Đại học Hoa Sen – HSU

Nhà trường – nhà tuyển dụng kết hợp để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực tài chính – ngân hàng

Ngày 06/08/2019 tại TP.HCM, Trường Đại học Hoa Sen phối hợp cùng Thời báo Kinh tế Sài Gòn đồng tổ chức hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực tài chính – ngân hàng kỷ nguyên 4.0”.

Về phía ban tổ chức, hội thảo có sự tham dự của NGƯT.GS.TS Mai Hồng Quỳ – Hiệu trưởng và PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, Nhà báo Trần Anh Hùng – Tổng biên tập và Nhà báo Lê Thị Thanh Thương, Trưởng ban đối ngoại, Trợ lý Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

NGƯT.GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa SenNGƯT.GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen phát biểu khai mạc hội thảo.

Nhà báo Trần Anh Hùng – Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài GònNhà báo Trần Anh Hùng – Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

Về phía khách mời, hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, ông Trần Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế, Giám đốc chương trình Dự báo nhân lực; Bà Nguyễn Thị Tố Uyên – Phó Giám đốc Khối quản trị nguồn nhân lực kiêm Giám đốc nhân sự Ngân hàng TMCP Sacombank, Ông Nguyễn Hải Triều – Cựu sinh viên Hoa Sen, Ông Nguyễn Duy Tuấn – Team Manager of Banking & Finance, Navigos Search South cùng hơn 200 khách mời là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, nhân sự; đại diện các doanh nghiệp, các cơ quan báo đài truyền hình Trung ương và TP.HCM; các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Hoa Sen và các trường đại học trên địa bàn TP.HCM.

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo (từ trái qua phải): Ông Nguyễn Hải Triều – Cựu sinh viên Hoa Sen, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, ông Trần Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế, Giám đốc chương trình Dự báo nhân lực, bà Nguyễn Thị Tố Uyên – Giám đốc nhân sự Ngân hàng Sacombank, ông Nguyễn Duy Tuấn – Team Manager of Banking & Finance, Navigos Search South.

Nhu cầu nhân sự tài chính – ngân hàng rất lớn

Tại hội thảo, các diễn giả và các chuyên gia cho biết, nhu cầu nhân sự tài chính – ngân hàng hiện nay rất lớn. Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM dự báo cho biết, trong tương lai, ngành ngân hàng tại TP.HCM – thị trường tài chính lớn nhất nước ta sẽ tăng trưởng mạnh cả về quy mô hoạt động và nhân sự, nhất là nhân sự cấp trung và cao. Ông Minh cho biết thêm, TP.HCM có hơn 2.000 điểm giao dịch của các ngân hàng (gồm: 52 hội sở, 452 chi nhánh, hơn 1.400 phòng giao dịch) với tổng số nhân sự khoảng 9.800 người, theo thống kê tính đến hết tháng 6/2019.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCMÔng Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế, Giám đốc chương trình Dự báo nhân lực cũng cho biết, dự báo đến năm 2020 – 2025, nhu cầu nhân lực cấp cao ngành tài chính ngân hàng tăng 20%/năm. Do đó, các cơ sở đào tạo không đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực thì lực lượng lao động chất lượng cao trong ngành sẽ thiếu trầm trọng. Tại TP.HCM, nhu cầu nhân lực nhóm ngành tài chính – ngân hàng đến năm 2025 chiếm tỷ trọng 5% tổng số chỗ làm việc cần tuyển hàng năm (khoảng 15.000 lao động) trong đó trình độ đại học trở lên, cao đẳng chiếm tỷ lệ 80,4% nhu cầu tuyển dụng.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế, Giám đốc chương trình Dự báo nhân lựcÔng Trần Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế, Giám đốc chương trình Dự báo nhân lực.

Ông Nguyễn Duy Tuấn – Team Manager of Banking & Finance, Navigos Search South cũng cho rằng nhu cầu tuyển dụng của thị trường tài chính, ngân hàng trong các năm tới tăng đều đặn vì số lượng ngân hàng, đơn vị kinh doanh tài chính nhiều, đóng góp cao cho các thị phần của nền kinh tế; Các mảng Digital banking, Consumer finance và Partnership (phối hợp xây dựng thêm kênh bán hàng) được đầu tư nhiều do nguồn lực tiềm năng: 143 triệu người dùng thiết bị di động, 43% dân số tập trung ở thành thị, 64% dân số sử dụng mạng xã hội; 27% dân số Việt Nam là Millennials: năng động, có tiềm năng, khả năng thích nghi cao; Du học sinh Việt Nam đông thứ 6 ở Mỹ, thứ 2 ở Nhật và thứ 5 ở Úc: nhiều cơ hội quay về đóng góp cho thị trường lao động tri thức Việt Nam.

Để trả lời câu hỏi việc số hóa ngân hàng có sẽ khiến nhu cầu nhân lực ngành này giảm xuống hay không, đa phần các diễn giả đều cho rằng số hóa sẽ giúp nhân viên ngân hàng có dữ liệu để phục vụ khách hàng tốt hơn nhưng giao tiếp giữa con người với con người vẫn rất quan trọng, do đó khó có thể nói rằng máy móc sẽ hoàn toàn thay thế vị trí của nhân viên ngành ngân hàng.

Thực trạng nhân sự tài chính – ngân hàng

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chỉ ra những mảng màu sáng, tối trong bức tranh nhân sự ngành tài chính – ngân hàng trong thời đại 4.0 và nhìn nhận từ khảo sát của các công ty tuyển dụng nhân sự. Các chuyên gia cho rằng các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bồi dưỡng và đào tạo lại để đội ngũ cán bộ, nhân viên trong ngành ngân hàng có đủ trình độ vận hành, làm chủ công nghệ mới. Ngoài ra, các ngân hàng Việt Nam sẽ phải chịu áp lực lớn hơn với việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đối mặt với nguy cơ dịch “chảy máu” chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao sang các tổ chức tín dụng nước ngoài.

Theo ông Trần Anh Tuấn, hiện nay và các năm tới, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải đặc biệt coi trọng trong chiến lược phát triển của ngành tài chính – ngân hàng. Đại đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp đi làm chỉ đạt yêu cầu 20-25% tại các ngân hàng còn “hổng” cả về kỹ năng (thái độ làm việc, kỹ năng làm việc với mọi người, trình độ tiếng Anh, khả năng giao tiếp) và kiến thức (các kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân hàng nói chung). Do đó, hầu như các ngân hàng đều phải mất thời gian đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Một số lĩnh vực chuyên sâu thiếu rất nhiều nhân lực và các ngân hàng phải mất nhiều chi phí để thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn, thực hiện.

Khảo sát tại các ngân hàng Việt Nam cho thấy, có 3 vị trí rất khó tuyển dụng hiện nay là quản trị rủi ro, quản lý và đầu tư. Nguồn nhân lực ngành ngân hàng hiện nay vẫn có một thực tế là vừa thiếu vừa yếu. Đặc biệt, khối kiến thức bổ trợ (công nghệ thông tin, ngoại ngữ) yếu; kiến thức ngành, giao tiếp hạn chế. Hầu hết các Ngân hàng Thương mại cổ phần quy mô trung bình trở xuống thiếu đội ngũ quản trị điều hành, lãnh đạo cấp chi nhánh, phòng giao dịch.

Ông Nguyễn Duy Tuấn cho biết, ngành tài chính – ngân hàng có mức lương cao gần đây nhưng rất khó khăn để tìm được ứng viên có kinh nghiệm, kỹ năng mềm, chuyên môn phù hợp, có đạo đức nghề nghiệp, làm việc lâu dài và thiếu nguồn ứng viên thích ứng với đổi mới thời kỳ số do: nguồn nhân lực hiện nay chưa tốt về: ngoại ngữ (tiếng Hoa, Hàn, Nhật…), khả năng sáng tạo, khả năng lãnh đạo; giới trẻ có biên độ thay đổi công việc từ 2 đến 4 năm trong khi khoảng thời gian này chưa đủ để một người lao động có đóng góp cho đơn vị; “chảy máu chất xám” xảy ra trong cấp lãnh đạo, quản lý vì xu hướng định cư, làm việc ở nước ngoài…

Ngành tài chính – ngân hàng cần gì và thăng tiến, làm giàu thế nào?

Tại hội thảo, các diễn giả và các chuyên gia cũng đưa ra những chia sẻ về nghề nghiệp ngành tài chính – ngân hàng. Theo ông Trần Anh Tuấn, kỹ năng quan trọng nhất của lao động tài chính – ngân hàng cần có là đạo đức nghề nghiệp, nghiêm túc, chín chắn, đam mê công việc. Trong kỷ nguyên số, người lao động cần: tạo được uy tín, bảo đảm cho khách hàng an tâm giao dịch, tuyệt đối giữ an toàn thông tin. Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, sinh viên cần chú ý tập trung vào năm yếu tố: nghề nghiệp, kỹ năng, kỷ luật, công nghệ và ngoại ngữ.

Ông Nguyễn Hải Triều – Cựu sinh viên Hoa Sen cho rằng, việc ứng dụng công nghệ, đầu tư vào công nghệ, gia tăng hiểu biết về công nghệ là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, sinh viên cần tự trang bị, bổ sung kiến thức ngay khi còn ở trường để có lợi thế khi đi xin việc và tiếp thu nhanh khi nhận việc.
Chia sẻ với sinh viên về việc bắt đầu công việc tài chính – ngân hàng ở vị trí nào và làm sao để thăng tiến, bà Nguyễn Thị Tố Uyên – Giám đốc nhân sự ngân hàng TMCP Sacombank cho biết, khi chọn phòng ban để bắt đầu sự nghiệp, sinh viên mới ra trường nên chọn các vị trí giao dịch viên, tư vấn, chăm sóc khách hàng ở các chi nhánh vì đây là những vị trí nền tảng cho một nhân viên phát triển kỹ năng, tăng cơ hội tiếp xúc, nắm bắt tâm lý, nhu cầu khách hàng để sau này khi làm ở các vị trí quản lý thì bản thân đã có kinh nghiêm. Chọn làm việc ở hội sở ngay từ khi ra trường sẽ mất đi cơ hội nền tảng trong công việc. Ngoài cơ hội thăng tiến trong ngân hàng, việc làm sales cho phép nhân viên ngân hàng tiếp xúc nhiều mô hình làm giàu, vì phải thẩm định trước khi cho khách hàng vay, nên học được rất nhiều từ khách hàng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh bổ sung ý kiến cho rằng, ở TP.HCM có khoảng 97.000 lao động, trong đó có 48% làm việc ở cấp quản lý nhà nước, từ 10 – 15% làm việc tại các hội sở. Thăng tiến vào làm việc ở các vị trí quản lý, lãnh đạo thì bản thân ứng viên phài có tố chất, có trình độ cao, thể hiện được bản lĩnh, dám đương đầu, dám chịu áp lực, rủi ro, phải là chỗ dựa vững vàng cho toàn bộ ê-kíp của mình. Tóm lại, để có cơ hội thăng tiến, ứng viên cần có tố chất, bản lĩnh và nên tìm thêm mối quan hệ để hỗ trợ.

Trước câu hỏi “việc gian lận hằng ngày tại ngân hàng vẫn xảy ra, làm sao để có cơ hội làm giàu mà không vi phạm pháp luật?”, các chuyên gia đều cho rằng các ngân hàng đều có tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp và các công cụ giám sát nghiêm ngặt. “Ngay từ khi vào HSBC, các nhân viên phải tâm niệm làm cái gì cũng phải đúng. Do đó, tư tưởng vào ngân hàng để kiếm tiền làm giàu cá nhân là không tồn tại được. Tuy nhiên, làm việc trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng có lợi thế vì nhân viên được hỗ trợ vay lãi suất thấp. Ở HSBC, mức lãi vay mua nhà cho nhân viên là 3%, vay tín dụng là 50% mức lãi thị trường”, ông Nguyễn Hải Triều cho biết.

Bà Nguyễn Thị Tố Uyên cũng chia sẻ về vấn đề này: “Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, làm sai thì bị hậu quả. Sacombank có cơ chế giám sát, quản lý từ xa: hội sở theo dõi các giao dịch; Tháng 8 hằng năm dành cho công tác tự rà soát, hoặc cơ chế Giám đốc lưu động, cơ chế làm việc cho phép cấp dưới có quyền từ chối thực hiện và báo cáo nếu cấp trên làm sai. Giới trẻ có nhu cầu làm giàu, ngân hàng có những chính sách hỗ trợ ví dụ cho vay dài hạn, cho phép nhân viên dùng tiền vay để tự kinh doanh, sau khi trả lại xong thì nhân viên có tài sản”.

Giải pháp để phát triển nguồn nhân lực tài chính – ngân hàng 4.0

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực tài chính – ngân hàng hiện nay và trong tương lai trong kỷ nguyên số 4.0.

Ông Nguyễn Duy Tuấn đưa ra các khuyến nghị: người lao động phải xác định lộ trình rõ ràng, xem xét thực lực hiện tại và mong muốn ở tương lai, chủ động tìm tòi, học hỏi, phát hiện xu hướng mới để thích ứng với thay đổi; nhà tuyển dụng cần có kế hoạch đầu tư rõ ràng vào nhân lực, tham gia với cơ quan giáo dục để có định hướng đào tạo phù hợp; các đơn vị giáo dục cũng cần kết hợp với nhà tuyển dụng để tìm hướng đào tạo phù hợp; cơ quan chính quyền cần đơn giản hóa quy trình đào tạo, cung cấp dịch vụ phát triển, cơ hội về vốn, tạo kết nối cho hai bên dễ dàng hơn.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen trình bày tại hội thảoPGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen trình bày tại hội thảo.

Đồng quan điểm nhà trường cần kết hợp với nhà tuyển dụng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho biết, từ khi thành lập năm 1991 và phát triển đến hiện nay, Trường Đại học Hoa Sen luôn chú trọng việc kết hợp với các doanh nghiệp, các ngân hàng tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, cọ xát thực tế để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng được nhu cầu xã hội. Ngay khi thành lập, Trường Đại học Hoa Sen đã có nhiều đối tác lớn và hiện nay, Trường Đại học Hoa Sen có thêm lợi thế là thành viên của tập đoàn Nguyễn Hoàng nên có điều kiện hợp tác với nhiều đối tác lớn. Nhà trường có Phòng Công tác sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp, là cầu nối để doanh nghiệp tuyển dụng những nhân sự được đào tạo bài bản. TS. Phan Thị Nhi Hiếu, giảng viên Khoa Kinh tế và Quản trị, Trường Đại học Hoa Sen cho biết thêm, ngoài việc học và thực hành thì các sinh viên còn hướng đến phục vụ cộng đồng qua những dự án. “Mới đây, chúng tôi cùng sinh viên về huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang để triển khai dự án khởi nghiệp do Chính phủ tài trợ. Dự án thử nghiệm của chúng tôi được chạy trên hệ thống vận hành của Ngân hàng TMCP Sacombank, một đối tác thân thiết của nhà trường” TS. Phan Thị Nhi Hiếu chia sẻ.

Trường Đại học Hoa Sen đào tạo ngành Tài chính – ngân hàng với 3 chuyên ngành (Tài chính doanh nghiệp, Tài chính ngân hàng, Quản trị tài chính toàn cầu), là 1 trong 5 chương trình đào tạo về lãnh vực quản trị đầu tiên tại Việt Nam được kiểm định bởi Hội đồng kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh (ACBSP) Hoa Kỳ. Ngành Tài chính – ngân hàng Trường Đại học Hoa Sen có chương trình đào tạo cập nhật theo xu hướng quốc tế; đội ngũ giảng viên hầu hết tốt nghiệp ở nước ngoài, có nhiều kinh nghiệm giảng dạy lẫn thực tiễn; sinh viên được trải nghiệm thực tế làm việc với 2 đợt thực tập, được tham gia thực địa tại nước ngoài hoặc trao đổi sinh viên quốc tế… Trên 87% sinh viên có việc làm ngay khi ra trường, nhiều sinh viên làm việc tại các ngân hàng, các công ty lớn với mức lương cao ngay khi còn đi thực tập.

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo