Đại học Hoa Sen – HSU

PGS.TS Đinh Điền: Nghiên cứu liên ngành là xu thế tất yếu của thời đại

PGS.TS Đinh Điền khẳng định, nghiên cứu liên ngành là xu thế tất yếu của thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay và liên ngành Ngôn ngữ học Máy tính có nhiều ứng dụng trong thực tế và giáo dục là một ví dụ.

Sáng ngày 29/8/2019, Trường Đại học Hoa Sen tổ chức hội thảo “Ngôn ngữ học Máy tính và ứng dụng trong giảng dạy tiếng” tại cơ sở Nguyễn Văn Tráng (Q.1, TP.HCM) với sự tham dự của diễn giả là PGS.TS Đinh Điền – Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học máy tính ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM.

PGS.TS Đinh Điền nói chuyện tại Đại học Hoa SenPGS.TS Đinh Điền là diễn giả hội thảo tại trường Đại học Hoa Sen.

Tại hội thảo, PGS.TS Đinh Điền đã giới thiệu về Ngôn ngữ học Máy tính (Computational Linguistics, hay còn gọi là Ngôn ngữ học Toán tính) là liên ngành Ngôn ngữ học (Linguistics) và Tin học (Computer) sử dụng các công cụ, mô hình tính toán của Tin học để nghiên cứu và giải quyết các bài toán của Ngôn ngữ học.

Liên ngành Ngôn ngữ học Máy tính mang lại nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực của cuộc sống, như: kinh tế, xã hội, khoa học,giáo dục, an ninh quốc phòng… Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, liên ngành Ngôn ngữ học Máy tính được ứng dụng trong việc nghiên cứu ngôn ngữ; giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và giảng dạy ngoại ngữ cho người Việt. Đó cũng là nội dung chính của buổi hội thảo.

 PGS.TS Đinh Điền cho biết, Ngôn ngữ học Máy tính được ứng dụng trong nghiên cứu ngôn ngữ để: Khảo sát các hiện tượng/đơn vị trong ngôn ngữ; Thống kê tần suất xuất hiện các hiện tượng/đơn vị trong ngôn ngữ; So sánh, đối chiếu các điểm tương đồng/dị biệt giữa các ngôn ngữ; Phát hiện các quy luật của ngôn ngữ; Kiểm chứng các giả thuyết trong ngôn ngữ.

Việc nghiên cứu ngôn ngữ nhất thiết cần có các chứng cứ sử dụng ngôn ngữ hay còn gọi là cứ liệu ngôn ngữ, để tạo nên Kho ngữ liệu (corpus). Chuyên ngành Ngôn ngữ học Ngữ liệu (Corpus Linguistics) sẽ thực hiện việc thu thập, xử lý và khai thác kho ngữ liệu; Ngôn ngữ học Máy tính sẽ sử dụng các mô hình tính toán thông minh của Trí tuệ nhân tạo (AI: Artificial Intelligence), công cụ “học máy” (machine learning, deep learning) để xây dựng (tự động) các kho ngữ liệu.

Từ đó, Ngôn ngữ học Máy tính được ứng dụng vào giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và giảng dạy ngoại ngữ cho người Việt.

Hiện nay, ngày càng có nhiều người nước ngoài quan tâm, học tập, nghiên cứu tiếng Việt. Các trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài cũng ngày càng nhiều và rất cần ứng dụng liên ngành Ngôn ngữ học Máy tính trong việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài theo công nghệ mới: Dạy ngữ âm: thanh điệu, Dạy từ vựng: tần suất sử dụng, Dạy ngữ pháp: độ khó văn bản, Dạy ngữ dụng: theo ngữ cảnh, Trợ giúp GV: biên soạn học liệu.

Với việc giảng dạy ngoại ngữ cho người Việt, liên ngành Ngôn ngữ học Máy tính được ứng dụng: Dạy từ vựng qua chủ đề, tình huống, ngữ cảnh (concordance): học viên quan sát cách dùng từ qua thực tế từ các kho ngữ liệu (Anh – Việt, Hoa – Việt, Hàn – Việt…).
Kết lại hội thảo, PGS.TS Đinh Điền cho biết, liên ngành Ngôn ngữ học Máy tính có nhiều ứng dụng trong thực tế và giáo dục là một ví dụ. Nghiên cứu liên ngành là xu thế tất yếu của thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay. PGS.TS Đinh Điền khẳng định, Tiếng Việt là thế mạnh quý giá của người Việt nhưng hiện trạng nghiên cứu Ngôn ngữ học Máy tính cho tiếng Việt còn hạn chế do cách đào tạo đơn ngành hiện nay. Vì vậy, rất cần sự thay đổi để theo kịp thời đại.

PGS.TS Nguyễn Ngọc VũPGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ (bìa phải) chia sẻ tại hội thảo.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen chia sẻ tại hội thảo: “Cái khó nhất của Ngôn ngữ học Máy tính để ứng dụng vào giảng dạy tiếng là data (dữ liệu) để phân tích. Ở các nước phát triển, kho ngữ liệu của họ (như tiếng Anh) được sản xuất từ lâu, trở thành dữ liệu được đưa lên mạng trong khi Việt Nam không có. Từ khi internet bắt đầu sử dụng năm 1990 đến đầu những năm 2000, tức là trong suốt 2 thập kỷ qua, người ta đã mạnh mẽ tích lũy những data cực kỳ lớn ở mọi lĩnh vực, trong khi chúng ta vẫn không quan tâm thu thập tích lũy data”.  
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cũng cho biết, trong thời gian tới, Khoa Ngoại ngữ trường Đại học Hoa Sen sẽ giới thiệu nội dung Ngôn ngữ học Máy tính vào chương trình đào tạo Ngôn ngữ Anh và hướng tới việc mở ngành Ngôn ngữ học Máy tính, đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành này cho xã hội.

Hội thảo Ngôn ngữ học Máy tínhPGS.TS Đinh Điền chụp hình lưu niệm cùng PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ và người tham dự hội thảo.

Facebook Youtube Tiktok Zalo