Đại học Hoa Sen – HSU

Nhớ cô giáo dạy triết người Pháp

Nho co giao day triet nguoi Phap

Chúng tôi là lớp học sinh đầu tiên của Cô, lớp 12, ban Văn-Triết, trường Marie Curie năm 1968. Tôi say mê giờ học Triết với Cô. Cô rất rõ ràng, chặt chẽ, lý trí trong bài giảng. Nhưng, thú vị hơn, Cô giới thiệu nhiều bài, nhiều sách hay cho lớp đọc ngoài giờ học. Và đề bài luận triết của Cô là một sự độc đáo mà cả lớp khó ai quên. Cô thường ra đề bài rất ngắn, có một từ. Chẳng hạn, sự hy sinh. Bạn bè hỏi : “Làm sao Cô chỉ cho có một từ mà bạn viết được cả chục trang giấy vở ?”. Thật ra, chất liệu và phương pháp tư duy đều đã được học, qua nhiều bài viết từ các tác giả mà chúng tôi được hướng dẫn tham khảo. Nhưng cách ra đề ấy cho học sinh một biên độ tự do rất lớn. Và nó tạo cảm hứng cho tôi.

1968 là năm Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Sau Tết, trường học chưa dám cho học sinh đi học lại. Chúng tôi chuẩn bị thi Tú tài, mà chỉ đến trường nhận bài về nhà tự học. Nhưng tôi nôn nao, nức lòng lắm. Ba chở tôi đến từng địa điểm trong Thành phố, tự hào thủ thỉ: “Cách mạng đã vô tới tận đây, tận đây…”.

Tôi chỉ có một mơ ước, và một quyết tâm: ghi danh vào Đại học Văn khoa, Ban Việt-Hán, chọn lựa “khác thường” cho một học sinh học chương trình Pháp. Vì tôi ngây thơ nghĩ ở đó dễ có cơ hội tìm gặp cách mạng, để ra khu.

Cô giáo tôi là người Pháp, vợ một viên chức ngoại giao cao cấp của sứ quán Pháp ở Sài Gòn. Nhưng tôi đủ “thân” và tin cậy để chia sẻ với Cô ý định thuộc loại “quốc cấm” ấy. Nếu Cô cản trở theo kiểu “người lớn” bình thường, chắc tôi đã không nghe. Nhưng vẫn với cách của Cô, vừa lý trí, vừa tình cảm, và nhứt là rất tôn trọng học sinh, Cô khuyên nhủ: “Cô hiểu mong muốn của em. Nó xuất phát từ lòng yêu nước, từ khao khát độc lập tự do cho đất nước mình, công bằng cho xã hội. Nó rất đáng quý trọng. Nhưng em có hiểu không, nếu em được học thêm nữa, em sẽ có điều kiện giúp Việt Nam tốt hơn là với trình độ em bây giờ. Em có biết chân trời tri thức cần được đẩy xa hơn, như vậy em sẽ hữu dụng hơn?”… Chẳng những giúp tôi được cấp học bổng, Cô còn ghi danh tôi vào một trường tinh hoa của Pháp. Nghĩ rằng tôi có thể sẽ phải học tiếng La-tinh ở trường này, Cô đặt mua sách từ Pháp và dành thời gian mỗi tuần ba buổi dạy tôi học tiếng La-tinh từ vỡ lòng đến đạt trình độ căn bản để sau đó, theo Cô, chỉ cần cố gắng là có thể bắt kịp những bạn học từ nhỏ. Lớp học một thầy một trò, hoàn toàn miễn phí.

Đời đi học của tôi, chịu ơn sâu nghĩa nặng của nhiều thầy cô. Với cô giáo lớp 12, phải nhiều chục năm sau, tôi mới hiểu hết việc Cô tạo cơ hội du học cho tôi thực sự đã làm thay đổi cuộc đời tôi như thế nào. Tôi vẫn quyết định về tham gia hoạt động nội thành khi vừa tốt nghiệp đại học. Đúng như Cô đã nói: “Rồi em cũng sẽ thực hiện hoài bão của mình, nhưng có học hành tử tế, thì em sẽ làm điều đó một cách khác”.

Hơn 40 năm sau, tôi mới có dịp gặp lại Cô. Bệnh Alzheimer làm Cô quên nhiều thứ, lẫn lộn cả tên con trai và cháu nội mình. Nhưng Cô vẫn nhớ người học trò cũ năm xưa. Đón tôi ở sân ga, Cô ôm chầm lấy tôi, rồi cầm tay tôi dung dăng dung dẻ, mừng như trẻ thơ. Nhìn Cô vẫn phảng phất nét đẹp thời xuân sắc, tôi ngậm ngùi thông cảm nỗi đau của người bạn đời của Cô, khi thầy tâm sự: “Bây giờ thì không còn đàm đạo chuyện thế giới với bà ấy được nữa”.

Bài học của Cô, mà tôi vẫn thực hiện suốt cuộc đời nhà giáo của mình: nhiệm vụ và tình thương của người thầy, là tạo điều kiện tốt nhứt cho học trò mình được học hành tử tế, để mỗi em vững bước đi xa nhứt có thể trong hành trình làm người của mình.

TS. Bùi Trân Phượng
(Nguồn: Giáo dục & Thời đại, chuyên đề Tài hoa Trẻ số 964/20.11.2016)

Facebook Youtube Tiktok Zalo