Đại học Hoa Sen – HSU

Hội nghị Giảng dạy Anh văn không chuyên (ESL): Mở ra nhiều đề tài nghiên cứu cho việc dạy tiếng Anh

Sáng ngày 22/04, Trường Đại học Hoa Sen đã tổ chức thành công buổi Hội nghị Giảng dạy Anh văn không chuyên (ESL) với sự tham gia của gần 100 giảng viên dạy tiếng Anh tại Đại học Hoa Sen và các chuyên gia đến từ các trường đại học, cao đẳng khác trên địa bàn TP.HCM.

Tại hội thảo, có 8 tham luận được trình bày xoay quanh chương trình đào tạo tiếng Anh, thực trạng giảng dạy tiếng Anh không chuyên (ESP), chuẩn đầu ra và chứng chỉ nào nên được áp dụng dành cho sinh viên. 

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Lưu Tiến Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen nhận định: tiếng Anh ngày càng trở nên là ngôn ngữ đóng vai trò độc tôn ở Việt Nam các đơn vị giảng dạy Anh văn cũng không ngừng lớn mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều sinh viên ra trường trình độ tiếng Anh chưa đạt được mức độ thành thạo hay mong muốn tối thiểu của nhà trường, doanh nghiệp. Có 2 lý do chính: thứ nhất là học tiếng Anh cần đòi hỏi sự kiên trì ở người học; thứ hai là trình độ đầu vào của các sinh viên khác nhau nhưng lúc ra trường các em lại thi một chuẩn chung với hy vọng đạt được chuẩn đầu ra như mong đợi của nhà trường. Đây là một thực tế và bài toán khó nhưng không có một đáp án chung cho mỗi trường.

TS Lê Xuân Quỳnh, Giám đốc Trung tâm Anh ngữ English Zone Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ, theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, sinh viên Hoa Sen được đánh giá là có trình độ tiếng Anh ở mức độ khá. Để duy trì thương hiệu này, tập trung giảng dạy tiếng Anh là một phần quan trọng trong chương trình đào tạo của Trường Đại học Hoa Sen. Trong bài tham luận của mình, TS Quỳnh đưa ra 4 tiêu chí đào tạo của Trường Đại học Hoa Sen: Học để trở thành công dân toàn cầu; học không chỉ tập trung vào lý thuyết mà cần phải biết ứng dụng thực tế; học không chỉ biết chuyên môn mà cần phải biết kỹ năng sống; học không chỉ tạo việc làm mà còn có khả năng tạo việc làm. Mục tiêu của chương trình giảng dạy tiếng Anh cho SV ĐH Hoa Sen là sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hằng ngày, sử dụng tiếng Anh hiệu quả trong môi trường đa văn hóa và sử dụng tiếng hiệu quả trong việc học tập. Hiện nay, nhà trường yêu cầu chuẩn đầu ra của sinh viên Hoa Sen phải đạt được một chứng chỉ quốc tế trước khi ra trường. Chứng chỉ này chính là cơ sở để đối chứng về trình độ tiếng Anh mà sinh viên đạt được thông qua một đơn vị kiểm tra độc lập. Các chứng chỉ quốc tế được công nhận tại Hoa Sen gồm TOEIC 550, TOEFL Ibt 64, IELTS 5.0, APTIS B1 (114).

 TS. Lê Xuân Quỳnh, Giám đốc Trung tâm Anh ngữ English Zone Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ về mục tiêu chương trình đào tạo tiếng Anh tại ĐH Hoa Sen

Theo TS. Quỳnh, đối với chứng chỉ TOEIC (chỉ có 2 kỹ năng) là chuẩn đầu ra được nhà trường và sinh viên chọn lựa do chi phí thấp nhưng lại không phải là thước đo tối ưu do không phù hợp với chương trình đa mục tiêu như hiện nay. Đồng thời, TOIEC không còn tương thích với khung NLNN 6 bậc Việt Nam cũng như khung CEFR trong khi đó APTIS trang bị 4 kỹ năng, tương thích với CEFR và khung NLNN 6 bậc của Việt Nam, được MOET công nhận. Hơn thế nữa, chứng chỉ này trang được nhiều tổ chức chính phủ, đại học và doanh nghiệp quốc tế công nhận. Do đó, nhà trường đang tiến hành thử nghiệm bài test này cho một số sinh viên đang học ở trường. Kết quả, sau khi hoàn thành bài test, nhà trường nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía sinh viên như nội dung đề thi phù hợp với chương trình đã học, phần ngữ pháp tương đối dễ, dạng câu hỏi quen thuộc, kiểm tra được 4 kỹ năng, có lợi khi ra trường.. Đồng quan điểm về việc lựa chọn APTIS thay vì TOEIC, TS. Vũ Thị Phương Anh, Trường Đại học Bình Dương và TS. Phan Thế Hưng, Trường Đại học Văn Lang cũng cho rằng APTIS đảm bảo được 4 kỹ năng hơn so TOEIC.

TS.Vũ Thị Phương Anh (Đại học Bình Dương) chia sẻ về thực trạng chọn lựa chuẩn đầu ra tiếng Anh ở trường đại học hiện nay

Theo TS. Phan Thế Hưng, Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Văn Lang, thực trạng hiện nay chúng ta chưa chú trọng đến tiếng anh tổng quát (GE) và tiếng anh chuyên ngành (ESP). Tiếng Anh ngày nay mang tính chất toàn cầu và chia làm 2 loại: người học đạt được tiếng anh như một công cụ (tool), và người học đạt được tiếng anh như một chuyên gia, mang tính học thuật. Giáo trình và phương pháp giảng dạy chưa phù hợp với mục tiêu, động cơ học tiếng Anh của sinh viên cuối cùng là để đủ điểm số bắt buộc, mang tính đối phó, ngân hàng đề thi lại hạn chế, chú trọng đến bài kiểm tra trắc ngiệm từ vựng, ngữ pháp, đọc hiểu hơn là nghe – nói. Vì vậy, cần có tính đột phá, sáng tạo trong chương trình đào tạo tiếng Anh không chuyên và tiếng anh chuyên ngành. Giải pháp có thể là đưa tiếng Anh không chuyên vào mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu của nhà trường, đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn liền với tính thực tiễn, tăng cường Công nghệ thông tin trong giảng dạy và đánh giá, chú ý đến năng lực của thầy và động cơ của trò. 

Buổi hội thảo cũng đề cập đến điều kiện anh văn cho sinh viên nhóm ngành Thiết kế – Mỹ thuật. Đa số sinh viên nhóm ngành này có cá tính mạnh, “tư duy não phải”, giao tiếp thường xuyên bằng hình ảnh, bản vẽ thiết kế, kỹ thuật.. Tình trạng sinh viên không hứng thú với việc học tiếng Anh dẫn đến bỏ học, hay đối phó. Tại Hoa Sen, khóa 2015 trở về trước, khoảng 60% sinh viên không thể đăng ký môn học chuyên ngành khi bắt đầu vào năm 3 do vướng tiếng Anh. Thêm vào đó, sinh viên theo học các lớp cấp độ khác nhau nên khó khăn trong việc sắp xếp Thời khóa biểu các môn chuyên ngành. Theo ThS. Đào Thị Hải, Trưởng khoa Khoa Đào tạo chuyên nghiệp Trường Đại học Hoa Sen, cần phải tổ chức các lớp anh văn riêng cho nhóm ngành này, có chính sách đặc cách về sĩ số các lớp anh văn cho nhóm ngành, xem xét giảm số môn giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh theo qui định trong chương trình đào tạo. 

PGS.TS Lưu Tiến Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen tổng kết thảo luận trao đổi trong Hội nghị

Buổi hội thảo đã diễn ra sôi nổi với nhiều thảo luận. GS.TS Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trường điều hành Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ, thông thường giảng viên thường có khuynh hướng giải thích bằng tiếng Việt trong trường hợp sinh viên không hiểu, hoặc sinh viên chỉ sử dụng từ điển Anh – Việt. Như vậy, người học sẽ bị giới hạn về cách tư duy theo kiểu anh – anh, bị động.

Hội nghị cũng thống nhất là phải “đổ nền” tiếng Anh vì trình độ đầu vào rất khác nhau. Việc giảng dạy tiếng Anh chỉ nên dừng ở tiếng Anh tổng quát hay kết hợp tiếng Anh tổng quát và English for Specific Purposes (ESP) như Computer English, Business English. Vai trò của English for Academic Purposes (EAP) rất tiếc chưa được thảo luận sâu. Có phát biểu cho rằng nhu cầu tiếng Anh của các ngành khác nhau, nên không cần thiết phải dạy ESL như nhau. EMI (English as medium of instruction) là thứ tiếng Anh trường vẫn dùng để dạy các môn học chuyên môn cũng đang có nhiều nghiên cứu quốc tế. Theo PGS.TS Lưu Tiến Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, hội nghị đã đề cập đến nhiều thuật ngữ chuyên môn, nói lên tính chất phức tạp của vấn đề và hứa hẹn sẽ mở ra nhiều đề tài nghiên cứu cho giới chuyên gia, giảng viên nghiên cứu giảng dạy tiếng Anh.

 

 
Facebook Youtube Tiktok Zalo