Đại học Hoa Sen

Buổi diễn thuyết về nhà bác học Marie Curie

Lúc 9h00, thứ hai, ngày 10/10/2016
Phòng NZ605 (lầu 6), Trường Đại học Hoa Sen, số 08 Nguyễn Văn Tráng, Q.1, Tp.HCM

Hoạt động này nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập trường Đại học Hoa Sen. 

Nội dung chương trình: 

  • Diễn giả Giáo sư Pierre Darriulat chia sẻ về nhà bác học Marie Curie
  • TS. Bùi Trân Phượng chia sẻ cách ứng dụng những thành công của nhà bác học Marie Curie trong cuộc sống
  • Giao lưu & thảo luận
  • Đặc biệt: 10 phần quà thú vị là 10 quyển sách hay sẽ được BTC trao tặng cho 10 bạn đặt câu hỏi nhanh và diễn giả chọn là hay nhất.

Đôi nét về diễn giả Giáo sư Pierre Darriulat:

Giáo sư Pierre Darriulat (sinh năm 1938) là một nhà vật lý hàng đầu quốc tế, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp từ năm 1986. Từ năm 1979 đến năm 1987 ông là người phát ngôn của thí nghiệm UA2 nổi tiếng tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) nhằm tìm ra các hạt boson W± và Z0 trong lý thuyết thống nhất tương tác yếu và tương tác điện từ. Từ 1987 đến 1994 ông là giám đốc nghiên cứu tại CERN. Năm 1998, sau khi nghỉ hưu, giáo sư P. Darriulat sang Việt Nam sinh sống. Tại đây ông đã thành lập phòng thí nghiệm vật lý tia vũ trụ đầu tiên của Việt Nam đặt tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân. Phòng thí nghiệm VATLY được thành lập từ năm 2001 với phần lớn trang thiết bị của phòng được Giáo sư mang về từ những thí nghiệm đã hoàn thành tại Trung tâm hạt nhân Châu Âu, những nghiên cứu ban đầu của phòng nằm trong khuôn khổ hợp tác với Đài thiên văn Pierre Auger.

GS.Pierre Darriulat không chỉ là một nhà cố vấn đơn thuần, mà ông còn trực tiếp tham gia vào công tác đào tạo các nhà khoa học trẻ say mê với ngành vật lý thiên văn. Trong suốt thời gian qua, ông cùng các cộng sự tại phòng thí nghiệm VATLY  đã trực tiếp đào tạo được 5 nghiên cứu sinh, 9 thạc sĩ và 12 sinh viên tốt nghiệp đại học. Bên cạnh đó, ông và các cộng sự đã tích cực tham gia giảng dạy tại các trường đại học, các lớp học mùa hè tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM; tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực tập sinh viên tại đại học Pháp Việt.

Với những đóng góp quý báu, sự cống hiến không mệt mỏi dành cho KH&CN, Giáo sư đã được nhận phần thưởng cao quý của Nhà nước Việt Nam.

Tóm tắt tiểu sử Marie Curie

Marie Curie là nhà vật lý học, nhà hóa học Pháp gốc Ba Lan. Bà sinh vào tháng 10/1867. tại Warsaw, Ba Lan. Ngay từ nhỏ, bà đã bộc lộ tư chất thông minh hơn người và không chùn bước trước bất cứ một khó khăn, thử thách nào để đến với thế giới khoa học rộng lớn, bí hiểm và lý thú. Vì chính phủ Ba Lan thời đó không nhận phụ nữ vào học đại học, Marie Sklodowska đành phải học tại “Trường đại học lưu động” do một số trí thức yêu nước bí mật ở Ba Lan lập ra.

Để có tiền đóng học, Marie phải làm gia sư. Sau 5 năm làm gia sư, khi đã 24 tuổi, nhờ sự giúp đỡ từ người chị cả Marie được sang Paris học tại Trường đại học Sorbonne. Chỉ một thời gian ngắn sau khi đến Paris, Marie đã nhanh chóng trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất của Trường đại học Sorbonne. Ngay khi đang còn là sinh viên năm thứ ba Marie đã được cấp bằng Thạc sĩ Vật lý và đến năm thứ tư được cấp tiếp bằng Thạc sĩ Số học. Ngoài ra, Marie còn nói, viết thành thạo các thứ tiếng: Pháp, Nga, Anh, Đức.

Chính trên con đường gập ghềnh và chông gai chinh phục đỉnh cao khoa học, Marie klodowska đã gặp và kết hôn với một nhà khoa học danh tiếng của Pháp: Pierre Curie.

Ngót chục năm sau, hai vợ chồng Curie phát hiện ra một nguyên tố phóng xạ mới có cường độ phóng xạ mạnh gấp 400 lần so với Urani nguyên chất. Ít lâu sau, hai vợ chồng lại phát hiện thêm nguyên tố có cường độ phóng xạ cực mạnh, đó là Radi.

Sau bốn năm trời với hàng ngàn thí nghiệm, hai vợ chồng Curie đã luyện thành công chất Radi. Với thành công này, năm 1903. Viện Khoa học Hoàng gia London trao tặng hai ông bà Huy chương Devy và một tháng sau Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển trao tặng hai người giải thưởng Nobel Vật lý. Trường đại học Paris phong tặng bà Marie Curie danh hiệu Tiến sĩ khoa học Vật lý xuất sắc.

Năm 1911 Marie Curie lại một lần nữa nhận giải Nobel Hóa học. Chính phủ Pháp quyết định tặng bà Huân chương Bắc đẩu bội tinh.

Ngày 14 tháng 7 năm 1934, Marie Curie qua đời. Các bác sĩ cho biết, bà bị trúng độc Radi. Do bị bức xạ lâu dài, nội tạng của bà bị tổn thương nghiêm trọng.Thi hài của bà được mai táng tại ngoại ô Paris, bên cạnh Pie Curie.

image image image