Đại học Hoa Sen

Những ứng dụng thú vị của công nghệ thực tế ảo

Digital Creation về công nghệ thực tế ảo VR (Virtual Reality), thực tế tăng cường AR (Augmented Reality) và các ứng dụng thực tiễn là chương trình hội thảo quốc tế do LSQ Pháp và ĐH Hoa Sen, Khoa Thiết kế và Nghệ thuật phối hợp tổ chức. Hoạt động tại Trường ĐH Hoa Sen là một phần trong Chuỗi sự kiện “Những ngày kỹ thuật số” của LSQ Pháp triển khai từ ngày 27-30/11/2019.

Sự kiện diễn ra nguyên ngày 30/11/2019 tại trụ sở chính của trường (số 8 Nguyễn Văn Tráng, Quận 1, Tp. HCM) với nhiều hoạt động triển lãm, chiếu phim và trải nghiệm công nghệ với thiết bị.

(Hình 1. Trải nghiệm AR thực tế tăng cường với ứng dụng Artivive trên bức ảnh Coco Chanel được vẽ với công nghệ Digital painting của Hoạ sỹ Phan Vũ Linh và nghệ thuật chữ viết tay Calligraphy của Hoạ sỹ Nguyễn Long (Giảng viên Khoa Thiết kế và Nghệ thuật))

Đây là một dịp đặc biệt để những người yêu công nghệ, làm việc hoặc đang theo học các chuyên ngành thiết kế đồ họa, truyền thông, làm phim… có cơ hội gặp gỡ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sáng tác kỹ thuật số cũng như các nhà đào tạo, sản xuất trong thời đại công nghệ 4.0 về một nền điện ảnh mới. Hội thảo quốc tế về “Nền điện ảnh mới và các phương thức sáng tác mới; Đào tạo làm phim hoạt hình tại Pháp” được trình bày bởi các diễn giả quốc tế đến từ nước Pháp và Việt Nam: Mr. Francoise Serre, Gilles Porte, Pascal Vuong và Anais Helie và ThS. Nguyễn Long (ĐH Hoa Sen, Khoa Thiết kế và Nghệ thuật)

Hội thảo chú trọng đến tầm quan trọng và xu hướng ứng dụng Công nghệ thực tế ảo VR để trải nghiệm mô phỏng bao gồm mục đích giải trí và giáo dục, tạo ra hình ảnh thực tế  có âm thanh với thiết bị mắt kính chuyên dụng hỗ trợ. Thêm vào đó, công nghệ thực tế tăng cường AR còn cho phép người dùng tương tác với nội dung ảo ngay trong không gian thực. Người dùng có thể chạm vào hoặc giao tiếp với nội dung ảo trên các thiết bị thông minh, chỉ cần thiết bị có cài đặt hệ điều hành Android hoặc IOS. Các nội dung thực tế ảo và thực tế tăng cường có thể là: hình ảnh, âm thanh, chữ viết, video, mô hình 3D chi tiết. Theo Mr Pascal Vương – một đạo diễn nguời Pháp, một trong những người tiên phong ứng dụng và phát huy công nghệ để tạo nên hình ảnh tổng hợp trong quá trình sáng tác làm phim từ những năm 1991: “Cần phải biết ứng dụng tính ưu việt của công nghệ, thiết bị, phương tiên tiến như: phần mềm, camera lazer (lizard Cam Review) trong quá trình làm phim để tạo ra những tác phẩm mang tính đột phá”.

(Hình 2, Hình 3. Hội thảo quốc tế “Nền điện ảnh mới và các phương thức sáng tác mới; Đào tạo làm phim hoạt hình tại Pháp” trong khuôn khổ Chuỗi sự kiện “Những ngày kỹ thuật số” của LSQ Pháp triển khai từ ngày 27-30/11/2019. Hội thảo với hơn 220 khách tham dự)

Bạn có biết trí tuệ nhân tạo ngày nay cũng có khả năng trong việc sáng tác kịch bản tự động, sáng tác âm nhạc cho phim, làm phụ đề…? Lấy một ví dụ trước đây, với ứng dụng google, quá trình hoàn tất phần phụ đề tốn kém 8000 EUR, so với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo ngay nay chỉ khoảng 600 EUR.

(Hình 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10. Những trải nghiệm vô cùng thú vị và độc đáo với thiết bị kính thực tế ảo VR để xem những bộ phim 3D chọn lọc được sản xuất tại Pháp)

Đi tắt, đón đầu xu hướng và hoà nhập với bước tiến phát triển và ứng dụng công nghệ, Khoa Thiết kế và Nghệ thuật (ĐH Hoa Sen) đánh giá việc ứng dụng VR & AR là một xu hướng tất yếu. Chương trình đào tạo trong năm 2020 của nhóm ngành Thiết kế và Quản trị Công nghệ Truyền thông sẽ được cập nhật những kiến thức mới nhất giúp sinh viên đủ tiềm lực và là những người tiên phong trong thời đại công nghệ. Cụ thể, năm học 2020, Trường sẽ mở ngành Digital Art và chính thức tuyển sinh để thêm cơ hội khai thác chuyên môn của lĩnh vực thiết kế đồ họa.

Nguyễn Anh

Facebook Youtube Tiktok Zalo