Đại học Hoa Sen – HSU

Đề xuất giải pháp đấu tranh chủ quyền lâu dài ở biển Đông (bài cuối)

Từ những thực tiễn, chứng lý và pháp luật, mà Infonet đã lần lượt chuyển đến độc giả, cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” còn nêu ra những “tia sáng” và những giải pháp cho tình hình phức tạp ở Biển Đông.

5 đề xuất, sáng kiến nổi bật của giới học thuật về vấn đề Biển Đông

Tranh chấp Biển Đông hết sức phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây căng thẳng, xung đột, làm nguy hại đến hòa bình, an ninh, sự ổn định của khu vực và thế giới. Muốn giải quyết cơ bản được các loại tranh chấp này, nhiều học giả và chính khách đã từng nêu ra nhiều sáng kiến có giá trị. Sau đây là một số sáng kiến đáng được cân nhắc:

Thứ nhất: Thống nhất được cách giải thích và vận dụng các tiêu chuẩn để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các quốc gia ven biển ở xung quanh Biển Đông, như: Việc xác định hệ thống đường cơ sở ven bờ lục địa, ven bờ các hải đảo xa bờ, hệ thống đường cơ sở quốc gia quần đảo, thống nhất các tiêu chuẩn để tính hiệu lực của các đảo trong việc hoạch định ranh giới biển, thềm lục địa…

Thứ hai: Thống nhất được phạm vi biển, thềm lục địa chồng lấn được hình thành từ các yêu sách của các quốc gia ven biển theo đúng các tiêu chuẩn của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Thứ ba: Thống nhất các tiêu chuẩn xác định phạm vi biển và thềm lục địa của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với tư cách là những quần đảo xa bờ, không phải là quốc gia quần đảo; các đảo ở đây có diện tích rất nhỏ, không thích hợp với đời sống con người, không có đời sống kinh tế riêng…

Thứ tư: Thống nhất nguyên tắc pháp lý và thực tiễn quốc tế áp dụng cho việc xác định quyền thụ đắc lãnh thổ quốc gia đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo này.

Thứ năm: Nếu yêu sách nào đã đưa ra không phù hợp với những tiêu chuẩn đã được thống nhất thì phải bị coi là vô giá trị, quốc gia nào đã đưa ra yêu sách đó phải từ bỏ nó với một tinh thần thực sự cầu thị, tôn trọng luật pháp, thực tiễn quốc tế, vì lợi ích, hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và quốc tế.

Xem tiếp tại đây

Theo Hồng Chuyên

(Lược trích từ sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”)

(Nguồn: Infonet, 15/9/2012)

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo