Đại học Hoa Sen – HSU

“Bần cùng chưa chắc đã sinh đạo tặc!”

Đó là khẳng định của Tiến sĩ Hồ Đắc Túc sau bảy năm đi lại và tìm hiểu về đất nước Myanmar (Miến Điện) nhân dịp cuốn sách “Miến Điện – đất nước hình ngọn lửa” của ông vừa chính thức ra mắt độc giả Việt Nam.

Sách do Đại học Hoa Sen và nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành.

“Tiếp cận” Myanmar lần đầu năm 2009, từ một chuyến đi đầy ngẫu hứng, tác giả Hồ Đắc Túc nhận ra dưới chế độ chính trị do quân đội nắm quyền, thì đây là một đất nước rất nghèo, “nghèo hơn cả người Việt Nam trong thời bao cấp”. Những lần trở lại Myanmar về sau, tiến sĩ Túc nhanh chóng bước qua những nghi ngại, bỡ ngỡ hay định kiến ban đầu trước cái nghèo khó để tìm thấy sự an tâm hòa nhập, khám phá vẻ đẹp đời sống, văn hóa của cư dân quốc gia này,

“Nghèo, nhưng trên đường phố rất ít người xin ăn, khách để quên máy chụp ảnh ở tiệm cơm khi quay lại đâu vẫn còn đấy, mua đồ đạc mà lỡ đưa lộn tiền thừa thì cũng được trả lại… Người Myanmar hồn nhiên, thân thiện, thật thà và luôn sống tử tế trong sự cơ cực, họ luôn sợ làm tha nhân buồn phiền. Chính đó là nét thú vị về đời sống nhân văn cuốn hút tôi quay lại nhiều lần, chứ không phải cảnh sắc”, tác giả Hồ Đắc Túc nói.

Ông cũng cho biết, khi bà Aung San Suu Kyi trở về nước mở hệ thống trường học có tên “Trường của Mẹ” với khát vọng chấn hưng dân trí, thì được người dân đồng tình và hứng khởi hưởng ứng. Chính điều này làm cho hậu quả của nền giáo dục suy thoái trong hơn nửa thế kỷ quân đội cầm quyền nhanh chóng được thay đổi một cách đầy lạc quan. Bản thân tác giả cũng từng tham gia dạy học một số nơi ở Myanmar trong một số dự án, nhận ra rằng, tại đất nước này, sự hiếu học được đề cao dù sách vở, học liệu giáo khoa còn rất thiếu thốn – “nhưng tinh thần học là một thứ tài sản vô giá, nó cần hơn là phương tiện học. Có tinh thần học, thì phương tiện sẽ đến sau”, ông Túc nói.

Một điều nữa ở người Myanmar khiến Hồ Đắc Túc bị mê hoặc và truyền xúc cảm đó qua những trang sách chính là: “Chính quan điểm sống mang đậm nhân sinh quan, thế giới quan của truyền thống Phật giáo Nam tông, tin vào nhân quả đã làm nên căn tính, lối hành xử của người Myanmar. Ở Myanmar, một trong những lời chúc tốt đẹp mà người ta dành cho nhau đó là “mong kiếp sau tiếp tục được đầu thai là người Phật tử và tiếp tục là người Myanmar”. Chính “lõi cứng” của đời sống tâm linh đó làm cho những giá trị rường cột tinh thần xã hội ổn định, chính trị tuy còn nhiều bất ổn nhưng rồi sẽ phát triển theo hướng tích cực. Thêm vào đó, tính chất đa sắc tộc của một cộng đồng khá thuần nhất về triết lý sống, cùng hướng tới cái thiện cũng sẽ giúp cho từng cá nhân trong xã hội biết tự điều chỉnh để sống khiêm tốn, kiên trì khi đối thoại, hành xử với nhau – Từ giác độ văn hóa, tiến sĩ Túc gián tiếp lý giải cho những chuyển biến chính trị lạc quan gần đây ở đất nước này.

Tuy nhiên, ông Túc cũng không tự cho mình là nhà nghiên cứu Myanmar. Ông nói rõ rằng, những gì được viết trong cuốn sách chỉ dừng lại như là những trang du ký, là cẩm nang cho độc giả quan tâm tìm hiểu, có  sự trang bị khi du lịch đến đất nước này.

Tiến sĩ Túc chia sẻ: “Cảm nhận từ hiện tượng Myanmar, tôi tin một điều tưởng chừng nghịch lý – bần cùng chưa chắc đã sinh ra đạo tặc. Có khi đạo tặc lại nằm ở sự giàu có, đặt mục tiêu phát triển trên tham vọng giàu có vật chất bằng mọi giá…”

Nhiều ý kiến cũng gợi mở, so sánh giữa truyền thống văn hóa Myanmar với Việt Nam và những dị biệt “khó nói” từ thực tế chính trị, xã hội trong thời hiện đại cũng được đưa ra bàn bạc tại buổi tọa đàm sáng 26-2-2016 tại Đại học Hoa Sen (TP.HCM).

>> xem chi tiết bài viết

Theo Nguyễn Vinh
(Nguồn: Thesaigontimes, ngày 26/02/2016)

Tin liên quan:

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo