Đại học Hoa Sen – HSU

Người ‘truyền lửa’ giúp sinh viên dấn thân vào nghiên cứu khoa học

Hơn 30 năm bền bỉ với sự nghiệp trồng người, PGS.TS Phạm Văn Tất luôn âm thầm, đứng phía sau dìu dắt, “truyền ngọn lửa” đam mê nghiên cứu đến các thế hệ sinh viên.

Từ chối doanh nghiệp để tập trung giảng dạy

Có dịp trò chuyện cùng PGS-TS Phạm Văn Tất, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển và Kinh tế Ứng dụng, Tổng biên tập Tap chí/Nội San Khoa học trường Đại học Hoa Sen, TP.HCM, tôi nhận ra được một điều đặc biệt. Thầy rất đam mê nghiên cứu khoa học nhưng những công trình do thầy nghiên cứu chỉ phục vụ trong giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh bảo vệ luận văn tốt nghiệp hoặc giành học bổng đi du học. Dù đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị tự nguyện tìm đến đặt hàng, hỗ trợ kinh phí để thầy tạo ra sản phẩm nghiên cứu nhưng thầy đều chối từ.


PGS.TS Phạm Văn Tất hiện là Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển và Kinh tế Ứng dụng, Tổng biên tập Tap chí/Nội San Khoa học trường Đại học Hoa Sen.

Lý do là thầy muốn tập trung giảng dạy, đào tạo sinh viên thành những nhà nghiên cứu giỏi, giúp ích cho đời chứ không muốn bị phân tán bởi những công việc khác. Trong suốt hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, thầy đã đào tạo ra nhiều thạc sĩ, tiến sĩ tài giỏi, thành đạt. Những học trò đó sau này đã trở thành những đồng nghiệp, những giảng viên, nhà nghiên cứu tại một số trường đại học uy tín trong và ngoài nước.

Thầy Tất nhận định, sinh viên bây giờ có nhiều điều kiện nghiên cứu hơn thế hệ trước. Nhưng không phải em nào cũng đam mê nghiên cứu ngay từ đầu mà cần phải có người chỉ dẫn và mở đường.

“Chính vì vậy, khi giảng dạy, tôi luôn “truyền lửa” đến các em, giúp các em tò mò rồi dấn thân vào nghiên cứu khoa học. Có nhiều em sau khi thực hiện xong một đề tài, gặt hái được thành quả bắt đầu ‘sống chết’ cùng với những công trình nghiên cứu. Từ đề tài của mình, các em đã được nhận học bổng đi du học nước ngoài, tương lai rộng mở”, thầy Tất chia sẻ.

Theo thầy, muốn thành công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học thì bản thân người thực hiện đề tài phải có những ý tưởng mới, sáng tạo. Ý tưởng được ví như là nền móng để hình thành ngôi nhà. Nền móng vững chắc thì xây nhà mới thành công. Khi đã có ý tưởng cho đề tài rồi, chúng ta mới tìm hiểu xem đã có ai thực hiện đề tài tương tự chưa, nếu đã có thì hãy làm theo ý tưởng riêng, mang dấu ấn của mình, sau đó mới tiến hành thực hiện.

“Nhiều sinh viên hay có cách làm ngược lại, tức là xem những đề tài người ta làm rồi mới lên ý tưởng cho mình điều này dễ khiến cho bản thân bị phân tán, và sa vào ý tưởng của người khác, quá trình thực hiện dễ rơi vào trường hợp làm lại đề tài”, thầy Tất gợi ý.

‘Người mơ mộng’ thích tìm tòi, khám phá

Trong giảng dạy, thầy Tất rất thoải mái để sinh viên phát biểu ý kiến. Từ những bài học mà thầy dạy trên lớp, sinh viên có thể thảo luận, góp ý để thầy có những phương pháp truyền đạt tốt hơn. Thầy hay dặn dò sinh viên rằng: “Nếu các em nhìn lên một phương trình phản ứng chỉ thấy phương trình đó đúng thôi thì chúng ta mới hiểu được có 20% giá trị của nó. Do vậy, chúng ta phải nhìn sâu xa hơn. Mà muốn nhìn được sâu xa như thế thì phải đọc thêm sách vở, tự mình thí nghiệm lại để xem phản ứng đó còn có giá trị nào khác nữa không”.

Theo thầy Tất, để viết được bài báo khoa học thành thạo, cần phải tham gia nhiều hội nghị khoa học, gửi bài báo cáo rồi tự mình đứng ra báo cáo. Khi đó, chúng ta sẽ nhận được các góp ý sửa chữa của các chuyên gia, các nhà khoa học. Dần dần, kỹ năng sẽ được nâng cao, từ tạp chí khoa học trong nước đến gửi đăng bài viết trên tạp chí quốc tế.


Ở tuổi 54, PGS-TS Phạm Văn Tất vẫn miệt mài tìm ra những phương pháp mới để giảng dạy cho sinh viên. 

Thầy Tất kể, thời sinh viên của thầy đâu có đầy đủ phương tiện nghiên cứu, máy móc hiện đại. Thời đó, máy tính và Internet chưa có, nên muốn tìm hiểu nghiên cứu một vấn đề nào đó đều phải đến các thư viên đọc sách và tạp chí.

“Hồi đó thầy cô, bạn bè thường nói tôi là người hay mơ mộng. Bởi vì khi thầy cô giảng bài, lần nào nhìn xuống đều thấy tôi mơ màng, không tập trung. Nhưng thật ra không phải như vậy mà do tôi liên tưởng đến những vấn đề khác để vận dụng vào bài học của mình”, thầy Tất nhớ lại

Với bản tính tò mò, thích khám phá, luôn nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau nên đã có lần thầy Tất bị tai nạn nghề nghiệp. “Có lần vì muốn tìm hiểu thử xem thí nghiệm có phản ứng nào khác nữa không mà tôi đã bỏ thêm một hóa chất khác vào. Kết quả, phản ứng cháy nám mặt, rất may, vết thương nhẹ nên không ảnh hưởng nhiều” – thầy Tất cười vui nhắc lại.


PGS.TS Phạm Văn Tất và đồng nghiệp tại Trường ĐH Hoa Sen.

Ở cái tuổi 54, thầy Tất vẫn miệt mài tìm ra những phương pháp mới để giảng dạy cho sinh viên. Thầy đã nghiên cứu nhiều đề tài từ cấp cơ sở đến cấp bộ, xuất bản 4 cuốn sách phục vụ cho công tác giảng dạy. Điển hình như: đề tài Nghiên cứu mối quan hệ định lượng giữa cấu trúc và hoạt tính của các nhóm hợp chất kháng sốt rét, kháng ung thư, kháng HIV, kháng nấm và kháng khuẩn; đề tài “Nghiên cứu thiết kế dược liệu kháng ung thư của nhóm 3 aminoflavonoid và tối ưu hóa công thức dược phẩm, quy trình sàng lọc hoạt chất từ cây thường sơn (Febrifuga lour)”; đề tài “Xác định các tính chất nhiệt động cân bằng pha lỏng-lỏng, lỏng-hơi của các hệ hóa học bằng phương pháp phân tích nhiệt động thống kê, hóa lượng tử và mô phỏng toàn cục Monte-Carlo”…

Gần đây nhất, thầy cùng các nhà khoa học Việt Nam thực hiện các đề tài nghiên cứu công bố trên các tạp chí quốc tế như “Mô phỏng quá trình ức chế protein SAR-Covid-19 từ các hợp chất khác nhau”. Trong đó, có đề tài “Mô phỏng cơ chế kháng SAR-Covid 19 sử dụng các thành phần hóa học trong tinh dầu tỏi” góp phần tìm ra phương pháp hỗ trợ chống dịch.

(Nguồn: Khám phá – Chi tiết bài viết tại đây)

Facebook Youtube Tiktok Zalo