Đại học Hoa Sen – HSU

Buổi chiếu phim thứ 2 của Liên hoan phim Tài liệu Châu Âu – Việt Nam và Đông Nam Á lần thứ 5 tại ĐH Hoa Sen

Tối ngày 11/6, Liên Hoan Phim Tài Liệu Châu Âu – Việt Nam lần thứ 5 đã bước sang buổi chiếu thứ 2. Trong số đông khán giả tham dự, chúng tôi ghi nhận ngày càng xuất hiện nhiều gương mặt trẻ, và dường như đã trở nên thân quen.

Buổi chiếu phim đã thu hút rất nhiều khách mời 

Bộ phim Việt Nam “Chữ trên sóng” của đạo diễn Vương Khánh Luông, kịch bản Phan Huyền Thư mở màn cho đêm chiếu. Vẫn là một câu chuyện về những khó khăn của ngành giáo dục, nhưng những khung hình chứa đầy cảm xúc, những chi tiết bất ngờ đầy ý nghĩa đã làm nên thành công của các nhà làm phim. Phim kể về việc học chữ của những đứa trẻ làng chài Vạn Giá, quanh năm lênh đênh trên sóng nước Hạ Long, bươn chải giữa mưu sinh và ước mơ lên bờ. Những khuôn mặt ngơ ngác ngây thơ trong buổi chào cờ đầu tiên, những ánh nhìn thích thú, những cái mím môi khó nhọc khi cắm cúi nắn nót từng con chữ, và cả những câu trả lời rụt rè “Thưa cô, con không biết con gà!”… Có em vì không có thuyền tới trường nên phải trần truồng bơi dưới nước, đặt quần áo, sách vở lên một miếng ván để không bị ướt. Có em 15 tuổi, lóng ngóng tập đánh vần giữa bầy trẻ lên 6. Có em phải tranh thủ vừa đan lưới, vừa học bài. Có em dù thèm học nhưng đến mùa du lịch phải bơi thuyền đi bán hàng rong giúp mẹ… Những thước phim đã khiến cả khán phòng xúc động.

Buổi chiếu thú vị hơn khi có sự góp mặt của nữ đạo diễn Heidi Spocogna

Nếu “Chữ trên sóng” thể hiện khao khát được đi học, được biết con chữ của những đứa trẻ ở làng chài Vạn Giá nhỏ bé thì “Con tàu của kẻ săn bàn thắng” cùa nữ đạo diễn người Đức Heidi Specogna lại là tiếng kêu trăn trở của những thân phận trẻ em nghèo Tây Phi. Ở Togo, Benin… vào cuối thập kỷ 90, có nhiều em nhỏ bị đưa đi xa khỏi gia đình, trên những chuyến tàu, khi tuổi còn rất nhỏ để làm việc kiếm tiền.

Suốt 94 phút phim tài liệu, khán giả không rời mắt khỏi màn hình, hoàn toàn bị thuyết phục bởi phong cách  kể chuyện đặc sắc của nữ đạo diễn Heidi Specogna: phim không dùng lời bình, chỉ có thoại và âm thanh hiện trường, trên nền một nét nhạc Tây Phi mênh mang, trăn trở.  

Cô Hồ Tố Phương giới thiệu buổi phim thứ 2

Bà Heidi Specogna cho biết: “Con tàu của kẻ săn bàn thắng” không phải là một hành trình đơn giản. Phim được chuẩn bị trong vòng 8 năm, bắt đầu từ 2001. Năm 2007-2008 bắt đầu bấm máy. Năm 2008 – 2009 là thời gian hậu kì và 1 năm sau bắt đầu phát hành. Từ 2001 đến 2007, tất cả các công việc thu thập dữ liệu, tìm kiếm nhân vật, thuyết phục để các nhân vật (tại châu Phi) chấp thuận xuất hiện trước ống kính, thuyết phục nhà chức trách… đều do đoàn làm phim tự thực hiện.

Đạo diễn Heidi Specogna cũng tiết lộ: khó khăn lớn nhất trong quá trình làm phim chính là các nhân vật. Vì không phải bao giờ nhân vật cũng sẵn sàng kể ra câu chuyện của mình, chưa kể nhà làm phim phải biết cách xử lý những sắc thái tình cảm của nhân vật và vẫn giữ tinh thần khách quan của dòng phim tài liệu.

Một bạn trẻ đang đặt câu hỏi giao lưu với nữ đạo diễn Heidi Spocogna

Đoàn phim đã đến các ngôi làng Tây Phi và lưu lại đó nhiều ngày. Họ đã gặp gỡ, tìm hiểu và chờ đợi dân làng, các gia đình, cũng như các em nhỏ sẵn sàng cho bộ phim. Một thủ thuật đã được Heidi Specogna sử dụng trong quá trình phỏng vấn 2 trẻ em nạn nhân của con tàu Eterino: thu hình và đặt câu hỏi cho các em cùng với sự hiện diện của gia đình. Những giằng xé nội tâm, những trăn trở bứt rứt, những điếu tưởng chừng khó có thể nói thành lời, đã được thu vào ống kính, trong những khoảnh khắc giản dị.

Phim nhận đã được sự hỗ trợ tài chính của một số quỹ của Đức.

Bài & ảnh: Bảo Quỳnh – Thùy Dương

Xem thêm

Phóng sự ảnh Lễ khai mạc liên hoan phim tài liệu Châu Âu – Việt Nam và Đông Nam Á lần thứ 5 tại ĐH Hoa Sen

Lịch chiếu phim tài liệu châu Âu và Đông Nam Á tại Đại học Hoa Sen (10/6 đến 29/6)

Liên hoan phim tài liệu châu Âu và Đông Nam Á tại Đại học Hoa Sen

 

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo