Đại học Hoa Sen – HSU

Thu hút và giữ chân du học sinh

Gần đây, trên một số diễn đàn đã diễn ra các cuộc tranh luận về giải pháp thu hút du học sinh sau khi tốt nghiệp quay về Việt Nam để cống hiến, đặc biệt là thu hút người giỏi vào ngành giáo dục. Có thể thấy rằng thu hút và giữ chân được du học sinh giỏi sẽ tạo thuận lợi cho các trường phát triển bền vững trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.

Du học sinh muốn gì khi trở về?

Trung tam huong nghiep Dai hoc Hoa Sen

ThS Bùi Trần Hiếu (trái) nhận quyết định thành lập Trung tâm Hướng nghiệp

Trên các diễn đàn của du học sinh, dễ dàng bắt gặp chia sẻ của các bạn về việc: Ở lại hay về. Cứ 10 người đi thì 9 người đau đáu suy nghĩ như vậy. Phũ phàng là có đến 7 người muốn ở lại.

Lý do không phải không thích Việt Nam nhưng ở nước ngoài điều kiện phát triển tốt hơn, môi trường làm việc tốt, hưởng cuộc sống hiện đại và có điều kiện phát triển bản thân.

Nhưng cũng chính các du học sinh chia sẻ: thực ra đó chỉ là tạm thời trong giai đoạn ngắn, về dài hạn du học sinh vẫn muốn quay về Việt Nam.

Người trở về có nhiều lý do, trong đó có lý do thực sự tin có cách để phát triển trong môi trường Việt Nam, cảm thấy đóng góp nhiều hơn, thỏa năng lực mình hơn, Việt Nam cần hơn…

Trung tâm hướng nghiệp Trường ĐH Hoa Sen vừa được ra mắt vào ngày 18/8 do thạc sĩ Bùi Trần Hiếu làm giám đốc. Anh là du học sinh tại Úc trở về Việt Nam.

Sau thời gian học thạc sĩ theo học bổng của Chính phủ Úc và sau chỉ 9 tháng làm việc tại Trường ĐH Hoa Sen với vai trò giảng viên chương trình giáo dục tổng quát, giảng dạy hai môn học: Tư duy phản biện, đạo đức nghề nghiệp nói về lý do chọn Trường ĐH Hoa Sen, ThS Bùi Trần Hiếu chia sẻ là do tìm được môi trường phù hợp.

“Khi trở về tôi cũng lo lắng không biết giáo dục đại học Việt Nam có những bước phát triển mới hay không, thì Trường Hoa Sen thể hiện được mong muốn đó.

Nhà trường đang mong muốn hướng đến mục tiêu giáo dục hiện đại, phù hơp với hướng phát triển quốc tế. Tôi có thể đầu tư và cộng tác đưa những gì mình học đóng góp cho Việt Nam. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ, lương cũng khiến một người nghiên cứu, giảng dạy yên tâm”.

GS Ngô Bảo Châu từng phát biểu: “Chất xám sẽ chạy về nơi chất xám muốn ở”. Điều này sẽ đúng với nơi không chỉ có những đãi ngộ vật chất, lương bổng, mà còn có môi trường làm việc nơi người giỏi được thừa nhận.

Lương chỉ là một khía cạnh

Mot lop trai nghiem Thien cua du an hat giong hanh phuc

Một lớp trải nghiệm Thiền của  dự án Hạt giống hạnh phúc

Thạc sĩ Trần Thu Hà – Giảng viên Khoa Kinh tế – Thương mại, Trưởng dự án Hạt giống hạnh phúc Trường ĐH Hoa Sen – cho biết: “Tôi tốt nghiệp ngành Xã hội học ở Mỹ, và Thực hành phát triển ở Úc.

Tôi thấy nhà trường tạo được môi trường tốt để thu hút du học sinh về công tác. Ở đây, lương cạnh tranh, làm việc với nhiều người giỏi, trong đó cũng có nhiều người là du học sinh, nên hiểu nhau.

Ngoài ra, trường khuyến khích sáng tạo và đổi mới, nên ý tưởng của mình đưa ra, dù rất mới và chưa được áp dụng ở nơi khác bao giờ, cũng có thể được thực hiện, nếu mình chứng minh được tính khả thi của nó.

Giảng viên có thời gian làm nghiên cứu, không phải dạy quá nhiều; tính tự chủ cao, không bị quản lý một cách quá sát sao. Việc tin tưởng, giao nhiệm vụ cho những người từng du học tạo một môi trường an toàn, mở cho mọi người sáng tạo và phát huy được tiềm năng của mình”.

Dự án Hạt giống hạnh phúc của ThS Trần Thu Hà nhằm nâng cao hạnh phúc và lòng nhân ái trong cộng đồng Hoa Sen bằng cách phát triển các kỹ năng cảm xúc, trong đó có thiền dành cho giảng viên, nhân viên, sinh viên. 

Theo số liệu thống kê từ Phòng Nhân sự Trường ĐH Hoa Sen, có đến 38% (145/377) giảng viên của trường tốt nghiệp ở nước ngoài. Đây quả là con số đáng mơ ước của các trường đại học khi vấn đề cạnh tranh trong giáo dục ngày càng gây gắt, không chỉ cạnh tranh giữa các trường trong nước mà còn trên bình diện khu vực và quốc tế.

Thiết nghĩ, trải thảm mời gọi người tài, đặc biệt là người tốt nghiệp nước ngoài đang được các trường đại học đặt lên hàng đầu nhưng tạo môi trường để có thể giữ chân họ không phải nơi nào cũng làm được.

Theo Hoàng Chương
(Nguồn: Giáo dục & Thời đại)

Facebook Youtube Tiktok Zalo