Đại học Hoa Sen – HSU

TVCreate 2020: Làm phim quảng cáo thật mlem mlem

Trong khuôn khổ cuộc thi TVCreate 2020, workshop đầu tiên mang tên “Làm phim quảng cáo thật mlem mlem” với sự tham gia diễn giả Lucas Phạm – Giám đốc điều hành Mango Digital linked with YouNet được Trường Đại học Hoa Sen tổ chức tại trụ sở chính Nguyễn Văn Tráng đã thu hút đông đảo các bạn sinh viên tham dự. Workshop này nhằm trang bị cho các thí sinh TVCreate 2020 những kiến thức liên quan lĩnh vực quảng cáo, cụ thể là cách sáng tạo nội dung, quay dựng phim quảng cáo và khai thác đề tài từ nhà tài trợ Tinder.

Workshop “Làm phim quảng cáo thật mlem mlem” với sự tham gia diễn giả Lucas Phạm – Giám đốc điều hành Mango Digital linked with YouNet thu hút đông đảo sinh viên tham dự.

Với phong cách chia sẻ thực tế và gần gũi với các bạn sinh viên, Lucas Phạm đã mang đến cho buổi workshop của TVCreate 2020 những kiến thức, góc nhìn mới mẻ trong việc sáng tạo nội dung và quay dựng phim quảng cáo chinh phục những khán giả khó tính nhất như:

Về cách kể chuyện

Lucas Phạm cho các ví dụ cụ thể và tóm gọn vấn đề được thể hiện trong những ví dụ là áp dụng biện pháp làm lố giải pháp của sản phẩm bằng cách thổi phồng 1 cách thú vị lợi ích sản phẩm hoặc cho người xem thấy sự ưu việt của sản phẩm vượt hơn mức bình thường sẽ làm người xem ghi nhớ mẫu quảng cáo. Các bạn sinh viên có thể thực hiện theo quy trình sau: Đầu tiên, viết ra thật nhiều những viễn cảnh/biểu hiện khó tin nếu sử dụng sản phẩm. Thứ hai, chọn lọc những viễn cảnh/biểu hiện khó tin nào gần với sản phẩm, thật và sáng tạo nhất. Và cuối cùng, làm thật lố câu chuyện để tạo ghi nhớ nơi người xem.

Làm lố vấn đề

Để thực hiện một phim quảng cáo thu hút và ghi dấu ấn trong trí nhớ người xem, chúng ta có thể thực hiện bằng cách làm cho người xem cảm thấy khủng hoảng nếu như không có sản phẩm. Việc hiện thực hóa biện pháp này được thực hiện như sau: Đầu tiên, viết ra thật nhiều vấn đề khó tin nếu không sử dụng sản phẩm. Thứ hai, chọn lọc những vấn đề khó tin nào gần với giải pháp từ sản phẩm, phải thật và sáng tạo nhất. Và cuối cùng, làm thật lố câu chuyện để tạo ghi nhớ nơi người xem, nếu không có sản phẩm thì vấn đề người tiêu dùng phải đối đầu kinh khủng ra sao.

Biến sản phẩm thành báu vật

Một cách thức ghi dấu ấn khác trong lòng người xem và được sử dụng khá phổ biến trong các phim quảng cáo gần đây đó là khiến người xem bất ngờ và tò mò khi xem một mẫu quảng cáo mà trong đó sản phẩm được biến thành báu vật mà các diễn viên đều muốn đoạt được. Để thực hiện được như vậy, chúng ta cần: Đầu tiên, tạo cảm mọi người đều muốn tranh nhau sở hữu sản phẩm, chờ đợi sản phẩm, muốn làm bất cứ điều gì để có sản phẩm. Thứ hai, kể 1 câu chuyện tranh giành kho báu thật hay là được.

Tìm sự tương đồng cho giải pháp

Làm cho khách hàng hiểu và đồng cảm được với những gì nhãn hàng muốn truyền đạt luôn là một thách thức khó khăn đối với những người làm phim quảng cáo hiện nay. Đối với một số sản phẩm có tính năng phức tạp, không hấp dẫn hoặc khó truyền đạt cho người tiêu dùng thì đây là giải pháp. Cách thực hiện như sau: Đầu tiên, liệt kê những nội dung, câu chuyện mang tính ẩn dụ để tạo sự liên tưởng đến lợi ích của sản phẩm. Thứ hai, thành bại là do câu chuyện, nội dung, cách dùng từ ngữ tạo sự liên tưởng đến giải pháp của sản phẩm.

Pa-rô-đi

Đây chính là cách bắt xu hướng nhanh nhất và được ưa chuộng nhất trong thời đại Internet lên ngôi đó chính là tạo ra các parody. Một câu chuyện vốn nổi tiếng nếu có dị bản sẽ rất thu hút mọi người quan tâm. Hãy lợi dụng điều này để biến 1 câu chuyện quá quen trở nên thật mới cùng sản phẩm. Bạn có thể thực hiện được việc này bằng cách liệt kê những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, video ca nhạc, phim ghi dấu ấn số đông người tiêu dùng, từ đó tạo nên 1 dị bản với sản phẩm. Quan trọng nhất vẫn là tài kể chuyện khéo léo để lồng ghép sản phẩm vào.

Đánh lạc hướng

Kết thúc không giống như mong đợi luôn làm người xem ghi nhớ mẫu quảng cáo. Dù cách này khá gây “ức chế” nhưng sẽ khiến người xem nhớ lâu hơn. Thực hiện bằng cách:

Đầu tiên, lựa những câu chuyện mà ai cũng biết kết thúc và kết lại 1 kết thúc không ai ngờ khi có sản phẩm. Thứ hai, tạo câu chuyện mà trong đó hàng loạt hiểu lầm xuất hiện do sản phẩm nhưng thực tế thì lại không phải. Như vậy, sẽ làm nổi bật tính năng sản phẩm.

Lời khuyên từ diễn giả

Đối với quảng cáo, 6 giây đầu tiên là cực kỳ quan trọng và sẽ là những giây phút, khán giả hiểu được bối cảnh và chọn tiếp tục xem tiếp phim quảng cáo mà nhãn hàng đang đưa tới người tiêu dùng. Song đó, yếu tố giữ chân khán giả là cách kể chuyện phải thật sự tạo được ấn tượng và đánh trúng tới insight của khách hàng.

Lucas PhạmDiễn giả Lucas Phạm (bên phải) đã có buổi thuyết trình thành công khi thu hút được đông đảo sinh viên.

TVCreate là một cuộc thi sáng tạo phim quảng cáo không chuyên dành cho sinh viên yêu thích quảng cáo và marketing ra đời vào năm 2010, khởi đầu là một cuộc thi dành riêng cho sinh viên trường Đại học Hoa Sen. Qua 9 năm tổ chức, cuộc thi đã liên tục mở rộng quy mô và năm nay, TVcreate còn có sự phối hợp tổ chức của trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) để đưa sân chơi bổ ích này đến gần với sinh viên Hà Nội. Qua các mùa thi, TVCreate đã mang lại nhiều ấn tượng cho cộng đồng sinh viên các trường, trở thành một sân chơi học thuật lành mạnh thường niên của tất cả sinh viên yêu sáng tạo và có cùng đam mê làm phim quảng cáo trên toàn quốc, nâng tầm và hướng đến sự chuyên nghiệp. 
Facebook Youtube Tiktok Zalo