Đại học Hoa Sen – HSU

Bài giảng đầu năm dành cho tân sinh viên 2013

Bài giảng đầu năm là một truyền thống tại ĐH Hoa Sen trong nhiều năm qua, đó là dịp trao đổi thân mật giữa sinh viên nhà trường cùng đại diện Ban giám hiệu cũng như các học giả chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen, thì đây là cơ hội để các bạn tân sinh viên lắng nghe những chia sẻ của các diễn giả đến từ xa và học hỏi được nhiều điều đồng thời thể hiện tinh thần hiếu học, hiếu trri của ĐH Hoa Sen.

Năm 2013, bài giảng đầu năm của ĐH Hoa Sen do phòng Hỗ trợ sinh viên tổ chức với sự tham gia của các vị khách mời là Giáo sư Trần Văn Thọ, Giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, hiện đang giảng dạy tại nhiều trường ĐH lớn của Nhật Bản và bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Live & Learn, đã thu hút được hàng ngàn tân sinh viên đến tham dự tại hội trường cơ sở 08 Nguyễn Văn Tráng Q1, TPHCM.

Buổi trò chuyện đầu năm đã thu hút đông đảo tân sinh viên tham dự
 

Gửi niềm hy vọng đến giới trẻ Việt Nam

Người mở đầu cho bài giảng năm nay là Giáo sư Trần Văn Thọ, được biết đến với vai trò là cá nhân có rất nhiều đóng góp cho nền kinh tế và phát triển đất nước, ông là người đã đề xuất ý tưởng thành lập trung tâm kinh tế châu Á Thái Bình Dương, từng học tập tại Nhật Bản và hiện đang giảng dạy tại nhiều trường ĐH lớn tại Tokyo. Với đề tài: “Việt Nam trong dòng chảy của lịch sử kinh tế thế giới”, GS.Thọ mong muốn gửi niềm hy vọng đến giới trẻ Việt Nam (VN) để phát triển đất nước trong tương lai bằng cách điểm qua lịch sử 200 năm của kinh tế thế giới và bản đồ kinh tế thế giới hiện nay bao gồm 4 nhóm: nhóm nước còn lẩn quẩn trong nghèo khó; nhóm nước đã phát triển lên mức thu nhập trung bình thấp (VN nằm trong nhóm này và cần thay đổi vị trí); nhóm nước trung bình cao; nhóm nước tiên tiến. Theo đó, Giáo sư đã chỉ rõ những nước thành công trong việc thay đổi vị trí của hai quốc gia rất gần với Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản. Hai đất nước đó trước khi đổi mới đều gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí thua xa nước ta, bởi lẽ không được thiên nhiên ưu ái nguồn tài nguyên, nhưng có được lợi thế của nước đi sau bằng cách tận dụng ngoại lực, vốn đầu tư tư bản, công nghệ, tri thức kinh doanh và quản lý, tri thức tổ chức… Đồng thời cũng biết sử dụng khéo léo nguồn ngoại lực như vốn ODA, FDI, mua công nghệ, học tập và du học.

GS. Trần Văn Thọ đang chia sẻ với tân sinh viên Hoa Sen

Bài học từ Nhật Bản mà Giáo sư gợi mở cho các bạn sinh viên Hoa Sen là những điểm sáng trong đội ngũ lãnh đạo chính trị yêu nước, đội ngũ quan chức liêm khiết, đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp luôn có tinh thần mưu cầu lợi nhuận chân chính cũng như tầng lớp lao động có trình độ giáo dục ngày càng cao và đội ngũ tri thức luôn có trách nhiệm xã hội. Đây chính là năm thành phần quan trọng trong xã hội Nhật Bản, là những nội lực mạnh mẽ để tạo nên những bước phát triển thần tốc của quốc gia này. Riêng đối với ví dụ về Hàn Quốc, GS.Thọ chỉ rõ đây là quốc gia có tinh thần dân tộc rất cao và chính sự gần gũi về ngôn ngữ, văn hóa, địa lý đã giúp cho Hàn Quốc học tập từ Nhật Bản rất nhiều. Theo đó, vào thập niên 80, nhiều công ty Hàn Quốc lấy công ty hàng đầu của Nhật Bản làm mục tiêu phấn đấu. Họ tích cực vay vốn, nhận viện trợ nhưng ý thức sẽ chấm dứt trong thời gian ngắn, du nhập công nghệ nước ngoài chủ yếu theo hình thức hợp đồng, nỗ lực học tập. Đây là những điểm đáng để những người trẻ tuổi – chủ nhân tương lai của VN,  học hỏi và noi theo trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới.

Tân sinh viên đặt câu hỏi cho diễn giả

Nhìn lại thực trạng của Việt Nam, GS.Thọ khẳng định tiềm năng của nước ta là rất lớn, từ đó phải tăng cường củng cố năng lực xã hội để phát triển nhanh, đặc biệt là tập trung vào bốn yếu tố quan trọng là: tinh thần yêu nước, văn hóa, giáo dục và thể chế. Kết thúc bài giảng, GS.Thọ muốn gửi gắm đến tất cả các sinh viên Hoa Sen đang ngồi dự trong hội trường về ba chữ  “mệnh” quan trọng. Đó là: “Định mệnh – Vận mệnh – Sứ mệnh”. Để thực hiện được sứ mệnh quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước thì mỗi công dân trẻ tuổi hãy ghi nhớ: “Chí tại thiên lý”, tức phải nuôi chí lớn, chí cao ngàn dặm để học tập và rèn luyện, đóng góp sức mình xây dựng đất nước.

Đồng suy nghĩ với GS.Thọ về những tiềm năng phát triển của đất nước, bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Live & Learn, đưa ra những số liệu rất cụ thể chứng minh VN không còn nằm trong số 50 quốc gia nghèo nhất thế giới và tỷ lệ hộ nghèo đã giảm rất ấn tượng từ 58.1% năm 1999 xuống 28.9% năm 2000. Tuy nhiên, bà cũng đưa ra những ví dụ rất cụ thể bằng cách đặt câu hỏi cho các bạn tân sinh viên ĐH Hoa Sen nhằm nhấn mạnh hiện trạng chênh lệch giàu nghèo tại VN là rất lớn, tỉ lệ người trẻ tuổi nhiễm HIV cao nhất tại VN, tỉ lệ nạo phá thai từ 15-19 tuổi chiếm thứ 5 trên thế giới, đứng đầu Đông Nam Á và chiếm 22% số ca trên cả nước, trung bình số người chết vì tai nạn giao thông tại VN trong 5 năm gần đây là 30 người/ngày, bằng với con số thương vong do thảm họa sóng thần tại Nhật Bản cách nay 2 năm.

Bà Đỗ Vân Nguyệt dành nhiều lời khuyên cho các tân sinh viên chuẩn bị bước vào năm học mới tại ĐH Hoa Sen

Những ví dụ trên đây đã phần nào khẳng định được rằng Việt Nam đang có những thách thức liên quan đến mối quan hệ giữa việc giảm nghèo và chính xách xã hội, dân số và sức khỏe sinh sản, HIV, trẻ em và thanh niên, bình đẳng giới, quản trị;  tính dễ bị tổn thương do thiên tai, phát triển bền vững về môi trường. Đồng thời bà Nguyệt cũng chỉ rõ cho các bạn trẻ Hoa Sen về 10 vấn đề bức xúc tại VN hiện nay là: thu nhập, giá cả sinh hoạt, tai nạn giao thông, chất lượng giáo dục, tham nhũng, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, chất lượng y tế, việc làm và an toàn thực phẩm. Và để có thể trở thành “những công dân trẻ tích cực” cho đất nước, lời khuyên của bà Đỗ Vân Nguyệt dành cho các bạn trẻ là hãy bước ra khỏi “vùng thoải mái” của mình, hãy đi và cảm nhận thế giới xung quanh, lắng nghe và quan tâm đến người khác nhiều hơn, đặc biệt là đừng bỏ lỡ 4 năm Đại học đầy thú vị ở phía trước.

Thông điệp của chủ đề năm học tại ĐH Hoa Sen

Theo TS.Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen thì chủ đề năm học: “Sống tử tế, Học đàng hoàng, Kết nối năm châu” của nhà trường xuất phát từ sự bức xúc trước hiện trạng xã hội VN, cách thực hiện sứ mệnh của trường đại học. Đây chính là thái độ tự trọng và trách nhiệm của một trường đại học VN trước thực trạng và vì tương lai, sự phát triển bền vững của đất nước.

TS. Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen chia sẻ về chủ đề năm học

TS.Bùi Trân Phượng cũng khẳng định: chủ đề không phải là khẩu hiệu mà phải quan sát, suy nghĩ với tư duy phân tích, lý giải, phản biện, nhìn sự việc nhiều chiều nghĩ theo nhiều hướng, không theo lối mòn, không a dua. Đồng thời, TS.Phượng nhấn mạnh: phương châm đào tạo tại Hoa Sen nói chung và trong bài giảng đầu năm là không có giờ học thuần túy lý thuyết mà xuất phát từ thực tiễn và trải nghiệm; không thuyết trình mà trao đổi; học là hỏi, tự hỏi, hỏi là suy nghĩ; không có câu hỏi ngớ ngẩn; kiên nhẫn và chú ý lắng nghe là tôn trọng, cả nể một người là thiếu tôn trọng mọi người.

TS. Bùi Trân Phượng đặt nhiều kỳ vọng vào tân sinh viên

Kết thúc bài nói chuyện thân mật của mình cùng các tân sinh viên của niên khóa 2013, TS. Bùi Trân Phượng mong muốn các bạn hãy: “Quan sát, suy nghĩ, cảm xúc và hành động. Và biết xấu hổ!” đồng thời phải biến giá trị của nhà trường thành giá trị của bản thân.

Phương Thảo

Xem thêm:

Năm học 2013 – 2014: Đ​ại học Hoa Sen chào đón gần 3000 tân sinh viên

Trò chuyện cùng Tân sinh viên 2013

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo