Đại học Hoa Sen – HSU

Du sinh Việt Nam tại Pháp

Bất chấp khủng hoảng kinh tế đang de doạ toàn cầu, tại Việt Nam, trào lưu sinh viên đi du học vẫn tăng mạnh, nhiều nhất là Mỹ, Úc, Anh. Tại Pháp, hiện nay, con số sinh viên du học tuy không nhiều bằng các quốc gia vừa nêu, nhưng xứ sở của rượu vang này vẫn là điểm mơ ước của nhiều sinh viên Việt Nam.

Ngày 8 và 9 tháng 12 tới đây, tại Hà Nội và tp Hồ Chí Minh sẽ tổ chức 2 buổi triển lãm Đại Học Pháp 2012. Từ Paris, thông tín viên Tường An tìm hiểu những khó khăn và thuận lợi trong đời sống của các sinh viên Việt Nam đang du học tại Pháp để các bạn muốn đi du học Pháp có cái nhìn tổng quát về đất nước này trước khi quyết định.

Thủ tục hành chánh rườm rà

Nằm cạnh bờ Đại Tây Dương, Pháp một thời đã từng được coi là trung tâm văn hoá của thế giới. Với một quá khứ gắn liền với lịch sử Việt Nam, người ta không lạ gì khi rất nhiều bạn trẻ muốn được đến Pháp du học hay du lịch. Pháp là nơi có số sinh viên ngoại quốc du học cao thứ ba sau Hoa Kỳ và Anh. Trong đó du sinh Việt Nam đứng hạng thứ 9. Ngoài sinh viên cấp đại học, cũng có rất nhiều du sinh thuộc hệ hậu đại học đến Pháp để tu nghiệp.

Pháp có rất nhiều trường, điều kiện ghi danh không mấy khó khăn, tuy nhiên, loại trường nổi tiếng có giá trị ưu việt thì sự chọn lọc khá khắt khe. Là một trong những hệ thống giáo dục lâu đời và có uy tín, bằng cấp tại Pháp có đẳng cấp quốc tế và các trường công được chính phủ trợ cấp đến 90% nên chi phí rất thấp : 181€ một năm cho bậc Đại học, 250€ một năm cho bậc Thạc sĩ và 380€ một năm cho bậc Tiến sĩ (năm học 2010/2011). Mức học phí là như nhau đối với sinh viên Pháp và sinh viên nước ngoài.

Bên cạnh những chính sách ưu đãi về mặt an sinh xã hội, y tế cho người có thu nhập thấp, Pháp cũng nổi tiếng là quốc gia có các thủ tục hành chánh khá rườm rà, nhiêu khê. Đó là một trong những khó khăn đầu tiên mà du sinh Việt Nam gặp phải khi đặt chân đến Pháp. Mai Trang, sinh viên master 1 tại đại học Paris 9 chia sẻ: “Mới đầu khi sang đây thì em cũng gặp rất nhiều khó khăn về mặt thủ tục vì ở Việt Nam thì em chưa bao giờ tiếp xúc với những thủ tục rườm rà như thế này. Qua đây thì nhiều thủ thục rất là khó khăn thí dụ như là xin giấy cư trú tại Pháp, xin Sécurité Social (an sinh xã hội) Em đax gặp rất nhiều khó khăn và em đã hỏi rất là nhiều người. Nếu có khó khăn gì thì em có thể gọi điện trực tiếp lên cơ quan liên hệ để hỏi, ngoài ra cũng có rất là nhiều người, các tổ chức của sinh viên Việt Nam cũng như các bạn bè của mình, những người đi trước có thể giúp đỡ em. Em đã từng tham gia diễn đàn http://daugau.com/ Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp đã tạo ra diễn đàn này và em cũng đã nhận được sự đóng góp rất là bổ ích của các bạn”.

Ngoài Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp, các du hoc sinh tại Paris thường nghe nói đến Hội Liên Hiệp Sinh Viên tại Pháp, còn được gọi nôm na là “Hội đầu gấu” là một hiệp hội do một nhóm sinh viên đang học hay đã học xong lập ra để hỗ trợ cho các du sinh trong quá trình học tập tại đây. Hàng năm, diễn đàn đầu gấu tổ chức các Hội thảo tư vấn du học khá quy mô. Bạn Huỳnh Tấn Minh, đã ra trường với bằng kỹ sư công nghệ, thành viên Ban Tổ chức ngày “Hội thảo du học Pháp” cho biết phương pháp và mục đích của ngày hội thảo như sau: “Đầu tiên là các démarche administrative (thủ tục hành chánh) khi mới sang Pháp như làm các thẻ đi lại, thuê nhà, điện thoại, ngân hàng, các thủ tục hành chánh mà các bạn phải làm khi mới đến Pháp. Và tiếp theo đấy, bọn em sẽ làm 1 conférence (hội luận) về các ngành học mà sinh viên chọn nhiều nhất, đó là ngành tin học và tài chính. Cuối cùng bọn em sẽ nói về những khó khăn, những cơ hội và em cho những sinh viên mới đến Pháp những thông tin đầy đủ nhất về môi trường học tập và tương lai của các bạn”.

Ngoài ra, diễn đàn cũng trao đổi những kinh nghiệm thực tế mà các sinh viên mới qua có thể vấp phải: “Thu thập tất cả những thông tin đầy đủ nhất cho các bạn mới sang Pháp, tránh cho các bạn khỏi bỡ ngỡ và tránh cho các bạn gặp phải các sai lầm, tại vì nhiều khi sang Pháp mà thiếu thông tin thì rất dễ bị lừa, dễ có những quyết định sai lầm và không đúng đắn cho việc học của mình. Thí dụ thuê nhà trên mạng , người ta bảo chuyển tiền trên mạng , phải chuyển tiền xong mói có nhà. Trong khi đó bạn mới sang, rất cần tìm nhà. Bạn từ Việt Nam sang cứ thấy thế thì yên tâm là có nhà cho thuê. Có bạn chuyển tiền xong thì chủ nhà biến mất tăm, không còn thấy chủ nhà. Đó là một trong những trường hợp mà các bạn bị mất tiền”.

Tự lập, trưởng thành hơn

Mỗi năm, Pháp nhận khoảng 1000 sinh vien Việt Nam, tổng số du sinh tại Pháp hiện nay khoảng 7000, chia ra thành 23 chi hội, trải đều trên 26 thành phố của nước Pháp. Các ngành nghề được chọn nhiều nhất là Tin học, Kinh tế. Ngoài ra, Pháp là nước mạnh về thời trang (mode) , kiến trúc nên số sinh viên theo học ngành này cũng chọn Pháp làm điểm đến. Sinh viên Nguyễn Phương Diệp đã chọn Paris để theo đuổi đam mê của mình: “Em thích mode từ lúc còn ở Việt Nam rồi nên lúc em sang đây em chọn ngành này học thôi. Thật sự là có đam mê mới học vì khó khăn của ngành này ở nước Pháp chủ yếu là trường tư, mà trường tư thì rất đắt. Nói chung học sinh nào được gia đình hỗ trợ hết thì rất tốt, còn học sinh nào mà phải lo một phần về kinh tế thì rất là vất vả”.

Du học là không những là một lựa chọn để chuẩn bị cho tương lai, nó còn là một thử thách để các bạn trẻ trở nên trưởng thành hơn khi không còn nằm trong vòng tay của gia đình như bạn Phương Diệp chia sẻ: “Ở bên đây mình phải tự lập rất nhiều vì mình không còn sống với gia đình, với Bố Mẹ thì tất cả mọi chuyện phải lo, giấy tờ, thủ tục, việc đi lại, ăn uống đều do mình quyết định, không có ai quyết định hộ mình cả. Cũng vì thế mà mình sẽ thấy mình trưởng thành hơn và tự lập nhiều hơn”.

Pháp nói chung và Paris nói riêng là một thành phố khá đắt đỏ, dù chính phủ trợ cấp khoảng 50% tiền nhà, khoảng chi phí còn lại như ăn uống, đi lại vẫn là nỗi lo của các sinhviên mà gia đình ở Việt Nam chỉ thuộc thành phần trung lưu. Hình ảnh hai sinh viên dùng điện thoại di động để đập nước đá ở Nhật chắc chắn chỉ là thiểu số. Đa phần các du sinh phải đi làm thêm để có thêm thu nhập, chính quyền Pháp cho phép du sinh đi làm 19.30 giờ/tuần. Các công việc này thường là phụ việc trong các nhà hàng, siêu thị, quán café…v.v…

“Đó là một trường hợp cũng như trường hợp của em. Em cũng đang đi làm nhân viên của siêu thị. Bên cạnh việc học thì đó cũng là một việc khó khăn đối với sinh viên mình. Nhưng mà nếu mà có trải qua những khó khăn như vậy thì bạn mới trưởng thành hơn. Tất nhiên là bạn cũng không nên vì lo kiếm tiền nhiều quá bạn bỏ đi việc học. Phải dung hoà cả hai bên”.

Học ở Pháp đòi hỏi nhiều thử thách, không chỉ ở sinh ngữ mà còn về kiến thức, làm quen với những nét khác biệt về văn hóa, về cuộc sống dễ dàng hơn. Vì vậy phải học tiếng Pháp thật tốt để biết được văn hóa Pháp và hòa nhịp vào cuộc sống. Với kinh nghiệm bản thân, các sinh viên đang học tại Pháp gửi đến các bạn có ý định sang Pháp du học những lời khuyên. Theo bạn Mai Trang: “Điều quan trọng đầu tiên là phải chuẩn bị tốt về tiếng, vì tiếng nước ngoài không phải là dễ dàng với sinh viên Việt mình. Thứ hai nữa là bạn phải chuẩn bị tiền bạc và bạn cũng phải tìm hiểu những thủ tục lần đầu bước chân sang nước Pháp như là thẻ đi lại, cho đến nhà cửa, cho đến thẻ cư trú tại Pháp. Bạn phải tìm hiểu cho kỹ vấn đề đó”.

Tất nhiên là sự chọn lựa du học là một lựa chọn rất là khó khăn, nhưng nếu vì khó khăn mà chúng ta lựa chọn không đi du học thì cũng không đúng vì nó làm cho chúng ta trưởng thành hơn, cho nên em muốn nói với các bạn sinh viên là đừng ngại các khó khăn, chúng ta phải đương đầu với những khó khăn để có những thành công tốt đẹp nhất.

Huỳnh Tấn Minh chia sẻ lời khuyên về chọn lựa du học: “Nếu các bạn muốn đi du học thì thứ nhất là chọn nước nào mình thích, thứ hai là làm dám nghĩ và dám làm, đừng nên sợ sệt bất kỳ điều gì, tự tin vào chính mình. Một khi đã đến một nước nào, không chỉ Pháp, phải cố gắng hòa nhập vào cộng đồng bản địa. Thứ ba là đừng phạm phải sai lằm chỉ vì thiếu thông tin. Phải cố gắng có thông tin đầy đủ, hỏi ai đấy. Khi đặt chân đến xứ người thì đừng làm những điều gì khi mà mình chưa biết rõ. Làm việc gì mình cũng phải suy nghĩ trước sau vì bây giờ mình ở đây một mình không có Bố Mẹ chăm lo. Tất cả việc gì mình làm mình chịu, hậu quả thế nào mình cũng là người phải chịu và sau đấy mình sẽ trưởng thành hơn và sau đấy cách nghĩ và cách sống của các bạn sẽ hoàn toàn khác và các bạn se thấy thành quả mà các bạn đạt được và nó sẽ theo các bạn suốt cà cuộc đời về sau”.

Ở lại hay trở về, đó là những câu hỏi đặt ra cho nhiều du sinh sau khi hoàn tất quá trình học hành vất vả nơi xứ người. Tại một diễn đàn du học Pháp tổ chức ở Hà Nội cho thấy không phải sinh viên nào cũng muốn ở lại mặc dù có thể có cơ hội tìm được việc làm. Phương Diệp, sinh viên ngành thời trang cũng chia sẻ ý tưởng đó: “Sau khi học xong thì em muốn trở về Việt Nam”.

Tuy nhiên, nhiều du sinh cho biết trở về để áp dụng kinh nghiệm học tập của mình tại Việt Nam không phải là một điều dễ dàng do sự khác biệt về lề lối làm việc, tư duy tổ chức. Những điều học được, không phải lúc nào cũng có thể áp dụng được tại vn. Sinh viên Mai Trang nghĩ rằng mình sẽ ở lại để trao dồi thêm kinh nghiệm sau khi học xong.

“Em sẽ ở lại đây làm việc để có nhiều kinh nghiệm và nếu có cơ hội tốt thì em sẽ trở về”.

Dù về hay ở lại, dù học ở nơi nào, con đường du học vẫn là một cánh cửa mở để những bạn trẻ trong nước có cơ hội thử thách chính mình, trải nghiệm bản thân để có những định hướng cho tương lai, mở rộng tư duy để góp phần xây dựng đất nước ngày càng hội nhập hơn về mọi mặt.

 

Tường An, thông tín viên RFA, Paris
2012-12-05

Nguồn: RFA

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo