Đại học Hoa Sen – HSU

Đón đầu làn sóng đô thị hóa cùng ngành Bất động sản

Nếu bạn từng mê mẩn bộ phim Sói già phố Walls và nghĩ rằng nhân viên bất động sản chỉ toàn “tay ngang” với công việc là môi giới qua điện thoại, bài viết này là dành cho bạn!

Bất động sản chính là những gì gắn liền với một mảnh đất, bao gồm nhà cửa, đất đai, dầu khí, các công trình kiến trúc. Bất động sản có rất nhiều loại, như bất động sản công nghiệp (nhà máy, xưởng sản xuất), bất động sản thương mại (trung tâm mua sắm – bán lẻ), bất động sản y tế (bệnh viện, các khu hưu dưỡng), bất động sản dân cư (nhà cửa, chung cư)… 

TS Nguyen Thi Kim Khoa Tai chinh ngan hang HSU
TS.Nguyễn Thị Kim – Trưởng khoa Tài chính ngân hàng tại ĐH Hoa Sen

Nói về tiềm năng của thị trường bất động sản tại Việt Nam, cô Nguyễn Thị Kim – Tiến sĩ, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng tại Đại học Hoa Sen (TP.HCM) – chia sẻ: “Đối với người châu Á có văn hoá an cư lạc nghiệp, bất động sản còn là một khoản đầu tư cho gia đình. Chính vì vậy, đây là lĩnh vực nhận được rất nhiều sự quan tâm từ người dân. Mặt khác, Việt Nam đang trở thành một điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài, kéo theo bất động sản công nghiệp và hiệu ứng domino trong bất động sản”.

Giải toả lăn tăn nghề Bất động sản

Lăn tăn 1: Làm Bất động sản chắc chỉ có đi môi giới bán đất?

Nhắc đến nhân viên bất động sản, nhiều bạn nghĩ ngay đến các anh chị môi giới với những lời mời chào qua điện thoại. Thế nhưng trên thực tế, cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực bất động sản rất đa dạng, từ nhân viên kinh doanh, chuyên viên định giá, chuyên viên tư vấn cho đến quản trị và vận hành toà nhà, quản lý danh mục đầu tư. 

Bên cạnh đó, teen đừng đánh giá thấp công việc môi giới nhé! Cô Nguyễn Thị Kim chia sẻ: “Bản thân cô khi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở nước ngoài, dù chương trình học không bắt buộc nhưng cô vẫn xung phong đảm nhận vai trò môi giới. Cô xem đó là một cơ hội để mình cọ xát với thực tế, tập định giá công trình, xem xét cấu trúc của nhà, cũng như mài giũa kỹ năng giao tiếp”.

Lăn tăn 2: Phải đẹp mới làm được Bất động sản!

Vì tính chất giao thiệp nhiều, các vị trí trong ngành bất động sản thường yêu cầu yếu tố ngoại hình. Chị Vũ Nhi – Giám đốc nhân sự kiêm Trưởng ban kiểm soát của một Công ty Bất động sản có chi nhánh ba văn phòng ở Sài Gòn, Đà Nẵng và Cần Thơ – chia sẻ: “Ngoại hình ở đây không phải là phải xinh đẹp mà là sáng sủa tươm tất, và gọn gàng. Cụ thể, khi đi làm bạn nên trang điểm nhẹ nhàng, áo quần phải được ủi thẳng, đầu tóc nên vuốt keo hoặc buộc gọn, giày dép phải sạch sẽ”.

Theo chị Vũ Nhi, ngoại hình tươm tất chính là bảo chứng cho sự đáng tin cậy. “Bạn nghĩ xem, khi bạn có nhu cầu đi mua một sản phẩm Bất động sản với giá hàng trăm triệu, hàng tỷ, nếu bạn gặp một nhân viên mặt mũi tối sầm, tóc tai bù xù, áo quần nhăn nhúm, liệu bạn có đủ can đảm ngồi nghe bạn ấy tư vấn và tin tưởng bạn ấy không?”.

Lăn tăn 3: Công việc không ổn định

Nếu không ổn định là di chuyển nhiều, thì bạn đúng rồi đấy! Làm việc trong lĩnh vực bất động sản, bạn sẽ có cơ hội tham quan một toà chung cư mới xây, một khu đất sắp quy hoạch, hay thậm chí sang nước ngoài để thăm công ty đối tác. Chính vì vậy, đây là một công việc rất phù hợp với những bạn năng động, yêu thích sự linh hoạt. Tuy nhiên, lịch trình dày đặc sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ nếu bạn không chăm sóc bản thân đúng cách.

Còn nếu nói về thu nhập, thì không hẳn đâu nhé! Bất cứ vị trí nào cũng sẽ có một mức lương cố định hàng tháng. Khi làm môi giới, bạn sẽ được nhận thêm tiền hoa hồng sau mỗi thương vụ thành công mà theo quan điểm của cô Nguyễn Thị Kim, là “thành tích cho việc bạn tư vấn tốt”.

Lăn tăn 4: Làm bất động sản thì đầu óc phải rất thực tế

Không phủ nhận sự thực tế là một yếu tố quan trọng của một nhân viên bất động sản nói riêng và tài chính nói chung. Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Kim, nghề bất động sản còn đòi hỏi ở bạn trí tưởng tượng. “Ví dụ, với một khu đất, bạn nên đập đi xây lại, hay nên sửa sang một chút để cho thuê, hay nên xây một khu phố. Trí tưởng tượng sẽ giúp các bạn hình dung ra giá trị của một sản phẩm bất động sản, từ đó đưa ra giải pháp tư vấn phù hợp nhất”.

Có nên “trao tim” cho ngành Bất động sản tại Đại học?

Học về bất động sản, bạn sẽ được đào tạo bài bản về cách đánh giá thị trường, định giá các loại tài sản bất động sản. Ngoài ra, các nội dung về pháp luật, quy hoạch, nghiên cứu và phát triển đô thị cũng sẽ được đưa vào chương trình học, bên cạnh các kiến thức cơ bản về tài chính. Đối với những teen quan tâm đến môi trường, môn Phát triển bền vững sẽ là một trải nghiệm học thú vị với những cuộc thảo luận về yếu tố “xanh” trong bất động sản. Những teen yêu thích văn hoá sẽ tìm thấy “chân lý” trong các tiết học về phong thuỷ. 

Hiện nay, Bất động sản vẫn còn là một ngành khá mới mẻ ở Việt Nam. Một số trường đại học đang tuyển sinh ngành Bất động sản gồm Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Tài chính Marketing, Đại học Hoa Sen…

Cũng chính vì mới nên hiện nay, nhân lực trong lĩnh vực bất động sản đa số là “tay ngang” hoặc được đào tạo ở nước ngoài. Đối với thực tế này, chị Vũ Nhi chia sẻ quan điểm: “Chị thấy có rất nhiều người làm trong công ty hoặc lĩnh vực bất động sản nhưng không phải ai cũng học được cái nghề này. Khi được học nghề một cách bài bản, các bạn sẽ thấy công việc của mình không phụ thuộc vào yếu tố thị trường lên hay xuống, công ty nhỏ hay to, hay việc bạn làm công hay làm chủ…. Bạn sẽ luôn tồn tại được với nó”.

Việc được đào tạo trong một môi trường học thuật cũng giúp teen mở rộng mạng lưới quan hệ với thầy cô cũng như tìm được bạn đồng môn có cùng chí hướng. Biết đâu, đứa bạn cùng bàn sau này lại trở thành đối tác của bạn trong các dự án nghìn tỷ đấy!

(Nguồn: Báo Hoa Học Trò)

Facebook Youtube Tiktok Zalo