Đại học Hoa Sen – HSU

Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam còn yếu

Ông Hannu Kokko, cố vấn trưởng của Chương trình Đổi mới – Sáng tạo do Chính phủ Việt Nam
và Phần Lan tài trợ

Đổi mới sáng tạo là nguồn lực quan trọng không thể thiếu giúp duy trì tăng trưởng, nhưng Việt Nam cần khơi thông sự phối hợp liên kết trong đổi mới sáng tạo giữa doanh nghiệp, nhà trường – nhà nghiên cứu, và Nhà nước.

Một thách thức cơ bản mà thế giới đang phải đối diện ngày nay là suy giảm về tăng trưởng năng suất lao động dẫn tới suy giảm tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD), suy giảm về tăng trưởng năng suất lao động đã gây tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2007-2008 trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu1. Nỗ lực của các quốc gia nhằm xoay xở xử lý những vấn đề bề nổi như bất cân bằng về tài chính sẽ không giúp giải quyết được tình trạng này.

Sự chững lại của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm qua cũng không nằm ngoài cục diện chung nói trên. Hiện nay chúng ta thường bàn nhiều về vấn đề tái cơ cấu kinh tế, tưởng chừng đó là chìa khóa vạn năng cho phát triển, nhưng đó mới là giải pháp trước mắt. Tuy tái cơ cấu kinh tế là điều tất yếu, không thể không làm, nhưng về lâu dài chúng ta sẽ vẫn tiếp tục phải đối diện với câu hỏi: làm thế nào để tạo nguồn lực mới giúp đảm bảo tăng trưởng không bị chững lại. Đồng thời phải làm sao để đương đầu với những thách thức không kém phần nghiêm trọng khác, ví dụ như đối phó biến đổi khí hậu, bảo tồn các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái bị suy giảm, v.v.  Câu trả lời cho những vấn đề này là chúng ta sẽ phải tập trung tăng cường hơn nữa những nỗ lực đổi mới sáng tạo.

Hố ngăn cách giữa doanh nghiệp và các trường đại học

Chìa khóa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo là gia tăng sự lưu thông, liên kết ý tưởng, và phối hợp thực hiện giữa các phần tử trong xã hội. Tuy nhiên đây chính là một điểm yếu cơ bản của Việt Nam, khi vẫn chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa ba đối tượng chính cần tham gia vào những nỗ lực đổi mới sáng tạo là doanh nghiệp, trường học cùng các tổ chức nghiên cứu, và Nhà nước. Đặc biệt là sự phối hợp liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu, còn rất mờ nhạt.

…Các quốc gia không thể chỉ tập trung ưu tiên nguồn lực đổi mới công nghệ cho các loại công nghệ cao. Những công nghệ tầm thấp cũng vô cùng quan trọng vì chính chúng giúp thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên diện rộng, và tạo ra nền tảng cần thiết trước khi có thể phát triển, ứng dụng những công nghệ cao hơn.

Một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã có ý thức và những nỗ lực nhằm đổi mới sáng tạo, nhưng họ chưa có được sự hợp tác, hỗ trợ cần thiết từ các trường đại học và cơ sở nghiên cứu. Theo một kết quả khảo sát của Chương trình Đổi mới – Sáng tạo do Chính phủ Việt Nam và Phần Lan tài trợ, hơn một nửa trong số 350 doanh nghiệp được khảo sát đã và đang có những hoạt động đổi mới sáng tạo, theo lời ông Hannu Kokko, cố vấn trưởng của Chương trình. Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy rằng hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các chuyên gia nghiên cứu thị trường và tư vấn các giải pháp đổi mới công nghệ. Vì vậy, rất khó để doanh nghiệp xác định được đâu là những công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện và nhu cầu của doanh nghiệp mình, đồng thời không định giá được công nghệ.

Ở các nước phát triển, các trường đại học và các viện nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong việc tiến hành các nghiên cứu để cung cấp những thông tin hữu ích trên đây cho doanh nghiệp, nhưng ở Việt Nam hoạt động này còn lẻ tẻ, manh mún. Nhiều trường đại học đã có những nghiên cứu mang tính ứng dụng nhưng những nghiên cứu này lại không có địa chỉ sử dụng cụ thể. Chất lượng đào tạo ở các trường đại học vẫn còn hạn chế, thiếu tính gắn kết với thực tế, khiến nhân lực được đào tạo ra thiếu trình độ và khả năng tích cực tham gia vào những hoạt động đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức trong xã hội.

Vai trò của Nhà nước và kinh nghiệm từ Phần Lan

Ở những nước phát triển như Phần Lan, đầu tư của Nhà nước cho đổi mới sáng tạo là rất lớn, lên tới 2 tỷ Euro hằng năm, ông Hannu Kokko cho biết. Tuy nhiên, lượng đầu tư này chỉ chiếm 30% tổng đầu tư của quốc gia cho đổi mới sáng tạo, 70% còn lại là từ khu vực tư. Điều này cho thấy đổi mới sáng tạo chủ yếu phải xuất phát từ những nguồn lực của thị trường tự do. Phần đầu tư của Nhà nước chỉ nên dành cho những giải pháp đổi mới sáng tạo thuộc khu vực công, hoặc đóng vai trò làm nền tảng ban đầu để tạo định hướng cho khu vực tư tham gia.

Theo ông Hannu Kokko, nguồn đầu tư cho đổi mới sáng tạo ở khu vực tư của Phần Lan thường đòi hỏi huy động tài chính từ các ngân hàng thương mại, và điều này buộc các ngân hàng thương mại phải tự trang bị cho mình những công cụ và năng lực cần thiết cho việc thẩm định dự án đổi mới sáng tạo. Còn đối với các dự án đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp được nhận nguồn đầu tư từ Nhà nước thì nguồn đầu tư này không chiếm 100%, mà thường kèm theo đòi hỏi phần đối ứng từ bản thân doanh nghiệp, và một phần là vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Cách làm này giúp tăng trách nhiệm của doanh nghiệp và san sẻ bớt rủi ro giữa các bên tham gia.

Lâu nay ở Việt Nam, khả năng Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn yếu được cho là nguyên nhân khiến việc mua bán các sản phẩm nghiên cứu giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học, các trường đại học còn hạn chế. Nhưng ông Hannu Kokko lại khẳng định những yếu tố này chưa phải là vấn đề trọng yếu trong việc thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo. Ông chỉ ra rằng đổi mới công nghệ chỉ là một phần của hoạt động đổi mới sáng tạo, và nhiều doanh nghiệp có thể gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình một cách đáng kể chỉ nhờ vào những đổi mới sáng tạo rất nhỏ, không có gì bí mật, và không phải khi nào cũng có thể coi là bí quyết hay sáng chế công nghệ để có thể đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ông cũng cho rằng các quốc gia không thể chỉ tập trung ưu tiên nguồn lực đổi mới công nghệ cho các loại công nghệ cao. Những công nghệ tầm thấp cũng vô cùng quan trọng vì chính chúng giúp thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên diện rộng, và tạo ra nền tảng cần thiết trước khi có thể phát triển, ứng dụng những công nghệ cao hơn.    

Dự án mang tên “Chương trình Đổi mới-Sáng tạo”, viết tắt là IPP, có mục tiêu nhằm tăng cường Hệ thống Đối mới -Sáng tạo Quốc gia (NIS) của Việt Nam. IPP có chức năng hỗ trợ các đối tượng là doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, và những cá nhân có nhu cầu tìm hiểu và tiến hành các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Chi phí thực hiện IPP là 9 triệu Euro, trong đó phía Phần Lan đóng góp 89%, Việt Nam đóng góp 11%. Giai đoạn 1 của chương trình sẽ kết thúc vào năm 2013, và giai đoạn 2 sẽ tiếp nối trong khoảng 4-5 năm tiếp theo.

IPP đã và đang tiến hành khảo sát thực trạng đổi mới sáng tạo ở Việt Nam trên quy mô nhỏ, và trong thời gian tới nếu Việt Nam quyết định khảo sát đánh giá thực trạng đổi mới sáng tạo trên quy mô lớn hơn bằng cách vận dụng những công cụ thống kê, đánh giá do OECD cung cấp thì IPP sẽ tham gia với vai trò hỗ trợ và hướng dẫn. IPP cũng có thể tham gia hỗ trợ Việt Nam triển khai Quỹ Đối mới Công nghệ Quốc gia nếu được yêu cầu.

Ngoài ra, IPP giúp kết nối các cá nhân và tổ chức Việt Nam với những đối tác từ Phần Lan nhằm thúc đẩy những mối quan hệ hợp tác đổi mới sáng tạo giữa hai quốc gia

 

1: www.oecd.org/dataoecd/50/32/ 45182551.pdf

 

Theo Tạp chí Tia Sáng, ngày 30 tháng 06 năm 2012

(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&News=5329&CategoryID=36)

 

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo