Đại học Hoa Sen

Ngành Thiết Kế Thời Trang kể Câu chuyện Cảm hứng #1 về NTK Nguyễn Minh Đức

Ngành Thiết Kế Thời Trang, Khoa Thiết Kế và Nghệ Thuật, trường Đại học Hoa Sen kể về

CÂU CHUYỆN CẢM HỨNG SỐ #1

NTK NGUYỄN MINH ĐỨC

Khoa Thiết Kế và Nghệ Thuật, trường Đại học Hoa Sen trân trọng giới thiệu

Nguyễn Minh Đức – Cựu sinh viên ngành Thiết kế Thời trang, khoa Thiết kế và Nghệ thuật, trường ĐH Hoa Sen – sinh viên có Đồ án Tốt nghiệp xuất sắc tại Fashion Creation 2020. Anh hiện là Founder/Creative Director tại Duc Studio. 
Xin mời các bạn cùng lắng nghe câu chuyện làm nghề của NTK Minh Đức sau hơn 1 năm Tốt nghiệp ngành TKTT tại trường ĐH Hoa Sen.
Chào Minh Đức, bạn có thể chia sẻ sơ lược những công việc bạn đã làm sau khi Tốt nghiệp đến nay?
Hiện tại tôi đang là một thành viên thiết kế trong Team Design tại Duc Studio. Sau khi Tốt nghiệp tôi vẫn duy trì hoạt động của Studio trong mảng thiết kế và sản xuất, hợp tác với Dang Sthlm (Sweden) về dòng Womenswear, thực hiện dự án Thiết kế phục trang, trang phục trình diễn cho tập đoàn Vingroup tại Vinpearl Phú Quốc, và gần đây nhất tôi mở rộng Duc Studio đến với Sài Gòn để xây dựng dòng thời trang ứng dụng mang tên mình. 
Cơ duyên nào đã thúc giục bạn thành lập thương hiệu Duc Studio?
Nếu mà nói cơ duyên thì tôi nghĩ chắc là bắt đầu từ lúc cuối năm 3 Đại học (năm 2018), tôi không biết vì sao tôi không còn nhiều cảm xúc với kiến thức mà tôi đã từng rất yêu, nên tôi đã quyết định tạm dừng lại 1 năm để đi trả lời cho câu hỏi của mình.
Càng tìm kiếm thì tôi càng thấy thời trang lúc bấy giờ với muôn hình vạn trạng và không như tôi nghĩ. Không phải do thời trang không còn vui nữa mà là do tôi chưa hiểu hết tính chất ngành công nghiệp này. Lúc này Sài Gòn có rất nhiều thương hiệu được thành lập và tôi không thể phân biệt được giữa rừng thương hiệu mới nổi đó, ai là ai.
Trong lúc đang lạc lối và mơ hồ với ngành thì tôi đi đến một quyết định. Thay vì tìm cách đối chọi thì tôi nghĩ đồng hành với họ có thể là con đường đi của mình, và Duc Studio ra đời từ đó. Duc Studio chuyên nhận thiết kế và sản xuất cho các thương hiệu trong và ngoài nước ở nhánh “Ready-to-wear” và “Costume” tại một Studio nhỏ ở Bình Dương.
Đến nay, Duc Studio đã hoạt động được gần 3 năm, trải qua các khách hàng trong và ngoài nước khác nhau như Toyota, Vinpearl, Dang Sthlm…. Tôi và cả team học được rất nhiều kinh nghiệm quý giá. Năm 2020, tôi quyết định quay lại Trường để tốt nghiệp bằng chính thương hiệu thời trang của mình. Tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến các kế hoạch của cả studio, do đó chúng tôi quyết định chuyển hướng rẽ Duc Studio sang một nhánh mới, đó chính là thời trang ứng dụng bằng tất cả kinh nghiệm của các lần đi trước.
Trong quá trình thành lập thương hiệu thời trang này, bạn đã có những thuận lợi và khó khăn gì?
Về mặt thuận lợi, tôi được cung cấp rất nhiều kiến thức nền tảng về thời trang thông qua việc học tập ở Trường, cũng như kinh nghiệm bên ngoài và may mắn được mọi người xung quanh ủng hộ và đồng hành qua các dự án. 
Còn về mặt khó khăn thì phải nói là vô vàn thứ. Thứ nhất, tuy tôi học Thiết kế Thời trang, nhưng tôi cảm thấy mình vẫn còn thiếu sót trong kỹ năng xây dựng thương hiệu. Tôi đã và vẫn đang từng bước trả lời và học hỏi thêm rất nhiều để có thể thành lập một thương hiệu nội địa bài bản. Ví dụ, tôi đang tìm cách trả lời câu hỏi “Tương lai bao bì của Duc Studio là gì?”. Thứ hai, thị trường thời trang nội địa tại Việt Nam đang cạnh tranh rất khốc liệt với những thương hiệu mọc lên như nấm mỗi ngày. Thứ ba, tình hình dịch bệnh đã cản trở khá nhiều cho tôi trong việc xây dựng và phát triển studio hơn nữa.
Ngoài ra, còn rất nhiều những khó khăn tôi gặp phải trong cuộc hành trình này. Tuy nhiên, một điều mà tôi phải trả lời hằng ngày, từ lúc mở Studio ở Bình Dương đến nay, đó là làm thế nào để vận hành một Studio design với nguồn kinh phí thấp?
Trong bối cảnh đầy cạnh tranh của ngành công nghiệp Thời trang Việt Nam hiện nay, vậy phong cách thiết kế nào mà bạn đang theo đuổi để tạo sự khác biệt?
Tôi không theo đuổi bất kỳ phong cách nào, nhưng “Keep fashion weird” là châm ngôn hiện tại của tôi, và tôi định nghĩa “weird = đa dạng”. Thế giới này muôn hình vạn trạng thì cái đẹp tồn tại trong nhiều trạng thái. Tôi thích theo đuổi cái đẹp đa dạng hơn là chạy theo một phong cách nào đó.
Tài năng của bạn được minh chứng qua dự án “Phú Quốc United Center – Sắc Màu Venice” hợp tác cùng tập đoàn Vingroup, bạn có thể chia sẻ những cảm xúc của mình khi nhận lời hợp tác này? Quá trình bạn thực hiện các trang phục này như thế nào?
Tôi may mắn vì được team của anh Việt Tú – Tổng Đạo Diễn show Sắc Màu Venice – biết đến thông qua bộ sưu tập Tốt nghiệp. Bốn tháng là tổng thời gian cho dự án này, từ khâu lên ý tưởng cho đến thành phẩm cuối cùng. Ngày nhìn lại quá trình, tôi đã không tin là mình và đồng đội có thể vượt qua nó. Cùng với gần 30 con người hoạt động hết công suất xuyên Tết Nguyên Đán để cho ra đời 18 bộ trang phục thành phẩm với đa phần các chi tiết đính kết thủ công bằng tay 100%, phom dáng đảm bảo công năng nhưng phải thẩm mĩ, xử lý chất liệu được giao phù hợp với hình tượng nhân vật. Bây giờ nhớ lại tôi rất biết ơn và lấy làm xúc động mỗi khi nhắc về. Vingroup là một tập đoàn lớn nên những khó khăn gặp phải đa phần là áp lực và đặc biệt là áp lực về thời gian, nguồn cung ứng và cách quản lý nhân sự, tôi học rất nhiều bài học trong dự án này và may mắn vì đồng đội tôi luôn sát cánh và hỗ trợ tôi hết mình. 
Quả là một hành trình tuyệt vời, vậy định hướng trong vòng 5 năm tới bạn sẽ làm gì để phát triển Duc Studio?
5 năm nữa, chưa bàn đến Duc Studio nhưng tôi chắc chắn ngành thời trang nước nhà sẽ rất phát triển. Tôi muốn cùng với tập thể Duc Studio có thể đồng hành với các thương hiệu thời trang nội địa khác, đem ngành thời trang của Việt Nam đến với thế giới. Chúng tôi muốn mọi người trong nước biết đến thông qua tinh thần của thương hiệu “đừng dùng chữ “Phải” để tự định nghĩa mình”.
Tôi lên kế hoạch trong 2 năm đầu, mảng “Ready-to-wear” của Duc Studio vẫn có thể tồn tại và ổn định, sau đó tôi sẽ nghĩ đến hướng quảng bá thương hiệu ra quốc tế. Bằng một cách nào đó, tôi muốn không chỉ riêng tôi mà cả Studio của tôi, bản thân mỗi người phải mạnh, phải giải quyết được phần nhiều các công việc của Studio khi không có tôi.
Sau cùng, Duc Studio may mắn được lớn lên trên một đất nước vô cùng xinh đẹp và giàu bản sắc, và cho dù 5 năm, 10 năm hay bao nhiêu lâu nữa thì sứ mệnh của chúng tôi vẫn cứ tiếp tục là những người luôn đi tìm cái đẹp và luôn tự trả lời các câu hỏi của mình, mục đích chỉ muốn làm giàu đẹp thêm cho con người, mang Duc Studio đi xa hơn trên tinh thần hòa nhập nhưng không hoà tan.

Nguồn: Ngành Thiết Kế Thời Trang

Facebook Youtube Tiktok Zalo