Đại học Hoa Sen – HSU

Tình nguyện tại địa phương là yếu tố quan trọng để trở thành tình nguyện viên quốc tế

Làm cách nào để trở thành tình nguyện viên quốc tế? Tình nguyện viên quốc tế sẽ luôn gặp nhiều khó khăn, giải quyết những vấn đề đó như thế nào? Tại buổi nói chuyện “Tình nguyện viên quốc tế 0đ – Volunteer abroad for free” do Đoàn, Hội Sinh viên Trường ĐH Hoa Sen tổ chức ngày 27/10/2019 tại trụ sở chính Nguyễn Văn Tráng, các diễn giả – là tình nguyện viên quốc tế đã có những chia sẻ thú vị xoay quanh chủ đề này.

Buổi nói chuyện với sự chia sẻ của Chị Đỗ Phạm Nguyệt Thanh – Trưởng đoàn đại biểu VN tham gia chương trình YSS-ASEAN Volunteers Mission to Sarawak, Malaysia 2018; Ủy viên Ban Chấp hành Hội sinh viên trường Đại Học Y khoa Phạm Ngọc Thạch;  Anh Nguyễn Tuấn Khanh – Ủy viên Ban Thư Ký Hội Sinh Viên Trường Đại học Hoa Sen, Nguyên Liên Chi Hội Trưởng khoa Du Lịch và cùng với sự tham gia của hơn 120 bạn sinh viên trường Đại học Hoa Sen.

Mở đầu chương trình, Tuấn Khanh chia sẻ về quá trình học tập và hoạt động của mình tại trường Đạị học Hoa Sen, trong đó bạn nhấn mạnh về các hoạt động tình nguyện tại trường và các hoạt động tình nguyện trong nước từ đó là tiền đề giúp bạn có cơ hội tham gia và trải nghiệm với tư cách tình nguyện viên tại nước bạn cụ thể là tình nguyện viên của chiến dịch Mùa Hè Xanh tại nước CHDCND Lào năm 2019.

 “ Mùa hè xanh Lào là một phần thanh xuân và tuổi trẻ của mình. Những kinh nghiệm tích luỹ của bản thân trong quá trình học tập, hoạt động tại trường Đại học cuối cùng cũng có cơ hội để thể hiện và cống hiến nó. Chuyến đi giúp mình có cái nhìn mới hơn, hiểu hơn về văn hoá nước bạn. Mình được trải nghiệm như một người dân bản xứ, sống và ăn uống, sinh hoạt cùng các Phome (Ba mẹ trong tiếng Lào), để lại cho Soukhouma (thuộc tỉnh Champasak, Lào) một công trình ý nghĩa và thiết thực cho trẻ em nơi đây – “Sân chơi thiếu nhi cho trường mầm non tại huyện Soukhouma, tỉnh Champasak, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Sân chơi này cũng được tuyên dương là 1 trong 50 công trình thanh niên làm theo lời Bác tiêu biểu toàn quốc. Sau chuyến đi những giá trị mà mình có được còn nhiều hơn những gì mình cho đi, đó là những tình cảm mà người dân, trẻ em địa phương đặc biệt là các Phome dành cho các chiến sĩ. Hình ảnh những giọt nước mắt của chiến sĩ và các Phome lăn dài trên má ngày mà mọi người phải tạm biệt nhau có thể nói nó là thứ tình cảm thiên liêng vượt cả những rào cản ngôn ngữ để những con tim cùng chung nhịp đập – tình cảm hữu nghị Việt Lào.” Tuấn Khanh chia sẻ thêm.

Nguyễn Tuấn Khanh – tình nguyện viên của chiến dịch Mùa Hè Xanh tại nước CHDCND Lào năm 2019

Tiếp nối những chia sẻ về chuyến đi tình nguyện quốc tế đầu tiên của Tuấn Khanh, là những chia sẻ về kinh nghiệm của bạn Nguyệt Thanh khi đặt chân đến 18 quốc gia và tham gia hơn 6 chương trình giao lưu và tình nguyện quốc tế.

Nguyệt Thanh chia sẻ: “3 mục tiêu cơ bản khi bạn tham gia chương trình tình nguyện quốc tế là: RIGHT JOB RIGHT PEOPLE, ALL FOR YOUR COMMUNITY, LOW COST HIGH IMPACT. Bên cạnh đó, bạn nên tìm hiểu, tham khảo các nguồn thông tin, các chương trình có uy tín. Các yếu tố giúp bạn trở thành một tình nguyện viên quốc tế : Be prepared – Push a bit hard – Trust in yourself. Bạn hãy luôn trang bị kiến thức, kỹ năng và đặc biệt là vốn tiếng anh cho mình, hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng cho một chương trình, một buổi phỏng vấn và hãy là chính mình trước đã, bạn phải hiểu mình cần gì, nên làm gì, làm với mục tiêu bạn mới dễ dàng phấn đấu vì nó. Tiếp theo bạn, khi bạn đã đạt được thứ mình mong muốn, hãy phát huy và đẩy mạnh thế mạnh của mình nhanh hơn nữa để mở rộng kiến thức, tầm hiểu biết và kỹ năng của mình. Cuối cùng là hãy tin vào chính mình, chỉ khi bạn tin tưởng bản thân mình bạn mới có thể làm tốt công việc của mình, đừng bao giờ nản chí nếu như lần đầu tiên thất bại, không phải ai cũng thành công trong lần đầu và hãy tự đứng lên, tin chính mình và hãy thể hiện mình hết sức có thể”.

Đỗ Phạm Nguyệt Thanh – tình nguyện viên tại 18 quốc gia và tham gia hơn 6 chương trình giao lưu và tình nguyện quốc tế.

Cũng tại buổi nói chuyện, các khách mời cũng đã giúp các bạn trẻ phân biệt được hoạt động tình nguyện và từ thiện.

Theo Tuấn Khanh, những hoạt động từ thiện sẽ nặng về vật chất nhiều hơn, tức là mang vật chất đi trao tặng để giúp đỡ đối tượng nào đó và thường chỉ cần có tấm lòng, xuất phát từ tâm nhiều hơn. Trong khi đó, hoạt động tình nguyện đòi hỏi phải có kỹ năng.

“Khi đi tình nguyện, bạn sẽ phải đối diện với câu hỏi của người dân: Làm cái này để làm gì? Vì thế, tiếp theo câu chuyện kỹ năng, đòi hỏi các tình nguyện viên phải có kiến thức để sáng tạo và biết cách duy trì hoạt động đó lâu dài” Nguyệt Thanh nói thêm.

 “Trở thành tình nguyện viên quốc tế, cần phải chuẩn bị những gì” là câu hỏi lớn nhất mà cả hội trường đều quan tâm.

Trả lời câu hỏi này, Tuấn Khanh chia sẻ “Đi làm tình nguyện viên quốc tế, chúng ta nhận được nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ, biết được những nền văn hóa khác nhau, có thêm rất nhiều bạn, để rồi sau này khi đi du lịch đến bất cứ đâu, chúng ta cũng có bạn. Được sống cùng người dân, được họ tặng những món đồ tuy đơn giản nhưng bạn sẽ học hỏi được văn hóa, hiểu được con người, ngôn ngữ…Nhưng trước khi là những tình nguyện viên quốc tế, bạn phải tham gia nhiều hoạt động tình nguyện tại đất nước của mình.”

Còn theo Nguyệt Thanh: Đi hoạt động tình nguyện phải bắt đầu bằng trái tim và cái tâm muốn giúp ích xã hội. Không chỉ đến giúp đỡ xong rồi về mà phải để lại được sự tác động tích cực lâu dài đến đời sống của người dân nơi đó, giúp họ cải thiện, phát triển đời sống. Điều đặc biệt là bạn phải hiểu bản thân có phù hợp với chương trình đó hay không, rồi những đóng góp cụ thể của bạn vào chương trình đó là gì. Ví dụ như mình học y thì mình tự đề cử sẽ chăm sóc sức khỏe cho đoàn, hay có khả năng chụp hình, văn nghệ…

Trong thời buổi hội nhập hiện nay, việc tham gia các hoạt động tình nguyện ở nước ngoài là cơ hội tốt để mỗi người trẻ được chia sẻ, cống hiến và trưởng thành hơn. Khi bước chân ra khỏi đất nước, các bạn sẽ được trải nghiệm những điều trước đây chưa từng gặp, vượt qua những thử thách và rào cản mà nhiều khi các bạn nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ làm được. Thử thách và rào cản càng nhiều, trải nghiệm và sự trưởng thành cũng sẽ lớn hơn.

Thông tin diễn giả:
1/ Bạn Đỗ Phạm Nguyệt Thanh – sinh viên năm cuối trường đại học Y Phạm Ngọc Thạch

  • Đặt chân đến 18 quốc gia trên thế giới, tham gia 6 chương trình giao lưu và tình nguyện quốc tế.
  • Báo cáo viên / Giám khảo các cuộc thi liên quan đến lĩnh vực công tác quốc tế thanh niên và hội nhập thế giới tại: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Luật TP.HCM và Đại học Thuỷ lợi TP.HCM.
  • Bằng khen của Bộ Y tế về thành tích “Đạt giải nhì cuộc thi “Giải pháp sáng tạo Y tế Cộng đồng” năm 2017″.
  • Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự chương trình JENESYS 2019 tại Nhật Bản và chương trình YSS-ASEAN STUDENT VOLUNTEERS MISSION TO SARAWAK, MALAYSIA 2018 vào tháng 07/2018.
  • Đại biểu tham dự chương trình Youth Exchange Program tổ chức bởi Tổng đội thiếu sinh quân Ấn Độ và Trung ương đoàn, tại Ấn Độ vào năm 2017, chương trình Yowun Puraya International Youth Camp, tại Srilanka vào tháng 03/2018.
  • Học bổng Medical Rotation tại ULB, Bỉ vào tháng 01/2015.

2/ Bạn Nguyễn Tuấn Khanh – Sinh viên khoa Du lịch, trường đại học Hoa Sen

  • Ban thư ký Hội sinh viên trường Đại học Hoa Sen.
  • Nguyên Liên Chi Hội Trưởng khoa Du lịch.
  • Học bổng “Khuyến học Đại học” trường ĐH Hoa Sen năm 2016.
  • Học bổng Chương trình Đào tạo Tinh hoa trường ĐH Hoa Sen năm 2017.
  • Đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” trường ĐH Hoa Sen năm học 2018- 2019.
  • Tình nguyện viên chiến dịch MHX tại nước CHDCND Lào năm 2019.
  • Phó BTC cuộc thi The Future Chef năm 2019.
  • Đại sứ sinh viên Quỹ thiện nguyện Nam Phương Foundation. 
  • Đội phó chiến dịch tình nguyện Mùa Hè Xanh mặt trận tỉnh Trà Vinh, trường ĐH Hoa Sen năm 2018.
  • Đội phó chiến dịch “Tiếp sức mùa thi” trường ĐH Hoa Sen năm 2018.
  • BTC chiến dịch Xuân Tình Nguyện trường ĐH Hoa Sen năm 2018. 
  • Tình nguyện viên Hội chợ triển lãm quốc tế – International Travel Expo năm 2017 và 2018.

Tuấn Khanh

Facebook Youtube Tiktok Zalo