Đại học Hoa Sen – HSU

Dịch thuật và tự do

Ngày 26/11, Ban Tu thư Trường Đại học Hoa Sen đã tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu sách “Dịch thuật và tự do” của TS. Hồ Đắc Túc. Buổi tọa đàm đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn TP.HCM.

Khách mời đến với buổi tọa đàm gồm có: Nhà văn Mai Sơn, Trưởng ban Tu thư Trường ĐH Hoa Sen; TS Hồ Đắc Túc- Tác giả “Dịch thuật và tự do”; Dịch giả Phạm Viêm Phương và TS Nguyễn Thu Hương-Chủ nhiệm bộ môn tiếng Anh Trường ĐH Hoa Sen.

Từ trái qua: Nhà văn Mai Sơn, TS Hồ Đắc Túc, Dịch giả Phạm Viêm Phương, TS Nguyễn Thu Hương

Mở ra con đường để bạn đọc tìm đến…

Mở đầu buổi tọa đàm, nhà văn Mai Sơn-Trưởng ban tu thư Trường ĐH Hoa Sen chia sẻ: “Con người có nhiều ngôn ngữ khác nhau, vì vậy dịch thuật tồn tại và đóng vai trò như chiếc cầu nối giúp cho những người không cùng ngôn ngữ có thể hiểu được điều người khác muốn diễn đạt. Lịch sử dịch thuật có từ lâu nhưng lý thuyết về dịch thuật chỉ mới xuất hiện vì vậy, Dịch thuật và Tự do của TS Hồ Đắc Túc có thể nói là những bước chân đầu tiên đi theo con đường mà ít ai khai phá”.

Chia sẻ với bạn đọc tại buổi tọa đàm, TS Hồ Đắc Túc cho rằng: “Quan niệm dịch đúng, dịch sai hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi chưa có hồi kết. Hy vọng các bạn sinh viên khi đọc cuốn sách này sẽ có cái nhìn rộng hơn về dịch thuật, từ đó tự tìm tòi và xây dựng cho mình một phương pháp dịch thích hợp”.

Bàn luận thêm về Dịch thuật và Tự do của TS. Hồ Đắc Túc, dịch giả Phạm Viêm Phương, người có kinh nghiệm lăn lộn hơn 30 năm trong địa hạt dịch thuật tâm sự thẳng thắn: “Tôi bước vào công việc dịch thuật với lòng yêu mến chứ chưa hề được qua trường lớp đào tạo và cũng chưa được học một ngày nào về lý thuyết dịch thuật. Vì vậy, nói về lý thuyết dịch thuật, tôi như một người mò mẫm trong đêm tối; mãi đến khi được nhà văn Mai Sơn giới thiệu cuốn sách này tôi mới nhận ra được nhiều thứ. Nói một cách ví von, Tự do và dịch thuật đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời dịch thuật “liều mạng” và “tay ngang” của tôi. Còn nói một cách nghiêm túc, Dịch thuật và Tự do của TS Hồ Đắc Túc là một đóng góp không nhỏ trong việc đào tạo dịch thuật học chính quy, khi mà những giáo trình về lịch sử, lý thuyết và phương pháp dịch thuật Việt Nam đến nay vẫn còn khá hiếm hoi. Nếu các bạn sinh viên đang có ý định đi theo nghề  dịch thuật, hãy tìm đọc để trở thành một dịch giả chuyên nghiệp”.

Với vai trò là một giảng viên giảng dạy môn Biên-Phiên dịch Thương mại và là Trưởng bộ môn Tiếng Anh của Khoa Ngôn Ngữ và Văn hóa học Trường ĐH Hoa Sen, TS Nguyễn Thu Hương cho biết: “Tôi rất tâm đắc với những lý thuyết mà tác giả đề cập trong Dịch thuật và Tự do. Tác giả đã trình bày khá bao quát những vấn đề cơ bản của dịch thuật. Đây là một công trình thiết thực không chỉ dành cho những người thực hành dịch thuật mà còn rất cần cho các giảng viên trong quá trình xây dựng giáo trình giảng dạy bộ môn dịch thuật”.

Giới hạn của tự do và đạo đức dịch thuật

Đây là chủ đề mà các độc giả quan tâm nhất trong buổi tọa đàm. Dịch giả nên trung thành với bản dịch gốc hay diễn đạt, tóm gọn vấn đề cho người nghe hiểu? Khía cạnh văn hóa và tri nhận trong dịch thuật? Dịch giả và đạo đức nghề nghiệp…

Sinh viên các trường đặt câu hỏi giao lưu trong buổi tọa đàm

Theo TS Hồ Đắc Túc, xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng có nhiều chọn lựa, vì vậy quan điểm về dịch thuật cũng được soi rọi ở nhiều góc cạnh khác nhau. Chúng ta có quyền chọn lựa vì con người vốn tự do và có nhu cầu mở mang kiến thức, nhưng chọn lựa chỉ có thể thực hiện khi chúng ta có một nền tảng kiến thức vững vàng và gắn liền với trách nhiệm. Nói một cách khác, sự tự do trong dịch thuật là tự do có giới hạn, nghĩa là người dịch phải có một kiến thức rộng, sâu chứ không phải “phỏng dịch” theo cảm tính.

Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Thu Hương cho rằng dịch giả muốn “tự do” lựa chọn phải có cái vốn, nền tảng kiến thức nhất định, cụ thể là vốn tiếng mẹ đẻ và tầm văn hóa sâu sắc mới có thể “rộng tay” xử lý những tình huống trong dịch thuật. Một người giỏi tiếng Anh chưa chắc là một dịch giả giỏi nếu chưa có nhận thức về cấu trúc, cách diễn đạt khác biệt giữa hai ngôn ngữ.

Ba tiêu chí Tín-Đạt-Nhã của một bản dịch cũng được đem ra trao đổi và thảo luận tại buổi tọa đàm. Nhiều bạn đọc băn khoăn về chữ “tín” và “nhã”: Một bản dịch hay nhất thiết phải “nhã” tức là phải được trau chuốt văn phong. Tuy nhiên, nếu bản dịch “nhã” thì chắc chắn không đảm bảo được “tín”? Hiện nay, không ít dịch giả tự dành cho mình nhiều “tự do” hơn trong khi viết lại tác phẩm bằng một ngôn ngữ khác. Lối dịch này bị không ít người nhìn nhận với ít nhiều nghi ngại.

Theo dịch giả Phạm Viêm Phương, người dịch nên xác định mục đích, đối tượng độc giả mà mình hướng đến là ai và tùy theo thể loại mà có những cách dịch cho phù hợp nhất, chính xác nhất.

TS Hồ Đắc Túc chia sẻ: Cũng giống như nghề y và nghề luật, biên dịch viên cần cũng cần có những chuẩn đạo đức hay quy tắc ứng xử riêng. Chuẩn đạo đức này chú trọng tới sự trung thành của người  phiên dịch đối với ngôn bản và ý tưởng. Điều quan trọng nhất là dịch giả phải biết mạnh dạn từ chối dịch những gì vượt quá sự hiểu biết của mình như một lời tuyên thệ trước tòa: “Tôi chỉ dịch những gì trong khả năng của tôi”. Đó cũng là lời nhắn nhủ của TS Hồ Đắc Túc đối với các bạn sinh viên mới bước chân vào lĩnh vực dịch thuật hiện nay, phải biết từ chối những bản dịch “quá tay”.

Theo TS Hồ Đắc Túc, cần có một hiệp hội dịch thuật, dịch giả, hoạt động với tư cách là một tổ chức riêng của những người làm trong lĩnh vực này. Nếu không có một tổ chức ban hành các quy chuẩn, đạo đức nghề nghiệp, đánh giá, thẩm định thì Việt Nam sẽ mãi còn trình trạng tràn lan những bản dịch ẩu, dịch giả mạnh ai nấy làm, không ai ý kiến, đánh giá. Một hiệp hội dịch thuật, dịch giả, sẽ tạo nhiều điều kiện cho những người đã, đang và sẽ làm việc trong lĩnh vực này. Hội sẽ là cơ quan, tổ chức đảm bảo nguồn “đầu vào” lẫn “đầu ra” tác phẩm của các dịch giả, tư cách dịch giả và tham gia vào việc đánh giá công sức của những người làm công tác dịch thuật xứng đáng hơn.

Kết lại buổi tọa đàm, Nhà văn Mai Sơn cho rằng: “Dù vẫn còn nhiều tranh luận về thực trạng dịch thuật hiện nay, lời khen cũng lắm và lời chê cũng không ít. Nhưng, có một sự thật không thể phủ nhận là nhờ dịch thuật, chúng ta ngày càng tiếp xúc được với nhiều sách vở tinh hoa, kinh điển, từ cổ kim đến đông tây. Chúng ta có điều kiện cọ xát với nhiều nền văn hóa khác nhau và tiếng Việt nhờ đó mà cũng ngày càng phong phú hơn, đa dạng hơn”.

Giống như tựa sách “dịch thuật và tư do”, buổi tọa đàm đã nêu lên được các vấn đề cơ bản nhất, cốt lõi nhất của thực trạng dịch thuật, gợi mở những vấn đề còn tranh cãi hiện nay và đề xuất các giải pháp cho những tình huống cụ thể để những ai đang chuẩn bị đặt chân vào lĩnh vực này có thể “tự do” lựa chọn giải pháp khi thực hành dịch thuật.

Hữu Tri

 

 

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo