Đại học Hoa Sen

Seminar “Sức mạnh mềm trong Quan hệ Quốc tế”

09:00-11:30 Thứ Bảy, ngày 12 tháng 01 năm 2019
Phòng 204, trụ sở chính, 8 Nguyễn Văn Tráng, P. Bến Thành, Q.1

Hãy bắt đầu bằng một câu nói quen thuộc: “Anh yêu em!”. Thế nhưng anh yêu em ra sao, bao lâu và như thế nào là một câu hỏi đau đầu dành cho những kẻ si tình! Tình yêu cũng như muôn ngàn khái niệm khác nhau trong xã hội chúng ta, như quyền lực, sự ảnh hưởng, sự hấp dẫn,… đều rất gần gũi, nhưng để hiểu rõ về nó tường tận lại tưởng chừng như “bất khả tư nghị”. Với mong muốn giới thiệu những góc nhìn, cách tiếp cận thú vị từ ngành Quan hệ quốc tế, buổi nói chuyện sẽ mang đến công chúng một khái niệm tương đối phổ biến trong thời gian qua, đó là Sức mạnh mềm (Soft Power). Đây là khái niệm được Giáo sư Joseph Samuel Nye, Jr. , Đại học Harvard giới thiệu trong những năm cuối thế kỷ 20 – đầu thế kỷ 21. Theo GS. Joseph Nye, sức mạnh mềm là một loại năng lực có thể giúp một quốc gia – dân tộc đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn, thu hút đến từ các giá trị về văn hóa, chính trị cũng như các chính sách đối nội và đối ngoại. Đặc điểm nổi bật của sức mạnh mềm xuất phát từ sự công nhận của nước khác và cộng đồng thế giới đối với những phẩm chất, năng lực của một quốc gia. Để có được sự công nhận này quốc gia đó phải có khả năng truyền bá quan điểm và giá trị của mình bằng những phương tiện và hành động có sức thu hút và lôi cuốn tình cảm. Cũng như tình yêu, sức mạnh mềm, sẽ là một vấn đề gợi mở, không chỉ dành cho những nhà làm chính sách, chính trị gia, giới nghiên cứu,… mà ngay cả những người dân bình thường cũng băn khoăn khi suy ngẫm về đất nước mình. Làm thế nào một quốc gia có thể gia tăng vị thế, tạo dựng sự ảnh hưởng một cách thuyết phục trong mối tương tác quyền lực giữa các quốc gia? Hãy đến và cùng thảo luận về sức mạnh mềm, đặt biệt khi hướng về chính Việt Nam trong sự hội nhập quốc tế thời kỳ Toàn cầu hóa. Và biết đâu, sau buổi trò chuyện, mỗi người trong công chúng cũng có thể khám phá trong chính bản thân mình một sức mạnh mềm tiềm ẩn nào đó?

Một số tài liệu tham khảo dành cho công chúng:

1. Trần Nguyên Khang. 2018. Sức Mạnh Mềm Của Pháp – Những Vấn Đề Lý Luận Và Thực Tiễn. NXB Chính Trị Quốc Gia Sự Thật.

2. Hoàng Khắc Nam. 2011. Quyền lực trong quan hệ quốc tế – Lịch sử và vấn đề. NXB Văn hóa và Thông tin.

3. Moise Naim. 2017. Sự suy tàn của quyền lực. NXB Hồng Đức.

4. Nye, Joseph. S. 2017. Tương lai của quyền lực. NXB Thông tin và truyền thông.

5. Nye, Joseph. S. 2018. Quyền lực mềm. NXB Tri Thức.

Tài liệu Website:

6. Nye, Joseph (2006), “Think again: Soft Power”, Foreign Policy, http://foreignpolicy.com/2006/02/23/think-again-soft-power/, truy cập ngày 6/12/2014.

7. Nye, Joseph S. (2012), “China’s Soft Power Deficit To catch up, its politics must unleash the many talents of its civil society”, The Wall Street Journal, http://www.wsj.com/articles/SB10001424052702304451104577389923098678842, truy cập ngày 6/12/ 2014.

8. David Rothkopf (1997), “In praise of Cultural Imperialism”, Foreign Policy, 45-49, http://www1.udel.edu/globalagenda/2004/student/readings/rothkopfimperial…, truy cập ngày 24/8/2016.

9. Shobhan Saxena (2009), “How to be a cultural superpower”, Times of India, http://timesofindia.indiatimes.com/home/sunday-times/deep-focus/How-to-b…?, truy cập ngày 4/3/2016.

image image image