Đại học Hoa Sen

Seminar Triết học “Hành trình thành tựu chính mình: Từ Triết học đến Tâm lý học”

Lúc 17h00 - 19h00, thứ sáu, ngày 16/04/2021
Phòng 407 (lầu 4), trường Đại học Hoa Sen, số 8 Nguyễn Văn Tráng, Q.1, TPHCM

Bộ môn Triết học, trường Đại học Hoa Sen tổ chức buổi Seminar Triết học định kỳ lần thứ 3 với chủ đề “Hành trình thành tựu chính mình: Từ Triết học đến Tâm lý học” vào lúc 17h00 ngày 16/04/2021 tại trụ sở Nguyễn Văn Tráng. 

SƠ LƯỢC VỀ DIỄN GIẢ

Lê Nguyên Phương tốt nghiệp chương trình Tiến Sỹ Lãnh Đạo Giáo Dục chuyên ngành Tâm Lý Giáo Dục tại Đại Học Nam California (University of Southern California – USC). Ông hoạt động trong lãnh vực Tâm Lý Học Đường cho Học khu Long Beach miền Nam California gần 20 năm và là giảng viên thỉnh giảng bán thời gian tại Đại Học Tiểu Bang California tại Long Beach (California State University – Long Beach) và Đại Học Chapman từ năm 2007 đến năm 2016 trong chương trình cao học Tâm lý và Tham vấn Học đường. 

Năm 2011, ông là người đầu tiên nhận Giải Thưởng “Người Thực Hành Tâm Lý Học Đường Quốc Tế Kiệt Xuất” (Outstanding International School Psychology Practice) của tổ chức Tâm Lý Học Đường Quốc Tế (International School Psychology Association – ISPA). Từ năm 2014 đến 2019 ông là chuyên gia Fulbright của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ với đề án tại Đại Học Sư Phạm Huế năm 2014. 

Năm 2018, bộ sách “Dạy Con Trong Hoang Mang” của ông xuất bản tại Việt Nam đã được trao tặng Giải Sách Hay mục giáo dục. Với gần 15 năm vận động xây dựng ngành Tâm lý học đường tại Việt Nam, ông cùng các bạn Hoa Kỳ thuộc tổ chức Liên Hiệp Phát Triển Tâm Lý Học Đường Thế Giới (Consortium to Advance School Psychology – International) đã đóng góp vào việc phát triển ngành này tại Việt Nam với 6 chương trình hội thảo quốc tế và việc soạn thảo chương trình đào tạo ngành này tại Đại Học Sư Phạm và Đại Học Giáo Dục Hà Nội. 

SƠ LƯỢC VỀ NỘI DUNG SEMINAR

Hành trình thành tựu chính mình (self-becoming) là một khái niệm và chủ đề quan trọng không chỉ của Triết học Hiện sinh từ Soren Kierkegaard đến Frederic Nietzsche mà còn của Tâm lý học, chẳng hạn Carl Jung hay Carl Rogers.  

Được xem như người khởi đầu của nền triết học hiện sinh hữu thần, Soren Kierkegaard cho rằng hành trình chuyển hóa của mỗi con người phải đi qua 03 giai đoạn, hiếu mỹ, đạo đức, và tâm linh. Mỗi giai đoạn này đại diện một quan điểm khác nhau về đời sống để rồi ở giai đoạn cuối cùng, con người thành tựu là con người thể nhập với Thiên Chúa hay sự thể hiện Thiên Chúa tính trong đời sống của mình. Mỗi giai đoạn phát triển cao hơn đều hàm chứa giai đoạn trước nó để rồi với giai đoạn cao nhất, con người biết yêu thương nhân loại với tất cả tính cách linh thánh và trần tục của con người vượt qua mọi kỳ vọng lý trí của kẻ phán xét. 

Nếu con người tựu thành của Kierkegaard cần phải nối lại quan hệ với Thiên Chúa thì Nietzsche khởi đầu tiến trình tựu thành con người vượt lên trên chính mình với sự một khẳng quyết, Thiên Chúa đã chết. Sự tựu thành của con người theo Nietzsche được biểu tượng bằng khái niệm con người thượng đẳng (ubermensche), một tiểu thượng đế tự tạo những giá trị cho riêng mình. Con người vượt lên người lại khởi đầu với con người xã hội, kẻ tuân phục những giá trị của xã hội và văn hóa. Thường bị cố ý hiểu lầm bởi chế độ Đức Quốc Xã và các nhóm cực hữu như biểu tượng của dân tộc thượng đẳng thống trị các dân tộc khác, con người tựu thành của Nietzsche thật ra là đứa trẻ thơ hồn nhiên hân hưởng trọn vẹn cuộc sống trong tinh thần chấp nhận trọn vẹn thế giới và tha nhân như được mô tả trong tác phẩm “Zarathustra đã nói như thế” của ông.

Về phía Tâm lý học, mục đích tối hậu của một con người theo Carl Rogers là việc tự hiện thực hóa (self-actualization) thông qua tiến trình nhận diện và biểu lộ mọi năng lực và sáng tạo nội tại của chính mình. Kết quả là sự thống nhất của cái ngã lý tưởng và cái ngã hiện thực. Trong khi cái ngã lý tưởng là sản phẩm của sự mong cầu về cái ta phải/cần trở thành thì cái ngã hiện thực hay chân thực là sản phẩm cụ thể và tổng thể của các yếu tố sinh học, giáo dục, xã hội, và văn hóa. Sự chấp nhận chúng ta như chúng ta đang là, cả hai mặt tích và tiêu cực, là hành trình đi đến việc tựu thành một bản thể nhất quán và trưởng thành. Điều thú vị của Rogers là nhận định của ông ta về diễn trình hiện thực hóa này. Rogers cho rằng đời sống phong phú, sinh động, và giá trị nhất khi chúng ta chấp nhận mọi trải nghiệm được biểu hiện trong diễn trình tuôn chảy bất định và bất trắc về một mục tiêu mà chính chúng ta cũng không thể ý thức minh bạch. 

Carl Jung cũng đề xuất một diễn trình thành tựu của một cá nhân mà ông ta gọi là cá nhân hóa hay tựu thành tự ngã (individuation), sự thống nhất của các thái cực và sức mạnh năng động hướng dẫn mỗi cá thể trong suốt cuộc đời. Đây là tiến trình tự hiện thực chính mình, khám phá ý nghĩa và mục đích sống để trở thành chính mình với ý nghĩa trọn vẹn nhất. Các thái cực thống nhất là tâm thân, sông chết, ý thức và vô thức, cá nhân và tập thể, linh thánh và phàm phu. Khác với các triết gia và nhà tâm lý khác, Jung cho rằng tiến trình này chỉ xảy ra trong nửa đời còn lại khi con người chấp nhận cái chết, tìm ý nghĩa của sự sinh tồn và hiện hữu của mình ở trần gian trong khi nửa đời trước chúng ta còn mãi quan tâm đến việc bành trướng bản ngã và tiếp nhận những lề thói của xã hội.   

Trong bài nói chuyện này, diễn giả đồng thời cũng đề nghị tiến trình Lục Tự (SixSelf) như một mô hình cho diễn trình thành tựu bản thể với bước đầu là Tự Thức và đích cuối cùng là Tự Do: tự do với vật, tự do với người, và tự do với chính mình. 

image image image