Đại học Hoa Sen – HSU

Buổi giới thiệu đề án “Học tập phục vụ cộng đồng” của Bộ môn Văn hóa Anh – Mỹ

Ngày 25/5 vừa qua, Bộ môn Văn Hóa Anh – Mỹ, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa học, Trường Đại học Hoa Sen đã tổ chức buổi giới thiệu đề án “Học tập phục vụ cộng đồng” (Service learning). Buổi giới thiệu đề án này đã thu hút khoảng một trăm sinh viên năm nhất và năm hai Ngành Ngôn ngữ Anh tham dự.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Duy Khương, một trong ba giảng viên phụ trách đề án đã mở đầu bằng câu chuyện nhỏ về một cậu bé không thích tham gia các hoạt động với tập thể, và ông nội dắt cậu bé xuống bếp than xem các đốm than đỏ đặt cùng nhau thì vẫn đỏ, tỏa hơi nóng, và nếu bỏ riêng ra thì mau chóng lụi tàn. Câu chuyện này đã gửi một thông điệp vô cùng ý nghĩa, đó là chúng ta cần hòa mình vào tập thể, sống đẹp không phải là làm đẹp cho bản thân mình mà còn cần nhìn ra xung quanh và quan tâm đến mọi người.

TS. Nguyễn Chí Duy Khương chia sẻ ý nghĩa của hoạt động Học tập phục vụ cộng đồng

Hai nhóm sinh viên cũng mang kinh nghiệm thực tế của mình qua hoạt động phục vụ cộng đồng đến chia sẻ với các bạn. Các bạn sinh viên Mai Thy, Thanh Phương và Thanh Thanh đã từng tham gia dự án Biên Phiên Dịch tại Trung tâm Thuận An – Bình Dương cũng đến tham dự buổi giới thiệu đề án để chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn sinh viên khác. Trước đó, nhóm bạn này đã tham gia lớp tập huấn dành cho các giáo viên dạy trẻ khiếm thính tại Việt Nam nhằm giúp các em có thể nghe nói, với sự hỗ trợ của máy trợ thính, cấy ốc tai, và những người hướng dẫn là đội ngũ chuyên gia đến từ các nước Mỹ, Úc, Hong Kong. Trong suốt thời gian làm việc tại Trung tâm Thuận An, các bạn không chỉ được tiếp thu kiến thức về một lĩnh vực hoàn toàn mới – thính học, trau dồi tiếng Anh trong quá trình biên – phiên dịch, môi trường làm việc chuyên nghiệp mà còn được tiếp cận môi trường làm việc đong đầy tình yêu thương. Tất cả mọi người tham gia chương trình đều nỗ lực với mong muốn trẻ khiếm thính có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục, xã hội. Những nụ cười hay giọt nước mắt của phụ huynh có con là trẻ khiếm thính, của giáo viên khi trẻ cất tiếng nói là động lực để các bạn hoàn thành công việc biên phiên dịch mỗi khi lớp tập huấn diễn ra vào các hè từ 2012 đến nay. Nhiều bạn đến hè 2014 này tình nguyện tham gia chương trình ba lần.

Các sinh viên từng tham gia đề án chia sẻ những kinh nghiệm thực tế

Nhóm sinh viên thứ hai, gồm: Ngọc Phượng, Trọng Khiêm, Thảo Nguyên, Hoàng Trầm, Quốc Huy cũng mang đến hội thảo những hình ảnh đầy màu sắc và những câu chuyện sống động về hoạt động dạy học cho các trẻ em mồ côi tại Tịnh thất Linh Sơn từ tháng 9 đến tháng 12/2013. Từ những khó khăn ban đầu về cơ sở vật chất cũng như sự lơ đễnh học tập của các em nhỏ, các sinh viên đã nỗ lực qua từng buổi học để giúp các em yêu thích việc học tập và có thái độ tốt hơn, và chính các sinh viên đã có những trải nghiệm về việc phải linh động, sáng tạo trong quá trình dạy học thực tế. Cảm xúc lắng đọng lại khi bạn Thảo Nguyên chia sẻ vào hôm cuối cùng dạy học, các em bé đã đến ôm các thầy cô, xin hôn vào hai má các thầy cô sinh viên mà nước mắt cô trò đều rơi. Các bạn tham dự đã đặt nhiều câu hỏi cho nhóm dạy học tình nguyện này, và các thắc mắc cũng dần được sáng tỏ ở các phần tiếp theo.

Thảo Nguyên (đứng giữa) đang chia sẻ kỷ niệm khi tham gia dạy các em nhỏ ở Tinh thất Linh Sơn

Tiếp nối chương trình, ThS.Trần Ngọc Dung – Trưởng đề án hỏi người tham dự “hạnh phúc là gì, cho đi hạnh phúc thì sao?” Cả khán phòng cùng nghe bài hát tiếng Anh “hạnh phúc, khi cho đi sẽ quay về”, và với sự hướng dẫn của bạn sinh viên năm nhất Ngọc Anh, mọi người đã có mười phút đứng dậy, cùng hát, cùng làm động tác và cảm nhận các giai điệu “cho đi, hạnh phúc sẽ quay về” thật trẻ trung sôi nổi. Anh Phạm Văn Anh, người từng đảm nhiệm trưởng các dự án Service Learning của một tổ chức phi chính phủ, hiện cũng là thành viên của câu lạc bộ FACE của Đại học Hoa Sen cũng có năm phút chia sẻ ngắn gọn mà súc tích về việc phục vụ cộng đồng qua những việc đơn giản: Cùng các em nhỏ nhặt lá rơi rụng trong sân, học tập đếm 1,2,3 … Anh Phạm Văn Anh sẽ có hai buổi hướng dẫn sâu hơn cho các sinh viên tham gia đề án về tính chất của phục vụ cộng đồng và các trò chơi, các hoạt động hướng đến giúp đỡ cộng đồng.

Cô Trần Ngọc Dung – Trưởng đề án Học tập phục vụ cộng đồng

Đề án “Học tập phục vụ cộng đồng” dần được trưởng đề án miêu tả chi tiết qua từng bước cơ bản. Cụ thể, các bạn sinh viên tham gia đề án sẽ đến các cộng đồng làm quen, tìm hiểu, sau đó học các kỹ năng phục vụ cộng đồng, kỹ năng tâm lý, giao tiếp xã hội, soạn giáo án, lên tiết mẫu với sự hướng dẫn của anh Văn Anh, chị Lê Thị Vân Anh (Phòng Hỗ trợ sinh viên) và các giảng viên phụ trách đề án. Sau đó, các bạn sẽ đi các trường, mái ấm của thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn từ tháng 8 đến tháng 12/2014, mỗi tuần khoảng một hoặc hai buổi, dạy tiếng Anh và cùng tổ chức các hoạt động giáo dục khác cho các em. Trong quá trình này, sinh viên sẽ tìm hiểu các vấn đề khó khăn của cộng đồng và của chính mình trong quá trình làm việc, tìm cách tự giải quyết hoặc tham khảo ý kiến của nhóm và sự tư vấn của các giảng viên tham gia đề án. Cũng như thực tập nhận thức, sau khi hoàn thành đề án, sinh viên sẽ viết báo cáo và trình bày trước hội đồng thực tập nhận thức. Bên cạnh đó, tham gia đề án các bạn sẽ được khuyến khích chia sẻ những kinh nghiệm thông qua nhiều hình thức và đẩy mạnh hoạt động phục vụ cộng đồng này.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Thế, giảng viên phụ trách đề án, trình bày sơ lược về số lượng, trình độ của học sinh, cũng như địa điểm của các trường, mái ấm. Thầy Tạ Vạng Đức – Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ Nhà hàng TP.HCM, một trong bốn cơ sở cộng đồng của đề án cũng có đôi lời nhắn nhủ mong sinh viên Hoa Sen đến giúp các em thanh thiếu niên của trường học tiếng Anh và giúp các em có nhận thức, ứng xử tốt hơn.

Anh Phạm Văn Anh chia sẻ kinh nghiệm với các bạn sinh viên

Chị Vân Anh – Phòng Hỗ trợ sinh viên

Phần trả lời câu hỏi diễn ra sôi nổi. Các sinh viên băn khoăn liệu tham gia đề án có làm mất đi cơ hội thực tập tại một môi trường làm việc chuyên nghiệp của công ty nào đó. Với kinh nghiệm làm công tác cộng đồng, cũng như đã hướng dẫn nhiều nhóm sinh viên phục vụ cộng đồng, anh Văn Anh, chị Vân Anh và chị Trần Thị Mỹ Quyên (Phòng đào tạo) đều khẳng định giúp đỡ cộng đồng giúp cho các bạn trưởng thành lên rất nhiều trong suy nghĩ, nhận thức, cũng như khả năng giao tiếp, xử lý tình huống cũng tăng lên. Dù ở môi trường nào bạn cũng cần làm những công việc nhỏ nhặt nhất, nhưng khi phục vụ những đối tượng thấp hơn mình trong hoạt động vì cộng đồng này thì sau này vào môi trường làm việc thực sự, bạn sẽ không nề hà công việc, biết chia sẻ, cảm thông với đồng nghiệp, và với hồ sơ phục vụ cộng đồng từ trường đại học, bạn sẽ được các nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn.

Buổi giới thiệu đề án đã thu hút nhiều sự quan tâm của các bạn sinh viên Hoa Sen

Buổi giới thiệu đề án khép lại sau gần ba tiếng lắng nghe các chia sẻ, tham gia các hoạt động vừa sôi nổi, vừa sâu lắng. Cũng trong ngày, qua mạng xã hội và email trao đổi với các giảng viên phụ trách đề án, nhiều sinh viên đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với hai nhóm sinh viên, cũng như đã có cái nhìn khác đi về cuộc sống sau khi nghe phần trình bày và chia sẻ từ các giảng viên, đặc biệt là từ phần chia sẻ của anh Văn Anh và chị Vân Anh. Với nhiều bạn, giai điệu của bài “Hạnh phúc” – Happiness is something if you give it away, you give it away, then it comes right back to you – cho các bạn một sự lâng lâng, một hứng khởi để tham gia vào một hoạt động vừa có ích cho xã hội, vừa giúp mình trưởng thành hơn.

Cát Ngọc

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo