Đại học Hoa Sen – HSU

Đổi mới Đào tạo Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn

Ngày 12/04, Diễn đàn nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam năm 2019 do Trường Đại học Hoa Sen phối hợp với Sở Du lịch Tp.HCM tổ chức diễn ra tại Hội trường Dinh thống nhất, 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, Tp.HCM với chủ đề “Đổi mới Đào tạo Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn”. 

Các đề tài tham luận và thảo luận tại Diễn đàn 2019 xoay quanh các nội dung:

Phiên toàn thể buổi sáng:

  • Chủ đề 1: Thực trạng và quan điểm đổi mới đào tạo nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam
  • Chủ đề 2: Hoạch định chính sách trong phát triển nguồn nhân lực Du lịch 

Đến tham dự Diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam ngày hôm nay, có sự hiện diện:

  1. Ông Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Chỉnh Phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
  2. Ông Nguyễn Thiện Nhân – Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Ông Phùng Xuân Nhạ – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
  4. Ông Nguyễn Thành Phong – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ trì diễn đàn.
  5. Ông Lê Quang Tùng –  Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
  6. Ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
  7. Ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp
  8. Ông Võ Ngọc Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai
  9. Ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum
  10. Ông Trần Văn Chuyện – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng
  11. Ông Phạm Văn Tân – Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh

Và Lãnh đạo UBND của các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Gia lai, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương, Tây Ninh,  Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng.

Đến tham dự Diễn đàn hôm nay còn có đại diện Sở VHTTDL, Sở Du lịch của các tỉnh thành, các chuyên gia về du lịch trong và ngoài nước, các cơ sở đào tạo du lịch, các doanh nghiệp du lịch và cơ quan báo chí, truyền thông và các đơn vị tài trợ: Công ty Cổ phần Vinpearl – Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn Novaland, Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO)..

Mở đầu diễn đàn, ông Nguyễn Thành Phong – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc.

Ong Nguyen Thanh PhongÔng Nguyễn Thành Phong – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc.

Năm 2018, thành phố thu hút 7,5 triệu lượt khách quốc tế, chiếm 50% cả nước. Du khách nội địa tăng 16% một năm, năm 2018 thu hút 29 triệu lượt khách quốc tế, chiếm 36% cả nước.

Từ năm 2001 đến nay, du lịch được TP HCM xác định là 1 trong 9 ngành đóng góp vào sự phát triển thành phố,.

TP HCM cũng phấn đấu đến 2030 thuộc nhóm địa phương có ngành du lịch phát triển hàng đầu Đông Nam Á. Thành phố đã triển khai đồng bộ giải pháp, trong đó phát triển nguồn nhân lực là trọng tâm. Hiện thành phố có 140.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, 15% trình độ Đại học, 50% trình độ trung cấp cao đẳng, 5.400 hướng dẫn viên, 63 cơ sở đào tạo ngành du lịch cung cấp 3.000 lao động hàng năm cho cả nước. Phấn đấu đến 2020 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy kinh tế xã hội và các ngành khác, đồng bộ, sản phẩm đa dạng có thể cạnh tranh với các nước khác trong khu vực.

Mặc dù đạt được kết quả tích cực nhưng ngành du lịch vẫn có khó khăn, đặc biệt là nhân lực. Nguồn nhân lực chỉ mới đáp ứng 70% nhu cầu, thiếu hướng dẫn viên biết nói tiếng Đức, Hàn, Thái…

Ngoài ra thành phố cũng thiếu hướng dẫn viên các thứ tiếng làm hạn chế thu hút khách du lịch. Cùng với đó cơ chế chính sách còn thiếu, nguồn nhân lực cả nước và thành phố đối diện cạnh tranh từ nguồn nhân lực của quốc gia khác khi di chuyển lao động tự do. Đó là những vấn đề khó, phức tạp trong quản lý du lịch. Có những nội dung mới nhưng cũng có những nội dung kéo dài nhiều năm, của cả nước nói chung, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ.

Diễn đàn hôm nay là cơ hội để thảo luận giải pháp tháo gỡ các hạn chế trên. Thành phố kỳ vọng lắng nghe nhiều ý kiến, bài học thực tiễn về quản lý du lịch, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết Nhà nước và cơ sở đào tạo, doanh nghiệp.

Phiên buổi sáng: Thực trạng và định hướng giải pháp đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch tại Việt Nam

Tiếp theo phần khai mạc, Ban tổ chức Chương trình xin trân trọng kính mời các đồng chí và toàn thể quý vị tham dự phiên họp thứ nhất của diễn đàn về Thực trạng và quan điểm đổi mới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch tại Việt Nam với sự tham gia trình bày tham luận của Sở Du Lịch TP.HCM, Trường Đại Học Hoa Sen, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các doanh nghiệp.

ThS. Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM trình bày tham luận về “Nguồn nhân lực du lịch: chưa hết cơ hội và thách thức”. Theo ông Vũ, tài nguyên ưu đãi đến đâu nhưng nhân lực chưa sẵn sàng thì chúng ta còn rất nhiều lực cản.

Có 4 điểm nghẽn và thách thức. Thứ nhất là bất cập cung và cầu. Thứ hai năng suất lao động thấp. Thứ ba chưa phát triển nhân lực gián tiếp và đặc biệt. Thứ tư là thách thức về chuyển dịch lao động trong khu vực. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Du lịch TP HCM mong diễn đàn sẽ thảo luận và giải pháp hiến kế cho du lịch thành phố và đất nước.

Ths Bui Ta Hoang VuThS. Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM

Theo các báo cáo chỉ số cạnh tranh ngành du lịch và lữ hành của World Economic Forum cho thấy, chỉ số cạnh tranh chung của du lịch Việt Nam đang được cải thiện khá nhanh.

Từ vị trí thứ 80/140 quốc gia (năm 2013) rút dần thứ bậc thành 75/136 (2015) và 67/136 (2017). Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu lẽ ra được coi là lợi thế của du lịch Việt Nam thì vẫn chưa được đánh giá cao, trong đó có các chỉ tiêu về nguồn nhân lực chưa phải là lợi thế so với các nước khác. Ví dụ, chỉ số chất lượng cạnh tranh về tài nguyên của Việt Nam đạt 4.0/7.0, trong khi chỉ số này đối với Singapore chỉ đạt 2.4 nhưng điểm số chất lượng cạnh tranh của nguồn nhân lực của quốc gia này lại đạt mức 5.6/7.0, còn Việt Nam đạt 4.9/7.0. Xếp hạng về đầu tư đào tạo mở rộng cho lao động của nước ta thấp hơn nhiều (69/136) so với các nước Châu Á có nền du lịch phát triển như Singapore (3/126), Mã Lai (9/136) hay Nhật (10/136).

Một năm cần 40.000 lao động có tay nghề nhưng khả năng chỉ đáp ứng 15.000. Trong đó nhóm chất lượng cao chỉ khoảng 12%. Riêng TP HCM có khối lượng nhân lực phục vụ cơ sở lưu trú, doanh nghiệp, lữ hành rất cao. Mỗi năm cần 12-15% tăng thêm. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chủ tịch UBND, thành phố chỉ đáp ứng 70%.

Dù du lịch là một trong những ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp nhưng vẫn thấp so với công nghiệp. So với nước ngoài năng suất càng thấp hơn. Chúng ta cần cung cấp đầy đủ số người lao động kèm chất lượng trong ngành du lịch.

Kế tiếp, chúng ta chưa chú trọng nguồn lực nhân sự gián tiếp và những nhân sự đặc biệt. Lực lượng đặc biệt là ở những nơi cửa ngõ, sân bay, nhà ga, công cộng, đón và phục vụ du khách. Nơi đây hình thành ấn tượng đầu tiên giúp du khách nghĩ tốt về đất nước, con người Việt. Trong quá trình làm việc, lực lượng này chưa qua đào tạo chuyên nghiệp, còn chú trọng chuyên môn mà chưa chú ý đến thái độ vốn rất quan trọng tạo nên sự thân thiện với du khách.

Vấn đề thứ hai là bất cập cung cầu. Dù thành phố là trung tâm đào tạo, nhưng có 10% người làm trực tiếp chưa qua đào tạo trường lớp. Tỷ lệ lao động chất lượng cao còn hạn chế. Thậm chí là thị trường hút khách lớn, nhưng về hướng dẫn viên vẫn yếu ở một số thị trường tiếng hiếm.

Thách thức thứ hai mà ông Vũ nhắc đến là năng suất lao động của nhân lực còn thấp trong với khu vực, 2018 ước thu 23 tỷ USD, đây là mức thu ấn tượng nhưng mức năng suất lại khá thấp. Tại Singapore mỗi nhân lực tạo ra 47.000 USD.

Năm 2018, ngành du lịch Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch cả nước 23 tỷ USD, đóng góp 7,5% vào GDP. Đây là mức tăng doanh thu ấn tượng, tuy nhiên mức năng suất khá thấp, với chỉ 3.477 USD/năm cho mỗi nhân lực trong ngành này. Trong khi đó ở Singapore, đất nước với số dân gần 5,9 triệu người, trong đó khoản 80% làm trong ngành du lịch, thì mỗi lao động trong ngành tạo ra 47.713USD/năm, gấp 15 lần; còn ở Thái Lan, mỗi lao động tạo ra 8.369 USD/năm, gấp 2,5 lần.

Vấn đề thứ 4 là chuyển dịch lao động trong khối ASEAN. Nó tạo nên dòng chảy nhân lực, những người chuyên môn trình độ cao sẽ ra nước ngoài. Vậy nên ngoài việc nâng cao chất lượng thì chúng ta cũng phải giải quyết vấn đề nguồn nhân lực trong khu vực.

Với yêu cầu gia tăng số lượng du khách, chúng ta cần nhiều điều chỉnh như thay đổi đào tạo nguồn nhân lực. Điều này rất cấp thiết. Đến 2020, thành phố dự kiến đón 10 triệu khách ngoại, 35 triệu khách nội. Đây là thách thức.

GS.TS. Mai Hồng Quỳ – Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen với phần trình bày tham luận về thực trạng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam

Giáo sư, Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ – Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen mở đầu bài phát biểu bằng việc tái khẳng định tiềm năng của ngành du lịch. Là một trong 2 đơn vị tổ chức Diễn đàn, đại diện Đại học Hoa Sen gửi lời cảm ơn đến các lãnh đạo, doanh nghiệp đã ủng hộ chương trình. Thực tế, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Bài phát biểu của Giáo sư Mai Hồng Quỳ tập trung vào tiêu chí phát triển ngành, tầm nhìn đến 2030, các chỉ tiêu việc làm cụ thể như năm 2020, tạo việc làm cho 2,5 triệu lao động, trong đó 870.000 lao động trực tiếp. 2025 tạo việc làm cho 3,5 triệu lao động, trong đó 1 triệu lao động trực tiếp. Với con số ấn tượng như vậy, bà Quỳ kết luận nguồn nhân lực có yêu cầu lớn về số lượng và chất lượng. Nhu cầu phát triển tăng trưởng vũ bão. 

Để phục vụ hoạt động đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, cơ sở đào tạo nghề tăng rất nhanh. Tháng 8/2010 cả nước chỉ có 284 cơ sở tham gia đào tạo. Tính đến 2019, cả nước 346 cơ sở từ sơ cấp đến sau đại học. Dự báo đến 2020, nhu cầu nhân lực tăng 40% so với 2015. 

Theo Tổng cục du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm 40.000 lao động nhưng chỉ có 15.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm, trong đó chỉ có 12% tốt nghiệp cấp cử nhân trở lên. Vì vậy bà muốn tập trung vào nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hiện nay hàng tuần Đại học Hoa Sen đều nhận đơn đề nghị về cung ứng nhân sự chất lượng cao cho các tập đoàn lớn với nhu cầu khoảng 5.000 nhân sự một năm, cả Việt Nam và trên thế giới. Bà cho biết đại sứ quán Pháp cũng đưa ra lời đề nghị với các đơn vị châu Âu.

Bà Quỳ cho rằng khái niệm nhân lực chất lượng cao, không thể gói trong khuôn khổ đại học cao đẳng, mà phải mở ra nguồn nhân lực phải đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Có 5 vấn đề nổi cộm.

Thứ nhất là về đào tạo kiến thức liên ngành. Bản thân du lịch không thể phát triển đơn độc mà phải gắn với giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội, hiểu biết về kiến trúc, thẩm mỹ, nhân học… Do đó để đạt hiệu quả trong đào tạo chất lượng cao, chương trình cần chú trọng kiến thức liên ngành.

Các trường đa ngành, đa lĩnh vực có lợi thế lớn. Ví dụ tại Đại học Hoa Sen, các ngành hỗ trợ du lịch được vận dụng linh hoạt. Sinh viên ngành du lịch có thể chọn học một trong 6 môn: tâm lý, marketing…; chọn 3 trong 12 môn về kiến thức xã hội, môi trường…  nhằm mở rộng thế giới nhân sinh quan, thế giới quan.

Vấn đề thứ hai là ngoại ngữ, đây là một trong những yếu tố tiên quyết. Đối với các cơ sở đào tạo, chuẩn đầu ra nên là chuẩn quốc tế tối thiểu. Ở Đại học Hoa Sen, chuẩn của trường là 5.5 IELTS.

Vấn đề thứ ba là ý thức về phát triển du lịch bền vững. Thể hiện ở 3 yếu tố:

– Tư duy và ý thức về môi trường: Hiểu, xác định việc sử dụng tài nguyên môi trường có chọn lọc, duy trì duy sản thiên nhiên.

– Xã hội: Gìn giữ nét đẹp cộng đồng, bảo vệ nét đẹp truyền thống, chia sẻ văn hóa liên ngành, liên địa phương.

– Kinh tế: Cung cấp lợi ích kinh tế lâu dài, góp phần phát triển lâu dài, công bằng cho mọi đối tượng.

Thứ tư, tầm nhìn về phát triển công việc. Họ phải có tầm nhìn, tư duy chiến lược. Đội ngũ không chỉ dừng lại ở hoàn thành tốt kỹ năng, mà cần phát triển trách nhiệm dự báo, sáng tạo, dẫn dắt cộng đồng phát triển giá trị du lịch mới, chứ không phải chỉ đơn thuần là đội ngũ khai thác và hường thụ. Họ phải tiên phong trong sáng tạo giá trị ngành du lịch. Các cá nhân vừa là chủ thể vừa tích hợp, phát huy sức mạnh của đất nước, vừa là khách thể phát huy tinh hoa thế giới. Đây là nhân tố vô cùng quan trọng để thực sự là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Vấn đề thứ năm là thực tập và thực hành. Mọi cơ sở du lịch đều có quan niệm sinh viên nhận việc đều phải đào tạo lại. Vì vậy, bà cho biết cần tập trung vấn đề này. Ở các trường quốc tế, lý thuyết và thực hành phân bổ 50-50. Ngoài ra, thực hành ở đây không chỉ ở phòng thực nghiệm mà còn ở các cơ sở thực tế, đơn vị du lịch.

Bà gửi các kiến nghị đến diễn đàn:

Thứ nhất, nên có chính sách ưu đãi thuế, đầu tư với doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Như vậy mới liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.

Thứ hai, cần có chính sách khuyến khích địa phương đào tạo nhân lực lãnh đạo, quản lý du lịch địa phương.

Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu hỗ trợ khuyến khích cơ sở đào tạo về chuyên ngành du lịch. Trên cơ sở thực tiễn sẽ có thay đổi cởi mở cho phép thực hiện chương trình đào tạo bằng sự tham gia của các doanh nghiệp. Ví dụ đào tạo MBA có sự tham gia 40% của doanh nghiệp. Đây là sự tham gia của CEO doanh nghiệp lớn chứ không nhất thiết phải là Tiến sĩ. 

Giáo sư Mai Hồng Quỳ cũng đưa ra kiến nghị căn cứ vào thực tiễn, chỉ tiêu với đào tạo du lịch có cập nhật phù hợp. Bà cũng mong muốn các lãnh đạo địa phương đầu tư kinh phí, hoạt động nhằm đào tạo cán bộ cấp huyện, xã có hoạt động liên quan đến du lịch. 

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần lắng nghe ý kiến từ phía doanh nghiệp trong việc sử dụng nguồn lao động được đào tào từ nhà trường để từ đó có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo để có đội ngũ nhân lực đủ trình độ đáp ứng nhu cầu xã hội.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ – CT HĐQT Công ty Vietravel với phần trình bày tham luận về các dự báo nhu cầu nhân lực du lịch trong mảng lữ hành

Ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel cho biết, nguồn nhân lực phục vụ buồng phòng thiếu nghiêm trọng. Tại các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Quốc… lao động du lịch cực kỳ thiếu. Các đơn vị đào tạo tập trung tại thành phố lớn. Tại các trung tâm trọng điểm du lịch thì đào tạo rất yếu. 

Tổng cục Thống kê đưa ra con số, lao động 15 tuổi trở lên qua đào tạo vào ngành du lịch chỉ có 16%. Dự báo không thay đổi đến 2020. Theo Hiệp hội Lữ hành Thế giới, mỗi năm cần 40.000 lao động tại Việt Nam. Một năm cần 10.000-15.000 lao động cho dịch vụ lưu trú. Tuy vậy, lượng sinh viên được đào tạo ra thấp hơn rất nhiều.

Các doanh nghiệp lữ hành sử dụng khoảng 20.000 lao động, 40.000 hướng dẫn viên, con số này gần như không thể đảm nhiệm nổi phục vụ cho khách du lịch, đặc biệt là các du khách quốc tế nói ngoại ngữ ít được đào tạo.

Lấy ví dụ ở các thành phố Nha Trang, Đà Nẵng… có nhiều du khách nói tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Các công ty lữ hành khi tuyển dụng vào thì hầu như phải đào tạo lại ít nhất 6 tháng, muốn đào tạo lành nghề phải mất 12 tháng. Chuyện này là một lãng phí rất lớn. 

Ông Nguyễn Quốc Kỳ đưa ra kiến nghị, ngành du lịch cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, phải có chiến lược đào tạo rõ ràng. Hầu như khách sạn 5 sao đều dùng nhân lực nước ngoài.

Về chương trình đào tạo hiện áp dụng các chuẩn ASEAN, Thụy Sỹ… chưa được cập nhật và theo kịp xu hướng, không đạt chuẩn MRA. Cần cập nhật chuẩn phù hợp. Trường có thể tự chọn chương trình và liên thông để đảm bảo nguồn nhân lực đầu ra.

Ông cho biết cần quy hoạch các trường du lịch. Đặc biệt các đề án phát triển du lịch, khu du lịch phức hợp… thì cần yêu cầu các đơn vị này trình việc đào tạo nhân lực làm sao đáp ứng nhu cầu. Tiếp theo là vấn đề phân tuyến đào tạo theo đại học, chú trọng thực hành. Hiện việc đào tạo khá chung chung, cần chú trọng việc đào tạo ra cử nhân là làm được việc ngay. Ông lấy ví dụ ở bản thân, nơi địa phương mình học có rất nhiều bạn phải đi học trường nghề. Vì vậy ngay từ khi cấp 3, ông kiến nghị nên có nhiều trường định hướng nghề cho các em.

Ông cũng nêu đề nghị cần có chính sách khuyến khích lập trường trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp có điều kiện tham gia thì cần có chính sách khuyến khích. Nếu không họ rất khó phát triển và đầu tư cho đào tạo. Vietravel cũng mong muốn mở trường, mạnh dạn mua lại 66% trường cao đẳng quốc tế Kent với chương trình chuẩn liên thông Australia và Anh.

Ngoài ra cần hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp về đất, quy mô đào tạo, giảng viên… Cần cơ chế cho vấn đề này.

Cuối cùng cần ba tuyến đào tạo. Đầu tiên là cho người trực tiếp làm du lịch, đào tạo chuyên sâu chuyên ngành. Thứ hai là gián tiếp về kỹ năng, thái độ phục vụ. Thứ ba là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý chuyên ngành về du lịch.

Ông bày tỏ mong muốn Diễn đàn sẽ đưa ra những tham luận hữu ích để các đơn vị như Vietravel có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao hoạt động trong tương lai.

Ông Benjamin Garcia – Đại diện Trường KS – NH Vatel International (Pháp) trình bày tham luận về kinh nghiệm quốc tế trong việc đào tạo nhân lực du lịch

Ông Benjamin, đại diện Khách sạn – Nhà hàng Vatel International (Pháp) chia sẻ tôn chỉ đào tạo của người Pháp, trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch toàn cầu. Ví dụ: chương trình tại Vatel yêu cầu mỗi sinh viên ra trường đầu phải có sự tôn trọng, tinh thần cởi mở và ý thức gìn giữ mọi nền văn hóa. Nhân sự du lịch không chỉ cần có kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ mà còn cần có kỹ năng mềm, là một người biết lắng nghe, có tấm lòng rộng mở để tạo cảm giác thân thiện, ấm áp cho du khách. Điều này giúp cho sinh viên khi ra trường đều là những nhân sự xuất sắc của các nhà hàng khách sạn lớn trên toàn cầu.

Ngoài ra tại Vatel, trường và các giảng viên cũng liên tục cập nhật cho sinh viên những yêu cầu của thị trường, tình hình lao động trong ngành, những nhu cầu mới phát sinh… để chuẩn bị cho các bạn kiến thức, thông tin đầy đủ. Trường tạo điều kiện cho các bạn tham gia vào các diễn đàn lớn, ví dụ như diễn đàn hôm nay.

TS. Nguyễn Cao Trí, đại diện của Capella Holdings, TS. Nguyễn Cao Trí với tham luận Các dự báo về nhu cầu nhân lực du lịch trong chuỗi dịch vụ ăn uống

Đại diện Capella Holdings, Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí, đưa ra các dự báo về nhu cầu nhân lực du lịch trong chuỗi dịch vụ ăn uống.

Phần chia sẻ của ông xoay quanh 6 chữ T. Hai chữ T đầu tiên là “Thực trạng” và “Thách thức” của du lịch TP HCM.

Ngành du lịch có nhu cầu nhân sự cao gấp 2 lần dịch vụ, y tế khác. Từ nay đến 2020 mỗi năm cần 21.000 lao động. Nhiều lĩnh vực chuyên môn sâu còn thiếu trầm trọng, từ cán bộ quản lý, nghiên cứu chiến lược đến chuyên gia đầu ngành giỏi kỹ thuật… Đặc biệt những nhân lực trong ngành cao cấp 3-5 sao chưa đáp ứng nhu cầu, thiếu kỹ năng toàn cầu: lưu trú, tổ chức, thiên nhiên văn hóa di sản, mạo hiểm, thủ công bán lẻ….

Việt Nam có tiềm năng trở thành điểm đến hàng đầu khu vực nhờ lịch sử, văn hóa đa dạng. Ngành du lịch Việt Nam cần có những chiến lược rõ ràng, tiếp cận ưu tiên trọng điểm. Ví dụ về nhân lực: kỹ năng khối cơ sở lưu trú, vận chuyển du lịch, kỹ năng chuyên môn kỹ thuật cao (bảo tồn, du lịch lặn biển…).

Thách thức của tăng trưởng dưới tiềm năng là một chi phí cơ hội quan trọng là chúng ta đang bỏ lỡ; và sẽ tiếp tục bỏ lỡ nếu không có một tư duy và tiếp cận khác. Đây cũng chính là 2 chữ T tiếp theo: “Tư duy”, “Tiếp cận”.

Những ngành nghề ưu tiên tuy nhiên thiếu sự đào tạo là: du lịch thể thao, mạo hiểm, thiên nhiên… Các ngành này cần có các chuyên gia phát triển bền vững; được hỗ trợ của các đơn vị chuyên dụng, hợp tác với các lĩnh vực.

Vốn ngân sách nhà nước cần thúc đẩy phát triển hạ tầng du lịch, ví dụ những khu triển lãm TP HCM có thể hợp tác tư nhân để đào tạo giảng dạy, thực hành.

Những chương trình này có thể mở rộng, hợp tác với tư nhân, vì mục tiêu chung của đào tạo nhân lực. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích cho cơ sở đào tạo, doanh nghiệp như miễn giảm thuế, hỗ trợ tiền cụ thể cho mỗi sinh viên theo ngành trọng điểm.

Cần xác định chiến lược du lịch mà Nhà nước không phải là vai trò chủ đạo, ví dụ cổ phần hóa các tổng công ty để vận động nguồn lực xã hội, giảm chi tiêu ngân sách, trích từ cổ phần hóa để tạo quỹ phát triển du lịch. Một số doanh nghiệp mới nổi cũng góp phần tạo giá trị gia tăng trong các ngành mới như golf, casino…

Điều quan trọng là cẩn có cơ chế để doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt ngành du lịch mà Nhà nước chỉ cần đóng vai trò định hướng. Đây sẽ là nền tảng tiếp tục thu hút nguồn lực trong và ngoài nước trong tương lai, đặc biệt là vào những ứng dụng 4.0 trong ngành du lịch.

Du lịch thông minh ngày càng rõ nét dưới tác động của thời đại 4.0, thay thế du lịch truyền thống. Ông bày tỏ mong muốn Diễn đàn sẽ chọn 2-3 đề tài khả thi để triển khai cho các địa phương, hình thành liên minh đầu tư du lịch cho cả nước, để “Thành công” và “Tiên phong” – 2 chữ “T” cuối cùng.

Và tiếp theo tham luận của đại diện doanh nghiệp xin trân trọng kính đại diện của Saigontourist, Ông Võ Anh Tài: dự báo nhu cầu nhân lực trong mản khách sạn, nghỉ dưỡng

Nguồn nhân lực luôn đóng vai trò quan trọng của ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt khi ngành du lịch Việt Nam đã, đang và sẽ tạo sức hấp dẫn cao đối với du khách trong nước và quốc tế, trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Tại Hội nghị phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên tổ chức tại thành phố Huế tháng 2/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo ngành du lịch cần tập trung đào tạo nhân lực, chú trọng kỹ năng thực tế, ngoại ngữ.  

Tính đến nay, Saigontourist đã trải qua 44 năm hình thành và phát triển, hiện sở hữu và quản lý trên 100 khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, công ty lữ hành, trung tâm hội chợ triển lãm, sân golf, khu vui chơi giải trí, trường đào tạo du lịch…

Đơn vị có quan hệ hợp tác với hàng nghìn đối tác lớn trong nước và quốc tế. Số lượng nhân sự hệ thống Saigontourist hiện trên 17.000 cán bộ nhân viên của tất cả 54 dân tộc, hầu hết có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, yêu nghề, tự hào về thương hiệu và tận tâm với công việc. Nhân lực từ thạc sĩ trở lên chiếm 80%, đa số thông thạo 1-3 ngoại ngữ, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Theo ông, đây là một yếu tố rất quan trọng của Saigontourist, góp phần đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên hai con số, giữ vững vị trí là một trong các tập đoàn du lịch hàng đầu, luôn đồng hành, góp phần tích cực trong công cuộc phát triển của du lịch Việt Nam và TP HCM.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, do đó quá trình đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải có mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp để cơ sở giáo dục có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực (lưu trú, nhà hàng, lữ hành, sự kiện, golf, giao thông vận tải, quản lý điểm đến, phát triển thị trường khách…) tham gia vào quá trình đào tạo.  

Để đáp ứng việc tuyển dụng đầu vào của Saigontourist, các cơ sở đào tạo cần nhanh chóng xây dựng khung chương trình đào tạo tương ứng theo sát các yêu cầu thực tế phát triển ngành du lịch đồng thời vừa phù hợp các tiêu chuẩn chức danh nghề du lịch ASEAN, EU (VTOS), trong đó chú ý các chương trình tập sự nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ, và các kỹ năng mềm cho các bạn sinh viên… Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA-TP) trong khu vực ASEAN sẽ mang lại cơ hội cho sinh viên được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc gia, khu vực.

Các trường du lịch sẽ tiến hành đào tạo bằng phương pháp mới xây dựng kỹ năng nghề dựa trên năng lực (kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, thái độ trong công việc) và tạo cơ hội dịch chuyển lao động trong ASEAN. Tuy nhiên, dịch chuyển lao động không chỉ là cơ hội mà cũng là thách thức đối với sinh viên Việt Nam khi họ sẽ phải cạnh tranh với lao động từ các nước khác trong khu vực.

Chất lượng đầu vào của sinh viên cũng là một yếu tố quan trọng, tuy nhiên chất lượng đầu ra để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp lại là yếu tố quyết định. Không phải là sinh viên tốt nghiệp trường giỏi sẽ được nhận làm việc lâu dài, hoặc sinh viên trường cấp dưới là không nhận được cơ hội làm việc. Bằng cấp chưa phải là điều kiện hàng đầu, quan trọng là kỹ năng, thái độ của sinh viên đối với công việc mình làm.  

Ông Tài cho biết sau hội thảo này, Saigontourist sẽ xúc tiến những cuộc gặp gỡ với các cơ sở đào tạo để các sơ cở đào tạo có thể nghiên cứu, nắm bắt rõ hơn các yêu cấu tuyển dụng của Saigontourist.

“Chúng tôi luôn cam kết việc hợp tác sâu rộng giữa nhà trường – doanh nghiệp nhằm đào tạo và xây dựng phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Chúng tôi cũng luôn tạo những cơ hội tốt nhất để chào đón nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Tài khẳng định.

Sau các tham luận từ nhiều đơn vị, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Xuân Nhạ – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ định hướng, giải pháp đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch.

Bộ trưởng cho biết đã có nhiều chính sách khuyến khích đào tạo nhân lực du lịch. Bộ tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị linh hoạt về mã ngành, phối hợp doanh nghiệp tạo hệ sinh thái đào tạo. Bộ đã ban hành Quyết định 4949 mang tính đột phá, tạo điều kiện chuyển nhiều sinh viên ngành sư phạm, ngành khác… sang ngành du lịch. Bộ cũng có đề án tạo phương thức đào tạo gắn liền thực tiễn. Thời gian đào tạo trong doanh nghiệp ít nhất 30%.

Với chính sách này, nhiều sinh viên không phải đào tạo từ đầu, được công nhận các kỹ năng. Căn cứ vào khung trình độ quốc gia ASEAN, như vậy đa dạng hóa phương thức đào tạo theo chuẩn đầu ra.

Ngoài ra, nhu cầu rất nhiều nhưng cung hạn chế. Xét về cơ chế chính sách cần có nhiều tháo gỡ, ví dụ như tăng đào tạo thực tiễn, gắn đào tạo ở các môi trường thực tế với hàn lâm. Mã ngành công nhận chuyển đổi nằm trong khung trình độ quốc gia, giúp các em học sơ cấp có thể lên cao đẳng, đại học thuận lợi.

Bên cạnh đó Bộ cũng đã phối hợp với các Bộ ngành sắp xếp lại cơ sở đào tạo theo hướng chuẩn hóa. Nếu không thì mỗi sinh viên đầu ra theo một chuẩn, rất khó tham gia thị trường. Việc rà soát lại để gắn cơ sở đào tạo với vùng phát triển du lịch để tạo điều kiện sinh viên học và hành tại chỗ.

Bộ cũng sẽ khuyến khích xã hội hóa để doanh nghiệp tham gia vào đào tạo, tạo chuỗi tuần hoàn giữa người đào tạo, sử dụng, hỗ trợ lẫn nhau trong một quy trình chuẩn chỉnh chứ không hợp tác hai bên thông thường. Các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh thực hành, có những chuẩn mực quốc tế.

Bộ trưởng Nhạ khẳng định tới đây sẽ tiếp tục cùng các Bộ ngành, các cơ sở đào tạo, hiệp hội, doanh nghiệp có các ý kiến thiết kế định hướng chương trình tạo động lực cho sinh viên, nhiều nguồn lực tham gia. Từ đó tiến đến kiểm định để chuẩn hóa theo hướng quốc tế chương trình đào tạo, tránh tình trạng không công nhận lẫn nhau, rối loạn.

Sau các bài tham luận của lãnh đạo TP HCM, cơ sở đào tạo du lịch và doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có những phát biểu chỉ đạo.

Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến tổ chức Diễn đàn để lắng nghe ý kiến đa chiều về chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Các ngành khác cũng có thể nghiên cứu cách làm này để thu thập ý kiến cho ngành.

Thủ tướng đặt 3 câu hỏi cho Diễn đàn:

Thứ nhất, mọi người đặt ra câu hỏi nguồn nhân lực có đủ đáp ứng nhu cầu cho ngành du lịch. Nhưng Thủ tướng đặt ngược lại câu hỏi: Ngành du lịch có đủ hấp dẫn thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao Việt Nam và quốc tế tham gia không? Các chính sách nghề nghiệp có đủ thu hút?

Thủ tướng tin rằng những công ty có chính sách tốt sẽ trả lời tốt nhất câu hỏi trên. Đó là những công ty có môi trường tốt, văn hóa công ty tốt. Đây không chỉ là câu hỏi cho doanh nghiệp du lịch mà cả cơ quan nhà nước. Du lịch là ngành có tính chất toàn cầu nên khó áp dụng chế độ bảo hộ, chính sách không được rời rạc mà phải tổng thể.

Nguồn nhân lực tốt Thủ tướng đánh giá cao như Viettel, Samsung, Intel… Các quốc gia, doanh nghiệp đều đánh giá nguồn nhân lực Việt Nam tốt. Do đó môi trường thu hút con người rất quan trọng, cần nghiên cứu vấn đề này.

Vì sao chúng ta chưa có nguồn nhân lực tốt ở trường mình, công ty mình? Ví dụ: khi dùng bữa tại một nhà hàng, có người phục vụ xếp đũa muỗng ở tay trái vì biết rõ người khách này thuận tay trái. Đây là một ví dụ cho thấy họ có chiều sâu trong đào tạo, thấu hiểu du khách.

Câu hỏi thứ hai: Thủ tướng đặt ngược lại. Chúng ta xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn chiếm trên 10% GDP, tạo lan tỏa sâu rộng, vậy chúng ta đã làm gì để tương xứng với hai chữ mũi nhọn? Làm gì để thu hút lao động chất lượng cao? Làm gì để tối ưu hóa nguồn lực sẵn có?

Thủ tướng muốn mở rộng nội hàm chủ đề nguồn nhân lực du lịch. Thủ tướng cho rằng không chỉ các đơn vị, công ty mà người dân, cộng đồng – nơi diễn ra hoạt động du lịch cũng phải tham gia. Nhất là khi năm qua, chúng ta nói nhiều về du lịch cộng đồng. Chính người dân mới là yếu tố quyết định quan trọng trong hệ thống du lịch Việt Nam.

Chúng ta có 346 cơ sở du lịch, mỗi năm nhu cầu du lịch đến 40.000 người nhưng chất lượng mới là vấn đề đặt ra, còn thấp, yếu, chưa học hành đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu về văn hóa, ứng xử, thái độ…

Cách đây 30 năm, TP HCM có trường du lịch rất nổi tiếng, ai học ra thì làm nghề rất giỏi. Học và hành, các trường hiện nay có đặt yêu cầu đó không? Địa phương và các trường phải giải quyết được vấn đề này. Mô hình công ty trường này là một hình thức rất cần thiết. Nếu làm trường học mà không có thực hành thì rất xa vời với cơ hội nghề nghiệp. Nhìn phong cách phục vụ, người hướng dẫn viên là biết việc có được đào tạo tốt hay không.

Ngoài ra, ứng xử của người dân là yếu tố quan trọng thu hút du lịch. Các địa phương cần thực hiện vấn đề này. Cộng đồng văn hóa rất quan trọng. Tại Hội An có cộng đồng làm du lịch rất tốt, sáng sớm vào xem đồ mà không mua người dân rất vui vẻ, lại còn hướng dẫn đường đi. Những chị bán chè, bán gánh cũng biết thu hút du lịch. Hay như Hội nghị Mỹ – Triều vừa qua, ông bán nước bưng bát nước chè đến tận tay các phóng viên quốc tế, nên du khách ấn tượng vô cùng.

Thủ tướng cho rằng mỗi cá nhân đều có liên quan đến sự phát triển của du lịch Việt Nam. Đó chính là nguồn nhân lực quan trọng chứ không chỉ là nhân lực trong trường lớp đi ra. Thủ tướng nhấn mạnh trong ngành du lịch, tính hiệu quả của nguồn nhân lực gắn liền với giá trị của mỗi con người.

Vậy tại sao chúng ta không phát huy nguồn lực đó? Đó là còn chưa kể nguồn nhân lực lớn trong các ngành văn hóa, lịch sử, truyền thông… Ngành du lịch cần có cơ chế tốt để thu hút nhân sự trong các ngành nghề khác. Cần tập hợp những nhân sự đa ngành để phối hợp làm du lịch tốt hơn. Cách tiếp cận nguồn nhân lực du lịch như Diễn đàn hôm nay góp phần giúp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững.

Câu hỏi thứ ba Thủ tướng đặt ra là câu hỏi có tính chiến lược cho các Bộ ngành. Đảng và Nhà nước những năm qua xác định thể chế, nhân lực, hạ tầng là 3 chiến lược hàng đầu, vậy các Bộ ngành đã làm gì để ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành mũi nhọn? Thủ tướng nhấn mạnh các Bộ ngành nên thực hiện nghiêm túc chứ không chỉ chờ địa phương thực hiện và cho ý kiến.

Thủ tướng nêu 3 chữ “C” để đưa du lịch thành ngành kinh tế đột phá:

– Con người: Cần nâng cao ý thức, sự hiếu khách, sẵn sàng giúp khách du lịch, đặc biệt người dân bản địa tại địa phương.

– Cơ sở hạ tầng: Hạ tầng du lịch, kết nối giao tông, hạ tầng mềm (văn hóa), điện tử…

– Chiến lược: Làm gì cũng phải có bước đi trước sau, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần có tầm nhìn dài hạn, phương hướng hành động mỗi năm cùng các ngành khác để cân bằng văn hóa kinh tế môi trường. Đặc biệt là vấn đề đào tạo để nguồn nhân lực không thừa thiếu, số lượng đi cùng chất lượng để phát triển du lịch Việt Nam.

Thủ tướng kỳ vọng sau diễn đàn, các Bộ ngành sẽ có câu trả lời thỏa đáng, giải quyết đúng bản chất vấn đề, tháo gỡ nút thắt, xây chiến lược đúng hướng, khả thi, nhất là trong vấn đề nâng cao nguồn nhân lực cả về lượng và chất, để du lịch Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng.

Kết lại bài phát biểu, Thủ tướng đánh giá cao diễn đàn và chúc toàn ngành du lịch Việt Nam, TP HCM, ngành giáo dục thành công.

Tiếp thu ý kiến của Thủ tướng và các bài tham luận, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM thay mặt thành phố gửi lời cám ơn đến Thủ tướng và các vị đại biểu đã có những sáng kiến giúp thành phố và cả nước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Định hướng của Thủ tướng rất quan trọng giúp thành phố hoàn thiện thị trường lao động, tăng cường kết nối giữa Nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, hoạch định chiến lược trong thời gian tới.

Ông Phong cam kết thành phố sẽ thực hiện 3 chữ C trong thời gian tới. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố củng cố giải pháp hiện hữu, đề xuất mới, nhằm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, hiện thực hóa mục tiêu thu hút du khách trong tương lai.

Là đô thị đặc biệt chiếm 30% doanh nghiệp lữ hành, 50% khách quốc tế, 36% khách nội địa, TP HCM sẽ nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu.

Ông Phong cam kết hành động quyết liệt, chuyển góp ý thành hành động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý Nhà nước, quản trị du lịch; đa dạng hóa hình thức đào tạo, nghiên cứu đãi ngộ xứng đáng, để quyết tâm đưa TP HCM thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Thành phố hy vọng diễn đàn là kênh đối thoại trao đổi và cũng là dịp để mọi người hiểu về TP HCM. Ông cho biết TP HCM sẽ nỗ lực tạo hệ sinh thái hoàn chỉnh để du lịch trở thành ngành mũi nhọn trong năm 2020, đưa niềm tự hào văn hóa Việt Nam ra thế giới, thúc đẩy hợp tác với các địa phương.

Kí kết hợp tác chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực du lịch giữa các đối tác:

Tiếp nối Diễn đàn là lễ ký kết hợp tác chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực du lịch giữa các đối tác. Đầu tiên là phần ký kết liên kết hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực du lịch giữa các trường đại học tại TP HCM: Đại học Hoa Sen, Đại học Hồng Bàng, Đại học Ngoại ngữ Tin học TP HCM, Đại học Công nghệ TP HCM, Nguyễn Tất Thành, Kinh tế TP HCM, ĐHKHXH&NV TP HCM, Đại học Văn Lang, Đại học Kinh tế – Luật TP HCM.

Ngoài ra, Đại học Hoa Sen cũng thực hiện Lễ ký kết hợp tác với các đối tác Vinpearl – tập đoàn Vingroup, JW Marriott Phú Quốc Emerald Bay, Vietravel, Accor với sự chứng kiến của nhiều lãnh đạo ban ngành địa phương. 

Phiên thảo luận toàn thể với chủ đề “Hoạch định chính sách trong phát triển nguồn nhân lực du lịch” sẽ tập trung vào các chính sách từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, chính sách của địa phương, vai trò của doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong việc hoạch định chính sách.

Điều phối thảo luận là Giáo sư, Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen; Thạc sĩ Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM; Thạc sĩ Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel và ông Benjamin Garcia – đại diện Trường Vatel International (Pháp).

Trong phần hỏi đáp, ông Bùi Xuân Phong – Thành viên HĐQT độc lập của Công ty CP Công viên nước Đầm Sen đặt câu hỏi về hướng đào tạo nguồn nhân lực cao cho quốc gia?

Giải đáp thắc mắc, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, theo diễn đàn kinh tế thế giới 2017, kỹ năng của sinh viên Việt Nam đang đứng thứ 97, thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới, chỉ hơn Campuchia. Còn kỹ năng sau khi ra trường chỉ xếp 128, sau cả Camphia (101). Đào tạo nhân viên đứng thứ 181, sau tất cả các nước khu vực. Điều này cho thấy chất lượng nguồn lực đào tạo của chúng ta, trong 6 tiêu chí xếp hạng đều đứng gần cuối hoặc cuối. Điều này cho thấy chúng ta cần xem lại chất lượng đào tạo. Hiện nay, tại các trường phổ thông chưa chú trọng đào tạo nghề. Như vậy, chúng ta phân loại, hướng nghề như thế nào cho sinh viên sau khi ra trường? Ngoài ra, có rất nhiều chuẩn đào tạo, trong đó có chuẩn ASEAN, chia ngành nghề rất rõ. Nhưng hiện nay có bao nhiêu trường theo chuẩn ASEAN này? Các công ty du lịch như chúng tôi cần tuyển lao động có năng lực, kiến thức, khả năng ban đầu để đáp ứng vì không thể giỏi ngay ban đầu.

Giải pháp: Chính phủ cần phân nghề, đào tạo, rèn tình yêu nghề từ phổ thông. Thứ hai là cần đào tạo thực hành, bớt toàn diện mà tập trung cử nhân thực hành. Thứ ba, sinh viên cần chuẩn bị cho thị trường du lịch. Ngành du lịch lương không thấp nhưng vẫn thiếu vì kiến thức đưa vào không đáp ứng được. Vì vậy cần thực hiện đồng bộ.

Bà Phan Thị Ngọc Bích, công tác tại một khách sạn thuộc IHG tại TP HCM đặt câu hỏi về kế hoạch phát triển sau đại học để chất lượng nguồn lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp?

Bà Mai Hồng Quỳ trả lời:

Nếu địa phương nào nỗ lực thì nhân lực ngành du lịch sẽ khởi sắc. Bà nêu ví dụ Novatel là đơn vị kinh doanh chuỗi nghỉ dưỡng cao cấp đặt hàng cho Hoa Sen đào tạo bồi dưỡng hộ gia đình ở vùng ĐBSCL về homestay, du lịch sinh thái… Nếu các doanh nghiệp, địa phương đều nỗ lực về việc đào tạo thì việc mỗi cá nhân là một đại sứ du lịch sẽ thành hiện thực.

Về câu hỏi của bà Bích về đào tạo sau đại học, bà Mai Hồng Quỳ cho biết tại Việt Nam, theo quy định, 100% nhân sự giảng viên đào tạo chương trình sau đại học phải có bằng tiến sĩ. Tuy nhiên số lượng tiến sĩ chuyên ngành du lịch ở Việt Nam đếm trên đầu ngón tay. Đây là khó khăn trong quá trình đào tạo.

Bà kỳ vọng với sự tháo gỡ từ Bộ Giáo dục Đào tạo, tỷ lệ tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo đại học, sau đại học có thể đạt 40%. Chúng tôi kỳ vọng mời các CEO, các nhà quản lý tập đoàn lớn tham gia vào hoạt động giảng dạy.

Ngoài ra, thạc sĩ du lịch phải có tính ứng dụng cao. Ví dụ tại Vatel, toàn bộ chương trình này không có tiến sĩ tham gia giảng dạy nhưng bằng cấp lại rất có giá trị. Thời gian tới, Hoa Sen dự kiến nhập khẩu chương trình đào tạo MBA về du lịch của Vatel.

Về du lịch, bà Quỳ cho biết MBA không phải về quản lý mà về định hướng quản trị du lịch. Hiện nay Đại học Hoa Sen đã đưa vào khối kiến thức tự chọn trong chương trình MBA này. Bà cũng bày tỏ nguyện vọng sắp tới có MBA về Kinh tế nhưng chuyên ngành về quản trị du lịch.

Nguyễn Viết Thúy, giảng viên Đại học Hutech đặt câu hỏi: Trong bối cảnh như hiện nay, chính quyền địa phương có hướng hỗ trợ nào cho doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhà hàng khách sạn?

Giảng viên đại học Hutech tham gia đặt câu hỏi trong phiên thảo luận. 

Ông Dương Tấn Hiển – Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ trả lời:

Những năm gần đây, du lịch Cần Thơ rất phát triển, với tốc độ khoảng 20% với các địa danh như chợ nổi, bến Ninh Kiều… Về cơ sở đào tạo nghề du lịch chính thống, chúng tôi có Trường cao đẳng nghề du lịch Cần Thơ. Chúng tôi hỗ trợ tạo đất sạch, cơ sở hạ tầng xung quanh, an ninh trật tự cho trường. Trường này năm nào cũng có học sinh đăng ký rất đông, không chỉ từ Cần Thơ mà còn từ các tỉnh, thành khác.

Cần Thơ hiện nay nổi tiếng là “nhà nhà làm du lịch”. Một số khu vực tại trung tâm phát triển mô hình homestay hoặc có vài ha trồng trái cây, người ta cũng mở điểm du lịch. Nhưng do tự phát, họ tự làm mà không qua đào tạo kỹ năng nào hết. Chúng tôi đang lo ngại việc này ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Cần Thơ. Nên chúng tôi cũng đang có những điều chỉnh, kết nối đào tạo họ.

Đối với chính quyền, chúng tôi cho đặt hàng dạy các môn học, bồi dưỡng kỹ năng cho hộ du lịch như kỹ năng giao tiếp: chào hỏi, giới thiệu văn hóa địa phương, cách trưng bày, nấu ăn đậm văn hóa địa phương… Người dân mà tự đi học thì không ai đi nhưng chính quyền sẽ tuyên truyền, đưa ra chính sách hợp lý. Chính sách này tạo nên mối quan hệ đa chiều giữa đại phương, trường học, hộ nông dân…

Bà Hà Thị Ngọc Oanh, giảng viên Đại học Hoa Sen đưa ra góp ý cho các bộ phận đào tạo du lịch.

Du lịch có 3 lĩnh vực là: lữ hành, nhà hàng và khách sạn. Trong quá trình du lịch trong và ngoài nước, bà nhận thấy ở trong ngành lữ hành, hướng dẫn viên là người đa tài, biết nhiều thứ: ẩm thực địa phương, di sản, danh lam thắng cảnh… Nhưng có nhiều người chưa “thuộc bài”, khi hướng dẫn du khách nói không đúng với diễn biến tại địa phương. Ví như có người nói về cầu Mỹ Thuận, đặc sản trái cây địa phương… lại không đúng. Vì vậy, sinh viên cần thực tập nhiều để sinh viên hiểu về đặc sản địa phương. Đây cũng là lý do hướng dẫn viên Việt Nam chưa được lòng du khách.

Vấn đề chăm sóc khách hàng, có nhiều hướng dẫn viên quá chú ý về hoạt náo, nhưng chưa chú tâm đến chăm sóc tâm lý du khách. Hướng dẫn viên chưa chú ý về loại hình khách để chăm sóc cho tốt, lên xe nói rất nhiều, nói to mà không để ý có du khách lớn tuổi. Giáo viên dạy sinh viên hoạt náo cần lưu ý đúng đối tượng, công ty lữ hành cũng phải chú ý vấn đề này.

Lĩnh vực thứ hai là khách sạn. Trước thực trạng có quá nhiều khách sạn lớn hiện nay, bà bày tỏ sự lo lắng vài năm nữa sẽ không sử dụng hết công suất khách sạn. Bà Ngọc Oanh hướng sự chú ý về homestay với lợi thế giá rẻ, thích hợp du lịch cá nhân – loại hình đang phát triển hiện nay. Các địa phương và đơn vị đào tạo cũng cần chú ý. Có thể mở lớp học ngắn hạn về homestay về các vấn đề như ăn, ở, tham quan địa phương, thậm chí lái xe đưa đón khách… Theo bà, đây là mảng quan trọng nhưng đang bị bỏ sót.

Cuối cùng về nhà hàng, bà cho rằng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần được lưu ý, nhất là các nhà hàng nhỏ, quán ăn, gánh hàng rong…

Kết lại Phiên thảo luận toàn thể với chủ đề “Hoạch định chính sách trong phát triển nguồn nhân lực du lịch” sáng ngày 12/4, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Du lịch TP HCM hoan nghênh những trao đổi, kể cả trái chiều, đóng góp cho Diễn đàn. Ông kết lại một số điểm nổi bật:

Thứ nhất, các ý kiến đóng góp hữu ích, chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo, nhằm gắn kết giữa đào tạo và thực hành, giúp rút ngắn khoảng cách giữa học và hành, giảm chi phí đào tạo.

Thứ hai, các trường đại học cũng đã có những chia sẻ kinh nghiệm quý giá trong công tác đào tạo, nâng chất lượng nhân lực.

Thứ ba, các địa phương đã đặt hàng, bày tỏ mong đợi trong việc hoạch định chính sách, triển khai chiến lược thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Không chỉ nguồn lực trực tiếp mà các nguồn lực gián tiếp như người dân cũng có vai trò quan trọng, cần thiết.

Thứ tư, các đơn vị, đại biểu cũng đã đề xuất các chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy hành động của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo. 

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cảm ơn các đại biểu lãnh đạo trung ương, địa phương, đại diện các trường, viện, doanh nghiệp, hiệp hội… đã tham gia đóng góp ý kiến cho Diễn đàn.

Facebook Youtube Tiktok Zalo