Đại học Hoa Sen – HSU

GS-TS Trương Nguyện Thành – Hiệu phó điều hành trường Đại học Hoa Sen: “Trí thức phải có dũng khí và trách nhiệm công dân”

38 năm ở Mỹ và thành danh trên con đường khoa học, GS-TS Trương Nguyện Thành trở về nước, làm hiệu phó điều hành Trường Đại học Hoa Sen, với tâm nguyện xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế. Qua cuộc trò chuyện với giáo sư, có thể hiểu rằng, đích đến của ĐH Hoa Sen không chỉ là đào tạo con người học thuật.

GS TS Truong Nguyen Thanh pho hieu truong dieu hanh DH Hoa Sen

TS Trương Nguyện Thành – Ảnh nhân vật cung cấp

Từ giã Trường ĐH Utah Mỹ để về làm việc cho ĐH Hoa Sen, một lựa chọn kỹ lưỡng hay chỉ là sự tình cờ của số phận thưa giáo sư?

– Quyết định đó làm ngỡ ngàng gia đình tôi và các đồng nghiệp bởi vì quá bất ngờ. Nhưng với tôi, đã có một sự chuẩn bị cho ngày về từ 10 năm trước. Càng ngày niềm mong muốn trở về càng thôi thúc. Khi còn trẻ cảm xúc đó trong tôi không mạnh mẽ, nhưng bạc tóc rồi nỗi nhớ quê hương cứ cồn cào, cứ day dứt khôn nguôi. Cổ thi có câu: “Cử đầu vọng minh nguyệt. Đê đầu tư cố hương” (Ngẩng đầu nhìn trăng sáng. Cúi đầu nhớ quê nhà). Sự chọn lựa của tôi với quê hương là vậy, không phải là sự ngẫu nhiên của số phận.

Sự chuẩn bị trở về của giáo sư không chỉ là nỗi lòng mà bằng những việc đã làm ở VN?

– Tháng 10.2014, tôi sáng lập Mạng lưới các nhà khoa học VN trên thế giới ivanet.org với mục tiêu tập hợp những người làm khoa học gốc Việt giúp đỡ lẫn nhau, tạo cơ hội hợp tác và giúp đỡ các nhà khoa học trẻ tại VN. Đầu năm 2007, tôi được tín nhiệm giao trọng trách Viện trưởng khoa học Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TPHCM, ngoài ra còn hướng dẫn cho các nghiên cứu sinh VN, tôi đã trở về từ những ngày đó.

Lần này là một sự trở về trọn vẹn, và với công việc mới, liệu có phải là một thử thách với giáo sư?

– Để xây dựng một trường đại học có chất lượng học thuật cao đáp ứng được nhu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế luôn là một thử thách. Hiện nay các quốc gia cạnh tranh quyết liệt về nguồn nhân lực cấp cao, nếu quốc gia nào không cạnh tranh được thì lao động cấp cao các nước khác sẽ đến giữ những vai trò quản lý chủ chốt. Vậy thì, ĐH Hoa Sen không chỉ đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật, mà chú trọng đến năng lực lãnh đạo, quản lý, cung cấp những sinh viên chất lượng cao ngang với trình độ của các nước trong khu vực. Tôi luôn thao thức một điều, sản phẩm đào tạo đại học là những trí thức cho đất nước, nhưng trước hết là lo cho chính từng cá nhân và gia đình của họ. Sinh viên ra trường kiếm được việc làm thu nhập tốt, họ sẽ nuôi dạy con cái ăn học tử tế. Cho nên, giáo dục đại học ảnh hưởng đến cuộc đời, dòng họ của một con người. Chỉ nghĩ điều đó thôi, đủ thấy trách nhiệm của mình rất lớn.

Đã có nhiều trường tự nhận có chất lượng đào tạo ngang tầm quốc tế, nhưng thực chất không phải như vậy, đó là một thực tế phải không thưa giáo sư?

– Với kinh nghiệm học tập, nghiên cứu khoa học và giảng dạy mấy chục năm ở Mỹ, tôi có thể thiết kế chuyên môn và tổ chức giảng dạy đạt chất lượng quốc tế. Nhưng ngoài học thuật, điều quan trọng hơn là đào tạo ra những sinh viên có phẩm chất đạo đức, khỏe mạnh về thể chất, lành mạnh về tinh thần. Có những việc tưởng rất nhỏ nhưng lại là việc lớn, như biết xếp hàng, biết đúng giờ, không xả rác, lễ phép với người trên, ra đường gặp đám tang phải cởi nón, cúi đầu, tham gia cứu trợ đồng bào vùng thiên tai. Tôi đã suy nghĩ nhiều về hệ giá trị để trang bị cho sinh viên và tạm thời đặt ra bốn chữ: Dũng, Nhân, Trí, Tự. Nhân là lòng bác ái, là lòng trắc ẩn, thì rõ rồi, tri thức là đương nhiên, nhưng cần phải hiểu chữ “Dũng” trước tiên là chiến thắng chính bản thân mình. Còn “Tự” là tự lập, là xây dựng bản lĩnh cá nhân, độc lập suy nghĩ, có tư duy phản biện, khẳng định mình bằng giá trị khác biệt.

Theo giáo sư, giới trẻ hôm nay có “Dũng” và có “Tự” không?

– Tôi từng phân tích rằng, đa số giới trẻ chưa dám vượt qua phạm vi an toàn của bản thân cho nên chưa “Dũng”. Có nghĩa chỉ mong tìm việc làm, thu nhập cao, và cho đó là mục đích của đời mình. Nhưng bản lĩnh trí thức là dám dấn thân và sẵn sàng chấp nhận thất bại để khởi nghiệp, tạo ra những giá trị có tầm ảnh hưởng rộng, phục vụ lợi ích chung cho xã hội, thậm chí thay đổi được thế giới. Dám dấn thân là “Dũng”, và tất nhiên muốn làm được việc lớn phải có “Trí”, có “Tự”. Bởi nếu không có khát vọng lớn, nghĩ lớn thì suốt đời “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp, giấc mơ con đè nát cuộc đời con (Chế Lan Viên).

Có “Dũng” mới dám trung thực, trước hết là trung thực với bản thân mình. Có “Dũng” mới dám phản biện những điều chưa đúng, chưa phù hợp. Ngày nay hiện diện chung quanh ta nhiều giả dối và thiếu vắng sự trung thực, bởi vì chúng ta thiếu dũng khí của một trí thức. Cho nên, mục đích của ĐH Hoa Sen là bên cạnh việc đào tạo ra những trí thức có chuyên môn cao, còn phải là những con người có dũng khí và trách nhiệm công dân.

GS-TS Trương Nguyện Thành, sinh năm 1961; tiến sĩ ngành hóa và tính toán; hai bằng sáng chế quốc tế về công nghệ thông tin; xuất bản 180 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành hóa và công nghệ thông tin; xuất bản hơn 150 bài báo trình bày tại các hội thảo chuyên ngành quốc tế.

(Nguồn: Lao động)

Facebook Youtube Tiktok Zalo