lứa” nếu không có sự giám sát chặt chẽ và khoa học của Bộ GD-VH. Bộ không nhúng tay trực tiếp vào hoạt động của các ĐH nhưng nếu các ĐH làm sai luật thì phải chịu trách nhiệm.

Chính tình trạng các ĐH không có quyền tự chủ đã vô tình tạo ra hiện tượng “cha chung không ai khóc” (không thua kém tình trạng “cá mè một lứa”?) ở một số nước. Một khi cơ quan quản lý cao nhất về giáo dục nhúng tay vào hoạt động của các ĐH thì cuối cùng nếu hiệu quả hoạt động của các ĐH không cao thì sẽ dẫn tới tình trạng “không biết trách nhiệm thuộc về ai”. Đây là hậu quả của việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Về chương trình học, các ĐH tự lựa chọn và xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, nhưng phải đảm bảo đúng số tín chỉ theo quy định của luật. Các ĐH cung cấp các chương trình “đúng luật” nhưng nội dung và lực lượng giảng dạy yếu kém thì sẽ bị sinh viên và xã hội tẩy chay. Do đó ĐH nào cho ra lò những sinh viên kém chất lượng thì họ tự giết họ.

Nghiên cứu sinh cũng được trả lương

Về kinh phí, các trường chỉ được chính phủ cấp khoảng 70%. Hằng năm các ĐH phải nộp báo cáo tình hình hoạt động và thành quả về bộ. Bộ căn cứ vào đó (đương nhiên có kiểm tra) để quyết định việc cấp kinh phí cho những năm tiếp theo. Thành tích đào tạo và thành tích nghiên cứu khoa học là 2 yếu tố quyết định số tiền tài trợ mà một ĐH có thể nhận được từ chính phủ.

Còn 30% kinh phí hoạt động các trường phải tự lo. Cần nhấn mạnh rằng giáo dục ở Phần Lan hoàn toàn miễn phí nên 30% này không phải thu được từ học phí. Tiền từ những tổ chức hoặc cá nhân nhận bảo trợ cho trường, lợi nhuận từ các hoạt động chuyển giao khoa học và quan trọng là tiền từ những đề tài và dự án nghiên cứu do viện hàn lâm và các quỹ tư nhân tài trợ sẽ bù đắp vào số tiền 30% còn lại.

Ở các ĐH Phần Lan, ai nhận được kinh phí tài trợ nghiên cứu ngoài trường thì thường được xem là “anh hùng” vì chẳng những họ mang tiền về cho trường (trường được hưởng tiền quản lý dự án) mà còn khẳng định chất lượng đào tạo của trường. Ngoài ra, nếu có tiền dự án thì chủ đề tài mới có thể tuyển nghiên cứu sinh (vì nghiên cứu sinh cũng được trả lương) và cứ mỗi nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án thì chính phủ phải trả cho trường một số tiền khá lớn.

Một khi thành tích nghiên cứu khoa học ở các ĐH được xem trọng và được đánh giá theo các chuẩn mực quốc tế thì hiện tượng “cá mè một lứa”, nếu có, sẽ tự động chuyển mình thành “cá mè nhiều lứa”, tức các ĐH tự động được phân tầng.

Liên hiệp châu Âu (năm 2006) khẳng định: “Các trường ĐH sẽ không trở nên sáng tạo và không thể đáp ứng nhu cầu thay đổi nếu họ không có quyền tự chủ thật sự”. Đây là điều cần lưu ý trong công cuộc cải cách giáo dục ở các nước đang phát triển.

 

Kỳ tới: Đo lường nghiên cứu khoa học

Theo TS LÊ VĂN ÚT

(Nguồn: Báo Người Lao Động)

 

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo