Đại học Hoa Sen – HSU

Chuỗi diễn thuyết về danh nhân Đạm Phương và Phan Thị Bạch Vân

Sáng 30/11, tại hội trường 903, trường Đại học Hoa Sen, đã diễn ra buổi diễn thuyết về danh nhân Đạm Phương nữ sử và Phan Thị Bạch Vân với chủ đề: “Bản lĩnh nữ quyền Việt”.

Hai diễn giả trình bày là Nhà sử học Trần Viết Ngạc và PGS.TS Võ Văn Nhơn. Buổi diễn thuyết còn có sự góp mặt của bà Võ Thị Lan – con gái của nữ danh nhân Phan Thị Bạch Vân. Đông đảo giảng viên, sinh viên Hoa Sen tham dự sự kiện.

Nha su hoc Tran Viet Ngac

TS. Bùi Trân Phương, Nhà sử học Trần Viết Ngạc và PGS.TS Võ Văn Nhơn (thứ tự từ trái sang).

Đạm Phương nữ sử: Muốn tiến tới bình đẳng, nữ giới cần có học thức rộng

Bằng chất giọng trầm ấm, truyền cảm, nhà sử học Trần Viết Ngạc tóm tắt lại những nét cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp của Đạm Phương nữ sử. Bà tên thật là Tôn Nữ Đồng Canh, sinh năm 1881. Bà là một người phụ nữ có học thức, dám dấn thân và đấu tranh không mệt mỏi cho nữ quyền thời bấy giờ. Đạm Phương nữ sử viết báo suốt 12 năm liên tục, với hơn 120 bài báo, xoay quay chủ đề: quyền lợi, địa vị của người phụ nữ trong xã hội, giải phóng phụ nữ…

Bà quan niệm: “Để bước lên cái bước thành nam nữ bình quyền, nữ giới cần có học thức rộng”.

“Nói đến gia đình trọn vẹn, xã hội tốt đẹp, tất phải nghĩ đến cái thiên chức của đàn bà. Cái thiên chức ấy, ta có thể nói vắn tắt là phải tùy theo thời thế hoàn cảnh mà cải tạo gia đình liền với xã hội, để gây lấy hạnh phúc cho xã hội vậy”.

Bà quan tâm đến việc giáo dục con cái: “Giáo dục nhi đồng là nghệ thuật của những nghệ thuật. Đối với công trình nghệ thuật này, nhà nghệ sĩ không những phải có tài, có học mà nhất là phải có đức. Nói đến giáo dục nhi đồng thì trước nhất người cha mẹ phải có giáo dục đã”.

Những tư tưởng tiến bộ của Đạm Phương sử nữ còn mang giá trị đến tận hôm nay

PGS.TS Nguyễn Văn Nhơn giới thiệu rất chi tiết về nhà văn Phan Thị Bạch Vân. Bà tên thật là Phan Thị Mai, bút danh Hoàng Thị Tuyết Hoa. Bà bắt đầu viết báo từ năm 1927 với vai trò trợ bút của Đông Pháp thời báo, chuyên viết cho phụ trương: “Phụ nữ và nhi đồng”. Bà còn dịch thuật, làm thơ trào phúng, viết đoản thiên tiểu thuyết, tiểu thuyết… Các tác phẩm của bà chứng tỏ một sự quan tâm sâu sắc đến nữ quyền. Đặc biệt, bà là người sáng lập Nữ lưu thơ quán, đặt trụ sở ở thị xã Gò Công. Thư quán có đại diện ở khắp Nam, Trung, Bắc và ở cả Pháp; xuất bản sách mỗi tháng 3 kỳ với mục đích: Trước tác, sưu tập, dịch thuật và lãnh xuất bản những cảo văn thật có giá trị về chánh trị, lịch sử, truyện ký, tiểu thuyết, phụ nữ vấn đề, nữ công, văn học, khoa học, thương mãi và thiệt nghiệp”, “lo làm sao cho đường đức dục, trí dục của chị em được mau tấn tới với thế đồ, mà hưởng lấy cái hạnh phúc chung ở buổi tối tăm, mau kíp đến cái địa vị quý đẹp chị em phải có mà chưa có được”.

Tồn tại trong vòng chưa đầy hai năm, nhưng thư quán đã xuất bản nhiều tác phẩm văn học, khoa học, giáo dục có giá trị,  góp phần truyền bá tư tưởng dân chủ, tiến bộ cho phụ nữ, thanh niên. Đây là một trong những hiện tượng phụ nữ làm văn hóa độc đáo vào bậc nhất của Nam kỳ đầu thế kỷ XX.

Trong phần thảo luận, nhiều câu hỏi thú vị được các bạn trẻ đặt ra với hai diễn giả dưới sự dẫn dắt của TS.Bùi Trân Phượng – hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen. Từ đó, làm sáng rõ nhiều bài học giàu ý nghĩa từ cuộc đời của hai nữ danh nhân. Ngoài ra, vấn đề liên quan đến “nữ quyền”, vai trò của người phụ nữ, bất bình đẳng giới cũng được đề cập.

Buổi diễn thuyết “Bản lĩnh nữ quyền Việt” nằm trong chuỗi diễn thuyết giới thiệu danh nhân, chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập trường Đại học Hoa Sen. Nối tiếp thành công này, buổi diễn thuyết về danh nhân Nguyễn Trường Tộ sẽ được tổ chức vào tháng 12 tới.

Dien thuyet danh nhan Dam Phuong va Phan thi bach Van

PGS.TS Võ Văn Nhơn và Nhà sử học Trần Viết Ngạc cùng các giảng viên, sinh viên Hoa Sen.

Huệ Vân

Facebook Youtube Tiktok Zalo