Đại học Hoa Sen – HSU

Hiện tượng “Fan Translation” trong xu hướng dịch thuật đương đại

Đây là chủ đề chính tại hội thảo quốc tế “Các xu hướng dịch thuật đương đại” diễn ra tại trường Đại học Hoa Sen ngày 13/1/2018, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dịch giả, các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên từ các trường đại học. 

Với mục đích cập nhật kiến thức chuyên ngành, tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn giữa các dịch giả, giảng viên và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực dịch thuật, khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Hoa Sen phối hợp cùng Viện hàn lâm Anh Quốc tổ chức hội thảo với chủ đề “Các xu hướng dịch thuật đương đại” vào ngày 13/01/2018 tại trụ sở Nguyễn Văn Tráng.

Tham dự hội thảo có trên 160  giảng viên, dịch giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia dịch thuật và sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ đến từ nhiều trường đại học tại Tp.HCM và các tỉnh thành như Phú Yên, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang,…

Diễn giả chính của hội thảo là các chuyên gia từ các trường đại học trong và ngoài nước: TS. Jonathan Evans (ĐH Portsmouth, Anh Quốc); Giáo sư Luis Pérez-González (ĐH Manchester, Anh Quốc); TS. Tessa Dwyer (ĐH Monash, Úc); TS. Lương Văn Nhân (ĐH Huddersfield, Anh Quốc); TS. Trương Bạch Lê (ĐH Ngoại ngữ Huế); ThS. Đào Phong Lâm (ĐH Cần Thơ). 

PGS. TS Lưu Tiến Hiệp, hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen

Mỗi bài tham luận đem đến góc nhìn riêng về hiện tượng “Fan Translation” (Fan dịch), và qua đó cung cấp bức tranh toàn cảnh về hiện tượng này ở trong và ngoài nước. “Fan Translation” là một xu hướng dịch thuật được thực hiện bởi những người hâm mộ, những người dịch thuật nghiệp dư.

Theo TS. Jonathan Evans (ĐH Portsmouth, Anh Quốc), những bản dịch này thường là phim ảnh, tiểu thuyết, truyện tranh, trò chơi, lời bài hát, và được lan truyền rộng rãi nhưng không chính thức trên mạng internet. Hầu hết các bản dịch do những người hâm mộ thực hiện và không mang tính thương mại.Giới doanh nghiệp thường khuyến khích việc dịch thuật từ các fan để các bản dịch có thể đến được với công chúng trong thời gian sớm nhất.

TS. Jonathan Evans (ĐH Portsmouth, Anh Quốc)

Thật ra những bản dịch do các fan chuyển ngữ rất đa dạng bao gồm game, tiểu thuyết, phụ đề phim, TED, đoạn video, tựa đề và lời bài hát, và những bản dịch phục vụ cho việc dạy và học ngoại ngữ, như TS Trương Bạch Lê chia sẻ. TS Trương Bạch Lê chia sẻ những ví dụ cụ thể bản dịch của fan để minh họa cho  tính chất đặc trưng của hiện tượng này như tính sáng tạo, chất lượng, thực hành việc chuyển ngữ/dịch phụ đề, tính tương tác. Đặc biệt, TS Lê nhấn mạnh việc dịch thuật do fan thực hiện đem đến nhiều lợi ích trong việc học ngoại ngữ. Tuy nhiên, số lượng bài nghiên cứu về chủ đề này còn rất ít, nên đây chắc chắn sẽ là một lĩnh vực đầy tiềm năng cho những nhà nghiên cứu trong lịch vực dịch thuật.

Chia sẻ cụ thể hơn về hiện tượng fan dịch, TS. Lương Văn Nhân (ĐH Huddersfield, Anh Quốc) mang đến hội thảo chủ đề “Trịnh Công Sơn và các bản dịch của các fan”. Nhắc đến Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người ta nghĩ ngay đến những giai điệu, những bài hát mà lời ca được thêu dệt bởi những ngôn từ đơn giản, nhẹ nhàng nhưng đầy sâu lắng. Hơn 70 bài hát của ông trong đó có “Mưa hồng” (Pink rain); “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” (I choose a happiness a day) đã được các “fan Trịnh” chuyển ngữ qua nhiều ngôn ngữ khác nhau như Anh, Pháp, Nhật  với mong muốn giới thiệu những tác phẩm của ông cho bạn bè yêu nhạc trên thế giới. Trong bài trình bày của mình, TS Lương Văn Nhân đã cùng người tham dự  thích thú khi cùng nhau hát một số đoạn của vài bài hát nổi tiếng của Trịnh Công Sơn như Mưa hồng, Nối vòng tay lớn bằng tiếng Anh. Qua đó, TS Nhân cũng lưu ý đến yếu tố ngữ nghĩa, nốt nhạc và văn hóa khi dịch lời bài hát.

TS Trương Bạch Lê

Đại diện đến từ trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng tham gia đặt câu hỏi cho diễn giả.

ThS. Đào Phong Lâm (ĐH Cần Thơ)

Tuy chỉ kéo dài trong một ngày nhưng hội thảo đã thực sự đem lại nhiều thông tin hữu ích cho người tham dự. Hội thảo là cơ hội để người tham gia trực tiếp trao đổi với các nhà nghiên cứu về dịch thuật, và từ đó hiểu thêm về hiện tượng fan dịch, kết nối những người có cùng sự quan tâm, và mở ra những hướng nghiên cứu mới. 

Facebook Youtube Tiktok Zalo