Đại học Hoa Sen – HSU

Đôi ngũ nghiên cứu HSU tham gia Hội thảo quốc tế chuyên ngành kinh doanh và tài chính 2020

Trường Đại học Hoa Sen (HSU) trong thời gian qua chú trọng phát triển hoạt động nghiên cứu cho đội ngũ giảng viên và hướng đến chất lượng nghiên cứu tầm vóc trong khu vực. Hoạt động hỗ trợ nghiên cứu được đẩy mạnh đồng thời ở các cấp Khoa, dự án cấp trường và thành lập Viện nghiên cứu Phát triển & Kinh tế ứng dụng. Mới đây, giảng viên nghiên cứu từ Khoa Kinh tế & Quản trị và Viện nghiên cứu Phát triển & Kinh tế ứng dụng  (IDAE) đã tham gia hội thảo quốc tế chuyên ngành kinh doanh và tài chính được tổ chức tại Đại học Kinh tế Tp HCM ngày 27-28/08/2020 (International Conference of Business and Finance – IBCF2020).

International Conference of Business and Finance – IBCF2020

Tại hội thảo này, đội ngũ nghiên cứu của HSU tham gia báo cáo các vấn đề nghiên cứu, các ý tưởng, phương pháp có tính học thuật và tính ứng dụng cho lĩnh vực kinh tế và kinh doanh, đồng thời gặp gỡ trao luận với nhiều học giả từ trong và ngoài nước. Các công trình nghiên cứu thu hút được khá nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, bao gồm bốn đề tài sau:

“Absorbing productivity spillover and export ability: Evidence from Vietnamese manufacturing” – Công trình nghiên cứu vai trò năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp chế tạo Việt Nam trong việc hấp thụ khả năng lan toả năng suất từ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài của TS. Phạm Thị Bích Ngọc – Viện Nghiên Cứu Phát Triển và Kinh tế ứng dụng HSU, cùng cộng sự Huỳnh Quốc Vũ và Phạm Đình Long.

Công trình nghiên cứu hiệu ứng lan tỏa của vốn đầu tư nước ngoài (FDI) qua các mối liên kết theo chiều ngang, phía sau và phía trước, đồng thời chỉ ra vai trò năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp chế tạo Việt Nam trong việc hấp thụ khả năng lan toả năng suất từ năm 2009 đến 2015. Kết quả thu được cho thấy rằng mặc dù các doanh nghiệp trong nước ít có khả năng tận dụng tác động lan tỏa năng suất trong giai đoạn này, việc tham gia xuất khẩu vẫn giúp giảm thiểu tác động cạnh tranh và khai thác mối quan hệ cung ứng với các đối tác FDI. Thêm vào đó, những doanh nghiệp xuất khẩu trong nước này còn phải đối mặt với việc bảo vệ năng suất của các công ty FDI cùng ngành. Dù khả năng xuất khẩu càng cao và các doanh nghiệp trong nước học hỏi được nhiều hơn từ các đối thủ quốc tế, họ lại ít tiếp thu được kinh nghiệm từ khách hàng nước ngoài.

“Entrepreneurial intentions: the role of financial knowledge” – Công trình nghiên cứu sự ảnh hưởng của kiến thức tài chính lên dự định đầu tư, và có xem xét đến các tác động hiệu chỉnh trung gian của TS. Phùng Thái Minh Trang, TS. Trần Nam Quốc – Khoa Kinh tế & Quản Trị HSU cùng cộng sự Nguyễn Hữu Thọ.

Công trình nghiên cứu xem xét tác động của kiến thức tài chính lên ý định khởi nghiệp, bao gồm cả tác động hiệu chỉnh trung gian. Thông qua dữ liệu từ các cuộc khảo sát tại Việt Nam, chúng tôi thấy rằng kiến thức tài chính có tác động tích cực lên ý định khởi nghiệp và đóng vai trò làm trung gian cho các tác động của giới tính, trình độ học vấn và chuyên ngành lên ý định khởi nghiệp. Nam giới sở hữu vốn kiến thức tài chính cao hơn và nuôi ý định khởi nghiệp nhiều hơn nữ giới. Sinh viên với trình độ học vấn và theo học các ngành kế toán, tài chính được học nhiều kiến thức về tài chính hơn. Sự nghiệp kinh doanh của gia đình và việc tham gia các khóa khởi nghiệp cũng có tác động đáng kể đến ý định khởi nghiệp. Ngoài ra, sinh viên tại các trường đại học tư thục có nhiều khả năng sẽ bắt đầu khởi nghiệp hơn các sinh viên tại các trường công lập. Kết quả thu được mở ra một cái nhìn thông suốt hơn về sức ảnh hưởng của kiến thức tài chính và nét tính cách tất yếu để nuôi ý định khởi nghiệp. Dựa trên kết quả của chúng tôi, các nhà hoạch định giáo dục có thể xem xét kiến thức tài chính như một yếu tố quyết định các nhà khởi nghiệp tiềm năng và đưa ra các chính sách phù hợp nhằm khích lệ và nuôi dưỡng khởi nghiệp.

“The effects of floods on agricultural production in Southeast Asia: a Mixed blessing” – Công trình nghiên cứu sự ảnh hưởng của lũ lụt đối với sản xuất nông nghiệp ở Đông Nam Á của TS. Lê Thị Ngọc Tú –  Viện nghiên cứu Phát triển và Kinh tế ứng dụng HSU cùng cộng sự Sebastian Vollmer và Felix Stips.

Các nghiên cứu về tác động của lũ lụt lên nông nghiệp chỉ vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về các tác động tiêu cực của thời tiết và khí hậu khiến cho sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Bài nghiên cứu này sẽ làm rõ “cái may trong cái rủi” đến từ các tác động của lũ lụt lên sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi sử dụng nguồn dữ liệu bảng phong phú thông qua việc khảo sát các hộ gia đình và dữ liệu dự báo lũ lụt trích xuất từ các hình ảnh vệ tinh nhằm xem xét các tác động của lũ lụt lên sản xuất nông nghiệp ở khu vực Đông Nam Á. Kết quả thu được cho thấy lũ lụt mang đến cả tác động tiêu cực lẫn tích cực lên nông nghiệp. Trong khi lũ lụt khiến chi tiêu tăng và thu nhập giảm, chúng cũng góp phần giúp tăng trưởng sản lượng gạo. Khi đánh giá tác động dựa trên giá trị tiền tệ, quan sát của nhóm nghiên cứu đã cho thấy thiệt hại do lũ lụt gây ra cho nông nghiệp chẳng hạn như chi tiêu và thu nhập hộ gia đình. Tuy nhiên, khi đánh giá tác động dựa trên sản lượng gạo, mọi dấu hiệu về thiệt hại đều tiêu biến.

“A Qualitative Study on E-Purchasing Cosmetics Product Intention towards Luxury Brands in Vietnam” – Công trình nghiên cứu tác động của các phương tiện mua sắm trực tuyến lên ý định mua những sản phẩm mỹ phẩm cao cấp tại Việt Nam của NCS. Nguyễn Thị Như Thuận – Khoa Kinh tế và Quản trị HSU.

Suốt các thập kỷ qua, phân khúc mỹ phẩm “cao cấp” trong thị trường Việt Nam đang phát triển một cách đáng kinh ngạc. Điều này phản ánh được nhu cầu chưa từng thấy của khách hàng nội địa đối với các thương hiệu cao cấp có tiếng đến từ Hoa Kỳ và các quốc gia Châu Âu như Đức, Anh và Pháp cũng như các quốc gia Châu Á phát triển khác bao gồm Nhật và Hàn Quốc. Công trình này tập trung nghiên cứu về khía cạnh giá trị cao cấp (về mặt cá nhân và xã hội) của các thương hiệu mỹ phẩm cao cấp và tác động của chúng đến thái độ và hành vi sử dụng của khách hàng, đặc biệt chú trọng vào các khách hàng nữ. Kết quả định tính chỉ ra rằng các yếu tố xã hội gồm xu hướng thời trang, lối sống, thương hiệu nổi tiếng và lời khuyên từ các blogger làm đẹp từ Facebook/Youtube đóng vai trò tất yếu làm tăng ý định mua các sản phẩm cao cấp này ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Tuy nhiên, khách hàng sẽ quan tâm hơn đến chất lượng thật sự của sản phẩm và khuyến mãi giá cả khi mua hàng trực tuyến từ cùng một thương hiệu trong những lần mua tiếp theo. Hơn nữa, thiện chí mua hàng và sự ưu ái các thương hiệu mỹ phẩm cao cấp còn được quyết định bởi nét đặc trưng và tính cách tâm lý của từng khách hàng. Kết quả từ bài nghiên cứu mang đến một cái nhìn thông suốt hơn về người bán hàng và quản lý thị trường nhằm hiểu rõ hơn về xu hướng, thái độ và hành vi của người tiêu dùng trong thị trường mỹ phẩm xa xỉ và phát triển các chiến lược tiếp thị nhằm quảng bá sản phẩm thành công.

Khoa KT&QT – Viện IDAE

Facebook Youtube Tiktok Zalo