Đại học Hoa Sen – HSU

Hương sen đang lan tỏa

Huong sen dang lan toa - Dai hoc Hoa Sen 25 nam

Những lần đầu tiên tôi bước chân vào trường Đại học Hoa Sen là để tham dự các buổi hội thảo. Tôi và một số đồng nghiệp đã rất hào hứng khi đi dự những buổi này. Tôi vẫn còn nhớ nhà trường đã mời được nhiều diễn giả là nhà khoa học và nhà hoạt động xã hội có nhiều tâm huyết và uy tín trong ngành ở tầm quốc tế. Chẳng hạn như: Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, giáo sư Phạm Văn Thuyết, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh… Sau đó, khi trường Hoa Sen đã dần trở nên một người bạn thân thương của nhóm tham dự viên chúng tôi, thì tôi được mời cộng tác với nhà trường trong việc giảng dạy môn “Giới và phát triển”, hiện nay môn học có tên mới là “Giới và phát triển tại Việt Nam”.

Môn học này đang được giảng dạy tại nhiều ngành học thuộc về khoa học xã hội, tuy nhiên môn học này có vẻ còn khá xa lạ với sinh viên các ngành khoa học tự nhiên hoặc kinh tế, thương mại.Tôi được biết sở dĩ nhà trường đưa môn này vào làm một trong những môn học tự chọn của toàn thể sinh viên bất kể ngành nào trong trường, đó là vì nhà trường chủ trương một nền giáo dục khai phóng. Nếu tham khảo vào tự điển mở Wikipedia trên mạng, ta sẽ thấy định nghĩa sau đây: “Giáo dục khai phóng (tiếng Anh: liberal education) là giáo dục nhằm tạo ra con người tự do. Nó dựa trên khái niệm các môn khai phóng trong thời Trung cổ, hay gần hơn là chủ nghĩa tự do trong thời Khai minh. Hiệp hội các Trường và Viện Đại học Hoa Kỳ (Association of American Colleges and Universities) mô tả giáo dục khai phóng là “một triết lý giáo dục cung cấp cho các cá nhân một nền tảng kiến thức rộng và những kỹ năng có thể chuyển đổi được, và một cảm nhận mạnh mẽ về các giá trị, đạo đức, và sự can dự vào đời sống công dân…”. Vì thế tôi rất hào hứng cùng với các sinh viên bước vào môn học mới mẻ này tại trường Đại học Hoa Sen.

Sau một học kỳ cùng nhau tìm hiểu môn học, tôi rất xúc động khi đọc được các câu trong bài làm của sinh viên như sau:

Trước khi học môn “Giới và phát triển tại Việt Nam”, tôi rất xem nhẹ vị thế của mình trong gia đình  và xã hội, mặc dù tôi là một  nữ sinh viên trẻ. Dù được dạy về bình đẳng nam nữ từ tiểu học đến giờ, song tôi vẫn chưa có ý thức nhiều về việc này vì thời gian giảng dạy rất ít và ngoài ra xã hội vẫn còn những bất cập (Sinh viên Nguyễn Thị Bích Ngọc);

Lúc trước em luôn cho rằng mẹ phải làm việc nhà là điều tất nhiên. Nhưng về sau này em mới có điều kiện học môn “Giới và phát triển tại Việt Nam”, và em thấy suy nghĩ của mình quá vô lý. Trong khi mẹ và bố đều phải đi làm, mà mẹ thì phải gánh hết việc nhà là quá bất công. Nên đã có một cuộc cải cách trong gia đình em, đó là từ đấy, việc nhà chia ba, cả nhà cùng làm. Những trường hợp cư xử không bình đẳng giữa hai giới ngày nay vẫn còn đầy, những người đi tìm công bằng cho nữ giới vẫn luôn sẵn sàng và hàng ngày, hàng giờ đấu tranh bằng hành động, bằng lời nói, bằng bút viết (Sinh viên Đặng Kiều Anh);

Qua môn học “Giới và phát triển tại Việt Nam”, là một nam giới, tôi đã ý thức hơn về vai trò và giá trị của bản thân. Trước tiên, tôi ý thức mình là một người có quyền công dân bình đẳng như bao người khác, bất kể là nữ hay nam. Tôi có quyền chứng minh vai trò trong xã hội bằng năng lực bản thân. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận thức được giá trị bản thân, tôi là một phần để góp vào việc phát triển xã hội cũng như xóa bất bình đẳng giới. Tôi phải ý thức và công nhận giá trị của tất cả mọi người dựa trên đóng góp của họ chứ không phải là giới tính (Sinh viên Phạm Văn Minh).

Ngoài những suy nghĩ về bản thân mình, các bạn sinh viên cũng có dịp nhìn lại thế hệ cha mẹ mình:

Ông bà ngoại tôi có tư tưởng trọng nam khinh nữ rất sâu sắc, và khi ấy nhà tôi lại rất nghèo, nên hầu như toàn bộ con gái trong nhà đều phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền. Mẹ tôi rất ham học và cũng hiểu được học là cách duy nhất để thoát nghèo. Bà đã cố gắng đi làm dành dụm tiền để đi học và lấy bằng trung cấp. Tôi ngưỡng mộ mẹ vì mẹ tôi đã vượt qua rào cản định kiến thời ấy (Sinh viên Mai Bảo Hân).

Các bạn trẻ của tôi cũng không ngần ngại đưa ra những giải pháp cụ thể và dễ thực hiện như sau:

Các phương tiện truyền thông đại chúng nên đưa hình ảnh những phụ nữ có năng lực trí tuệ lên ảnh bìa các tạp chí lớn như tạp chí kinh tế, tạp chí phụ nữ… để nâng cao vị thế của nữ giới (Sinh viên Nguyễn Thị Tường Vy);

Chúng ta cần cho nam giới tham gia các lớp học để chống bạo hành gia đình, giảm bớt tính gia trưởng và xem thường phụ nữ (Sinh viên Phùng Thị Kim Ngân).

Đến đây, tôi xin mượn lời của Mortimer J.Adler [1] để thay lời kết: “Mục đích hàng đầu của giáo dục khai phóng không phải là phát triển khả năng chuyên môn, dù một nền giáo dục khai phóng là không thể thiếu được đối với bất kỳ một nghề chuyên môn về đầu óc nào. Nó sản sinh ra những công dân có thể sử dụng quyền tự do chính trị của họ một cách có trách nhiệm. Nó phát triển những con người trí thức có thể sử dụng thời gian rỗi của họ một cách hữu ích. Nó là một nền giáo dục cho tất cả những người tự do, dù họ có ý định trở thành nhà khoa học hay không”.

Một năm nữa sắp trôi qua, mùa xuân đang mở lối cho hoa trái đơm bông kết hạt, tôi cũng thấy như đâu đây hương sen đang lan tỏa.

Lê Thị Hạnh

[1] Mortimer J.Adler, Nền giáo dục khai phóng là gì? Trong “Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại” – NXB Văn hóa thông tin, http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nen_giao_duc_khai_phong_la_gi…., đề ngày 08/05/2010, truy cập ngày 14/12/2015.

Facebook Youtube Tiktok Zalo