Đại học Hoa Sen – HSU

Văn chương Tự Lực Văn Đoàn và buổi giao lưu cùng nhà văn Vu Gia với sinh viên

Nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ Khánh thành Trụ sở chính, ngày 10/11 vừa qua, Ban Tu thư của Trường Đại học Hoa Sen đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về “Tự Lực Văn Đoàn trong tiến trình hiện đại hóa văn học” và giao lưu cùng nhà văn Vu Gia, người đã có nhiều công trình nghiên cứu khá tường tận về Tự Lực Văn Đoàn.

Sinh viên Hoa Sen hứng thú với văn chương Tự Lực Văn Đoàn

Buổi nói chuyện đã thu hút khá nhiều học giả, nhà nghiên cứu cùng các giảng viên, sinh viên đến tham dự, cùng nhau tìm hiểu về văn chương của Tự Lực Văn Đoàn cũng như những đóng góp to lớn và ảnh hưởng sâu sắc của Tự Lực Văn Đoàn trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam.

Phóng viên HTV đang phỏng vấn ông Mai Sơn – Trưởng ban Tu thư Trường ĐH Hoa Sen về chương trình

Hương văn còn mãi với thời gian

Mở đầu buổi nói chuyện, nhà Văn Vu Gia chia sẻ: “Nói về Tự Lực Văn Đoàn thì ai cũng biết, tuy nhiên để biết hết, biết đủ và biết một cách tường tận thì không phải ai cũng biết”.

Nhiều người đều biết Tự Lực Văn Đoàn là một nghiệp đoàn sáng tác do Nguyễn Tường Tam (tên thường gọi là Nhất Linh) chủ trương khởi xướng và thành lập vào năm 1934, nhưng không ai nhớ hết nghiệp đoàn sáng tác này có tất cả là bao nhiêu thành viên. Đặc biệt, không phải ai cũng biết rằng đây chính là nghiệp đoàn sáng tác đầu tiên của Việt Nam do tư nhân khởi xướng, tự tổ chức và hoạt động mà không hề nhận được bất kỳ tài trợ nào của nhà nước. Các thành viên của Tự Lực Văn Đoàn gồm: Nhất Linh, Khái Hưng, Tú Mỡ, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ và Xuân Diệu đã sáng tác rất nhiều thơ ca, tiểu thuyết dài, ngắn với cách hành văn cũng như cấu trúc tác phẩm vô cùng mới mẻ, phong phú đã thay đổi bộ mặt của văn học lúc bấy giờ. Trong đó nổi bật nhất là những tác phẩm đề cập đến tình yêu, lý tưởng, lãng mạn, những xung đột giữa cái cũ và cái mới…

Nhà văn Vu Gia sinh năm 1952, quê ở Quảng Nam. Ông tốt nghiệp Cao học ngành Ngữ văn tại Đại học Sư Phạm TP.HCM. Ngoài sáng tác, ông còn làm báo (từng làm Biên tập viên của báo Người Lao Động). Năm 2012 nghỉ hưu cho đến nay, ông tập trung vào công việc sáng tác. Dự kiến năm 2014 ông sẽ cho ra tác phẩm “Xuân Diệu – một đời gửi hương cho gió”.

Một điều cũng ít người biết là ngoài vai trò là nhà văn, nhà thơ, các thành viên của Tự Lực Văn Đoàn còn là những nhà báo. Họ đi lấy tin, tường thuật, viết bút chiến … thật lão luyện. Ngòi bút của họ hài hước và diễu cợt thói xấu trưởng giả, quan lại một cách chua cay và thâm thúy trên hai tờ Phong Hóa và Ngày Nay. Phong Hóa và Ngày Nay là hai tuần báo xuất hiện ở Hà Nội từ năm 1932 tới 1940, dưới chế độ Bảo Hộ, thuộc Pháp do Nhất Linh mua lại từ ông Phạm Hữu Ninh và làm chủ bút. Ông cùng nhóm anh em, bạn hữu: Khái Hưng Trần Khánh Giư, Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, Tứ Ly Nguyễn Tường Long, Thạch Lam Nguyễn Tường Lân, tạo thành một ban biên tập hoàn toàn mới, thể hiện tinh thần dân chủ và bình đẳng trong tư tưởng, văn chương, báo chí. Sau này tờ báo thực sự đã nổi bật ở tính thời sự và giọng châm biếm.  Có thể nói hai tờ báo lớn này, cùng với hoạt động của Tự lực văn đoàn, đã có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn học và văn hóa Việt Nam giai đoạn 1932 – 1945.

Hai báo Phong Hóa và Ngày Nay đã cống hiến cho người đọc những vần thơ mới, ngay từ khi chúng bắt đầu hé nở, và ủng hộ thơ mới cho đến ngày toàn thắng trên văn đàn. Thơ mới đã khởi đầu bằng bài “Tình Già” của Phan Khôi. Sau đó, Thế Lữ bước lên vững vàng, ngời sáng khi sáng tác những bài thơ phong cách hoàn toàn khác lạ, từ lối dùng chữ, đến âm điệu, đến ý tưởng rồi sự xuất hiện đột ngột của những vần thơ tình của Xuân Diệu… đã làm ngây ngất người đọc.

Nhà văn Vu Gia đang giao lưu cùng sinh viên Hoa Sen

Lý giải vì sao văn chương của Tự Lực Văn Đoàn đến nay vẫn có “ma lực hấp dẫn” bạn đọc, đặc biệt sứt hút với những người trẻ, nhà văn Vu Gia đã đưa ra lập luận khá thú vị: “Bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào cũng giống như một cơ thể sống vậy, cần có xương cốt, da, thịt, máu huyết và đặc biệt là có cả mùi hương. Văn chương Tự Lực Văn Đoàn cũng thế, nó cũng giống như một cơ thể sống và có một mùi hương đầy mê hoặc, lôi cuốn nhiều thế hệ”. Không phải ngẫu nhiên mà Xuân Diệu được mệnh danh là “ông hoàng của thơ tình yêu” và được xem là “nhà thơ mới nhất trong tất cả nhà thơ mới”.  Theo nhà văn Vu Gia, cái hay, cái tài tình trong thơ Xuân Diệu là đã lột tả được những rung động đầu đời của con người và “nói hộ được lòng mình”. Chính vì vậy khi bàn về tình yêu hoặc khi cần bày tỏ với ai đó, người ta không cần nói nhiều chỉ cần mượn thơ Xuân Diệu là ai đọc thấy, nghe thấy cũng bổi hổi bồi hồi.

Nhà văn Vu Gia kể, thế hệ của ông ngày trước và cho đến tận bây giờ vẫn không sao quên được ấn tượng của văn chương Tự Lực Văn Đoàn. Có những câu thơ mà “mùi hương” của nó như bám chặt vào da thịt của ông:  “Anh đã nói, từ khi vừa gặp gỡ: Anh rất ngoan, anh không dám mong nhiềụ/Em bằng lòng cho anh được phép yêu; Anh sung sướng với chút tình vụn ấy” (Xuân Diệu); “Anh đi đường anh tôi đường tôi/Tình nghĩa đôi ta có thế thôi/ Đã quyết không mong sum họp mãi/Bận lòng chi nữa lúc chia phôi…”. (Thế Lữ) hay khi đọc những tác phẩm văn xuôi nói về quê hương, đất nước của Tự Lực Văn Đoàn thấy nước mình đâu đâu cũng đẹp.

Học gì từ Tự Lực Văn Đoàn?

Đó chính là câu hỏi được bàn luận khá sôi nổi tại buổi nói chuyện. Thông qua câu chuyện về văn chương Tự Lực Văn Đoàn, nhà văn Vu Gia đã gửi gắm thông điệp về những tấm gương tự học của các thành viên trong Tự Lực Văn Đoàn đến thế hệ sinh viên hiện nay.

Ông cho biết: “Như các bạn biết đấy, các thành viên Tự Lực văn Đoàn chỉ duy nhất có Nhất Linh tốt nghiệp cử nhân mà thôi, còn lại Thế Lữ nếu so với thời các bạn chỉ mới tới lớp 8; Tú Mỡ thì xong lớp 8, Khái Hương và Thạch Lam hết lớp 11. Họ đã tự học tiếng Anh, chữ Hán tự trau dồi bản thân trong quá trình hoạt động trong nghiệp đoàn sáng tác và làm báo. Điển hình là  nhà thơ Thế Lữ có thể dịch cả tác phẩm tiếng Anh, dịch kịch Nga, kịch Trung Quốc…Hiện nay nhiều giáo sư sau này mà tôi biết như: GS Lê Trí Viễn, Cao Xuân Hạo…đều tự học ngoại ngữ chứ không hề trải qua trường lớp nào nhưng họ vẫn thành công. Điều này cho thấy việc tự học rất quan trọng và tôi hy vọng các bạn sinh viên ngày nay cần ý thức được tầm quan trọng của việc tự học. Nhà trường chỉ cho bạn cái cần câu, còn việc có câu được cá hay không bản thân các bạn phải tự nỗ lực, tự học, tìm tòi và khám phá bởi kiến thức là vô tận. Điều quan trọng các bạn phải ý thức được mình học là cho mình, để có thể vào đời, làm việc chứ không phải chạy đua theo cái bằng vô giá trị”.

Tinh thần tự học của Tự Lực Văn Đoàn đáng để nhiều bạn trẻ noi theo

Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Xuân Xanh – Tác giả của những cuốn sách nghiên cứu về lịch sử khoa học giáo dục như: Nước Đức thế kỷ 19 – những thành tựu khoa học và kỹ thuật, Einstein, Kỷ yếu đại học Humboldt… chia sẻ: “Đại học là một con đường, tuy nhiên chắc chắn không phải là con đường duy nhất, điều quan trọng nhất dù tự học hay học đại học sự nỗ lực tự thân là rất quan trọng”.

Theo TS. Nguyễn Xuân Xanh, Việt Nam đang thiếu “tinh thần Tự Lực Văn Đoàn” trong khoa học

Theo TS. Nguyễn Xuân Xanh, chúng ta học được từ Tự Lực Văn Đoàn một tinh thần tự học đáng trân quý. Trải qua 80 năm, đến nay người ta chính thức thừa nhận rằng Tự Lực Văn Đoàn là một nghiệp đoàn sáng tác đầu tiên tại Việt Nam có thể sống được với nghề viết lách, tồn tại và hoạt động mà không nhận bất kỳ tài trợ nào. Họ đã dám đứng ra thành lập một tổ chức sáng tác chuyên nghiệp. Từ văn chương bàn đến khoa học, TS. Nguyễn Xuân Xanh cho rằng “Phải chăng ở Việt Nam hiện nay còn thiếu tinh thần Tự Lực Văn Đoàn trong khoa học, để mang lại những giá trị mới về khoa học? Bởi lẽ trong bối cảnh hiện nay, đào tạo một con người nhân văn thôi chưa đủ mà cần có cả một con người khoa học mới thật sự là giáo dục toàn diện. Chỉ có con người khoa học mới có phương pháp luận, tự do tư duy, suy nghĩ độc lập, khả năng sáng tạo, cầu thị và trên hết là dám dấn thân bằng lương tâm và trách nhiệm của một nhà khoa học trước những vấn đề lớn của xã hội. Nói rộng ra, chúng ta chưa có thế giới khoa học trong lòng xã hội đủ để làm động lực canh tân đất nước giống như văn chương Tự Lực Văn Đoàn đã có tác động mạnh mẽ đến phong trào thơ mới vào thời kỳ đó.

Ông Mai Sơn – Trưởng ban Tu thư ĐH Hoa Sơn tặng quà lưu niệm cho nhà văn Vu Gia

Trước đó, để kỷ niệm 80 năm thành lập Tự Lực Văn Đoàn, được sự đồng ý của “Nhóm sưu tầm và quảng bá báo Phong Hóa – Ngày Nay” (đại diện là nhà nghiên cứu Phạm Thảo Nguyên),  Website của Đại học Hoa Sen đã đăng lại lần lượt các số báo của hai tờ Phong Hóa và Ngày Nay đã được số hóa dưới dạng PDF để phục vụ cho công tác nghiên cứu của giảng viên,  sinh viên và tất cả bạn đọc. Xem thông tin chi tiết tại đây

 

Hữu Tri

Xem thêm:

ĐH Hoa Sen tổ chức Lễ khánh thành Trụ sở chính

Giao lưu với những tấm gương vượt khó trong mọi hoàn cảnh

Cảm xúc cùng phim “Chung cư” và giao lưu với đạo diễn Việt Linh

 

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo