Đại học Hoa Sen – HSU

Dịch thuật – Con đường chông gai và đầy đam mê

Khi bạn đọc các tác phẩm văn học nước ngoài rất hay, sẽ cảm ơn tác giả đã mang đến cho bạn bao cảm xúc, bao điều mới lạ. Có lẽ thi thoảng, chỉ khi bạn hồi hộp chờ đợi từng chương của các cuốn sách “hot” như “Harry Potter”, “Twilight”… được dịch ngay khi bản gốc vừa ra đời, bạn mới chợt nhớ đến và biết ơn những người lặng lẽ chuyển ngữ giúp bạn thưởng thức một tác phẩm nóng hổi.

Biên Phiên Dịch là một nghề tuy thầm lặng, nhưng cũng đầy thử thách, đòi hỏi kinh nghiệm và kiến thức cao. Qua những chia sẻ nhận được trong Hội thảo Biên Phiên Dịch lần thứ nhất, tại Đại Học Hoa Sen tổ chức ngày 28.03.2014 vừa qua, tôi nhận thấy nghề Biên Phiên Dịch có rất nhiều điều thú vị và cần được trân trọng, tôn vinh hơn nữa.

Hội thảo đã thu hút nhiều giảng viên và dịch giả tham dự

Với hơn 20 năm giảng dạy, tham gia phiên dịch, huấn luyện cho nhiều tổ chức trong và ngoài nước, Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng (Đại học Xã hội và Nhân văn) đã có tham luận đầu tiên đề cập đến một số nguyên tắc của hậu hiện đại trong viêc đảm bảo phiên dịch thành công.  Yếu tố tác giả nhấn mạnh chính là khả năng tổng hòa ba thành tố: chủ thể tính (subjectivity), giải thích (interpretation) và thực thể ngôn ngữ (language) khách quan. Mức độ ‘mật thiết’ giữa chủ thể tính và ngôn ngữ thể hiện ở hai chiều kích: khả năng tự biết mình trong tương quan với ngữ nguồn và ngữ đích và mức độ tự tin đối với các thể loại văn bản dịch. Mối quan hệ giữa chủ thể và thực thể ngôn ngữ đòi hỏi người phiên dịch khả năng hiểu thấu đáo ngữ nguồn và ngữ đích và những đặc tính văn hóa (của hai ngôn ngữ) trước khi có quyết định về cách thể hiện phù hợp ở ngữ đích. Chẳng hạn, không thể nào dịch lời nói “turn the other cheek” của Đức Giê-su trong Kinh Thánh là “cố đấm ăn xôi” vốn có nghĩa “mặt dạn mày dày” hoặc “Good morning” là “Chào buổi sáng.” Bên cạnh đó, tác giả ngầm cho thấy người phiên dịch, bên cạnh những thể loại quen thuộc, không thể chủ quan không đầu tư nhiều công sức khi dịch các văn bản ngôn ngữ không thuộc lĩnh vực mà  người ấy từng quen thuộc. Có vẻ tương phản với yếu tố gắn kết vừa nói là yếu tố độc lập của chủ thể tính qua việc không lệ thuộc vào tính bất biến – hay “hạt nhân ngữ nghĩa vững chắc” của ngôn ngữ như đươc tìm thấy trong tự điển. Thí dụ, người dịch có thể dịch ‘aggressive’ là ‘dữ’ thay vì lệ thuộc vào nghĩa ‘hiếu chiến’ được mô tả trong tự điển. Yếu tố quyết định ở chủ thể là khả năng cân nhắc ngữ cảnh, ngôn cảnh, và mối quan hệ của các thành viên tham gia (người gởi thông tin, người nhận thông tin) trong bối cảnh thông điệp được truyền đạt trước khi có sự chọn lựa được ngôn từ thật “tốt” ở ngữ đích. Điểu này cũng không khác gì với khả năng phân biệt phần ‘xác’ và phần ‘hồn của ngôn ngữ được diễn đạt. Ngôn ngữ có thể có nhiều cách biểu hiện qua “sentences,” nhưng tính chất ‘hồn’ của nó (statement) vẫn chỉ là một. Các câu (sentences) “đồ ngu”, “chỉ số thông minh anh không cao” ,“đầu đất”, “đồ con lừa” đều có ý (statement) là “chê” sức thông minh của đối tượng trong bối cảnh giao tiếp.  Chính do những đặc tính này (không có nghĩa cố định), tác giả đã nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa trong mối tương quan với ba thành tố đã được giới thiệu. Các thành tố chủ thể, giải thích, và ngôn ngữ trong bối cảnh văn hóa là những vấn đề mà tác giả đề nghị các giảng viên bộ môn biên phiên dịch nên có nhiều quan tâm trong đào tạo. 

TS. Phạm Quốc Lộc – Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa học đang trình bày

Tại hội thảo, TS. Phạm Quốc Lộc – Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa học Đại học Hoa Sen đã trình bày đề tài “Dịch thuật với hướng tiếp cận văn hóa học”. Theo TS. Phạm Quốc Lộc, dịch thuật là một quá trình lựa chọn đòi hỏi dịch giả phải đặt sự lựa chọn của mình trên một nền tảng lý thuyết nào đó và hướng tiếp cận văn hóa học sẽ cung cấp nền tảng lý thuyết đó. Dịch giả cần hiểu những vấn đề ý thức hệ, những biểu trưng, mối quan hệ giữa các nền văn hóa, từ đó đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất, chính xác nhất trong quá trình dịch.

Dịch giả Phạm Viêm Phương ( từ trái sang phải) 

Dịch giả Phạm Viêm Phương (đại học Kinh Tế TP. HCM), gắn bó với dịch thuật hai mươi năm qua, lại chia sẻ với hội thảo kinh nghiệm trong việc dịch Việt – Anh tài liệu chuyên kinh tế. Người dịch chỉ mất vài chục phút để dịch một trang kịch bản phim, nhưng lại phải bỏ ra một vài ngày, thậm chí vài tuần để hiểu thấu đáo và dịch trôi chảy một trang tài liệu chuyên ngành. Vậy mà, số tiền dịch giả nhận được cho một trang tài liệu về kinh tế chẳng cao hơn một trang bản thảo “thị trường” là bao. Do đó, giữ được ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê học hỏi, nâng cao tay nghề dịch thuật là một bài toán nan giải trong thời buổi “kinh tế thị trường” này. Lăn lộn với nghề dịch nhiều năm cũng giúp dịch giả nhận ra “sự thiếu chặt chẽ” trong tiếng Việt so với tiếng Anh khi đề cập đến một vấn đề khoa học.

Khán giả đã nhiều lần cười thích thú khi dịch giả Mai Sơn (Trưởng ban Tu thư đại học Hoa Sen) chỉ ra những lỗi sai (trong rất nhiều lỗi sai) được anh phát hiện trong một số cuốn sách đang lưu hành.

For a moment she bent graciously, as if everyone were welcome and delightful.

Rồi bà khẽ cong mình đến ân cần (!!!), như thể tất cả mọi người trong căn phòng ngày hôm nay(?) đều được chào đón nồng nhiệt.

Từ đó, dịch giả chia sẻ hiện trạng dịch thuật tại Việt Nam, những vấn đề thiếu sót, bất cập. Ngoài ra, một số từ Hán Việt lâu nay đã bị dùng sai nghĩa phổ biến như “hỗ trợ”, “cứu cánh”, dùng thừa chữ (như “ngày sinh nhật”, “tuyển chọn”) khiến người ta có thói quen xem các từ dùng sai như một điều bình thường và chấp nhận ngôn ngữ có đời sống riêng của nó.

Khách mời tham gia trao đổi với các diễn giả

Vấn đề giảng dạy môn biên phiên dịch trong đại học là mối quan tâm của nhiều giảng viên. Tiến sĩ Nguyễn Thu Hương (chủ nhiệm bộ môn Anh-Mỹ, Đại học Hoa Sen) trình bày bài tham luận “Dịch thuật và các khuynh hướng trong giảng dạy, đánh giá và thiết kế chương trình”. Diễn giả cung cấp sáu khuynh hướng trong đào tạo biên phiên dịch vốn có thể được tóm tắt ở ba lĩnh vực: chương trình, giảng dạy-nghiên cứu và đánh giá. Ở cấp độ chương trình đào tạo, đang có nỗ lực “mềm hóa” việc tổ chức đào tạo: đào tạo theo hệ thống hai tầng (biên dịch trước, phiên dịch sau), hình thức đào tạo song song qua đó học viên phải chọn một trong hai ngành (biên dịch hoặc phiên dịch), mô hình Y (các môn nền được cung cấp trước khi học chuyên ngành biên dịch hoặc phiên dịch) và mô hình đào tạo phiên dịch ở trình độ thạc sĩ.  Ở cấp độ đào tạo, bên cạnh các môn chuyên sâu về lý thuyết và thực hành biên phiên dịch, các cơ sở đào tạo có khuynh hướng đưa thêm nhiều môn thuộc kỹ năng nền và các kỹ năng liên quan đến biên-phiên dịch như hiệu đính (editing), kỹ năng viết kỹ thuật (technical writing). Ở các kỹ năng nền, các hình thức rèn luyện khả năng nhớ không ghi chép ở ‘dịch đuổi’ (memory training in consecutive interpreting without notes) là hình thức được nhấn mạnh ở các cơ sở đào tạo ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Các kiến thức chuyên ngành về kỹ thuật, kinh tế. luật pháp được quan tâm hơn ở các đại học Bắc Mỹ và Châu Âu. Đáng chú ý hơn là các phương pháp áp dụng trong giảng dạy ngoại ngữ cũng được áp dụng trong giảng dạy dịch thuật. Các bài tập mang tính hoạt động thực tiễn (task-based) qua hình thức làm việc nhóm (group work) bắt đầu được áp dụng nhiều trong các lớp biên-phiên dịch. Song song đó, yếu tố nghiên cứu bắt đầu được nhấn mạnh trong các cơ sở đào tạo dịch thuật. Đã có những nỗ lực nhằm tìm hiểu các hoạt động xử lý dữ liệu của bộ não trong lúc phiên dịch cũng như yếu tố sáng tạo trong dịch thuật. Một khuynh hướng không thể bỏ qua khi nói đến khuynh hướng trong đào tạo chính là “kiến thức số” (digital literacy). Học viên được giới thiệu kỹ năng và kiến thức sử dụng các phần mềm trong biên dịch và phiên dịch trong thời đại số hóa. Cuối cùng, tác giả đề cập xu thế mới bắt đầu được chú trọng nhiều hơn vào cuối thế kỷ 20. Đó là việc quan tâm tìm hình thức đánh giá chính xác và đáng tin cậy hơn trong công tác đào tạo dịch thuật. Đánh giá theo chuẩn (norm-referenced assessment) và đánh giá theo tiêu chí (criterion-referencd assessment) được đề cập nhièu hơn trong các cơ sở đào tạo dịch thuật. Hình thức đánh giá theo hướng chuẩn hóa như CDI (Calibration of Dichotomous items và đánh giá theo thang của Carroll được áp dụng trong đánh giá phiên dịch.

Trong hội thảo, đặc biệt, có sự xuất hiện của một nhóm năm bạn sinh viên Hoa với báo cáo đề án “Khảo sát những khó khăn, thách thức trong phiên dịch”. Khảo sát được thực hiện với các sinh viên thuộc ngành Biên-Phiên Dịch tại Đại học Hoa sen ở các năm 2, 3, và 4. Kết quả của khảo sát cho thấy sinh viên vẫn hài lòng với chương trình biên phiên dịch. Tuy nhiên những khó khăn trong việc hiểu các thành ngữ, các kiểu nói bình dân ở ngữ nguồn và ngữ đích là thách đố lớn đối với sinh viên. Nhóm nghiên cứu đã đề xuất nên có yếu tố lồng ghép trong việc gia tăng ý thức về dịch thuật ở các môn văn chương và văn hóa vốn là những môn cung cấp thêm kiến thức cho sinh viên đạt độ thông hiểu sâu hơn các khía cạnh ngữ nghĩa của ngữ nguồn và ngữ đích.

Thạc sĩ Trương Văn Ánh (Đại học Sài Gòn) có một chia sẻ nhỏ mà bổ ích: “Dịch câu bị động Anh – Việt” qua khung tham chiếu”, giúp các sinh viên chuyên ngành biên phiên dịch có thêm kiến thức thực tế và tránh được những lỗi dịch ngô nghê. Câu vọng cổ bằng tiếng Anh thầy hát trước khi kết thúc bài báo cáo nhận được tràng pháo tay không ngớt làm “rung rinh” cả khán phòng.

Các đại học của đồng bằng Sông Cửu Long cũng góp vào hội thảo ba bài báo cáo, chia sẻ hoạt động dạy học ngành biên phiên dịch của trường. Thạc sĩ Đào Phong Lâm (Đại học Cần Thơ) để lại ấn tượng đậm nét với lối trình bày rất riêng biệt, hài hước và chất lượng. Thầy nêu những số liệu cho thấy bức tranh “chưa khởi sắc” của ngành biên phiên dịch : 81 sinh viên ngành biên phiên dịch “lứa” đầu tiên của trường  có 79 bạn tốt nghiệp đại học năm 2012, phần lớn với kết quả khá tốt, nhưng chỉ có … 8 cựu sinh viên hiện đang công tác trong ngành biên phiên dịch, một số bạn tiếp tục học, phần lớn làm việc trái ngành. Qua đó, thầy trình bày thực trạng hành nghề biên phiên dịch và cách thiết kế các hoạt động trong phương thức đào tạo nhằm giúp sinh viên làm quen và có thể chuẩn bị để đối phó với các thực trạng đó. Bài nói chuyện cũng giới thiệu được những hình ảnh và câu chuyện sống động về việc phiên dịch cabin (dịch trực tiếp) tại các hội nghị, nơi mà người dịch phải cách xa cả người nói và người cần được dịch, phải tập trung tâm trí và sức lực lắng nghe, đồng thời dịch rất nhanh nhưng vẫn phải chuẩn xác. Thầy cũng tiết lộ bí quyết riêng và độc đáo của thầy để thành công trong nghề biên phiên dịch.

The ABCDE or Đ’s Star+ Secret

ACURATE – BEAUTIFUL – COMPLETE – DIGNIFIED – EXCEPTIONAL

ĐÚNG – ĐẸP  – ĐẦY ĐỦ – ĐĨNH ĐẠC – ĐỘC ĐÁO

Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến một diễn giả tuy không có mặt trực tiếp ở hội thảo với một bài tuy không có sự chuẩn bị công phu nhưng đã làm người nghe xúc động và truyền được ngọn lửa của sự nhiệt tình, niềm đam mê, đặc biệt là đối với các sinh viên: Dịch giả Nguyễn Bích Lan (Hội Văn Học Việt Nam), với sự trợ giúp của phần mềm Skype, đã trò chuyện cùng khán giả bí quyết tạo ra được những bản dịch văn học có chất lượng, được bạn đọc cả nước tìm đọc và yêu mến. Chị lần lượt trinh bày 5 bí quyết của mình.

Thứ nhất, chị chọn các tác phẩm yêu thích để dịch chứ không đợi các nhà xuất bản đặt hàng. Điều này giúp cho chị có cảm hứng đi cùng tác phẩm từ đầu đến cuối. Thứ hai, chị tự tạo cho mình sức ép (đó là sức ép từ những độc giả thông thái và tác giả). Sức ép này luôn cạnh kề để thôi thúc chị có trách nhiệm với công việc. Tác phẩm dịch thuật phải có giá trị và đã là người dịch thì phải luôn tôn trọng tác giả. Bí quyết thứ ba của chị là khi dịch, chị đã sử dụng mọi công cụ, mọi nguồn tài liệu (internet, video, hình ảnh…, đặc biệt là mối quan hệ với chính các tác giả), không phải chỉ tra cứu từ điển. Chính vì thế, chị đã chọn các tác phẩm của các tác giả đương thời để dịch, việc liên lạc, trò chuyện với tác giả giúp chị hiểu tác phẩm một cách chính xác và thấu đáo nhất. Một bản dịch chính xác thể hiện sự trân trọng tác giả, tác phẩm và độc giả. Với bí quyết tiếp theo, chị thường “ngâm bản dịch” một thời gian, không xem đến. Sau khi đủ lâu để không còn căng thẳng và quên những gì mình đã dịch, chị sẽ đọc lại bản thảo trong tâm thế của người đọc sách, từ đó sáng suốt hơn để có thể tìm thấy những lỗi dịch của mình. Bí quyết cuối cùng là khi tác phẩm đã đến tay độc giả, qua trang mạng cá nhân, chị mời bạn đọc tìm lỗi giúp mình, mong bạn đọc đóng góp xây dựng cho bản dịch mình ngày càng tốt hơn. Chị cũng nhấn mạnh không phải lúc nào cũng áp dụng hết các bí quyết này mà cần sáng tạo tùy theo hoàn cảnh.

Theo lời chị Nguyễn Bích Lan nói, cũng như các diễn giả khác chia sẻ, dịch thuật là một con đường ít người muốn trải qua, ngoài việc mất nhiều công sức, nhưng thu nhập chưa tương xứng, có nhiều lý do khác khiến các dịch giả phải bỏ nghề. Tuy vậy, hình ảnh người con gái mảnh mai, nhỏ nhắn, không gục ngã trước số phận, trong hơn mười hai năm qua chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo để sinh tồn và cho ra đời 28 đầu sách dịch, là hình ảnh sống động nhất để các nhà dịch thuật chân chính tiếp tục vững bước, là tấm gương sáng cho các bạn trẻ, dù có theo nghề dịch thuật hay không, cũng có thể soi vào để sống và làm việc tích cực hơn. 

Ban tổ chức và khách mời chụp hình lưu niệm

Hội thảo Biên Phiên Dịch lần thứ nhất của khoa Ngôn ngữ Văn hóa học kết hợp với Phòng Nghiên cứu Khoa Học, Đại học Hoa Sen đã khép lại với sự trò chuyện thân tình giữa các diễn giả và các giảng viên, nhân viên, sinh viên tham dự. Mọi người dường như hân hoan hơn, có một cái nhìn sâu sắc và đồng cảm hơn với một nghề đầy trải nghiệm thú vị, tuy lắm chông gai nhưng cũng hết sức hấp dẫn trong niềm đam mê của những người muốn thưởng thức và sử dụng ngôn ngữ để chia sẻ.

Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa học

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo