Đại học Hoa Sen – HSU

Kết nối với doanh nghiệp để khơi nguồn đam mê khởi nghiệp cho sinh viên

Tại Lễ tốt nghiệp lần thứ 30 Trường Đại học Hoa Sen (ĐHHS) ngày 18/6/2017, khi trả lời phỏng vấn của những người thực hiện chương trình, tân khoa Nguyễn Đăng Huy, ngành marketing khóa 12 chia sẻ: “Mình cảm thấy rất may mắn vì trong quá trình học đã được nhận đi làm và may mắn hơn nữa là được làm việc đúng với chuyên môn mình đang học. Vì thế trong quá trình làm việc thì những kiến thức học được ở trường rất bổ ích”.

Có thể xem đó là minh chứng cho triết lý đào tạo “Thực học, thực làm” đồng thời là kết quả của việc tăng cường sự kết nối doanh nghiệp trong chương trình đào tạo, gắn liền học thuật với nhu cầu thực tế của ĐHHS.

Két nối doanh nghiệp vì sinh viên

Hàng chục năm qua, Trường ĐHHS đã có sự quan hệ gắn bó với hàng trăm doanh nghiệp có uy tín tại Tp. Hồ Chí Minh và trong cả nước. Hầu hết các môn học chuyên ngành, ngoài việc có sự tham gia giảng dạy của giảng viên cơ hữu, Nhà trường còn mời nhiều giảng viên thỉnh giảng đang đảm trách các vị trí quản lý và có học vị cao của các doanh nghiệp. Điều này nhằm bảo đảm chương trình được xây dựng có đầu ra đáp ứng nhu cầu hiện có hoặc trong tương lai của doanh nghiệp, giúp sinh viên có được những bài học kinh nghiệm, nắm rõ những diễn biến thực tế tại doanh nghiệp.

ket noi voi doanh nghiep de khoi nguon dam me khoi nghiep tu sinh vienh

SInh viên Hoa Sen tham quan tại doanh nghiệp

Trước đây, khi nói đến sự kết nối giữa trường đại học với doanh nghiệp, người ta thường nghĩ đến sự thuận lợi cho nhà trường và sinh viên trong việc tiếp nhận sinh viên thực tập và xin việc làm sau khi tốt nghiệp mà bỏ qua một hiệu quả tác động rất lớn. Đó là sự khơi dậy niềm đam mê sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên từ đội ngũ các nhà doanh nghiệp, bởi trong số họ có không ít những nhà khởi nghiệp thành công. Chính các nhà doanh nghiệp, chứ không phải ai khác, là những tấm gương sáng thắp lên ngọn lửa đam mê sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên ngay từ khi đang ngồi trên ghế giảng đường.

Khi tạo được sự kết nối gắn bó với các nhà doanh nghiệp, mời được họ đứng lớp cho sinh viên, chắc chắn trong những buổi lên lớp, những buổi workshop cho sinh viên, lãnh đạo các doanh nghiệp đã khởi nghiệp thành công sẽ chia sẻ về các ý tưởng, cách thức khởi nghiệp. Từ những kinh nghiệm khởi nghiệp của các nhà doanh nghiệp, từ những kiến thức được đào tạo trong nhà trường cũng như ngoài xã hội, sinh viên sẽ có được cái nhìn tổng thể cho quá trình sáng tạo và khởi nghiệp.

Trên thực tế, cái khó nhất của khởi nghiệp có lẽ là bắt đầu từ sự hình thành ý tưởng. Bởi một ý tưởng đúng sẽ góp phần mang đến thành công cho một khởi nghiệp đúng.

Vì thế mà sự chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các nhà khoa học có sản phẩm khoa học có giá trị cũng như giữa các doanh nghiệp đã khởi nghiệp thành công với các sinh viên sẽ là cơ hội tốt cho sự nảy nở những ý tưởng khởi nghiệp. Từ đó, các doanh nhân, các nhà tài trợ sẵn sàng hợp tác hơn nữa với trường đại học để có thể đưa các sản phẩm khoa học công nghệ, các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên vào thực tiễn.

Với nhận thức đó, Trường ĐHHS đã và đang giữ vai trò là chiếc cầu nối cho mối quan hệ Nhà trường – Doanh nghiệp – Chuyên gia khởi nghiệp – Nhà đầu tư để tăng cường nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp; chí ít cũng làm tăng cường nhận thức và mối quan tâm đối với phong trào khởi nghiệp.

Có thể nói, nếu năm 2016 với lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lấy năm 2016 làm năm khởi nghiệp, là năm thể hiện quyết tâm cao nhất ở cấp Chính phủ về định hướng phát triển thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; thì năm 2017 này sẽ là năm các trường đại học, trong đó có ĐHHS, thể hiện vai trò chủ động của mình để thực hiện sứ mệnh sáng tạo và khởi nghiệp. Trong bối cảnh đó, Hội thảo Quốc tế Sáng tạo và Khởi nghiệp do Trường Đại học Hoa Sen và Mạng Lưới Học Thuật Quốc Tế Việt Nam (iVANet) cùng Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp TP HCM phối hợp tổ chức trong hai ngày 7 và 8/7/2017 tại cơ sở Nguyễn Văn Tráng là một hành động hưởng ứng rất thiết thực và có nhiều ý nghĩa.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong môi trường đại học

Trong quá trình hội nhập sâu theo các hiệp định được kí kết giữa Việt Nam với các quốc gia khối ASEAN cũng như trên trường quốc tế, một thị trường nguồn nhân lực không biên giới đang ngày càng rộng mở. Khi đó nguồn nhân lực Việt Nam nếu không được nâng cao ngang chuẩn quốc tế sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà. Khi đó, bản thân các trường đại học và những quyết sách về đào tạo sẽ không thực thi được sứ mệnh phục vụ xã hội của mình. Đó chính là một áp lực thúc đẩy quá trình nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học. Trường ĐHHS không là một ngoại lệ. Đó cũng chính là mục tiêu đào tạo đạt chuẩn quốc tế mà Nhà trường đã và đang đặt ra để phấn đấu.

Sau hơn 25 xây dựng và phát triển, Trường ĐHHS không chỉ đào tạo về chuyên môn, mà còn rất chú trọng đến năng lực lãnh đạo, quản lý, cung cấp những sinh viên tốt nghiệp ra trường có chất lượng cao ngang với trình độ của các nước trong khu vực. Với phương châm đào tạo thực tiễn và toàn diện, sứ mệnh của Trường là đào tạo sinh viên học để trở thành công dân toàn cầu, có khả năng làm việc trong nước cũng như ở nước ngoài, đồng thời có tinh thần sang tạo và khởi nghiệp. Sinh viên không chỉ tập trung vào lý thuyết mà có thể ứng dụng lý thuyết trong thực tế, biết thêm nhiều kỹ năng sống thông qua những đề án môn học, hoạt động ngoài lớp học, chương trình service-learning.

Hiện ĐHHS có 24 ngành nghề đào tạo đa lĩnh vực: Môi trường, Thiết kế sáng tạo – Mỹ thuật ứng dụng, Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật, Ngôn ngữ – văn hóa – Xã hội, Kinh tế thương mại, trong đó nhiều chương trình đào tạo như Marketing, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Nhân lực, Tài chính ngân hàng đã đạt chuẩn quốc tế ACBSP của Hoa Kỳ. Đi theo mô hình của Đại học Utah (Hoa Kì), nơi có Viện Khởi nghiệp Lassonde đang hoạt động rất thành công, Trường Đại học Hoa Sen quyết định mang mô hình này về ứng dụng vào hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp của Nhà trường. Tại Hội thảo này, Trường Đại học Hoa Sen sẽ cho ra mắt Viện Sáng tạo và Khởi nghiệp. Từ hoạt động của Viện Sáng tạo và Khởi nghiệp ĐHHS sẽ kết nối nhà đầu tư với các đề án khởi nghiệp từ sinh viên và giảng viên. Đồng thời Viện sẽ xây dựng qui trình cố vấn và đào tạo (Hoa Sen Entrepreneurship Launch Pad – HELP) để giúp các đội khởi nghiệp nâng cao khả năng thành công trong qui trình phát triển sản phẩm và thành lập công ty. Hi vọng trong tương lai gần, sinh viên ĐHHS sẽ được thụ hưởng những thành quả của một chủ trương đúng đắn và rất thiết thực này.

Tùng Sơn
 

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo