Đại học Hoa Sen – HSU

Nghệ sỹ thăng hoa trong đêm nhạc Guihangtar

“Giá mà ánh sáng quá nổi bật từ ngọn đèn trên đầu hai nhạc sĩ được tắt đi thì có lẽ không khí trong thính phòng sẽ thật hoàn hảo,” tôi nghĩ thầm khi buổi trình diễn bắt đầu…

Tuy nhiên, khi những chiếc chuông Tây Tạng của nhạc sĩ Salil Sachdev bắt đầu ngân lên một cách nhịp nhàng, hòa cùng giai điệu du dương của tiếng đàn guitar của nhạc sĩ Lê Tuyên trong bản Euphoria (Phấn khởi), khán giả đã thực sự được dẫn dắt vào một thế giới thân mật và đầy khí thế của bản giao hưởng âm thanh và tiếng vọng!

Nhạc sĩ Salil Sachdev và nhạc sĩ Lê Tuyên trong bản Euphoria (Phấn khởi)

Các bản nhạc kế tiếp, với cảm hứng từ âm nhạc vùng Tây Nguyên, Highland Dreaming (Giấc mộng cao nguyên) & Gods of the Highlands (Các vị thần cao nguyên), chảy trôi như một dòng sông đầy sinh lực, khi thì nhẹ nhàng thì thầm với trống Hang (1), lúc thì rung chuyển như thác đổ hay sấm sét với trống Frame (2)!

Khán phòng có được cơ hội đắm mình trong mùa thu hoạch hân hoan với Song of the South (Khúc hát từ miền Nam) để rồi thong thả thư giãn trong Heart of the Ocean (Trái tim đại dương) qua tiếng róc rách bằng trống Nước từ châu Phi (3). Xuyên suốt buổi trình diễn, tiếng đàn guitar của Lê Tuyên như một tấm vải lụa được thêu dệt bằng âm hưởng trống và đàn để tạo ra một bản giao hưởng đậm chất lãng mạn. Đoạn cuối, với cái tên hợp lý là Come Together (Đến với nhau), đã thể hiện tinh hoa của sự ăn ý của bộ đôi nghệ sĩ: sự phối hợp hài hòa âm nhạc xuyên biên giới và vượt khỏi sự phân cách.

Cuối buổi, tôi thầm cảm ơn ánh sáng của ngọn đèn đã giúp tôi quan sát rõ hơn các nghệ sĩ và cách họ thổi hồn vào những nốt nhạc để tạo ra những âm hưởng làm rung động lòng người. Họ luôn dành thời gian để nói về nguồn cảm hứng của mỗi bản nhạc và Salil hào phóng đã cho phép tôi và một vài khán giả khác thử tay trên chiếc trống Nước của Ông. Chắc chắn đoàn quay phim của HTV cũng hoàn toàn đồng ý!

Đây có phải là âm nhạc quốc tế?  Hay âm nhạc của sự kết hợp? Như phát biểu nổi tiếng của nhạc sĩ Louis Armstrong: “Nếu bạn phải hỏi, bạn sẽ chẳng bao giờ biết!” Tôi thầm cảm ơn hai nhạc sĩ đã mang đến cho tôi và người yêu nhạc một trải nghiệm đặc biệt mà ngôn từ khó có thể biểu đạt trọn vẹn.

Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên: thầy là một Guitarist, hiện đang giảng dạy và nghiên cứu âm nhạc tại Nhạc viện Trường đại học Quốc gia Úc (The Australian National University). Ông quan tâm và nghiên cứu về ảnh hưởng của văn hóa Á Đông đến âm nhạc Úc cũng như âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Nhạc sĩ Salil Sachdev: thầy là một Percussionist, người Mỹ gốc Ấn Độ, hiện đang giảng dạy và nghiên cứu về âm nhạc tại Bridgewater State University, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ.

Dương Lễ

—————-

Chú thích:

(1) Hang drum: nhạc cụ đánh tay mới phát minh năm 2000 ở Bern, Thụy Sĩ – có hình dáng tương đối giống hai chiếc cồng úp vào nhau.

(2) Frame drum: nhạc cụ đánh tay xuất xứ từ Trung Đông

(3) Water drum: được làm từ hai quả bầu từ châu Phi, quả lớn đựng nước ở dưới, quá nhỏ úp lên trên để đánh tay tạo ra rất nhiều âm thanh đa dạng.

Facebook Youtube Tiktok Zalo