Đại học Hoa Sen – HSU

Cùng doanh nghiệp đánh giá chương trình đào tạo Du lịch – Khách sạn – Nhà hàng

Ngày 10/9 vừa qua, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa học Trường Đại học Hoa Sen đã tổ chức một buổi hội thảo chuyên đề: Doanh nghiệp tham gia góp ý chương trình đào tạo. Mục đích của hội thảo là nhằm cùng các doanh nghiệp trong ngành Du lịchKhách sạn Nhà hàng thảo luận về các kiến thức – kỹ năng mới, theo nhu cầu xã hội và doanh nghiệp, cần đưa vào chương trình đào tạo thông qua việc xây dựng các môn học mới hoặc lồng ghép vào các môn học có sẵn.

Thầy Lê Minh Thành (Chủ nhiệm bộ môn Nhà hàng – Khách sạn) giới thiệu về mục đích của buổi hội thảo là nhằm lấy ý kiến của doanh nghiệp trong ngành Nhà hàng – Khách sạn về chương trình đào tạo (CTĐT) cập nhật. 

Tham gia buổi hội thảo ngoài các giảng viên của Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa học, Trưởng khoa TS. Phạm Quốc Lộc, và đại diện của Phòng Truyền thông, các doanh nghiệp trong lĩnh vực Du lịch – Khách sạn – Nhà hàng như:

  • Ông Trần Quốc Huy – Front Office Manager – Pullman Saigon Center
  • Ông Bùi Tiến Đạt – HR Director – Caravelle Sai Gon
  • Ông Trương Minh Toàn – DOSM (Director of Sales and Marketing) – Palm Garden Resort Hoi An
  • Ông Nguyễn Hoài Tân – Sales Director  – Savana Corporation
  • Ông Nguyễn Ngọc Minh – F& B Director – Majestic Hotel
  • Ông Trần Mai Hạnh – Manager  – The Deck Saigon
  • Ông Trần Quốc Thanh – On-trade Manager – Sola Hưng Thịnh SJC
  • Ông Nguyễn Văn Mỹ – General Director  – Công ty du lịch dã ngoại Lửa Việt
  • Bà Nguyễn Thu Giang – Contracting and Planning Deputy Manager – Cty Indochina Tourist and Trade
  • Ông Nguyễn Trần Hiếu – Inbound Tourguide  – DESTINATION ASIA
  • Ông Nguyện Đông Phương – Manager – Vietravel
  • Bà Định Thị Hồng Thắm – Branch Manager  – Công ty TNHH Le Bros
  • Bà Vi Verdy – Account Manager – Công ty METAN Co. Ltd

Ông Nguyễn Ngọc Minh – F& B Director (Giám đốc Food & Beverage) – Majestic Hotel phát biểu: “Tôi đánh giá rất cao các chương trình như I-Hotelier; Wine-Tasting, Future Chef, Grand Tour…của Đại học Hoa Sen tổ chức. Đây là những chương trình hay, đặc sắc riêng của Đại học Hoa Sen mà chưa có trường nào làm được. Bản thân tôi là thành viên CLB rượu vang mà vẫn chưa làm được một chương trình như Wine Tasting. Cách tổ chức các cuộc thi, chương trình như thế này đúng nghĩa là cho sinh viên tự học, tương tự như cách học ở nước ngoài; giúp các bạn áp dụng các kiến thức đã học vào thực tế và đồng thời sẽ học hỏi thêm nhiều kiến thức – kỹ năng khi tự tìm hiểu và làm việc – trao đổi với những người trong nghề. Bên cạnh đó, tôi đề xuất ngành Khách sạn – Nhà hàng nên sắp xếp sao để sinh viên có một tuần kiến tập trước khi đi vào các môn chuyên ngành. Thời gian một tuần này sinh viên có thể luân phiên trải nghiệm các khách sạn – nhà hàng khác nhau để quan sát và tìm hiểu môi trường thực tế (các vị trí công việc, quy trình làm việc, xử lí công việc thực tế…) tại khách sạn – nhà hàng và cân nhắc lựa chọn của mình có phù hợp hay không”.

Doanh nghiệp chia sẻ ý kiến

Ông Bùi Tiến Đạt – HR Director (Giám đốc Nhân sự) – Caravelle Sai Gon, đóng góp ý kiến: “Du lịch chuyển hướng qua Xanh & bền vững. Vấn đề du lịch bền vững và du lịch xanh đang ngày càng trở thành một vấn đề nóng bỏng trong ngành khách sạn nhà hàng hiện nay. Trường Hoa Sen nên tổ chức các projects, các hoạt động du lịch sạch & xanh, để nâng cao kiến thức và ý thức của sinh viên. Đây là chuẩn quốc tế & VN cũng đang hướng tới, đặc biệt ở TP.HCM. Ví dụ 4 năm trước thì nhân viên Caravelle hầu như không hiểu biết gì về Xanh cả, sau đó được hướng dẫn và nâng cao hiểu biết qua các buổi huấn luyện và tham gia thường xuyên vào các dự án của Caravelle hay các tổ chức quốc tế. Trường Đại học Hoa Sen nên kết nối với khách sạn (cộng đồng của khách sạn có sẵn), để sinh viên tham gia vào những hoạt động cộng đồng mà các khách sạn đang tham gia. Trong những hoạt động đó, sinh viên có cơ hội thực hiện dự án chung với các nhân viên có kinh nghiệm, học được những kỹ năng chuyên môn và kiến thức từ thực tế. Nếu sinh viên được tham gia những project này thì cấp độ trải nghiệm của các em sẽ ở tầm cao hơn – ở cấp độ quản lý của dự án chứ không chỉ là những sinh viên chạy việc lặt vặt”.

Cô Thanh Vân (chủ nhiệm chương trình Khách Sạn) trình bày chương trình đào tạo cập nhật của  ngành Khách Sạn

Cô Mạc Phùng Mùi (chủ nhiệm chương trình Nhà hàng) trình bày về chương trình đào tạo cập nhật của ngành

Ông Nguyễn Hoài Tân – Sales Director (Giám đốc Kinh doanh) – Savana Corporation, đồng ý với kỳ thực tập nhận thức mà trường Đại học Hoa Sen đang triển khai, nó giúp các m SV nhận ra được mình phù hợp với ngành này hay không qua quan sát thực tế công việc. Thực tế, cũng có vài em nhận thấy mình không phù hợp và xin chuyển ngành kịp thời, đa số các em còn lại tin tưởng hơn với lựa chọn của mình và hình dung được công việc cũng như hướng phát triển nghề nghiệp sau này như thế nào.

Ông Bùi Tiến Đạt – HR Director (Giám đốc Nhân sự) – Caravelle Sai Gon chia sẻ: “Rất hay khi Đại học Hoa Sen tổ chức buổi hội thảo như thế này. Nó thể hiện tinh thần cầu thị trong một không khí gần gũi, thân mật và rất cởi mở để các doanh nghiệp có thể thoải mái và tích cực đóng góp ý kiến. Đại học Hoa Sen đã biết cách “tận dụng” nguồn lực doanh nghiệp để phát huy tối đa nguồn lực của xã hội; đưa thêm nhiều lợi ích cho các em sinh viên. Tôi mong muốn Đại học Hoa Sen sẽ tổ chức thêm nhiều Talk show với người trong ngành, vì nhiều doanh nghiệp rất sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ các em sinh viên học hỏi thêm các kinh nghiệm thực tế”.

Phần giải thích thêm của TS. Phạm Quốc Lộc về các quy định của Bộ GD & ĐT đối với tên ngành cho phần trình bày của cô Huệ Hương (Chủ nhiệm bộ môn), thầy Hà Đình Tùng (CNCT) về phần chương trình đào tạo cập nhật của ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành

Ông Nguyễn Văn Mỹ – Giám đốc Lửa Việt Tour chia sẻ đầy tâm huyết về các hạn chế chung của chương trình đào tạo ngành Du lịch tại Việt Nam và mong muốn Đại học Hoa Sen có thể trở thành nơi đào tạo tiên phong cải tiến và thực hiện các đột phá trong đào tạo ngành Du lịch. Ông cũng cho biết sẵn sàng “đặt hàng” Đại học Hoa Sen đào tạo một lớp “nhân viên lập kế hoạch/xây dựng chương trình tour” chất lượng cao với mức học phí cao gấp 4-5 lần hiện nay. Trong đó, một phần học phí sinh viên sẽ đóng bình thường như các chương trình đào tạo khác, phần còn lại sẽ được doanh nghiệp sẽ trừ dần vào lương sau khi sinh viên ra trường làm cho Lửa Việt.

Thay mặt Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa học, TS. Phạm Quốc Lộc chân thành cảm ơn ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp và cho biết các ý kiến của các doanh nghiệp đều được ghi nhận lại và Khoa sẽ cùng các giảng viên thảo luận sâu hơn để tìm cách đưa vào chương trình đào tạo nhằm cải tiến chương trình đào tạo ngành Du lịch – Khách sạn – Nhà hàng ngày một tốt hơn (vừa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, vừa đảm bảo được cấu trúc khung chương trình đào tạo theo yêu cầu của Bộ GD & ĐT).

Phong Lan

Facebook Youtube Tiktok Zalo