Đại học Hoa Sen

Văn Hoá & Giá trị học Khổng Giáo

ThS Bùi Nguyên Hãn

Bộ môn Triết học, Khoa KHXH, Đại học Hoa Sen

  1. Chủ thuyết văn hoá Khổng giáo

   Khổng giáo là một giáo thuyết lớn, được sáng lập bởi Khổng Tử và những học trò của ông, có sự nối tiếp của những người đi sau. Có thể khẳng định Khổng giáo không phải là một tôn giáo nếu hiểu thuần tuý theo thuật ngữ của khái niệm này. Đúng hơn đây chính là một giáo thuyết có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử tư tưởng- văn hoá Trung Hoa.

Khổng Tử luận về 5 phẩm đức của người quân tử ra sao? - DKN News

    Khổng Tử là vị tiên khởi của Khổng giáo. Tư tưởng của ông không mấy được trọng dụng khi ông còn sống, sau khi ông mất thì tư tưởng của ông mới được xem là trụ cột để xây dựng- thống trị của chế độ phong kiến. Ảnh hưởng của ông nói riêng và Khổng giáo nói chung là rất rộng lớn. Cùng với thời gian và sự thăng trầm của lịch sử, Khổng giáo đã có sức sống với sự lan toả mãnh liệt sang khu vực Đông Bắc Á – Đông Nam Á, hiện nay cũng được giới tư tưởng phương Tây hưởng ứng một cách nhiệt thành. Đặc biệt, tư tưởng của Khổng Tử mà ta có thể thấy trong các công trình của Phùng Hữu Lan, Hồ Thích đã giới thiệu..

   Khổng giáo là một chủ thuyết về tư tưởng chính trị với một hệ luân lý hoàn bị, nhưng như đã đề cập, ảnh hưởng của nó rất rõ nét trong đời sống nên người ta vẫn thường xem đây như là một tôn giáo. Ở đây nó còn bị các thế lực thống trị suy tôn để phục vụ cho lợi ích, quyền lợi của mình. Quả đúng như vậy, người đời sau cũng vì rất nhiều lý do- lợi ích đã tôn thờ Khổng Tử như một vị thánh vậy.

     Những người theo Khổng giáo (Khổng tử, Mạnh Tử, Đổng Trọng Thư…) trong hệ thống lý thuyết mà các ông lập nên có đôi chỗ khác nhau nhưng tất cả đều cố công xiển dương chủ thuyết này lên (thậm chí cực đoan) cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử; tuỳ từng bối cảnh để tạo dựng nền tảng. Trong thời đại phong kiến, chủ thuyết Khổng giáo là một hệ chủ đạo góp phần kiến tạo- thống trị hệ tư tưởng vững chắc cho đế chế Trung Hoa. Cùng với Đạo giáo, Phật giáo…nó cũng góp phần làm nên bản sắc văn hoá Trung Hoa một cách rõ nét nhất.

2. Giá trị học Khổng giáo

    Trong sự tồn tại và phát triển của mình, Khổng giáo đã hoàn thiện cả nhân sinh quan, luân lý để phục vụ cho đời sống xã hội. 

Khổng giáo bàn rất nhiều về chính trị, có thể xét đây như một kiểu văn hoá chính trị chứa đựng nhiều thành tố phức tạp, với sự lồng ghép cả sự vận hành của tạo hoá để giải thích. Chủ thuyết này bàn về thể chế, chính sách, cách thức một cách có trật tự với một chỉnh thể thống nhất để cai trị xã hội và để rồi cũng khuôn tất cả vào một mẫu của sự ổn định, nên về lâu dài nó đã trở thành một hệ tư tưởng cứng nhắc, đi rất xa so với cái ban đầu.

   Trong lòng xã hội phong kiến, Khổng giáo đã đề cao giá trị con người cụ thể trong xã hội chứ không mang tính cách cá nhân như trong Đạo giáo hay mô phạm nghiêm minh của Pháp gia. Đề cao nội lực của từng con người (chỉ người quân tử mới có) để “chính danh” thì mới “định phận” nhưng cùng với đó là việc truy tầm sự hiện hữu đích thực của bản chất con người. Khổng giáo muốn duy trì một trật tự xã hội ổn định nên rất chú trọng đến vai trò của ý thức hệ và những hoạt động xung quanh đó.

   Để tiến hành các hoạt động chính trị, Khổng giáo không tiến hành xây dựng các thể thức của sự chuyên chế như những người theo phái Pháp gia. Họ dựa vào truyền thống nên ở đây không có tính bước ngoặt cho các chính sách của sự hợp nhất nhưng lại rất quan trọng cho việc duy trì một trật tự dài lâu. Sự hiện hữu của chủ trương này trong hàng ngàn năm dưới sự tồn tại của chế độ phong kiến đã minh chứng cho giá trị của chủ thuyết này.

    Khổng giáo dựa trên sự tương quan về trách nhiệm, bổn phận và nghĩa vụ để đề ra những quy tắc của sự chuẩn mực để hành động phù hợp với lý trời lòng người. Đẩy mạnh việc duy lý cao độ trong tiến hành các hoạt động xã hội là chủ đích của học thuyết này để kết hợp giữa “danh và thực” (名和实)chứ không phải “hữu danh vô thực” (有名无实) nhằm tạo đà thúc đẩy cho các giá trị truyền thống được xem trọng và dễ bề đi vào lòng người. Xem đây là điểm đặc trưng để kiến tạo xã hội và các giá trị của luân lý nên đã khái quát và hoàn thiện trong nhiều thời điểm khác nhau của lịch sử với hệ chuẩn “ tam cương ngũ thường” để tiến hành cai trị và ổn định xã hội.

Tam Cương Ngũ Thường

    Khổng giáo đã đề xuất nên nguyên lý của việc cai trị chính là việc khuếch trương các giá trị văn hoá truyền thống để thâu tóm các thế lực và những người có tư tưởng đối lập. Bên cạnh đó chúng ta còn nhận thấy giá trị của việc duy trì hoà bình lâu dài để củng cố sức mạnh, đảm bảo an sinh cho xã hội; thiết tưởng thế giới hiện đại cũng đang cố gắng theo đuổi chính sách này như thế là cùng.

Khổng giáo rất chú trọng đến người làm chính trị, vì đây chính là mẫu người của sự cầm cân nảy mực nên không thể có những sinh hoạt như những thường dân mà phải giỏi về đường hướng cai trị, túc trí đa mưu; nhưng phải hoàn thiện về nhân cách thì mới đảm bảo một sự công bằng cho xã hội được.

     Từ một mô hình luân lý chuẩn mực đạo đức, các nhà theo chủ thuyết này đã kế tục nhau để mở rộng phạm vi của hệ chuẩn này lên bình diện của quốc gia chứ không còn bó hẹp trong phạm vi gia đình, làng xã nữa là một nỗ lực lớn trong việc vận dụng để cai trị xã hội 

     Học thuyết về chính trị ở đây còn là một sự hữu hiệu để ứng biến trước thời cuộc vốn đầy biến động chứ  không bị bó hẹp trong khuôn mẫu của sự tạo dựng mà chúng ta thường thấy ở chế độ quân chủ. Sự linh động đó cho phép –thúc đẩy sự tự do cũng như sự sáng tạo ở con người làm chính trị chứ không rơi vào thế thụ động. Nơi này không dùng thuyết này thì du thuyết đến nơi khác để thực hiện cao vọng là một điểm nổi bật cũng như hành động của chính bản thân người sáng lập là một sự điển hình.

     Các nhà lập thuyết ở Khổng giáo rất chú trọng đến “lễ” (礼) để duy trì sự ổn định, cũng để lập lại tôn ty trật tự xã hội nhưng đồng thời dựa vào đó để vãn hồi cái truyền thống xưa cũ để khuôn lại một hệ chuẩn chính lại là một lỗ hổng lớn cho sự thâm nhập của các học phái khác thâm nhập. Việc này vô hình chung đã khống chế bản năng sống ở con người nên dễ dàng nhận ra rằng sự thiếu hụt trong tâm thức lại được nhiều người thời đó và về sau tìm thấy ở Đạo giáo. Và rồi, khi Phật giáo du nhập và có chỗ đứng thì Phật giáo cũng đã bù đắp lại sự thiếu hụt này.

    Hệ chuẩn của trục “tam cương, ngũ thường” (三纲五常) được xây dựng và vận dụng triệt để trên mọi bình diện xã hội đã có sức ảnh hưởng lớn lao trong suốt chiều dài lịch sử, được hầu hết các nước quân chủ phong kiến thuộc phạm vi ảnh hưởng của nền văn hoá Trung Hoa mô phỏng theo để xây dựng quốc gia của mình nhằm tạo nên những diện mạo khác nhau đã cho thấy chân giá trị thực chất của vấn đề.

Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” ảnh hưởng trực tiếp đến tính mệnh con người thế  nào? | Học phong thủy từ cơ bản đến nâng cao tại TPHCM

    Bên cạnh đó Khổng giáo còn đề ra phương thức của sự cai trị xã hội bằng một trật tự của hình pháp nhưng không nâng nó lên thành một sức mạnh tuyệt đỉnh nên không phải lúc nào cũng hợp với thời cuộc. Trong lịch sử Trung Hoa rất nhiều thời kỳ các học thuyết  mà Khổng giáo chủ trương đã bị bài xích, hạ bệ nhiều lần.

     Lộ trình của các quan hệ cá nhân, kiểu ứng xử, lối sống phải đạt đến một trình độ nhất định thì mới đảm trách được; do vậy Khổng giáo rất chú trọng đến giáo dục (đặc biệt là ở Khổng Tử) không chỉ để trang bị kiến thức cho việc lập thân mà còn để giáo hoá nhân tâm.

    Phải có giáo dục thì con người mới trở thành mẫu người chuẩn mực và hoàn bị được. Giáo dục đào tạo ra những con người có ích cho quốc gia. Lộ trình giáo dục được giải quyết theo một trình tự có kế thừa những di sản truyền thống để lại nhưng cũng được giải thích và thêm vào cho phù hợp với thời cuộc là sự hợp thời của Khổng giáo. Thực chất ở đây ta cũng không thấy sự câu nệ hoàn toàn theo kiểu từ chương sách vở. Nhưng do phát xuất từ nền nông nghiệp nên vẫn mang nặng tâm lý tiểu nông. Học phải để làm quan, để thành danh với đời. Ảnh hưởng này vẫn còn chi phối đến tận ngày nay ở các nước vốn nằm trong vòng ảnh hưởng của Khổng giáo.

     Giáo dục mà Khổng giáo đề ra đã giúp cho con người sống, ứng xử với nhau- tự nhiên, nói chung là đề xuất các mối quan hệ rõ nét hơn để góp phần duy trì sự ổn định trong xã hội nhờ đó mà nền giáo dục này đã đào tạo ra biết bao nhiêu nhân sĩ, trí thức khoa bảng. Không chỉ có vậy nó còn tạo nên một truyền thống hiếu học ở mọi tầng lớp trong xã hội, và đã đi rất xa cái ban đầu là việc học chỉ dành cho bậc quân tử.

THỜI SỰ THẦN HỌC: “TÍN 信” TRONG TƯ TƯỞNG NHO GIÁO

   Hệ luân lý Khổng giáo được phát xuất từ những giá trị cựu truyền với những nghi lễ và thể thức tôn ti, trật tự để thông qua đó mà con người tạo dựng nền tảng bền vững cho xã hội. Ban đầu là trên cơ sở gia đình sau rồi lan toả ra thành một mạng lưới rộng khắp trong xã hội và trở thành một trụ cột vững chắc cho không chỉ văn hoá Trung Hoa. Chính nền tảng luân lý mà Không giáo tạo dựng đã ăn sâu vào tiềm thức của người Trung Hoa đã góp phần tạo nên triết lý sống, một hành động có chuẩn mực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Nó định hướng cũng như góp phần cải tạo những tàn dư gây cản trở cho sự tiến bộ của xã hội. Thiết lập một trật tự từ trên xuống để áp đặt nhằm thực thi tối đa các nguyên lý mà họ xây dựng.

      Ở đây ta thấy, chữ “Nhân” (仁) trong Khổng giáo được đặt lên hàng đầu không có nghĩa là mọi người đều được bình đẳng với những lợi ích được tôn trọng như nhau. Chữ “Nhân” ở đây không xây dựng trên nền tảng của sự tự do. Nó được xây dựng trên cơ sở tôn ti trật tự với những thứ bậc để lập nên mối quan hệ giữa người với gia đình- xã hội.

Cũng trên cơ sở đó, Khổng giáo đã tạo nên một tinh thần của sự khắc kỷ, một sự nhận thức minh triết, đời sống- tư tưởng của những bậc hiền minh đã thấm dần vào mỗi thế hệ để hướng họ đi vào quỹ đạo đã được tạo dựng mà không hề hay biết.

Tài liệu tham khảo

1. Anne Cheng (2022) Lịch sử tư tưởng Trung Quốc, Nguyễn Thị Hiệp (chủ trì dịch thuật), Nxb Thế giới

2. Trần Trọng Kim (2003) Nho giáo, Nxb Văn học

3. Phùng Hữu Lan (1999) Đại cương Triết học sử Trung Quốc, bản dịch của Nguyễn Văn Dương, Nxb Thanh niên

4. 主编 郑杭生 江立华 (2017) 中国社会思想史新编, 中国人民大学出版社

5. 瞿同祖 (2019) 中国封建社会, 商务印书馆出版

Bài viết liên quan

PHIÊN TÒA GIẢ ĐỊNH NGÀY 20/4/2024
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI – LUẬT, TRƯỜNG ĐẠI HỌC HOA SEN KÝ BIÊN BẢN GHI NHỚ HỢP TÁC NHẰM ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN ĐÀO TẠO NGÀNH LUẬT VÀ LUẬT KINH TẾ
[RECAP] HỌP HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH LUẬT – TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC
ĐẾN TẤM CÒN ĐI HỘI, SAO MÌNH LẠI KHÔNG?CÙNG “HỘI BẠN” ĐI DỰ “NGÀY HỘI”
GIAO LƯU TƯ VẤN NGÀNH TÂM LÝ HỌC VÀ LUẬT KINH TẾ QUA ZOOM ONLINE
Tại Sao ‘Uber Dành Cho Phụ Nữ’ Không Có Sự Phân Biệt Đối Xử
Buổi Trải nghiệm Field Trip Dinh Độc Lập của Lớp MCBT: “CONNECT WITH YOUR WORLD”
[RECAP] SỰ KIỆN RA MẮT TÁC PHẨM MỚI “TƯ DUY NHƯ MỘT LUẬT SƯ”
[RECAP] NGÀY HỘI TÂN SINH VIÊN – OPENING DAY K24
[RECAP] TALKSHOW “CÁC YẾU TỐ XÃ HỘI ẢNH HƯỞNG ĐẾN HÌNH ẢNH CƠ THỂ VÀ RỐI LOẠN ĂN UỐNG”
[RECAP] PHIÊN TÒA GIẢ ĐỊNH VỀ BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG TẠI TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ LÝ THÁNH TÔNG, QUẬN 8, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
[RECAP] Phiên tòa giả định ngày 20/5/2024 – Thực học và thực hành Luật của sinh viên Trường Đại Học Hoa Sen
Ngành Luật Kinh tế, Khoa Khoa học Xã hội – Luật, Trường Đại học Hoa Sen thông báo về một sự kiện đặc biệt và bổ ích: “Phiên Tòa Giả định” xét xử vụ án CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH.
[RECAP] PHIÊN TÒA GIẢ ĐỊNH: Hành trình Thực học và thực làm nghề Luật dành cho sinh viên Trường Đại học Hoa Sen
[RECAP] LỄ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC: Giữa Khoa Khoa Học Xã Hội – Luật và Tòa án nhân dân các Quận/Huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh
TALKSHOW: DỊCH VỤ CHĂM SÓC SỨC KHỎE TINH THẦN TẠI ASEAN: LỜI MỜI GỌI THAY ĐỔI
NGÀNH LUẬT KINH TẾ, TRƯỜNG ĐẠI HỌC HOA SEN HỢP TÁC VỚI CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH MỞ RA NHIỀU CƠ HỘI HỌC TẬP MỚI CHO SINH VIÊN
Facebook Youtube Tiktok Zalo