Đại học Hoa Sen – HSU

“Giáo dục cảm xúc cho trẻ em”, sợi dây kết nối tất cả mọi người

Đây là dự án do trung tâm Service-Learning phối hợp với Ths Nguyễn Thị Ngọc Giàu, giảng viên Bộ môn Tâm lý học HSU cùng đối tác cộng đồng là Chi hội Bảo trợ Trẻ em Hóc Môn (CEPORER Hóc Môn) thực hiện với mong muốn giúp trẻ hiểu, nuôi dưỡng và điều tiết cảm xúc của bản thân.  

Đối tượng hưởng lợi chính từ dự án là trẻ em từ 6-15 tuổi của CEPORER Hóc Môn có được kiến thức cơ bản để hiểu và làm việc với cảm xúc của bản thân, được hướng dẫn thực hành nuôi dưỡng và điều tiết cảm xúc trong cuộc sống hằng ngày.

Dự án bắt đầu từ tháng 05/2020 và kết thúc vào tháng 8/2020. Tham gia dự án là 15 sinh viên của ngành Tâm lý học (Khoa Khoa học và Xã hội) và chương trình liên kết quốc tế Vatel (Khoa Du lịch) với 102 giờ học tập và phục vụ cộng đồng.


Buổi tập huấn về Giáo dục cảm xúc dành cho các bạn sinh viên tham gia dự án. – Ảnh: Minh Nhật

Các hoạt động chính của dự án bao gồm Tập huấn chuyên đề về Giáo dục cảm xúc, Service-Leanring, Quyền trẻ em, kỹ năng làm việc với cộng đồng; Tiền trạm cộng đồng; Tổ chức làm việc tại cộng đồng.


Sinh viên chia sẻ về phương pháp Sắm vai – một trong những phương pháp tạo sự tham gia của trẻ. – Ảnh: Minh Nhật

Các buổi tập huấn sử dụng phương pháp học qua trải nghiệm, nhờ đó sinh viên khám phá lý thuyết của giáo dục cảm xúc, thực hành điều chỉnh và cân bằng cảm xúc tích cực của bản thân. 

Chia sẻ về lý do tham gia dự án, sinh viên Nguyễn Thùy Dương, K19 ngành Tâm lý học HSU cho biết:“Khi đăng ký làm tình nguyện viên dự án, em mong bản thân hiểu thêm về trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Để có đủ kỹ năng và bản lĩnh, em cùng các bạn đã học giáo dục cảm xúc để hiểu về cảm xúc bản thân trước khi làm việc với cảm xúc của trẻ”.

Trải qua 05 ngày làm việc cùng 30 trẻ em CEPORER Hóc Môn, giảng viên, sinh viên và đối tác cộng đồng nhận ra sự thay đổi tích cực giao tiếp và thực hành cảm xúc của các bé.


Sinh viên thảo luận cùng các bạn nhỏ của CEPORER Hóc Môn. – Ảnh: Minh Nhật

Bạn Trần Minh Nhật, điều phối viên dự án cho biết sự thay đổi rõ nét nhất của trẻ là gọi tên, nhận diện và thực hành cảm xúc tích cực mỗi ngày qua việc viết nhật ký. Việc thực hành ghi nhận cảm xúc hằng ngày giúp trẻ nuôi dưỡng cảm xúc, nhận diện và gạt bỏ cảm xúc tiêu cực, phát huy và nuôi dưỡng cảm xúc tích cực. Nhờ đó, các bé trở nên dạn dĩ, tự tin sẵn sàng chia sẻ cảm xúc của mình cho các anh chị sinh viên. Đây là sự kết nối tuyệt vời về cảm xúc giữa sinh viên và trẻ em trong một khoảng thời gian ngắn.


Trẻ em với ngày Sáng tạo cùng cảm xúc. – Ảnh: Minh Nhật

Sự trưởng thành của sinh viên được ghi nhận qua việc linh hoạt nội dung và quản lý tình huống trong từng buổi phục vụ cộng đồng. Sinh viên dự án rất thành công trong việc ứng dụng kiến thức chuyên ngành để phù hợp với trẻ tại cộng đồng. Bên cạnh đó, kinh nghiệm xử lý các tình huống khó trong các buổi sinh hoạt cùng trẻ được phản hồi và cải thiện liên tục. Nhờ đó, sinh viên dự án có thêm kỹ năng làm việc với cộng đồng và năng lực chuyên môn phục vụ cho công việc trong tương lai.


Trẻ CEPORER Hóc Môn trải nghiệm nội dung bài học qua trò chơi. – Ảnh: Minh Nhật

Cũng là thành viên tham gia dự án, bạn Hà Phương Mai, khóa K19 ngành Tâm lý học chia sẻ, sau hơn 01 tháng làm việc cùng trẻ CEPORER Hóc Môn, bản thân đã biết kiên nhẫn lắng nghe và cố gắng đặt bản thân vào hoàn cảnh của các bé để dễ chia sẻ, hiểu các bé hơn.


Sinh viên HSU và trẻ CEPORER Hóc Môn. Ảnh: Minh Nhật

“Mỗi một hành trình đều có một sứ mệnh riêng. Dự án Giáo dục cảm xúc là sợi dây kết nối tất cả mọi người, nhờ đó sinh viên có thể hỗ trợ học hỏi lẫn nhau, cùng trải nghiệm, dấn thân cho những điều mới mẻ và thú vị”  Bùi Ái Xuân, sinh viên khoá 19, ngành Tâm lý học chia sẻ.

Minh Nhật, Bảo Trân

Facebook Youtube Tiktok Zalo