Đại học Hoa Sen

Seminar Triết học “Tồn tại hay là sống?”

Từ 16h00 - 18h00, thứ Tư, ngày 10/03/2021
Phòng 507, trường Đại học Hoa Sen, số 8 Nguyễn Văn Tráng, Q.1, TP.HCM

Bộ môn Triết học trường Đại học Hoa Sen tổ chức buổi Seminar Triết học định kỳ lần thứ 2 với chủ đề “Tồn tại hay là sống?
– Diễn giả: Hoàng Phú Phương – Tổng biên tập Công ty sách VanLangBooks
– Thời gian: 16g00 – 18g00, thứ tư – ngày 10/03/2021
– Địa điểm: Phòng 507, trường Đại học Hoa Sen, số 08 Nguyễn Văn Tráng, phường Bến Thành, Quận 1

 

SƠ LƯỢC VỀ DIỄN GIẢ

Hoàng Phú Phương tốt nghiệp Thạc sĩ Triết học năm 2012 tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Quan tâm chính của ông về triết học gồm siêu hình học, nhận thức luận, triết học Đức và lịch sử triết học qua các trường phái tư tưởng lớn. Là người chuyên môn về Triết học, ông hướng tới việc truyền tải tư tưởng triết học thế giới qua việc dịch các tác phẩm triết học kinh điển cũng như những sách về các trường phái, triết gia cụ thể. 

Các dịch phẩm tiêu biểu của ông gồm Những mục tiêu của Giáo dục (dịch chung), Từ điển triết học Kant, Từ điển triết học Hegel (dịch chung), bộ Tư duy Critical Thinking (6 tập), Khổng tử Tinh hoa, và sắp được xuất bản gần đây nhất là Thân phận Làm người của Hanna Arendt, Một nghiên cứu về giác tính con người của David Hume, Để hiểu Triết học Đức, Để hiểu thuyết Duy lý, Để hiểu thuyết Duy nghiệm, Để hiểu Hiện tượng học, Để hiểu Thông diễn học và Để hiểu thuyết Hậu hiện đại..

Hiện ông đang là Tổng biên tập của công ty sách Vanlangbooks vừa mới biên tập và cho xuất bản bộ sách 9 quyển về những nhà tư tưởng lớn trong 60 phút gồm Hegel, Kant, Smith, Sartre, Freud, Heidegger, Rousseau, Habermas, Nietzsche.

SƠ LƯỢC NỘI DUNG SEMINAR

Ý nghĩa cuộc đời dưới góc nhìn triết học hiện sinh

“Vấn đề nghiêm trọng thực sự duy nhất của triết học là…. đánh giá xem cuộc đời này có đáng hay không đáng sống?”
– Albert Camus

Chúng ta tồn tại như “cỏ cây”, sống đời sinh học như “muông thú”. Song, là con người, ta luôn cảm thấy sự sống của mình còn nhiều hơn thế, chứ không chỉ tồn tại như cái bàn kia, cái cây nọ. Là con người, ta tận hưởng cuộc sống này đầy thích thú, chỉ khi gặp trắc trở, rơi vào tuyệt vọng, chán chường hay khi đã no đủ mọi sự, ta mới dừng lại để hỏi: cuộc đời này có nghĩa gì không? Nếu có, nó là gì, ta phải tìm nó ở đâu? Còn nếu không, ta phải sống sao cho trọn kiếp người?

Tôn giáo trả lời rằng có, và ta tìm được ý nghĩa nơi Thượng đế đầy tình yêu thương.

Nhà tâm linh-huyền học trả lời rằng có và nó nằm trong mối quan hệ giữa linh hồn bất tử của ta với cõi tâm linh.

Nhà văn (Tolstoy) trả lời rằng có, và nó nằm nơi một loại nhận thức phi lý tính mà ta gọi là “tin”.

Nhà khoa học duy nhiên nói không có lĩnh vực tâm linh nào cả, mà ta phải tìm ý nghĩa cuộc đời ngay trong cuộc sống trần gian này với những ý nghĩa chủ quan mà ta cho là có giá trị.

Các triết gia trả lời vừa có vừa không. Schopenhauer nói rằng ý nghĩa cuộc đời chính là việc hãy phủ nhận ý nghĩa cuộc đời; Kierkegaard xem việc vâng phục ý chúa mới là ý nghĩa cuộc đời; Còn với Nietzsche, ý nghĩa cuộc đời nằm ngay trong ý chí-vươn tới-quyền lực.

Có lẽ, đặc sắc hơn là quan niệm của triết học hiện sinh của Jean Paul Sartre với câu trả lời “Không” một cách tích cực rằng chính ta mới là người tạo ra ý nghĩa cuộc đời cho ta bằng sự tự do và trách nhiệm của mình.

Ta hãy cùng theo chân các triết gia và các trường phái tư tưởng triết học lần theo công cuộc truy tầm đầy ý nghĩa này.

image image image