Đại học Hoa Sen – HSU

Kỹ năng và thái độ là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công khi khởi nghiệp

Người trẻ với biết bao hoài bão thường sẽ cảm thấy chênh vênh giữa muôn vàn lựa chọn cho tương lai của mình. Vậy làm thế nào để có thể lựa chọn đúng? Làm thế nào để hiện thực hóa những giấc mơ còn dang dở mà không phải lo lắng về bất kỳ điều gì?

Hiểu được những khúc mắc đó, ngày 9/11/2019 Câu lạc bộ Hoa Sen Start-up (HSSC), là một trong 14 CLB Công nghiệp – Khởi nghiệp của các trường Đại học khu vực miền Trung – Nam được BSSC và VinTech City tài trợ đã tổ chức buổi Hội thảo với chủ đề “Are you a baby shark?” tại trụ sở chính Nguyễn Văn Tráng nhằm tạo điều kiện các bạn trẻ có cơ hội lắng nghe, trao đổi trực tiếp với các diễn giả, khách mời với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp ở Việt Nam.

Tham dự buổi Hội thảo có TS. Vũ Tường Thụy – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen; TS. Nguyễn Giao Hòa – Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo Khởi nghiệp HSU, Cố vấn Chiến lược HSSC; Cô Phan Lệ Hằng, Quyền Giám đốc, Ban Văn hóa và Đào tạo nội bộ Tập đoàn Nguyễn Hoàng; anh Phạm Duy Hiếu – CEO của Ngân hàng An Bình, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF); anh Lê Yên Thanh – CEO BusMap, CoFounder & CTO Startup Denchlabs; chị Nguyễn Thị Diệu Hằng – CEO Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp BSSC; Thạc sĩ Phan Trịnh Hoàng Dạ Thy – CEO Psychnet VietNam cùng 80 sinh viên đến từ HSU và các trường Đại học khác.

BTC tặng hoa cho các khách mời tham dự

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Vũ Tường Thụy chia sẻ về những yếu tố cần thiết mà môi trường đại học nói chung và các sinh viên đại học nói riêng cần lĩnh hội thời nay.

“Nhà trường luôn xem sự năng động của sinh viên là trọng tâm, tạo các sân chơi và Ban Giám hiệu cũng như các giảng viên sẽ hỗ trợ hết mình. Tuy nhiên, chính các em cần phải hiểu các em cần gì và chính sự trải nghiệm sẽ giúp các em hiểu rõ bản thân mình. Trong chiến lược phát triển mới, nhà trường đặt nặng kỹ năng khởi nghiệp và sứ mệnh sáng tạo của các em sinh viên. Môi trường Đại học đôi khi rất bảo thủ nhưng đội ngũ giảng dạy ở Hoa Sen thì khác, họ có khả năng thích ứng với thời đại rất nhanh. Ở tuổi của các em chỉ cần nhớ: kiến thức có thể thay đổi buộc ta phải thích ứng nhưng kỹ năng với thái độ thì không. Chúng là cốt lõi quyết định sự thành công.” TS Thụy cho biết thêm

TS. Vũ Tường Thụy chia sẻ chính sự trải nghiệm sẽ giúp các bạn sinh viên hiểu rõ bản thân mình

Về khái niệm “Khởi nghiệp”, TS. Nguyễn Giao Hòa cho biết : “Theo William Bygrave: “Nhà khởi nghiệp là người không chỉ có thể nhìn thấy một cơ hội mà còn có khả năng xây dựng một tổ chức để theo đuổi cơ hội đó.”, từ đó giới thiệu đến các bạn sinh viên một cách chi tiết hơn về tầm nhìn và sứ mệnh của HSSC.

TS. Nguyễn Giao Hòa giới thiệu về HSSC

Những chia sẻ từ “bài học 10 ngàn đô” đầy cuốn hút của anh Phạm Duy Hiếu đã khiến cả hội trường dường như hoàn toàn bị thuyết phục với hai ý tưởng lớn của anh: “Tâm lý của mỗi người là muốn tìm khái niệm đúng tuyệt đối nhưng quên rằng sự đánh giá đó còn tùy thuộc vào tình huống và tư duy tuyệt đối đúng là một rào càn lớn đối với sự thành công. Nếu chỉ biết tin mà không tự trải nghiệm thì chỉ là một kẻ mê muội và cuồng tín. Tin hay không tin thì cứ thử trải nghiệm, lúc đó kết luận là đúng đắn nhất.”, “Muốn có thật nhiều tiền thì phải nhiều năng lượng”. Theo CEO của Ngân hàng An Bình, hành trình khởi nghiệp sẽ trở nên mạnh mẽ và độc nhất khi con người ta có một tư duy mở và nguồn năng lượng tích cực dồi dào. Hai yếu tố ấy phải luôn song hành và hòa quyện thì quá trình khởi nghiệp mới diễn ra suôn sẻ và lâu dài. Khởi nghiệp sẽ là lúc chúng ta nhận ra vô số điều mà chúng ta cần chuẩn bị và thất bại khi khởi nghiệp là sự thất bại của ý tưởng chứ không phải xuất phát từ con người.

Anh Phạm Duy Hiếu cho rằng hành trình khởi nghiệp sẽ trở nên mạnh mẽ và độc nhất khi con người ta có một tư duy mở và nguồn năng lượng tích cực dồi dào

Bên cạnh đó, anh còn gửi gắm đến các bạn sinh viên: “Muốn thành công, suy nghĩ cần loại bỏ khỏi bản thân chính là chữ “khó”. Bạn làm điều gì lần đầu tiên cũng khó nên nếu sợ thất bại tức là bạn lùi cuộc chơi. Hãy vinh danh những gì chúng ta có và hãy đón nhận những gì chúng ta không có. Vì anh không phải là thầy bói nhưng, chính xác là anh không biết hành trình khởi nghiệp này sẽ ra sao nhưng chắc chắn là em sẽ có bài học, bài học dẫn đến sự tiến bộ, tiến bộ sẽ dẫn đến sự trưởng thành, trưởng thành sẽ dẫn đến sự thành công.”

Trong suốt chương trình, các diễn giả cũng chia sẻ nhiều hơn về kinh nghiệm và câu chuyện khởi nghiệp của chính mình.

Anh Lê Yên Thanh chia sẻ: “ Châm ngôn sống của anh là sống thật đam mê với những gì mình đã chọn, những điều mình đã làm. Dù bạn là ai, bạn cũng sẽ là người đóng góp cho xã hội này và vấn đề gì cũng sẽ có cách giải quyết hết. Muốn Startup là phải có khả năng tự học trước và việc kiếm người đồng hành rất quan trọng, phải tiếp xúc với rất nhiều người để hiểu rõ về đối phương qua cách tiếp xúc của họ, họ suy nghĩ ra sao, đạo đức của họ như thế nào.”

Anh Lê Yên Thành với châm ngôn muốn Startup là phải có khả năng tự học trước

Để tạo động lực cho các bạn sinh viên, Cô Phan Lệ Hằng đã hướng dẫn các bạn sinh viên cách thức tái tạo năng lượng bản thân thông qua việc tự khám phá cá tính của mình. Cô chia sẻ: “Hiểu được bản thân theo cách phân loại của Myers-Briggs Type Indicator (MBTI) , các bạn sẽ tìm ra cách để làm đầy năng lượng bên trong để có thể bền bỉ trước mọi thách thức. Tùy thuộc bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, mà mỗi người sẽ có cách khác nhau để tái tạo năng lượng của mình. Chăm sóc bản thân, ăn uống đủ dinh dưỡng, tuy đơn giản nhưng cũng là những yếu tố rất quan trọng.

Cô Phan Lệ Hằng hướng dẫn các bạn sinh viên cách tự tái tạo năng lượng bản thân.

Nỗi sợ khi khởi nghiệp cũng là một vấn đề được nhiều bạn trẻ quan tâm. Ths. Phan Trịnh Hoàng Dạ Thy đã giải đáp các thắc mắc xoay quanh vấn đề này: “Đằng sau nỗi sợ sẽ kéo theo hàng loạt cảm xúc khác như lo âu, né tránh và một phản xạ rất bình thường của nỗi sợ là rút lui,bỏ chạy. Khi khởi nghiệp, ai cũng sợ nhưng sự khác biệt ở đây là điều gì khiến cho người ta muốn khởi nghiệp? Điều gì là nguồn động lực thúc đẩy? Hãy tự hỏi chính mình: tôi sẽ bỏ lỡ mất điều gì nếu bây giờ tôi không cố gắng chỉ vì tôi sợ? Khi khởi nghiệp phải lựa chọn ngành nghề mình thích chứ không nhất thiết đi theo ngành học mình đang theo đuổi và mỗi một giai đoạn, mỗi một cốt mốc sẽ làm mình lớn lên.”

Ths. Phan Trịnh Hoàng Dạ Thy giải đáp các thắc mắc xoay quanh các cảm xúc khi khởi nghiệp

Cũng tại Hội thảo, HSSC đã ký kết hợp tác với Quỹ khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF). Theo đó SVF sẽ hỗ trợ cho các bạn sinh viên về việc xây dựng các kế hoạch, truyền thông, cũng như định hướng cho các bạn khi có ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo, phối hợp với HSU kết nối với nhà đầu tư, xây dựng mạng lưới mentor, xây dựng các chương trình đào tạo cho startup công nghệ.”

TS. Vũ Tường Thụy – Phó Hiệu trưởng HSU, đại diện HSSC ký kết với Anh Phạm Duy Hiếu đại diện SVF

Thông qua buổi trò chuyện với chủ đề “Are you a baby shark?”, HSSC mong có thể trở thành một người bạn đồng hành đáng tin cậy, hỗ trợ và ươm mầm cho những giấc mơ khởi nghiệp của các bạn sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên Hoa Sen nói riêng. Khi bắt đầu thực hiện một điều gì đó, có thể bạn sẽ vấp ngã hàng trăm lần nhưng hãy luôn nhớ: thành công đôi khi không phải là thứ có thể cân đong đo đếm được bằng vật chất hay những thứ mà bạn đạt được ở cuối chặn đường, thành công là một thứ gì đó giá trị hơn rất nhiều. Nó chính là sự thay đổi tích cực của bản thân mà bạn tích góp được trong suốt quá trình chinh phục một điều gì đó, là sự đột phá đầy bản lĩnh và niềm tin ở chính mình.

Tin: SV Ngô Anh Vy ngành Quản trị công nghệ truyền thông

Facebook Youtube Tiktok Zalo