Đại học Hoa Sen – HSU

Trò chuyện cùng tác giả và nhân vật của “Con gái Bà Triệu thế kỷ 21”

Sau một tháng ra mắt cuốn sách “Con gái Bà Triệu thế kỷ 21 – Chuyện những người phụ nữ Việt Nam ghi dấu ấn” của NXB Phụ nữ tại Hà Nội, tối 18/11/2016, Fahasa đã tổ chức buổi trò chuyện “Tác giả và nhân vật” tại Nhà sách Nguyễn Huệ – TPHCM.

Đông đảo bạn đọc đã đến dự và giao lưu cùng hai tác giả Irene Ohler (người Áo) và Đỗ Thùy Dương (doanh nhân) cũng như giao lưu với các nhân vật trong tác phẩm.

TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, nhân vật của cuốn sách giao lưu với bạn đọc

Nội dung cuốn sách phác họa về 20 nhân vật nữ với những dấu ấn riêng biệt, độc đáo. Họ có thể là những người rất nổi tiếng, hoặc ít được biết đến hơn nhưng họ đều có những bài học quý giá trong cuộc sống, về tinh thần lãnh đạo ở Việt Nam.

Ba thế hệ phụ nữ được khắc họa trong cuốn sách chưa phải là tất cả và đại diện cho phụ nữ Việt Nam nhưng những đóng góp và cách họ ghi dấu ấn của mình trong xã hội, cộng đồng, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế.

TS Bùi Trân Phượng trả lời câu hỏi của một bạn trẻ: “Nghề giáo là nghề cao quý”

Câu chuyện về một trong 20 gương mặt phụ nữ ghi dấu ấn đó được viết như sau (trích sách): “Câu chuyện của TS Bùi Trân Phượng là một chuyện khó khăn gay gắt, nhưng chắc chắn không chỉ mình bà trải qua chuyện như vậy ở vai trò một nhà lãnh đạo. Bằng kinh nghiệm dày dặn của mình, cộng với ý chí mạnh mẽ bà đã vượt qua cơn khủng hoảng trong khi nhiều người khác có thể đã bị nghiền nát. Và bà đã giữ được nguyên vẹn những giá trị liêm chính và dân chủ của mình. Dẫu là người đầy kinh nghiệm, bà cũng đã học thêm nhiều bài học mới trong suốt quá trình. Một nhà lãnh đạo giỏi không chỉ đơn thuần là nhà lãnh đạo mạnh mẽ đưa ra mọi quyết sách, người lãnh đạo giỏi là người biết lắng nghe ý kiến của cộng sự trong đội ngũ và bằng cách đó, giải phóng sức mạnh của tập thể. Bà cũng học lại cả chân lý đầy quyền năng này: Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Hai tác giả và các nhân vật 

Các bạn đọc trẻ trong nước và nước ngoài có mặt tại buổi trò chuyện đã đặt nhiều câu hỏi cho tác giả Đỗ Thùy Dương và bà Irene Ohler về cảm hứng và ý tưởng ban đầu để hình thành cuốn sách. Những câu chuyện thú vị về quá trình hợp tác đã được chia sẻ. Đây là kết quả của sự cộng tác đặc biệt giữa một người phụ nữ ngoại quốc ghé thăm Việt Nam và một người phụ nữ Việt Nam đại diện cho thế hệ những lãnh đạo nữ Việt Nam đương đại.

Nhiều bạn đọc nữ đã đặt các câu hỏi giao lưu cùng nhân vật là TS Bùi Trân Phượng để xin lời khuyên về việc chọn nghề giáo, về những bài diễn văn lay động lòng người mà TS phát biểu trong dịp trường ĐH Hoa Sen tổ chức lễ khai giảng, lễ tốt nghiệp, về những giá trị mà bà cùng tập thể Hoa Sen theo đuổi…    

Facebook Youtube Tiktok Zalo