Đại học Hoa Sen – HSU

Gender Talk #6: Hình ảnh phụ nữ Việt Nam trong văn học Việt Nam và nước ngoài: Đại diện vượt thời gian và chuyển đổi liên tục

Ngày  31 tháng 10 năm 2019, Trường ĐH Hoa Sen đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về giới và bình đẳng giới – Gender Talk #6 với chủ đề:  Vietnamese Women in Foreign and Local Literature: Timeless Representation, Endless Transformation: Hình ảnh phụ nữ Việt Nam trong văn học Việt Nam và nước ngoài: Đại diện vượt thời gian và chuyển đổi liên tục do TS. Christopher Dennis-Delacour Giảng viên Trường ĐH Hoa Sen trình bày.

Gender Talk #6 tập trung vào chủ đề về giới và vai trò của phụ nữ qua tác phẩm văn học như: Truyện Kiều của Nguyễn Du (1766–1820), Printemps Inachevé của Lý Thu Hồ (1962), Métisse Blanchecủa Kim Lefèvre (1989), Red on Gold của Nam Phuong  (1991), Chốn vắng của Dương Thu Hương (2002), Tình yêu, Tội ác và Trừng phạt của Nguyễn Huy Thiệp (1989-1995), Ngày thường của Dương Phương Vinh (1994), Khi người ta trẻ của Phan Thị Vàng Anh (1993), Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư (2006), Short Girls của Bich Minh Nguyen (2009), Love Like Hate của Linh Dinh (2010).

TS. Christopher Dennis-Delacour

Mở đầu, ông Christopher nhấn mạnh về nguồn gốc nhận thức về giới, các huyền thoại và những sự thay đổi liên tục trong các tác phẩm văn học Việt Nam và nước ngoài. Đơn cử như tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhân vật Thúy Kiều được mô tả là một cô gái tài sắc vẹn toàn, nhưng phải bán mình để cứu cha. Thúy Kiều và Kim Trọng có một tình yêu đẹp và lãng mạn nhưng cũng có quá nhiều bi kịch và khổ đau. Thúy Kiều dù giỏi giang, chăm chỉ, sắc bén cũng không nằm ngoài quan niệm tam tòng, tứ đức. Quan niệm này cho rằng phụ nữ không thể thoát khỏi số phận đàn bà của mình, đặc biệt chữ “trinh”  đã cột chặt người phụ nữ nói chung và Kiều nói riêng trong tâm trạng đớn đau, giày vò. Quan niệm chữ trinh được dạy và được truyền từ đời này sang đời khác, nó thấm đậm từ từ, ăn sâu bám rễ trong nhận thức của mọi người. Chữ trinh trong xã hội phong kiến chỉ dành cho nữ giới và quan niệm bất bình đẳng này đưa đến những quyết định đầy rào cản cho nữ giới nếu có ý định tiến tới tự do và hạnh phúc đích thực.

Chuyển sang chủ đề về phụ nữ trong chiến tranh hay phụ nữ sau chiến tranh trong các tác phẩm như: Red on Gold của Nam Phương (1991), Chốn vắng của Dương Thu Hương (2002), Tình yêu, Tội ác và Trừng phạt của Nguyễn Huy Thiệp (1989-1995). Vào nửa sau thập kỉ 80 của thế kỉ XX, văn học Việt Nam xuất hiện của một hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp. Nhà văn viết về cuộc sống hiện thực trần trụi, không tô vẽ, không che đậy. Từ quan điểm nữ quyền, tác phẩm Tình yêu, Tội ác và Trừng phạt mô tả những thân phận bị xã hội hắt hủi – những kẻ tội đồ, những người nghèo và con cái họ. Chính những định kiến xã hội đã đẩy họ vào một môi trường sống tha hóa, thói thực dụng, bảo thủ, khiến họ trở nên “tăm tối về tinh thần” và không thể thức tỉnh hay tự khai phóng cho tư tưởng của chính mình.

Kế đến là thời kỳ đổi mới, tác phẩm Khi Người Ta Trẻ của Phan Thị Vàng Anh trình bày những dư âm của chiến tranh, băn khoăn, trăn trở, khát vọng về tình yêu và tình cảm của phụ nữ trước sự thay đổi mạnh mẽ của xã hôi. Trong tác phẩm Khi Người Ta Trẻ, chủ đề tình yêu là một cuộc chơi, một cuộc phiêu lưu, một cuộc mạo hiểm đối với nữ giới. Với tình yêu, nhân vật của Vàng Anh cuối cùng bị dằn vặt trong “bi kịch tự nhận thức”.  Điều này cho thấy con người hiện đại có khả năng tự hoàn thiện nhân cách, tự điều chỉnh hành vi đạo đức của mình để có ý chí vươn lên trong cuộc sống bất kể những rào cản về quan niệm bất bình đẳng hay định kiến giới.

Cuối cùng, phần trình bày đề cập đến sự không chắc chắn của tự do, tương lai, hỗn loạn và toàn cầu hóa. Tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư là một ví dụ điển hình về điều này. Mối quan hệ chủ đạo bao trùm toàn bộ truyện gồm: Hai đứa trẻ và thế giới bầy vịt. Nhân vật Nương và Điền tạo dựng một mối quan hệ kỳ lạ với bầy vịt. Tác phẩm Cánh đồng bất tận hàm chứa những quan điểm về vai trò giới trong lao động, vai trò làm mẹ, làm vợ của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Ngoài ra, Cánh đồng bất tận còn là cuộc hành trình khắc khoải nhưng vô vọng đi tìm lại giới tính, tình yêu và sự hoà hợp giới trong một xã hội gia trưởng và đầy định kiến giới. Dù ở thời đại nào thì người phụ nữ luôn bị gắn chặt với thiên chức làm vợ, làm mẹ. Nhận thức này rất khó “chết”, khó bứt phá vì nó quá phổ biến mà đến nỗi người ta không dám làm khác đi, không dám nhìn khác đi, không dám thay đổi và người ta dễ tự đồng hóa mình trong những khuôn mẫu giới của xã hội. Tuy nhiên, sâu thẳm bên trong nội tâm của người phụ nữ là sự vẫy vùng, sự khao khát tự do để cố gắng thể hiện chính mình.

Tóm lại, văn học cho phép chúng ta truyền tải sự phức tạp trong tâm hồn đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam, khuôn mẫu giới và nhiều biến đổi về khuôn mẫu giới (dù họ có được chọn lựa hay không) bằng cách thông qua các nhân vật chính ở những bối cảnh khác nhau. Khám phá các nhân vật nữ thông qua văn học là sự khám phá vô tận. Nó giúp ta có hiểu biết về nhận thức, sự đại diện, vai trò giới tính và làm phong phú kiến thức về giới tính cho các nhà khoa học nhân văn và những cá nhân quan tâm về phụ nữ. Các thể loại văn học tạo ra một sự lựa chọn mang tính chủ quan giữa các nhà văn về quan điểm giới.

CẢM NHẬN CỦA SINH VIÊN & KHÁN GIẢ VỀ GENDER TALK #6:

Bạn Mã Gia Kim – sinh viên HSU: Gender Talk là hoạt động học thuật rất bổ ích, thiết thực và thú vị về hình ảnh phụ nữ. Gender Talk cũng chia sẻ những câu chuyện chưa được nghe và em tới để học hỏi ở mọi người. Buổi trò chuyện bao gồm những kiến thức học thuật và kết hợp những câu chuyện thực tế. Hầu như buổi trò chuyện đều bằng tiếng Anh và nhờ đến buổi Gender Talk này mà em cũng được trao dồi thêm vốn từ vựng của bản thân mình. Một lần nữa em xin cảm ơn tất cả mọi người trong buổi Gender Talk này.

Bạn Vũ Thị Hoàng Dung – sinh viên HSU: Em cảm thấy thú vị hơn khi được hiểu biết các tác phẩm văn học về hình ảnh người phụ nữ qua từng thời kỳ. Từ Truyện Kiều của Nguyễn Du đến thời kì chiến tranh trong tác phẩm Red on gold rồi sang thời kì Đổi mới năm 1986 đến nay. Từng thời kì người phụ nữ trong xã hội lại có một cái nhìn nhận khác nhau. Ví dụ như ở Truyện Kiều Nguyễn Du khắc họa một cô gái tài sắc vẹn toàn nhưng bạc phận cuộc đời trôi nổi tận 15 năm. Phụ nữ vào thời kì này luôn gắn liền với cụm từ “hồng nhan bạc phận” phải hi sinh về đời sống để cứu gia đình, hay vào thời chiến tranh thì người phụ nữ gắn với hình ảnh không có sự lựa chọn cho chính mình. Giọng nói của thầy Christopher vừa dễ nghe và lôi cuốn. Cách thầy trả lời những câu hỏi hóc búa như: “Tại sao thầy lại không dùng những hình ảnh đã quen thuộc với người Việt Nam như Chị Dậu, tác giả Hồ Xuân Hương, bài thơ Bánh trôi nước hay Sương Nguyệt Ánh mà lại dùng những tác phẩm có vẻ hơi lạ so với người Việt?” hay “Chúng ta có nên thay đổi truyện cổ tích vì hình ảnh người hùng đa phần là nam hay không?” và những vấn đề về trước hôn nhân nữa theo ý kiến cá nhân của thầy. Qua đó em mới thấy không chỉ thầy mà các bạn sinh viên khác cũng có những cái nhìn khá đa dạng về vấn đề Giới trong cuộc sống. Em học được cách trân trọng phụ nữ hơn và thương cho số phận những người phụ nữ đã từng bị xã hội đối xử bất công chỉ vì những suy nghĩ cổ hủ về phân biệt giới tính. Đồng thời, cảm thấy thật may mắn được sinh ra trong xã hội này, xã hội mà người phụ nữ được bình đẳng với nam giới. Cảm ơn Ban tổ chức rất nhiều!

Bạn Nguyễn Hà Phương chia sẻ, “Diễn giả giới thiệu “Gender-Giới” là một lĩnh vực lớn được bàn luận trong văn học. Bình đẳng giới cũng là một vấn đề rất quan trọng khi xuất hiện trong phim ảnh, văn học, hay trong cuộc sống hằng ngày. Hình ảnh phụ nữ Việt Nam được xuất hiện trong văn học và không ngừng thay đổi, xây dựng nguồn gốc nhận thức về giới tính, huyền thoại và chuyển giao: “Truyện Kiều”( Nguyễn Du ), một kiệt tác văn học Việt Nam viết về nhân vật Kiều. Nàng là người con gái xinh đẹp, tài năng, cô ấy có có tất cả mọi thứ cho mình nhưng lại có một cuộc đời đau khổ. Nàng phải hy sinh thân mình để cứu gia đình và bị đẩy vào lầu xanh. Người yêu của Kiều là Kim Trọng và anh ấy cũng yêu cô. Nhưng cô ấy đã từ chối ước hẹn với Kim Trọng để hy sinh cho cha mình. Đó cũng chính là sự yếu đuối, hy sinh và số mệnh của thân phận người phụ nữ. Xinh đẹp và tài năng cũng chính là lúc những trắc trở kéo đến. Đó là ở những thế kỷ 18, 19, và nó còn diễn ra ở hiện tại không ? Có lẽ nó vẫn còn xuất hiện trong văn hóa Việt Nam tới bây giờ. Diễn giả nói tới văn hóa của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Khổng Tử với câu thuyết giáo tam tòng, tứ đức.

Kế đến, tác phẩm Printemps inachevé ( Lý Thu Hồ ), tác phẩm cho thấy những ảnh hưởng của hơn ba thập kỷ chiến tranh đối với gia đình Việt Nam. Khi sự hy sinh, niềm khao khát tự do của người phụ nữ lại trở thành sự trừng phạt về đức hạnh bởi định kiến truyền thống.

Tác phẩm: “Métisse Blance” kể về một người con lai, là kết quả của tình yêu bất hợp pháp của một phụ nữ Bắc Kỳ và một người lính Pháp đã bỏ rơi cô. Câu chuyện đã đề cập đến diện mạo, phân biệt chủng tộc, vấn đề bản sắc và di cư.

Đối với phụ nữ trong chiến trang, phụ nữ sau chiến tranh, phụ nữ Việt Nam bị chia rẽ với chồng con vì họ phải tham gia chiến đấu. Những người phụ nữ đã phải lao động một mình, họ phải chăm con cái, làm việc trong những trạm cứu thương, bệnh viện, và đôi khi là sự giải thoát khi xa chồng con. Sau đó, họ rời xa đất nước nhưng vẫn luôn nhớ tới quê hương. Đó là sự chuyển đổi của người phụ nữ Việt Nam, đó là những hình mẫu mới, là nhân chứng chiến tranh, người tường thuật cộng đồng, ký ức.

Tác phẩm: “Terre Des Oublis” kể về Miên, một phụ nữ trẻ người Việt. Người đàn ông mà cô đã kết hôn cách đây mười bốn năm và người được cho là đã chết như một anh hùng đã trở về. Trong khi đó, Miên đã tái hôn với một chủ đất giàu có, người mà cô yêu và người mà cô có một đứa con. Nhưng Bôn, cựu chiến binh cộng sản, đòi vợ. Chịu áp lực từ cộng đồng, Miên trở về sống với người chồng đầu tiên. Các nhân vật nạn nhân của một xã hội chìm đắm trong các nguyên tắc đạo đức và chính trị.

Một mốc thời gian đáng chú ý là 1986, thời gian mà những người phụ nữ không còn phải chịu cảnh chiến tranh, mốc thời gian Việt Nam mở cửa giao lưu. Điều đó cũng cho thấy sự ủng hộ của Việt Nam trong bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Họ cần sự yên bình, một cuộc sống đích thực, và bình đẳng về giới.

Bạn Lý Kim Nhung – sinh viên HSU bộc bạch: “Qua việc tham gia buổi trò chuyện này, em không chỉ mở mang kiến thức của mình trong lĩnh vực lịch sử, văn học, mà em còn được hiểu thêm rằng người phụ nữ Việt Nam đã phải trải qua trong xã hội xưa và những giá trị đã từng bị chôn vùi trong xã hội phong kiến. Từ thời xưa, người phụ nữ đã phải chịu rất nhiều bất công, tiêu biểu phải kể đến nhân vật Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kiều đã phải bán thân mình để trả nợ cho cha và những ê chề trong cuộc sống. Hay như nhân vật Nương trong phim Cánh đồng bất tận đã bị hãm hiếp tập thể nhưng vẫn kiên cường sinh ra đứa con không rõ cha ấy. Chỉ từ các tác phẩm văn học và điện ảnh mà chúng ta cũng đã thấm thía được phần nào nỗi đau mà những người phụ nữ Việt Nam quật cường đã phải chịu đựng.

Hiện nay, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang ngày càng thay đổi thế nhưng, trong xã hội vẫn tồn tại rất nhiều những trường hợp: những người vợ bị chồng bạo hành hay những bất đồng giữa mẹ chồng và con dâu đã đẩy người phụ nữ vào tình thế khó khăn: dọn ra khỏi nhà chồng trong tình trạng không tiền, không nghề nghiệp và đôi khi là không nơi nương tựa. Nếu như thế giới này là bình đẳng, vậy thì tại sao những bất công này vẫn diễn ra với người phụ nữ Việt Nam? Ngay cả khi có những người đã phải bỏ công việc của mình để ở nhà làm nội trợ và lo chu toàn cho gia đình của mình. Mặc dù người phụ nữ hi sinh là thế nhưng đôi khi thứ họ nhận lại là sự khinh thường đến từ chính người chồng của mình. Có phải vì chúng ta đã quên phải yêu bản thân mình đầu tiên và vô tình trao cho người khác quyền được làm đau bản thân mình ?

Sau khi được nghe thầy Christopher thảo luận cùng các bạn sinh viên, em có được cho mình câu trả lời rằng chính chúng ta là người chủ của cuộc đời mình và chúng ta toàn quyền quyết định nó cũng như cách người khác đối xử với mình. Nhà văn Tene Edwards đã từng đưa ra nhận định:” Hãy biết giá trị bản thân của bạn: Bạn phải tìm được sự dũng cảm để rời khỏi bàn ăn khi sự tôn trọng không còn được phục vụ “. Có thể khởi đầu mới sẽ khó khăn nhưng chỉ có sự yêu bản thân mình và sự chăm chỉ mới đưa chúng ta tới những chân trời mới.

Chúng ta cần loại bỏ suy nghĩ rằng nếu ta hi sinh mọi thứ ta có thì ta sẽ nhận lại được tình yêu và sự tôn trọng. Bản thân mỗi người cần giữ giá trị của mình và sức mạnh để tự chèo lái con thuyền cuộc đời mình. Không như ngày xưa, hiện nay ai cũng có cơ hội học tập, phấn đấu như nhau để tự làm chủ cuộc đời mình và không phải dựa dẫm, phụ thuộc vào bất kỳ ai. Khi chúng ta có đủ sức mạnh của trí tuệ, ta sẽ đủ dũng cảm và tự tin để quyết định số phận của mình.

Ngoài ra, một đề tài em cũng rất tâm đắc về buổi talkshow này chính là vấn đề quan hệ trước hôn nhân của các bạn trẻ. Ngày nay có khá nhiều bạn trẻ có suy nghĩ sai lầm khi đánh đồng tình dục chính là tình yêu. Mặc dù tình dục và tình yêu là hai thứ không thể thiếu nhau nhưng tình dục suy cho cùng chỉ là gia vị của tình yêu, và chúng ta chỉ thêm gia vị khi tình yêu đã đong đầy. Quan hệ trước hoặc sau hôn nhân, chúng không quan trọng nhưng điều quan trọng chính là chúng ta phải chắc chắn về quyết định của mình và biết cách bảo vệ bản thân khỏi những mối quan hệ không lành mạnh. Đó không chỉ về cơ thể, về quyết định của riêng mỗi người mà còn là cả một tương lai phía sau.

Em rất vinh dự khi được tham gia buổi talkshow đầy ý nghĩa và đã mở rộng mọi khía cạnh về giá trị của người phụ nữ Việt Nam. Em rất mong chờ những buổi talkshow thảo luận này sắp tới của Cô và Thầy để em có thể luyện kỹ năng Anh văn và mở rộng hiểu biết của mình.

Bạn Đào Nguyễn Thanh Vy – sinh viên HSU chia sẻ, “Buổi hội thảo chuyên đề về Giới & Bình đẳng giới Gender Talk rất có ý nghĩa vì nó giúp em hiểu kiến thức về giới và hiểu những bất công đối với phụ nữ từ trong xã hội xưa và đến nay vẫn còn ít nhiều tồn tại.”

Bạn Vũ Minh Quân nói về cảm nhận sau khi tham dự buổi Gender Talk như sau: “Buổi hội thảo rất có ý nghĩa, nó giúp em hiểu rõ hơn về bình đẳng giới đặc biệt qua các tác phẩm văn học nổi tiếng mà em đã từng học qua. Ngoài ra, nhờ buổi hội thảo này em có thêm kiến thức về gender, thay đổi cách nhìn nhận người phụ nữ.”

Bạn Võ Phúc Huỳnh Thủy Trúc nói rằng bạn đã may mắn có cơ hội tham dự GENDER TALK #6: Vietnamese Women in Foreign and Local Literature: Timeless Representation, Endless Transformation. Thông qua buổi hội thảo, em đã cảm nhận sâu sắc hơn về hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trong văn học Việt Nam và nước ngoài. Em rất ấn tượng với câu hỏi của một bạn là tại sao không nói về hình ảnh phụ nữ Việt qua những nhân vật đã học trong chương trình phổ thông như chị Dậu, Hồ Xuân Hương hay Sương Nguyệt Anh mà lại sử dụng những tác phẩm có thể nói là khá mới mẻ đối với một số sinh viên, trong đó có em. Cô đã trả lời một ý mà em cảm thấy rất tâm đắc, đó chính là “think outside the box”. Chúng em đã quen với việc suy nghĩ theo lối mòn, và việc được lắng nghe thêm những phân tích mới mẻ, cùng những hình ảnh khác hơn với những gì mà mình đã được biết đã giúp em hiểu thêm rất nhiều. Cảm ơn BTC và Diễn giả!

Bạn Nguyễn Thị Thuý Hiền nhận xét rằng, qua việc tham dự buổi Gender Talk #6, em cảm thấy buổi nói chuyện đã giúp em nhận ra giá trị của người phụ nữ, có cái nhìn tổng quan hơn và nhận diện những định kiến của xã hội về người phụ nữ từ xưa đến nay. Cảm ơn BTC và Diễn giả! 

Bạn Nguyễn Bảo Huy bộc bạch như sau: Đầu tiên em muốn cảm ơn cô Ngọc và thầy Christopher đã tạo ra một buổi thuyết giảng đầy tính nhân văn và ý nghĩa này. Gender Talk #6 cho em biết được vai trò và vị trí của người phụ nữ lúc trước và bây giờ như thế nào thông qua những bài thơ, những câu truyện hay những cuốn sách lẫn trong và ngoài nước. Qua Gender Talk em biết thêm những kho tàng kiến thức của văn học nước ngoài và của Việt Nam. Sau đó là phần những câu hỏi của các bạn đặt ra. Thầy cô rất nhiệt tình và thương học trò, giải đáp rất rõ ràng và cặn kẽ cho từng câu hỏi. Và điều em trân trọng và quý mến nhất là một khoảnh khắc cảm động của thầy về một chị học trò cũ vừa qua đời. Một lần nữa xin cảm ơn thầy và cô.

Bạn Trần Thị Mỹ Trinh nói rằng sau khi tham dự buổi Gender Talk cùng cô và thầy Dr. Christopher Denis-Delacour, em cảm thấy rất thú vị và bổ ích. Cảm ơn cô đã tổ chức một talkshow hấp dẫn như vậy để em và các bạn có nhiều kiến thức về môn Giới và Phát triển. Cảm ơn Ban Tổ Chức và Thầy.

Bạn Đinh Thị Diễm Phương chia sẻ, “Qua các tác phẩm văn học, ta thấy được rằng người phụ nữ trong xã hội phong kiến dù nhan sắc tài năng vẹn toàn, nhưng không mấy ai có được một kết thúc có hậu cho cuộc đời mình. Đối với những người phụ nữ bình dân, họ cũng không hạnh phúc. Bao người con gái đã chịu cảnh sống mà như chết trên cõi đời. Trẻ trung, có chồng nhưng sống như những goá phụ, thực chất họ chỉ là những đầy tớ không công, không hơn không kém. Các nhân vật nữ trong các tác phẩm gần như không được quyền định đoạt bất kì một vấn đề gì. ​Thông qua hình tượng chiếc bánh trôi, Hồ Xuân Hương đã nói đến cuộc sống cũng như đức hạnh của người phụ nữ: Như chiếc bánh trôi nước, vừa trắng lại vừa tròn, ý nói đến vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam vô cùng cuốn hút nhưng thân phận người phụ nữ tuỳ thuộc vào bàn tay của người khác, họ đành cam chịu số phận đã sắp đặt sẵn và sau cùng họ chỉ có thể cố giữ lấy cho mình một phẩm chất tốt đẹp đó là tấm lòng kiên định trong sáng. Hồ Xuân Hương đã nói lên tiếng nói đòi quyền được hưởng hạnh phúc, được sống trong mái ấm gia đình của người phụ nữ. Mặt khác bà cũng lột trần bộ mặt của những kẻ được gọi là văn nhân, tài tử trong xã hội phong kiến, chúng mang bộ mặt đạo đức giả luôn tỏ ra cao đạo nhưng thực chất là những kẻ dâm ô nhất. Lên tiếng đòi quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của người phụ nữ, đồng thời các nhà văn, nhà thơ cũng lên tiếng đả phá chế độ đa thê đã từng chộn vùi cuộc sống của nhiều cô gái trẻ. Đó là dấu hiệu của sự rạn nứt ý thức hệ phong kiến nặng nề đã tồn tại từ bao đời nay.

Ngoài ra, trong các tác phẩm văn học, một số nhà văn đã cho rằng, phụ nữ đẹp sẽ không có kết cục đẹp – “Hồng nhan bạc phận”, biểu hiện rõ nhất chính là Nàng Kiều – Nguyễn Du. Vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành ấy, rồi lại rơi vào chốn lầu xanh, rồi lại bị bọn đàn ông ghê tởm ấy chà đạp lên thân thể mình, sống những ngày tận cùng của đau khổ. Nhưng một đặc điểm chung của người phụ nữ Việt Nam thời bấy giờ chính là khao khát yêu thương, cái khao khát thổn thức trong lòng họ chưa bao giờ nguôi nhưng mấy ai dám đứng lên đấu tranh cho điều đó? Tuy nhiên, việc viết về người phụ nữ là một sự tiến bộ vượt bậc của các tá giả văn học cổ Việt Nam, họ nhận ra thân phận đáng thương của người phụ nữ, họ cũng có khát khao được hạnh phúc, yêu thương và bảo vệ, nhưng xã hội ngày ấy có quá nhiều lý do để chôn vùi cuộc sống bình yên của họ, đổi lại, xã hội quy chụp cho họ những “nhiệm vụ không mong muốn”: trở thành thê thiếp, là trò mua vui của bọn đàn ông.

Những hủ tục phong kiến như nam quyền, chế độ đa thê cũng tạo nên đau khổ cho người phụ nữ. Đứng trước nối đau đớn ấy, nhiều nhà văn không thể né tránh trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Văn học thời kỳ này đa góp cho nền văn học VIệt Nam một trào lưu văn học nhân đạo cao cả với nhiều tác phẩm có giá trị. Đó cũng là khởi đầu cho mọi trào lưu nhân đạo sau này. Nhưng tác phẩm văn học đó cho ta thấy lại cả một quãng đời đau thương, tủi nhục của cả một tầng lớp người xưa trong xã hội và nỗi cảm thương sâu sắc với họ, của những nhà văn nhân đạo. Đó là những tác phẩm nghệ thuật chân chính cần được gìn giữ và lưu truyền.

Doãn Thị Ngọc – Giảng viên Khoa KHXH

Facebook Youtube Tiktok Zalo