Đại học Hoa Sen

Đề tài nghiên cứu của Giảng viên HSU đã nghiệm thu thành công tại An Giang

Ngày 21/11/19 vừa qua đề tài: “Nghiên cứu đánh giá tiềm năng phát triển khởi nghiệp và thu hút đầu tư tỉnh An Giang” do Trường Đại học Hoa Sen chủ trì, TS. Trần Thị Út – GV Khoa Kinh tế & Quản trị làm chủ nhiệm đã báo cáo nghiệm thu thành công tại sở Khoa học và Công nghệ, An Giang.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú, An Giang có lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm và thương mại. Thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá tình hình khởi nghiệp và thu hút đầu tư tỉnh An Giang”, nhóm tác giả đề xuất một số hàm ý chính sách phát huy thế mạnh, thuận lợi sẵn có và phá vỡ các rào cản, chủ động đẩy mạnh hoạt động đào tạo khởi nghiệp để phát triển tiềm năng và thu hút đầu tư vào khởi nghiệp nhằm đưa nền kinh tế, kinh doanh của An Giang phát triển, hòa nhập vào nền kinh tế cả nước và hơn thế nữa, toàn cầu.

Buổi nghiệm thu đề tài tại Đại học Hoa Sen 

Nội dung đề tài xoay quanh 4 chủ đề chính :

  1. Nhìn lại hiện trạng khởi nghiệp và thu hút đầu tư của tỉnh trong 5 năm trở lại theo hai hướng tiếp cận: Nghiên cứu định tính thông qua buổi tọa đàm của trên 30 tác nhân khởi nghiệp và doanh nghiệp vào tháng 6/2018 và nghiên cứu định lượng qua khảo sát 30 doanh nghiệp trên toàn tỉnh từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2018..
  2. Đánh giá hệ số khởi nghiệp EM (Entrepreneurship Monitor) của tỉnh An Giang theo cùng pháp đánh giá hệ số khởi nghiệp toàn cầu, GEM (Global Entrepreneurship) cùng với 5 điểm chọn khác là Hà Nội,TP. HCM, Đà Nẵng, Lâm Đồng và Thái Nguyên, An Giang tham gia đánh giá hệ số GEM của Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hàng năm từ  năm 2013 đến năm 2017-2018.
  3. Xây dựng chương trình đào tạo khởi nghiệp trong tỉnh thông qua lớp đào tạo khởi nghiệp theo phương pháp đào tạo CEFE (Competency based Economies through the Formation of Enterprise) được VCCI giới thiệu. Đây là mô hình đào tạo kỹ năng về kinh doanh do tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ) phát triển và áp dụng đầu tiên tại Nepal. Mô hình này đã từng bước được giới thiệu và triển khai trên 80 nước tại các khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Mỹ La Tinh, Châu Phi và Châu Âu. 
  4. Tham gia với Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tuyển chọn và hỗ trợ 1 dự án khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (sản xuất dưa lưới) để nghiên cứu các rào cản và thuận lợi mà tác nhân khởi nghiệp gặp phải, qua đó đề xuất một số chính sách giúp tác nhân khởi nghiệp qua đó đề xuất một số chính sách giúp tác nhân khởi nghiệp qua đó đề xuất một số chính sách giúp tác nhân khởi nghiệp thành công.

 Kết quả nghiên cứu cho thấy tiềm năng khởi nghiệp về du lịch và nông nghiệp tại An Giang rất lớn, nhưng do một số rào cản và chưa xây dựng được tinh thần và văn hóa khởi nghiệp đủ mạnh để phát triển. Cho dù quan điểm xã hội tại An Giang đã ngày càng thuận lợi khi ngành nghề kinh doanh là ngành đáng mơ ước và doanh nhân thành công được đánh giá cao.

Về hệ số khởi nghiệp và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ số khởi nghiệp An Giang qua góc nhìn của người trưởng thành thì tỷ lệ khởi nghiệp sớm tức tỷ lệ dân số tuổi lao động tham gia sớm vào khởi nghiệp hay khởi nghiệp trong giai đoạn 3,5 năm đầu (qua tỉ lệ TEA, Total Early Stage Entrepreneurial Activity) của An Giang cao hơn toàn Việt Nam. Một điểm khác là người trưởng thành tại An Giang tin tưởng vào “kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm” của bản thân để bắt đầu một hoạt động kinh doanh cao hơn so với các nơi khác. Tuy vậy động cơ khởi nghiệp dù là để tăng thu nhập hay để được độc lập thì lại là điểm trừ so với nơi khác.Về hệ sinh thái khởi nghiệp, tức môi trường vĩ mô hỗ trợ khởi nghiệp thì theo các chuyên gia An Giang nhân tố tài chính và giáo dục bậc phổ thông là hai nhóm cản ngại đến môi trường khởi nghiệp tại An Giang (vấn đề huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu lần đầu; nguồn vốn đầu tư mạo hiểm; nguồn vốn từ chính phủ; nhà đầu tư cá nhân). Về áp dụng công nghệ mới hỗ trợ từ cơ sở khoa học công nghệ cũng được đánh giá chưa đạt trung bình (3.9/9 điểm), các yếu tố dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cũng bị cho là chưa đạt trung bình (3.7/9 điểm).

Phát biểu tại buổi nghiệm thu đề tài, TS. Nguyễn Thị Phương Nhung – Phó trưởng khoa Khoa KT&QT cho biết ” Xây dựng môi trường nghiên cứu khoa học ứng dụng hiện đại với mục tiêu trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân” và “phát huy năng lực sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp của sinh viên”, đề tài của TS. Trần Thị Út và cộng sự là một trong các hướng nghiên cứu nhà trường đang khuyến khích phát triển trong tương lai.

Buổi nghiệm thu đề tài tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang

Từ kết quả nghiên cứu đề tài đề xuất các hàm ý chính sách để phát triển như sau:

  1. Cải thiện môi trường đầu tư cần có chính sách thông thoáng, tác nhân khởi nghiệp đễ dàng tiếp cận  các định  chế tài chính.
  2. Về cơ chế tổ chức: đề nghị các hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp kinh doanh qua hệ thống quản lý của Sở Kế hoạch & Đầu tư và tổ chức cơ chế một cửa để tác nhân khởi nghiệp dễ dàng trong các thủ tục hành chánh, xây dựng doanh nghiệp.
  3. Về cơ sở hạ tầng: hỗ trợ ươm tạo hiện nay chỉ có 1 trung tâm ươm tạo tại Tỉnh, cần tổ chức mở rộng hệ thống ươm tạo rộng khắp theo cụm tuyến xã, huyện để tạo điều kiện dễ dàng cho tác nhân khởi nghiệp tại địa phương và nhất là xây dựng hệ thông mentors, hỗ trợ người khởi nghiệp.
  4. Về đào tạo khởi nghiệp, trong khi chờ đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình đào tạo đưa giáo dục kinh doanh, khởi nghiệp vào giáo dục Trung học phổ thông, các hoạt động nói chuyện chuyên đề, tác động khởi nghiệp trong việc phát triển kinh tế và các tấm gương khởi nghiệp thành công điển hình cần nhân rộng. Để có phát triển hết tiềm năng  khởi nghiệp và thu hút đầu tư tại An Giang, hoạt động đào tạo khởi nghiệp cần tổ chức định kỳ thường xuyên theo từng quý qua hệ thống rộng khắp từ đào tạo khởi nghiệp tại các cấp ấp, xã, huyện, tỉnh với sự tham gia của các Hội, Đoàn thể địa phương để phát triển được tiềm năng khởi nghiệp toàn tỉnh.
Facebook Youtube Tiktok Zalo