Đứng trước sự lên ngôi mạnh mẽ của các loại hình giải trí hiện đại, hàng loạt câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để di sản văn hóa từ trong sách vở hay bảo tàng thật sự sống trong tim người trẻ? Hay giữa những video TikTok, Reels hấp dẫn, làm sao để GenZ rung cảm trước các loại hình nghệ thuật dân gian, những dấu tích khảo cổ học?
Nhiều năm qua, không ít người đã nỗ lực tìm cách đổi mới phương thức truyền tải di sản văn hóa để xây cầu nối với giới trẻ. Điển hình, năm 2024, chúng ta đã chứng kiến một cuộc trỗi dậy rực rỡ của văn hóa, di sản Việt – khi mà thế hệ trẻ cùng nhau tiếp nối giá trị truyền thống và viết tiếp niềm tự hào dân tộc theo nhiều cách đặc biệt.
Nếu một nhóm bạn trẻ từng “gây sốt” khi thay đổi hệ thống nhận diện Bảo tàng Lịch sử TP.HCM thì năm 2025, TVCreate – Cuộc thi về giải case Marketing, sản xuất TVC với thâm niên 15 năm, tổ chức bởi sinh viên Khoa Marketing – Truyền thông, Trường Đại học Hoa Sen chọn cách tái hiện di sản bằng những thước phim sáng tạo, khơi dậy câu chuyện trong mỗi hiện vật một cách gần gũi, sống động. Thông qua đó, lan tỏa rộng rãi những giá trị của di sản văn hóa dân tộc.
Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết thách thức lớn nhất hiện nay của chính Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, đó là đưa đi sản đến gần hơn với công chúng, nhất là giới trẻ. Theo bà Nguyễn Khắc Xuân Thi – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Bảo tàng không chỉ lưu giữ quá khứ mà còn là nơi truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai. Nếu không có cách kể chuyện hấp dẫn, phù hợp ngôn ngữ thời đại, di sản rất dễ trở nên xa cách và ít được quan tâm.
Ra đời từ năm 2010 là một cuộc thi sản xuất phim quảng cáo (TVC) cấp trường, TVCreate đã từng bước mở rộng quy mô lẫn mục tiêu để trở thành sân chơi học thuật thực chiến trong lĩnh vực marketing và sáng tạo phim quảng cáo – nơi đông đảo sinh viên trên toàn quốc học làm nghề trước khi ra trường.
Trở lại đường đua với chủ đề “The Echoes of Legacy: Vang âm di sản”, TVCreate 2025 đặt ra bài toán “khó giải” với thí sinh và cả đội ngũ tổ chức. Lần đầu tiên, cuộc thi đặt trọng tâm vào dự án phi lợi nhuận mang tầm vóc quốc gia, đòi hỏi thí sinh cân bằng giữa yếu tố học thuật, tính khả thi, sáng tạo để “chạm” đến cộng đồng nhưng không làm mất đi giá trị nguyên bản của di sản văn hóa dân tộc.
Vũ Thị Kiều Trinh – Sinh viên năm 4 thuộc Khoa Marketing – Truyền thông, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết TVCreate là cuộc thi hiếm hoi kết hợp giữa Marketing và Sáng tạo TVC, đem đến cho sinh viên trải nghiệm toàn diện, khó nhằn nhưng rất đáng để thử. Năm 2025, cuộc thi thu gọn đội thi từ 5 xuống 3 thành viên, giúp mỗi thí sinh được thử sức ở nhiều vai trò hơn. Chủ đề năm nay cũng chính là cơ hội có “1 0 2” để người chơi vừa nâng cao năng lực bản thân, vừa góp phần xây dựng bản sắc trong dòng chảy văn hóa của dân tộc.
Một trong những thử thách lớn nhất mà nhóm phải đối mặt chính là tìm đối tác chiến lược có cùng tầm nhìn. Nếu như những mùa giải trước thường xoay quanh bài toán marketing cho thương hiệu kinh doanh cụ thể, thì TVCreate 2025 cần một đơn vị Nhà nước đang bảo tồn các di sản dân tộc.
Dưới góc nhìn của chuyên gia nghiên cứu văn hóa, TS Phạm Văn Luân hiện công tác tại Trường Đại học Văn Hóa TP.HCM, cho biết khó khăn của người trẻ trong việc tái hiện di sản truyền thống là sự tiếp nối giữa các thế hệ bị đứt gãy. Dù có thể tìm hiểu trên mạng hoặc qua sách vở nhưng nếu không được trao truyền từ bậc ông bà, cha mẹ, từ các dòng ký ức lịch sử ở những người đi trước, người trẻ sẽ khó nắm bắt cái hồn và giá trị nguyên bản của các yếu tố truyền thống.
TS Luân đánh giá cao đề án TVCreate 2025 do các bạn sinh viên HSU thực hiện, việc các bạn sử dụng các phương tiện truyền thông cũng như ngôn ngữ để thay đổi cách truyền tải về di sản văn hóa. Song để đảm bảo truyền tải “đúng chất”, thầy khuyên các bạn nên dành thời gian đi về với cộng đồng di sản, tìm hiểu và nghiên cứu, đặc biệt là kết nối, gặp gỡ những bậc cao niên, những người có hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm thực hành di sản văn hóa. Đối với các hiện vật tại bảo tàng, TS Luân cũng gợi ý các thí sinh có thể khai thác câu chuyện thông qua những nhân vật, ký ức lịch sử gắn liền với chúng.
Bà Nguyễn Khắc Xuân Thi cũng lưu ý các thí sinh phải hiểu biết và tôn trọng bản chất, giá trị di sản trước khi sáng tạo các phương thức truyền tải mới. Người trẻ nên tìm hiểu kỹ về bối cảnh lịch sử – văn hóa, tránh việc “phổ thông hóa” đến mức làm mất đi chiều sâu của di sản. Bà nhấn mạnh: “Truyền tải di sản không nên bị biến thành xu hướng ngắn hạn. Khi hiểu sâu về di sản, các bạn sẽ biết đâu là giới hạn của sáng tạo và đâu là không gian để kể lại câu chuyện theo cách của riêng mình mà vẫn giữ được tinh thần dân tộc”.
Tại Trường Đại học Hoa Sen, giáo dục không chỉ truyền đạt tri thức mà còn khai phá tư duy, vun đắp lòng yêu nước, rèn luyện bản lĩnh thế hệ trẻ trong thời đại mới. Trước thềm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hãy cùng Tuổi trẻ Đại học Hoa Sen, Ban Tổ chức TVCreate 2025 hòa vào dòng chảy của lịch sử và văn hóa dân tộc, để mỗi bước đi của chúng ta hôm nay trở thành dấu ấn đáng tự hào trong hành trình phát triển đất nước bền vững.