Đại học Hoa Sen – HSU

Đoạn kết buồn của đề án 322

Đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (đề án 322) buộc phải dừng đột ngột khi không được tiếp tục cấp kinh phí.

Học viên chương trình du học bằng ngân sách nhà nước (đề án 322) đợt 1-2011 nhận giấy chứng nhận sau khóa học tại Trung tâm đào tạo khu vực của Seameo VN – Ảnh do Trung tâm Seameo cung cấp

 

Đề án 322 là một chương trình nhận được nguồn kinh phí rất lớn trong điều kiện đất nước còn nghèo, kéo dài trong một thập kỷ. Tổng kết nguồn ngân sách cho đề án, ông Nguyễn Xuân Vang, cục trưởng Cục Đào tạo nước ngoài – Bộ GD-ĐT, cho biết kinh phí đã chi cho việc đào tạo từ năm 2.000- 2010 là trên 2.500 tỉ đồng, trung bình mỗi năm chi 228,5 tỉ đồng.

Gần 4.600 người đi học

Đề án này nhận được sự kỳ vọng rất lớn từ nhiều phía. Và đánh giá sau hơn 10 năm thực hiện, ông Phạm Sỹ Tiến, người đầu tiên nhận trọng trách điều hành đề án 322, nhận định: “Nhờ có đề án mà đã có gần 4.600 người được đi học nước ngoài, trên 3.000 lưu học sinh đã được đào tạo và trở về. Nhiều người trong số này đã giảng dạy và nghiên cứu khoa học tốt”.

Ông Tiến nói: “Trong hơn 10 năm, đề án 322 đã gửi người đi học tại 832 cơ sở đào tạo của 34 nước tiên tiến, trong đó có nhiều cơ sở thuộc nhóm 50 trường hàng đầu thế giới. Các ngành cử người đi học gồm khoa học công nghệ trọng điểm, những ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học, kinh tế – xã hội. Có 13% trong số lưu học sinh về nước hoàn thành khóa học xuất sắc. Hầu hết những người có trình độ tiến sĩ đều có trên hai công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới, một số người có công trình khoa học xuất sắc được khen thưởng.

Thế nhưng, tiếp xúc với chúng tôi, H.M., một giảng viên học công nghệ sinh học theo đề án 322 đã về nước, cho biết: “Hiện tại, trung bình tôi phải dạy 400-500 tiết/năm. Thu nhập chính mang lại từ giảng dạy. Nếu tôi không dạy thì không đủ sống. Lương thấp, thu nhập từ nghiên cứu khoa học thì càng ít ỏi. Với chế độ lương hiện tại, khó dồn hết cả tâm sức cho khoa học”.

Anh N.H., du học theo đề án 322 về nước năm 2007, hiện không làm việc tại trường cũ mà nhận làm việc cho doanh nghiệp, giải thích: “Trước khi đi nước ngoài, tôi cũng kỳ vọng vào nhiều điều. Nhưng về nước, môi trường làm việc vẫn không thay đổi. Cách quản lý thì cào bằng. Người có năng lực, có cống hiến cũng đối xử như người làm dở. Khi về nước tôi cũng hăm hở lắm, nhưng sản phẩm nghiên cứu của tôi không được đánh giá đúng mức. Tôi chuyển sang doanh nghiệp vì họ coi trọng công sức của tôi. Tôi cảm thấy có ích hơn”.

Không phát huy được năng lực

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận còn có nhiều bất cập trong việc thực hiện đề án như phương thức đào tạo phối hợp gặp khó khăn do người học hạn chế về ngoại ngữ, trong khi việc hỗ trợ bồi dưỡng ngoại ngữ cho ứng viên khi còn ở trong nước chưa được chú trọng đúng mức. Quy định trong việc cử người đi học cứng nhắc nên đã không khuyến khích được những người trẻ có năng lực đi học. Việc điều chỉnh mức sinh hoạt phí chậm thực hiện, việc chuyển sinh hoạt phí cho người học ở nhiều nước cũng bị chậm trễ gây khó khăn cho lưu học sinh.

Tuy nhiên, bất cập lớn nhất vẫn là việc không quan tâm đến cơ chế ưu đãi thu hút người sử dụng và tuyển dụng lưu học sinh sau khi tốt nghiệp. “Số lưu học sinh là sinh viên đi học trở về nước rất ít được các cơ quan Nhà nước tuyển dụng với lý do hạn chế chỉ tiêu và điều kiện tuyển dụng cán bộ” – đánh giá của lãnh đạo Bộ GD-ĐT.

Đánh giá hiệu quả của đề án 322, ông Phạm Sỹ Tiến nói: “Điều đáng buồn nhất của đề án là người học được Nhà nước đầu tư rất tốt, nhưng sau khi về nước không phát huy được năng lực của mình, không có môi trường để phát triển nghiên cứu tiếp”. Ông Tiến nhận xét: “Đề án có tốt nhưng “đầu ra” không tốt thì hiệu quả cũng bị giảm sút. Một số du học sinh sau khi về nước đã xin thôi việc ở cơ quan cũ để sang cơ quan khác làm việc hoặc làm việc cho doanh nghiệp. Nhiều người ở lại nước ngoài”.

Sinh viên đoạt giải nhất cũng bị dừng học bổng

Ngày 18-5, Bộ GD-ĐT chính thức có thông báo về việc dừng cấp học bổng 356 (322) cho đối tượng sinh viên chịu trách nhiệm chính thực hiện công trình đoạt giải nhất giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2010 và giải nhất giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2011. Theo ông Tạ Đức Thịnh – vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ GD-ĐT), do hiện nay không còn chỉ tiêu học bổng theo đề án 356 (322) để xét cấp học bổng thạc sĩ bằng ngân sách nhà nước cho sinh viên thuộc nhóm đối tượng này nên các sinh viên tìm hiểu, đăng ký dự tuyển các chương trình học bổng khác.

Riêng đối với sinh viên tiếp tục chọn học thạc sĩ trong nước thì ngay sau khi tốt nghiệp thạc sĩ và đề án mới được phê duyệt, Bộ GD-ĐT sẽ xét cấp học bổng để đi học trình độ tiến sĩ theo một đề án mới nối tiếp đề án 356 (322) mà bộ đang xây dựng.

 

Theo VĨNH HÀ – NGỌC HÀ

(Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo