Đại học Hoa Sen – HSU

Chương trình chiếu phim: “Chuyến tàu mang tên dục vọng” (A streetcar named desire)

Tuần lễ thứ ba của tháng 07.2014, cũng đồng thời tưởng nhớ tròn 10 năm ngày mất của nam diễn viên có ảnh hưởng nhất trong lịch sử điện ảnh Mỹ: Marlon Brando (mất ngày 01/07/2004), Trung tâm Đào tạo Trường Đại học Hoa Sen trân trọng giới thiệu bộ phim: “Chuyến tàu mang tên dục vọng” ( A streetcar named desire).

  • Thời gian: 19:30, Thứ Sáu, Ngày 18/7/2014
  • Địa điểm: Khán phòng Chartlot (Phòng 204, lầu 2), Trường Đại học Hoa Sen (Số 8, Nguyễn Văn Tráng, Q.1, TP.HCM).

>> ĐĂNG KÝ THAM DỰ

(Vì khán phòng có hạn xin vui lòng đăng ký khi tham dự)

Bộ phim được dựng theo vở kịch cùng tên của Tennessee Williams. Bộ phim do Elia Kazan đạo diễn, đồng thời là đạo diễn sân khấu. Vai chính: Marlon Brando, Vivien Leigh, Kim Hunter và Karl Malden; tất cả trừ Leigh đều tham gia vở kịch ở Broadway, còn Leigh diễn vai chính ở West End.

Bộ phim cũng như vở kịch xoay quanh ba chủ đề: dục vọng, nỗi cô đơn và cái chết. Câu chuyện bắt đầu khi Blanche DuBois (Vivien Leigh thủ vai) tới ở nhờ nhà em gái là Stella Kowalski và chồng là Stanley Kowalski (Marlon Brando thủ vai). Blanche DuBois, một giáo viên từ các bang miền Nam, vừa bị đổ vỡ gia đình và bị bán đấu giá tài sản, là một “tiểu thư lãng mạn kiểu Pháp” điển hình, từ cái tên cho tới cách cô nói “merci” khi cảm ơn. Stanley Kowalski thì hoàn toàn ngược lại, một con người thô lỗ và cục cằn. Khác với chị gái, Stella là một phụ nữ bình thường và thô mộc, hoặc cũng có thể cô đã cũng từng mơ mộng và kiêu kỳ một thuở xa xưa.

Trong bộ phim này, diễn xuất của Vivien Leigh quả thật là tuyệt vời. Nếu ở tuổi 26, khi đóng vai nàng Scarlett O’Hara trong Gone with the Wind (Cuốn Theo Chiều Gió), Vivien Leigh đang ở thời điểm rực rỡ nhất của nhan sắc, thì lúc hóa thân vào nhân vật Blanche DuBois năm 38 tuổi, tuy không còn lộng lẫy như trước, nhưng có thể nói Leigh đã đạt đến độ chín của tài năng diễn xuất.

Nhưng chính sự thành công của Marlon Brando trong vở kịch của Tennesse Williams đã thôi thúc Elia Kazan muốn chính mình đứng ra chuyển thể vở kịch “A Streetcar Named Disire” thành phim. Trong đó, Marlon Brando đã thể hiện nhân vật của mình như một con thú người: ích kỷ, cục súc, thô bạo, và cuối cùng dẫn đến hành vi hiếp dâm người chị vợ chỉ vì muốn thỏa mãn lòng thù hận.

“Chuyến tàu mang tên dục vọng” là phim đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Mỹ đoạt số giải Oscar kỉ lục về diễn xuất: 3 giải (trong đó 1 giải cho Nữ diễn viên chính xuất sắc dành cho Vivien Leigh, 2 giải cho Nam và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất dành cho Karl Malden và Kim Hunter).

Vũ Thủy
 

Facebook Youtube Tiktok Zalo