Đại học Hoa Sen – HSU

Giao lưu với những tấm gương vượt khó trong mọi hoàn cảnh

Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải đối mặt với những khó khăn và thách thức. Mặc cảm và sự sợ hãi có thể làm chúng ta chùn bước. Làm thế nào để có được thái độ sống tích cực, biết chấp nhận để vượt lên mọi trở ngại? Làm thế nào để đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã và từng ngày vươn lên trong cuộc sống? Đã có nhiều tấm gương với nghị lực và niềm tin phi thường, đối với họ, cuộc đời vẫn rất đáng sống và có nhiều ý nghĩa.

Đó là thông điệp mà chương trình giao lưu với dịch giả Nguyễn Bích Lan, dịch giả của hơn 20 tác phẩm nổi tiếng và khách mời là chị Trần Thị Mỹ Quyên, nhân viên P.Đào tạo và cũng đã từng là nhân vật trong chương trình “Người đương thời”… gửi đến các bạn trẻ hiện nay.

Đây là một trong những sự kiện nổi bật nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Lễ Khánh thành Trụ sở chính của Trường Đại học Hoa Sen diễn ra vào ngày 10/11 vừa qua.

Một tấm gương “Không gục ngã”

Chương trình đã tạo điều kiện để sinh viên có thể nghe chính các nhân vật kể lại quá trình vượt khó của họ mà với mỗi người, đều là một tấm gương nghị lực, trong những hoàn cảnh tưởng chừng khó có thể vượt qua.

Vì lý do sức khỏe, nên diễn giả Nguyễn Bích Lan đã không thể bay từ Hà Nội vào để giao lưu gặp gỡ với sinh viên và những người yêu mến chị. Với sự nỗ lực của Ban tổ chức và đặc biệt là với chính diễn giả Nguyễn Bích Lan, chương trình vẫn có diễn ra qua chat skype.

Hình ảnh cắt từ chat Skype với dịch giả Nguyễn Bích Lan

Mở đầu chương trinh, cô Bùi Trân Thúy – Trưởng ban biên tập Bản tin Hoa Sen đã kể lại mối “duyên” đã cho cô và dịch giả Nguyễn Bích Lan gặp nhau. Đó là trong thời gian điều trị bệnh, cô đã tình cờ đọc quyển tự truyện “Không gục ngã” vô cùng xúc động, cảm phục do dịch giả Nguyễn Bích Lan viết. Chính nhờ vào những câu chuyện dịch giả Nguyễn Bích Lan mà cô Thúy đã vượt qua bệnh tật và trở lại trường, làm việc bình thường. Sau đó, cô và Bích Lan thường xuyên giữ liên lạc để chia sẻ buồn vui, động viên nhau sống và sống có ích.

Cô Bùi Trân Thúy kể về cơ duyên gặp được dịch giả Nguyễn Bích Lan

Sau những phút xúc động với câu chuyện của cô Thúy, chúng tôi được kết nối với chị Bích Lan để nghe chị chia sẻ về quá trình vượt khó của chị…

Chị Bích Lan sinh năm 1976 tại Hưng Hà, Thái Bình. Năm 13 tuổi, trong một lần đang đi xe đạp trên đường, chị bị ngã, không gượng đứng lên được và phát hiện ra mình không thể tự đứng lên. Theo chẩn đoán của bác sĩ, Bích Lan mắc bệnh nan y loạn dưỡng cơ tiến triển, chứng bệnh khiến chị phải bỏ dở việc học hành khi chị đang học lớp 8. “Đối với tôi, thời điểm đó chính là là đêm tối của số phận. 13 tuổi, từ một cô bé học sinh chuyên văn, đang có nhiều ước mơ, hoài bão, thích được chạy nhảy như bao nhiêu bạn khác, tự nhiên tôi bị căn bệnh mà bác sĩ nói chưa có thuốc chữa, cắt đứt con đường đến trường. Tuổi 13, tôi có nhiều khát khao nhưng ý chí thì hoàn toàn chưa có. Khi gặp phải biến cố như vậy, tôi chỉ thấy mình đã rơi vào đêm tối nhất của số phận con người. Và tôi đã phải cố gắng rất nhiều“, chị Bích Lan tâm sự.

Sau khi biết căn bệnh của mình chưa có thuốc chữa, chị suy nghĩ rất nhiều. Tình cờ, nghe em trai đọc những từ tiếng Anh mới học, chị thấy thứ ngôn ngữ mới lạ này dường như có sức hút với chị. Từ đó, chị đã vượt qua mọi khó khăn để tự học tiếng Anh. Trong căn phòng 10m2, không được giao tiếp với bạn bè, không có thầy cô và cũng không có cả những phương tiện mà khi học thứ tiếng này cần phải có, chị vẫn kiên trì học tập. Một năm trời không ra khỏi nhà, hơn 10 năm vừa làm thầy (với M.Hope-hy vọng, do chính chị đặt ra), vừa làm học trò với những kỷ luật nghiêm ngặt, chị đã có thể trở thành cô giáo dạy tiếng Anh, dịch truyện rồi dịch sách.

Bằng tất cả sự chân thành, chị đã khuyên các bạn sinh viên: hãy vượt qua khó khăn của mình trở thành người có ích. Vì khó khăn nào cùng có mặt tích cực của nó, các bạn hãy biến nó thành ý chí và nghị lực để có thể khắc phục và sống như một người hữu dụng.

Hãy suy nghĩ đến gia đình, đến những người thân yêu, ruột thịt, vì họ chính là động lực, là người luôn ở bên cạnh bạn, hỗ trợ bạn bằng tất cả khả năng và tình yêu thương mà họ dành cho bạn. Khi cảm thấy bi quan, bạn hãy nghĩ về họ, như tôi, tôi biết, gia đình luôn rất yêu thương tôi, muốn tôi được hạnh phúc, vì thế, tôi đã hết sức cố gắng để có thể sống vui, sống khỏe, không để những người thân yêu phải lo lắng quá nhiều cho tôi.

Dịch giả Bích Lan đã khẳng định, với chị: không cần làm anh hùng để cho người khác tôn vinh mà chỉ cần làm anh hùng của chính mình là đủ. Khi có nghị lực, bạn sẽ vượt qua mọi thử thách, dù gian nan nhưng tôi muốn khuyên các bạn: ở một đất nước còn nghèo khó, còn nhiều vấn đề chưa thể giải quyết được thì chúng ta càng phải biết vượt khó, vượt qua cả số phận để thành công.

Tác phẩm “Không gục ngã” của dịch giả Nguyễn Bích Lan đã tiếp thêm động lực vượt khó cho nhiều bạn trẻ

Theo Bích Lan, cuộc đời của mỗi người trưởng thành không chỉ là cuộc đời của riêng bạn, mà còn là của gia đình, bạn bè, của những đứa con, của những người đã yêu thương bạn, của những con đường, hàng cây, của những con vật xung quanh bạn. Vì thế, bạn hãy biết yêu quý và trân trọng tất cả.

Chị Bích Lan cũng nói thêm, trong cuộc sống, phải biết sắp xếp, nên làm điều gì trước, điều gì sau, phải có sự tập trung và lòng quyết tâm cao độ. Tuổi trẻ vô cùng quý giá, hãy biết trân trọng nó và hãy tận dụng sức trẻ để có thể làm được những điều tưởng chừng như không thể.

Chị kể: khi được nhận giải thưởng của Hội nhà văn với tác phẩm dịch “Triệu phú khu ổ chuột”, rất nhiều người bất ngờ vì tôi chỉ là một cô gái nhỏ bé, bệnh tật, không học hành, không được đi nước ngoài mà lại có thể dịch tác phẩm nổi tiếng này. Rồi đến khi nhận giải thưởng Người Phụ Nữ Đương Đại, cùng với Bác sĩ Trần Thị Ngọc Phượng…, sự bất ngờ đó càng được nâng cao. Nhưng cuộc đời không có gì dễ dàng cả, Bích Lan đã phải cố gắng, cố gắng gấp nhiều lần hơn người khác thì mới có thể vượt qua bệnh tật để có được kết quả như hôm nay.

Qua tâm sự, sẻ chia chân thành của Bích Lan, TS. Bùi Trân Phượng, Hiệu Trưởng Trường Đại học Hoa Sen đã xúc động bày tỏ: “Tôi đã đọc truyện “Con Gái” của Bích Lan, là người nghiên cứu về lịch sử Việt Nam và về phụ nữ, tuy chưa biết em là ai, nhưng tôi rất cảm phục cách viết của tác giả, vô cùng sắc sảo. Sau khi biết hoàn cảnh của em, tôi càng cảm phục em ngàn lần. Những gì em làm cho cuộc đời vô cùng quý giá. Tôi chúc em có nhiều sức khỏe để có thể giúp ích nhiều hơn nữa cho đời, cho người”.

Mặc dù chưa khỏe, nhưng chị Bích Lan vẫn nhiệt tình trả lời những cân hỏi mà các bạn sinh viên đã gửi đến chị qua email. Mỗi bạn nêu một vấn đề, thay chị, cô Bùi Trân Thúy đã trích đọc những câu trả lời đầy ý nghĩa, sâu sắc của chị. Cô cũng đọc thư cảm ơn của sinh viên Đặng Anh Thư (sinh viên đã được tác giả “Không gục ngã” tặng sách trong dịp nhận học bổng Vượt khó của trường). Bức thư khiến mọi người xúc động.

Sau đó, sinh viên Nguyễn Phi Công, thay mặt các bạn sinh viên đã được chị Bích Lan tặng sách, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến chị. Bạn nói rằng, với tuổi trẻ của các bạn, sau khi đọc xong quyển sạch của chị, bạn đã có thêm nhiều nghị lực, quyết tâm hơn để có thể vượt qua mọi thử thách, khó khăn.

Một khán giả khác, chị Cẩm Phô, công tác tại báo Sài Gòn Giải Phóng đã thể hiện sự xúc động sau khi nghe Bích Lan tâm sự. Chị bảo rằng đã nghe và đọc về Bích Lan trên báo Tuổi Trẻ nhiều lần, nhưng qua buổi giao lưu này, càng cảm phục Bích Lan nhiều hơn, dù mang trong người bệnh tật nhưng những gì Bích Lan mang đến cho đời vô cùng quý giá. Em đã giúp cho những người may mắn như chúng tôi càng có thêm nhiều động lực để thêm yêu cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, nhân viên thư viện của trường chia sẻ thêm: Chị cũng có một người chị bị căn bệnh chưa có thuốc chữa, sau khi đọc quyển sách Không Gục Ngã của chị Bích Lan, chị đã cảm nhận sâu sắc hơn về nỗi đau mà chị gái mình đang mang, đã có thể đồng cảm và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có thể cùng chị vượt qua bệnh tật hiểm nghèo để đứng vững hơn trong cuộc sống.

Một nụ cười Hoa Sen luôn nở

Tiếp nối chương trình là phần giao lưu với chị Trần Thị Mỹ Quyên, một tấm gương đã dũng cảm vượt qua số phận. Chị sinh năm 1975 tại Quảng Nam, dù bị tật 2 tay và 2 chân, nhưng chị đã sẵn sàng đối mặt với các định kiến, vượt qua những thiếu thốn để quyết tâm học và làm việc như hiện nay.

Hình ảnh chị Mỹ Quyên là tấm gương vượt khó đáng để nhiều bạn trẻ noi theo

Chị kể lại những khó khăn từ khi còn là học sinh, vì không đủ tay chân như người bình thường nên chị không có cơ hội thi đại học như các bạn cùng trang lứa. Chị phải bỏ dở việc học để bươn chải suốt 3,5 năm trời. Sau đó, với nghị lực của mình chị đã vào Sài Gòn thi đại học ngành Tiếng Pháp với suy nghĩ: chỉ khi đi ra được nước ngoài thì chị mới có thể có được đôi bàn chân giả cho mình.

Kết quả, người phụ nữ không có cả hai bàn tay lẫn bàn chân này đã thật sự làm nên kỳ tích. Gần 21 năm phấn đấu, chị đã vượt qua cái nghèo và sự bất hạnh của bản thân để thi đậu đại học và tốt nghiệp Khoa tiếng Pháp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM.

Ngày đó, không tiền bạc, không người thân, chị Mỹ Quyên vào TP. HCM chỉ với một “tờ thông hành” là giấy báo trúng tuyển đại học và niềm mơ ước: Sẽ cố gắng vượt qua tất cả để học cho thật giỏi, nhằm đền đáp lại công ơn nuôi dưỡng của ba má và thầy cô. Sau khi tốt nghiệp, chị nghĩ sẽ xin làm việc hoặc dạy học ở một trường khuyết tật nào đó. Bởi chị nghĩ rằng, chỉ có những người cùng cảnh ngộ thì mới thấu hiểu những mất mát, thiệt thòi, nỗi đau và cả niềm ước mơ nữa của những người khuyết tật như mình.

Sau khi lập gia đình, năm 2003, chị Mỹ Quyên chuyển về Trường Đại học Hoa Sen, công tác ở phòng Đào tạo. Ở đây, chị thường xuyên tiếp xúc với sinh viên. Chị đã lắng nghe và chia sẻ với biết bao hoàn cảnh của các bạn sinh viên. Có bạn khó khăn về kinh tế, có bạn buồn chuyện gia đình, có người lúng túng trong chuyện học hành, bối rối chuyện tình cảm,… Thế là họ tìm đến chị như một “địa chỉ tin cậy”. Hiện tại, chị đang là đại diện của tổ chức Vietnam Les Enfannts De la Deoxine tại Việt Nam và tham gia hoạt động từ thiện này. Năm 2004, chị là một thành viên trong đoàn đại biểu đến Pháp vận động cho vụ kiện nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Một cô gái sinh ra và lớn lên trong nỗi bất hạnh của một cơ thể không trọn vẹn, trong sự nghèo khó của gia đình nhưng dám ước mơ học đại học, ước mơ sống có ích cho đời. Nghĩ về chị Mỹ Quyên là nghĩ đến nghị lực phi thường của một con người biết chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân để vươn lên và trở thành người hữu ích.

Điều đặc biệt, trên môi chị lúc nào cũng nở nụ cười tươi và đầy nghị lực sống. Chị kể lại những vất vả của ngày xưa và bây giờ nhẹ nhàng, như chị không hề phải cố gắng. Người tham dự hết sức xúc động và tâm đắc khi chị Bích Lan nhắn gửi: “Đại Học Hoa Sen có được chị Mỹ Quyên là một bài học vô giá mà không cần đến viên phấn”.

Buổi giao lưu đã để lại nhiều cảm xúc cho các bạn trẻ

Kết thúc chương trình, với âm điệu du dương của bài hát: “Để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trên môi ai cũng nở nụ cười ấp áp, sẻ chia. Trong mắt của các bạn sinh viên rạng ngời một niềm tin, với quyết tâm của tuổi trẻ, dù có những đôi mắt, trước đó, vài phút đã đầy nước…

Hi vọng chúng ta sẽ tiếp tục có dịp gặp gỡ những tấm gương vượt khó để giúp cho sinh viên biết nhìn lại chính bản thân, biết sống chậm lại và sống vì mọi người.

 

Huỳnh Cẩm Linh

 

Xem thêm:

ĐH Hoa Sen tổ chức Lễ khánh thành Trụ sở chính

Cảm xúc cùng phim “Chung cư” và giao lưu với đạo diễn Việt Linh

Sôi động Chợ phiên Hoa Sen lần 1

 

 

 

 

 

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo